Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Nhận thức Phật giáo về thiên đường và địa ngục

Theo Đức Phật thiên giới (thiên đường) và địa ngục không phải là những nơi chốn mà con người được ký thác sau khi chết, mà là những thái độ của tâm thức điều ta có thể kinh nghiệm ngay bây giờ. Nói một cách đơn giản, nếu có hạnh phúc thì bạn đang ở cõi thiên đường, nhưng nếu đau khổ thì bạn đang ở trong địa ngục. Tất nhiên là nó không chỉ đơn giản như vậy. Vậy chúng ta hãy tự hỏi thiên đường và địa ngục có nghĩa là gì.

Bài viết của Hòa thượng K.Sri Dhammananda. Đăng Nguyên dịch

Nguồn: audio.buddhistdoor.com

Một trong những vấn đề cổ xưa nhất thách thức nhân loại là câu hỏi về đời sống sau khi chết. Chúng ta đã từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? Cùng với đó chúng ta tự hỏi mục đích của đời sống tốt là gì. Trước hết, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng sống tốt thì khó hơn sống xấu và nếu không có những lý do thật sự tốt chúng ta dĩ nhiên sẽ thích làm điều dễ. Theo suy nghĩ của tôi, đây là lý do tại sao các tôn giáo có mặt và đi cùng với chúng là những khái niệm về thiên đường và địa ngục. Hành xử tốt được hứa hẹn có được phúc lạc vĩnh cữu ở trên thiên đường trong khi hành xử xấu ác bị cảnh báo với một sự trừng phạt vĩnh cữu ở một nơi chốn khác. Với vũ khí song đôi hứa hẹn và đe dọa như vậy, con người buộc phải hành xử theo một cách thức mà nó đem lại lợi ích cho xã hội.

Tuy nhiên, ở một mức độ phát triển tâm thức cao hơn và sự trưởng thành về tinh thần người ta được thôi thúc sống một cuộc đời cao quý vì nó nâng cao phẩm giá của họ và việc hành xử đúng đắn mang lại những phần thưởng của chính nó. Để làm điều này con người được hướng dẫn phát triển một sự hiểu biết đầy đủ về bản chất hiện hữu của họ và nhận thấy rằng khả năng cao nhất của họ không phải vì sợ hãi sự trừng phạt mà bởi hạnh phúc chân thật dài lâu có được từ việc theo đuổi một lối sống cao quý. Mục đích của lời dạy này là khuyến khích người ta sống một đời sống lương thiện cho chính họ và điều này một cách tự nhiên bảo vệ và đảm bảo lợi ích của những người xung quanh.

Phương pháp thứ hai này là điều Đức Phật dạy. Theo Đức Phật, việc chỉ hành xử theo những luật lệ tôn giáo để vào thiên đường là không đủ. Người ta phải tu tập tinh tấn để phát triển tâm thức định tĩnh, bởi vì tất cả hành động có gốc rễ ở nơi tâm. Chính bằng sự kiểm soát tâm mà ta có thể kiểm soát những hành động của mình. Khi tâm và thân được cân bằng hòa hợp, sự hiểu biết chân thật đưa đến hạnh phúc tối thượng có thể đạt được.

Theo Đức Phật thiên giới (thiên đường) và địa ngục không phải là những nơi chốn mà con người được ký thác sau khi chết, mà là những thái độ của tâm thức điều ta có thể kinh nghiệm ngay bây giờ. Nói một cách đơn giản, nếu có hạnh phúc thì bạn đang ở cõi thiên đường, nhưng nếu đau khổ thì bạn đang ở trong địa ngục. Tất nhiên là nó không chỉ đơn giản như vậy. Vậy chúng ta hãy tự hỏi thiên đường và địa ngục có nghĩa là gì.

Chúng ta hãy giải thích bản chất của địa ngục và thiên đường bằng việc sử dụng tri thức thông thường mà không tùy thuộc vào niềm tin, các truyền thống hay kinh sách. Chúng ta không nên tùy thuộc vào các truyền thống, tín ngưỡng hay kinh sách để hiểu chân lý. Tất nhiên, có một số hướng dẫn ở trong các cuốn sách tôn giáo. Nó tùy vào cách chúng ta giải thích khái niệm này. Một vài người tin rằng có những thiên đường và địa ngục vĩnh hằng. Vì vậy theo họ, những người nào không theo tôn giáo của họ thì không có cơ may hưởng được sự vui sướng trên thiên đường hay thoát khỏi địa ngục. Trên cơ sở này, dường như rằng họ nắm giữ một sự độc quyền duy nhất về thiên đường. Nhưng quan niệm của Phật giáo đối với vấn đề này là hoàn toàn khác. “Dù chúng ta có nhãn hiệu tôn giáo hay không, không có sự khó khăn nào đối với chúng ta để trải nghiệm niềm vui thiên đường nếu chúng ta sống một cuộc sống cao quý và hợp lý”. Theo Đức Phật, thiên đường không dành riêng cho những thành viên của một tôn giáo cụ thể nào; nó mở rộng ra cho bất kỳ ai có thể sống một đời sống cao quý.

Một số người đến làm chúng ta sợ hãi khi nói rằng chúng ta sẽ mất cơ may sinh về thiên đường nếu chúng ta không theo tôn giáo của họ. Cách khác, họ cố đe dọa chúng ta bằng việc nói rằng chúng ta sẽ bị đọa vào địa ngục nếu chúng ta không chấp nhận tôn giáo của họ. Đây là họ cố truyền bá tôn giáo của họ bằng việc tạo ra nỗi sợ hãi trong vô minh. Những Phật tử của hơn 2.500 năm qua không hề chọn thủ đoạn này để truyền bá Phật giáo. Đức Phật cũng không giới thiệu thiên đường để tạo nên sự cám dỗ; Ngài cũng không tạo nên sự sợ hãi về địa ngục để phổ biến Phật giáo. Ngài cũng không khước từ rằng mục đích của các Phật tử là sanh lên thiên giới hưởng phúc lạc. Nhiều nhà tôn giáo hứa hẹn với người khác rằng họ sẽ đạt được mọi thứ sau khi chết nhưng những nhà tôn giáo này không có nhiều điều để cung cấp cho đời sống hiện tại. Họ nói chung khuyến khích tín đồ của mình cam chịu nỗi khổ ở đây, bởi vì không điều gì có thể thực hiện được, nhưng họ đưa ra nhiều lời hứa về hạnh phúc vĩnh hằng ở thiên đường. Họ sẵn sàng đưa ra những lời hứa như vậy bởi vì họ biết rất rõ rằng không có người nào sẽ trở lại từ thế giới bên kia để tường thuật với họ rằng không thể có được những điều mà những nhà tôn giáo đã hứa hẹn.

Trong suốt thời Đức Phật, một số người muốn hưởng được những phúc lạc thiên giới sau khi chết, đã đến gặp Phật và nói với Ngài rằng là người tại gia họ thấy khó để sống một đời sống tôn giáo thuần túy. Là những người thế tục, họ muốn những thú vui trần tục và khẩn cầu Ngài giảng giải cách để có được hạnh phúc mà không xoay lưng lại với thế giới vật chất. Thế rồi Đức Phật đã hỏi: “Tại sao bạn phải chờ đợi để trải nghiệm phúc lạc thiên giới sau khi chết? Bạn có thể trải nghiệm phúc lạc thiên giới trong khi đang sống ở thế giới này”. Nếu bạn biết cách điều khiển đời sống theo một cách thức đúng đắn, bạn có thể trải nghiệm phúc lạc thiên giới ở đây cũng như sau khi chết.

Có những bản kinh tương tự khác ở đó Đức Phật đã thuyết giảng về đời sống thiên giới này. Về khái niệm địa ngục, Ngài cũng đề cập trong một bản kinh rằng chúng ta không nên nghĩ rằng địa ngục là ở một nơi nào đó dưới quả đất này, ở dưới đáy đại dương hay dưới đáy của Maha Meru (một núi đá huyền bí được cho là lớn nhất ở cõi đời này). Trong ngữ cảnh Phật giáo, thiên đường và địa ngục không phải nằm ở một khu vực cụ thể cũng không phải một nơi chốn do một ai đó tạo ra sẵn. Khi người ta nói về thiên đường và địa ngục, họ nói rằng thiên đường là ở trên và địa ngục là bên dưới. Nhưng nếu chúng ta đào quả đất này xuyên thủng sang bên kia, tôi nghĩ sẽ không thể tìm thấy địa ngục.

Theo Đức Phật, mọi người có thể trải nghiệm phúc lạc thiên giới nếu tâm của vị ấy luôn an trú vào bốn nơi thiêng liêng ở trong chính đời sống này, đó là Bốn Phạm trú (Brahma Viharas) từ, bi, hỷ và xả. Để có hạnh phúc người ta phải phát triển chánh kiến để có thể thấy rằng chúng ta chỉ tồn tại ở trong mối liên hệ với tất cả những loài sống khác. Điều này có nghĩa rằng để hạnh phúc người ta phải đảm bảo hạnh phúc và lợi ích của kẻ khác.

Khi chúng ta thực hành tâm từ (metta), chúng ta làm tràn khắp toàn thể vũ trụ, bắt đầu với chính chúng ta, với tình thương vô ngã thuần tịnh không phân biệt. Chúng ta cũng phát khởi tâm bi (karuna) đối với những người kém may mắn sau đó chúng ta làm việc một cách tích cực và không ngưng nghỉ để làm giảm đi nỗi đau khổ của họ. Sau đó chúng ta hoan hỷ (mudita) với hạnh phúc mà người khác có được bởi việc làm như vậy sẽ giúp chúng ta xóa bỏ những cảm thọ ganh tỵ và ác tâm độc hại. Nhưng điều cao nhất trong số những trạng thái lợi ích tích cực này là tâm xả (upekkha), nơi tâm không còn bị ảnh hưởng bởi bất kỳ những cảm thọ tích cực hay tiêu cực mà vô cùng tĩnh lặng, sáng suốt và bặt dứt phiền não. Những ai sống được ở trong bốn trạng thái này có thể được nói là đang sống trong cõi thiên giới ở trên mặt đất. Tất nhiên những người sống trong những trạng thái ngược lại là tham, sân, si v.v… thì đang sống trong địa ngục ở trên trái đất này.

Thường người ta sáng tạo ra những cõi thiên đường tưởng tượng tùy theo những nhu cầu thế gian của họ. Xa xưa, những người sống ở những sa mạc cũng có niềm tin của họ vào thiên đường và địa ngục. Họ mô tả thiên đường như là một nơi ở đó họ có thể thưởng ngoạn những thác nước đẹp. Đối với họ, thiên đường cung cấp cho họ những thứ (nước, sự mát mẻ, cây xanh) mà họ thiếu ở trong đời sống này. Đối với những người Anh-điêng da đỏ, thiên đường là một bãi săn bắn thích thú mà ở đó họ có thể săn bắt bất kỳ con thú nào theo nhu cầu của họ. Điều này là lẽ thường bởi vì họ có sự khó khăn trong việc săn đủ số thú cho nhu cầu tồn sinh hàng ngày của họ. Khi những người Tây Tạng trải qua mùa đông ở Hy Mã Lạp sơn, khổ sở mà họ đối diện được mô tả như là địa ngục. Đối với họ, sự ấm áp hay lửa là thiên giới. Bây giờ tôi nghĩ bạn có thể hiểu cách người ta đã sáng tạo nên những hình ảnh thiên đường và địa ngục theo những nhu cầu trần tục của họ như thế nào. Bản năng của chúng ta là mong muốn điều tốt lành và thoát khỏi điều xấu ác. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng Đức Phật không phủ nhận sự hiện hữu của một thiên giới và địa ngục. Nhưng không giống như một số người tin rằng thiên giới và địa ngục là những vị trí cụ thể, Phật giáo cho rằng thiên giới và địa ngục không ở nơi một khu vực cụ thể, mà ở nơi “những mức độ hiện hữu” khác nhau. Phật giáo phân loại tất cả mọi sự hiện hữu ở trong thế giới này và thế giới khác vào trong 31 trạng thái, mà chúng được gộp vào những nhóm khác nhau.

Đầu tiên trong những nhóm này là: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, là những chúng sanh ở trong một trạng thái khổ đau theo những cách thức khác nhau. Sau đó có đời sống loài người, sáu loại thiên giới mà ở đó chúng sinh hưởng được những lạc thú giác quan hơn những chúng sanh khác. Nhưng chư thiên (hay những chúng sanh của ánh sáng) ở trong các cõi trời tập trung nhiều vào lạc thú hơn là vào phát triển tâm linh. Trong số các cảnh giới này, sanh vào cõi người là đáng mong muốn nhất. Bởi vì may mắn có được một tâm thức phát triển cao và cơ hội quán sát cả khổ đau và lạc thú cũng như cái chết, sự thối rữa và bệnh tật, con người có thể hiểu sâu hơn về sự thật của lời dạy Đức Phật.

Tất cả những tôn giáo khác đều nói về thiên đường và họ nói rằng thiên đường là vĩnh hằng hay bất diệt. Nhưng Phật giáo không đồng ý với niềm tin rằng có một cõi thiên đường vĩnh hằng dành cho con người để trải nghiệm lạc thú của họ mãi mãi bởi vì mọi thứ là vô thường. Trái lại theo Phật giáo, có sáu loại thiên giới (Devaloka). Lối sống của họ và lạc thú mà họ hưởng là cao hơn nhiều so với cảnh giới con người. Tuy nhiên, mặc dù họ hưởng được những lạc thú giác quan cho đến mức tối đa, họ không thoát khỏi tham, sân, ganh tỵ và lo âu bản thân.

Phật giáo nói rằng người sanh vào một trong các cõi trời là nhờ vào thiện nghiệp của họ được tích lũy trong những kiếp làm người trước đây của họ. Tái sanh xảy ra trong những hình thức hiện hữu khác nhau là tùy vào nghiệp lực của chính họ mà không do sự ảnh hưởng của bất kỳ đấng siêu nhiên nào. Nhưng không ai có thể ở mãi trong những cảnh giới này bởi vì năng lực thiện nghiệp của họ thì có hạn và khi nó cạn kiệt họ phải xoay chuyển theo nghiệp tích lũy trước đó. Do đó Phật giáo nói rằng thiên giới và địa ngục không phải là những nơi chốn vĩnh hằng mà chúng sanh có thể thọ hưởng hay gánh chịu mãi mãi.

Nhiều học giả, triết gia, khoa học gia, những người duy lý và những nhà đại tư tưởng cũng không đồng ý với niềm tin về một sự hiện hữu vĩnh hằng. Triết gia Tây phương nỗi tiếng – Julian Huxley, đã giễu cợt niềm tin này bằng việc nói rằng: “Làm cách nào chúng ta có thể tin rằng có một cõi địa ngục vĩnh hằng do một Thiên Chúa tạo ra để trừng phạt sinh linh mãi mãi vì một lỗi lầm mà người ta phạm phải? Họ có thể biện minh điều này bằng cách nào? Hãy trao cơ hội khác cho con người khốn khổ này để cố gắng lại. Làm sao một vị Chúa có thể kết tội một người mãi mãi theo cách thức này?”.

Có nhiều cách thức mà ở đó những người ngây thơ bị biến thành nô lệ đối với niềm tin tôn giáo của họ bằng sự đe dọa trừng phạt ở trong địa ngục. Chúng ta hãy xem xét một số những cách thức này.

Có một số người tin rằng vào những nơi thờ phụng của tôn giáo khác hay tỏ lòng tôn kính đối với người sáng lập nên tôn giáo đó là một tội lỗi và do bởi điều đó họ sẽ bị đọa vào địa ngục. Sao những người đó có thể tạo nên tội lỗi khi họ không hề làm bất cứ điều gì để làm hại kẻ khác và không bao giờ làm ô nhiễm tâm thức với sự ganh tỵ, sân hận hay bất kỳ những suy nghĩ xấu ác khác. Như vậy bằng cách nào những người lãnh đạo của họ có thể biện minh luận cứ rằng họ đã phạm phải tội lỗi nên đọa vào địa ngục? Nếu họ nói rằng Thiên Chúa của họ giận dữ nếu tín đồ của ngài đến và kính trọng vị Chúa khác hay một nhà sáng lập tôn giáo khác, làm sao họ có thể khẳng định rằng vị Thiên Chúa này là nhân từ và khoan dung? Không lẽ nói rằng vị Thiên Chúa này có lòng ganh tỵ giống như một người phàm phu?

Họ cũng dạy rằng những người sống một đời sống đáng kính bằng việc gìn giữ tất cả những phẩm hạnh và những phẩm chất đạo đức và phục vụ người khác bằng mọi cách thức có thể sẽ không có cơ may sanh về thiên đường nếu họ không tin vào Thiên Chúa của họ. Có hợp lý không khi nói rằng bất luận người ta hành xử thế nào chăng nữa, họ chắc chắn được lên thiên đường nếu họ chỉ tin vào Thiên Chúa và cầu nguyện ngài. Những người bị chinh phục bởi những lời dạy phi lý như vậy, theo đó tình cảm tôn giáo của họ sẽ bị lung lay. Họ thay đổi tôn giáo của mình mà họ đã đang thực hành nhiều thế hệ và chuyển sang tôn giáo khác với niềm tin rằng họ có thể được “cứu rỗi” một cách kỳ diệu. Họ không chịu động não xem những lời xác quyết này có thực tiễn và hợp lý hay không. Đây là lý do tại sao người bệnh và người già thường bị cải đạo vào lúc sắp chết. Không biết về bản chất thật của hiện hữu, họ sợ hãi cái chết, nên dễ dàng thuyết phục rằng họ có thể lên thiên đường nếu họ chấp nhận một tôn giáo cụ thể, rằng tội lỗi của họ vì một lý do nào đó sẽ “mất” đi.

Họ có lẽ nghĩ rằng đời sống của họ nằm ở nơi lòng nhân từ của một vị Thiên Chúa và họ không có cách gì để quyết định nên đời sống tương lai bằng nỗ lực và hiểu biết của chính họ. Phật giáo dạy chúng ta cách quyết định đời sống tương lai của chúng ta theo cách sống, những tư tưởng, lời nói và hành động tốt và xấu của chúng ta, mà không tùy thuộc vào bất kỳ những tác nhân nào bên ngoài, và cũng chịu trách nhiệm về đời sống của chúng ta với sự tin chắc. Một người theo chủ nghĩa duy lý gốc Mỹ, đã sống cách đây khá lâu, từng nói rằng theo sự quán sát của ông, ông thích địa ngục hơn là thiên đường, bởi vì quan niệm được duy trì bởi một số nhà tôn giáo rằng tất cả những người trí thức, học giả, khoa học gia, những nhà tâm lý học, những nhà tư tưởng tự do, bao gồm cả Đức Phật, đều ở trong địa ngục vì họ không tin vào Thiên Chúa. Ông nói rằng trong trường hợp đó, nếu ông tình cờ lên thiên đường, ông sẽ cảm thấy lạc lõng ở một nơi chốn mà ở đó không có những người trí thức, và cõi thiên đường sẽ là một nơi chốn rất tăm tối. Đến mức ông lo lắng cõi thiên đường là một nơi chỉ dành cho những người muốn hưởng những dục lạc trần tục mà không sử dụng đến trí não. Phật giáo chắc chắn không xem một đời sống kiếp sau ở thiên giới như là mục đích quan trọng nhất của đời người hay như một nơi chốn mà ở đó con người có thể có sự nghỉ ngơi vĩnh cữu.

Vượt qua khỏi đời sống trần gian này, có một sự phân loại các chúng sanh được gọi là chư thiên (deva), những chúng sanh trải nhiệm sự bình an, thảnh thơi và trải qua một chu kỳ sống hết sức lâu dài ở trong những cõi trời. Họ được biết như là các Phạm thiên (Brahma) ở trong cõi thứ 16 của các Phạm thiên giới. Họ đã giảm bớt tham ái đối với những lạc thú giác quan đến một mức độ đáng kể và trải nghiệm nhiều hơn sự bình yên mà họ đã phát triển trong suốt những kiếp trước của họ đặc biệt thông qua thiền định. Mặc dù sự hiện hữu này không vĩnh cữu, họ được xem là vĩnh cữu do vì thọ mạng lâu dài. Đây là tại sao một số nhà tôn giáo vẫn tin rằng đạt được trạng thái Phạm thiên là vĩnh cữu. Đức Phật chỉ ra rằng nó không phải như vậy.

Thêm bốn cảnh giới khác của đời sống Phạm thiên được đề cập trong Phật giáo. Những chúng sanh này tồn tại bằng ý thức mà không có thân thể vật lý có thể nhìn thấy. Trạng thái sống khác ở trong cõi Phạm thiên là sự hiện hữu của thân thể vật lý nhưng không có bất kỳ sự nhận thức nào ở trong tâm của họ. Họ không trải nghiệm những gánh nặng vật lý và tâm thức trong một thời kỳ dài, hơn hẳn sự an bình mà các Phạm thiên khác trải nghiệm, và chu kỳ đời sống của họ cũng dài hơn chu kỳ mà những chúng sanh khác đạt được hàng triệu năm. Cho dù như vậy, những trạng thái hiện hữu này là vô thường theo Đức Phật. Tất cả những trạng thái này là 31 cảnh giới hiện hữu được giải thích ở trong kinh sách Phật giáo. Quan niệm này là gần với vũ trụ luận Ấn Độ. Tuy nhiên, theo cái nhìn Phật giáo, chúng ta hiểu chúng như là những trạng thái của tâm thức con người. Chúng khác nhau tùy theo sự phát triển hay sa đọa của tâm thức con người. Chúng không biểu hiện ở nơi những hình thức thô hay vật chất. Thêm nữa, rõ ràng có sự hiện hữu của những loài chúng sanh khác nhau trong những hình thức khác nhau theo môi trường, những yếu tố và những nhân tố khác. Họ hiện hữu trong những chu kỳ thế giới khác nhau tùy thuộc vào sức mạnh tâm thức của họ và sự trải nghiệm lạc hay khổ theo những năng lực nghiệp tốt hay xấu của họ đạt được trong những kiếp trước.

Câu chuyện sau có thể giải thích cách thức các Phật tử hiểu về thiên đường và địa ngục. Một vị Tăng một lần nọ giảng về thiên đường và địa ngục. Một vài thính giả không tin vào thiên đường và địa ngục đã thách thức vị Tăng, nói rằng ông đang làm lạc lối những người ngây thơ bằng việc nói về những cõi không hiện hữu. Một người đàn ông rất hung dữ lớn giọng yêu cầu vị Tăng chứng minh hai cõi này hiện hữu.

Nhìn bộ dạng sân hận của người này, vị Tăng sĩ nói: “Bạn không biết rằng hiện bạn đang ở trong địa ngục sao?”. Người đàn ông ngay khi ấy hiểu ra được khái niệm địa ngục theo sự diễn đạt của vị Tăng.

Sau đó với gương mặt tươi cười, ông ta lại hỏi: “Được rồi. Bây giờ hãy cho tôi biết thiên đường ở đâu”. Vị Tăng điềm tĩnh trả lời: “Bây giờ ông đang ở trong thiên đường đấy”.

Ví dụ đơn giản nhưng có ý nghĩa này trao cho chúng ta một vài ý tưởng về cách sử dụng hiểu biết thông thường để hiểu rằng chúng ta tạo nên thiên đường và địa ngục theo thái độ tâm thức của chúng ta.

Trong một vài gia đình, vợ và chồng, cha mẹ và con cái có những tranh cãi mỗi ngày, khóc lóc, than vãn và chửi rủa lẫn nhau, cho dù họ sống trong cùng một ngôi nhà. Họ đôi khi không có đủ thực phẩm để ăn, áo quần thích hợp để mặc, hay thậm chí đủ nơi để ngủ. Những nơi như vậy có thể được xem như là địa ngục trên trái đất này. Trong một số trường hợp khác, mặc dù người ta có đầy đủ những điều này để sống một cách thoải mái, thái độ tâm thức nghèo nàn của họ hoàn toàn quấy nhiễu sự bình an và hạnh phúc. Do đó, những người như vậy đã làm cho đời sống của họ khổ đau hơn do sự sân hận, tâm thức hẹp hòi, tỵ hiềm và ích kỷ của họ. Đây cũng là một loại địa ngục khác mà những người đó tạo ra ở ngay trong đời sống này.

Ngược lại có một số gia đình ở đó người ta cảm nghiệm được sự an bình, hạnh phúc, hòa hợp và toại nguyện do vì có sự hiểu biết, nhẫn nhục và thương yêu mặc dù họ nghèo. Và một vài người khác có đầy đủ tài sản vật chất, có sức khỏe tốt, lại thêm có sự hiểu biết và thương yêu lẫn nhau. Những người như vậy đang tạo nên phúc lạc thiên giới ngay ở nơi chính thế gian này.

Thiên đường và địa ngục được miêu tả trong kinh sách của nhiều tôn giáo phù hợp với bản chất tâm lý của con người. Họ biết rằng nếu không có phần thưởng và trừng phạt ở một đời sống khác con người không bao giờ sống một đời sống đúng đắn. Thường thường, sự miêu tả về thiên đường và địa ngục theo cách này là phương pháp hữu hiệu khiến con người bớt ích kỷ, làm việc phục vụ người khác và không làm hại người khác vì lợi ích của họ. Trong quá khứ thiên đường được miêu tả như là một nơi chốn ở đó có đầy những lạc thú giác quan, thứ mà những người giàu và người có quyền thế hưởng được ở trần gian, nay trở thành phần thưởng dành cho người sống tốt ở cõi đời này sau khi chết. Còn sự tra tấn như là hình phạt ở trong địa ngục thì không có gì khác hơn là sự trừng phạt mà những người cai trị đưa ra đối với những tội nhân đã xâm phạm sự bình yên và trật tự.

Theo Phật giáo, khổ đau ở địa ngục và vui sướng ở thiên giới không phải là vĩnh hằng. Đồng thời, thiên giới và địa ngục không được xác định là một nơi chốn cụ thể mà hiện hữu nơi chúng sanh trải nghiệm những trạng thái lạc và bất lạc của sự hiện hữu ở mọi nơi trong vũ trụ, trong bất kỳ hình thức vật lý nào và tùy theo trạng thái tâm thức an vui hay khổ đau.

Ở mức độ khác, niềm tin mà một vài người nắm giữ rằng tất cả những cảm thọ vui thích hay khó chịu của chúng ta thì chỉ được trải nghiệm bên trong đời sống này là không thể chấp nhận được đối với Phật giáo. Chúng ta trải nghiệm đau khổ và vui sướng như là những ảnh hưởng của ác nghiệp và thiện nghiệp của chính chúng ta, chừng nào sự hiện hữu hay tái sanh còn xảy ra. Chỉ bằng sự cầu nguyện hay thờ phụng một ai đó, chúng ta không thể thoát khỏi sự ảnh hưởng của những việc làm xấu ác của chúng ta mà chúng ta đã tạo tác. Đây là quan điểm của Phật giáo. Nếu có ai đó có thể tha thứ hết thảy lỗi lầm của chúng ta thì đó chắc phải là chính chúng ta chứ không phải một kẻ bên ngoài. Theo Đức Phật, hành nghiệp tốt và xấu do chúng ta tạo ra và chúng ta chịu trách nhiệm cho sự thanh tịnh hay bất tịnh của tâm thức chúng ta. Do đó không thể rằng người khác làm thanh tịnh hay làm ô nhiễm tâm thức của chúng ta.

Có cơ may nào cho chúng ta để vượt qua hay thoát khỏi những ảnh hưởng xấu hay không? Có, điều đó có thể nhưng không thật dễ dàng. Phật giáo không chấp nhận niềm tin mà nhiều người khác đã nắm giữ đối với việc tha thứ lỗi lầm, về việc thờ phụng và cầu nguyện Thiên Chúa để cầu xin tha thứ, về việc thực hiện những loại nghi lễ tôn giáo khác nhau, về việc tế lễ muông thú để làm hài lòng thần linh và hành hạ thân xác để thoát khỏi sự trừng phạt. Những thực hành như vậy là không hợp lý từ quan điểm Phật giáo. Có phương pháp thực tiễn và hợp lý nào được thực hành ở trong ngữ cảnh Phật giáo không khi chúng ta nhận thấy rằng những hành vi của chúng ta là sai trái và có hại? Mỗi khi chúng ta nhận thấy chúng ta đã làm điều sai trái thì điều đầu tiên chúng ta phải làm là thực hiện một quyết định mạnh mẽ để không phạm phải những hành vi xấu ác như vậy nữa. Nhưng chỉ như vậy thôi thì không đủ.

Sau đó chúng ta nên nỗ lực làm càng nhiều việc thiện càng tốt bằng việc phát triển sự tử tế, lương thiện, bố thí và hiểu biết đúng đắn. Việc trau dồi những phẩm chất tốt và những việc làm thiện như vậy là tích lũy nghiệp thiện. Sự thanh tịnh tâm thức tăng lên và nghiệp thiện tạo nên năng lực mạnh mẽ hơn để làm vững mạnh tâm thức và đem lại sự tự tin vào đời sống tương lai của chúng ta. Khi nghiệp thiện vững mạnh và tích cực ở trong tâm thì những nghiệp xấu mà chúng ta đã phạm phải trước đó sẽ giảm dần, trở nên yếu đi và không hoạt động. Nếu cái chết xảy ra với trạng thái tâm thức này chiếm ưu trội thì việc tái sanh xảy ra trong một điều kiện thuận lợi. Sự giải thích này giúp chúng ta hiểu cách chúng ta có thể xóa bỏ những ảnh hưởng của tội lỗi của bản thân. Tuy nhiên, điều này không phải là sự chấm dứt nghiệp ác của chúng ta, bởi vì không thể trừ diệt chúng hoàn toàn dễ dàng như vậy.

Trong tiến trình tiếp tục tích lũy thêm những nghiệp thiện, bằng việc phục vụ người khác và giảm bớt những bất tịnh tâm thức, chúng ta có thể vượt qua những ảnh hưởng của nghiệp xấu bởi vì nghiệp tốt có thể ngăn chặn những ảnh hưởng của nghiệp xấu. Bằng cách này, chúng ta có thể tiếp tục cải tiến tiến trình đời sống và gia cố sự phát triển tâm linh của chúng ta cho đến khi chúng ta đạt được thánh quả và mục đích cuối cùng. Khi tham ái, điều quyết định sự tái sanh, bị dập tắt, những năng lực nghiệp xấu cũng tự động bị loại trừ. Chỉ khi đó chúng ta mới thoát khỏi những ảnh hưởng của nghiệp xấu. Nhiều người tin rằng thiên đường và địa ngục là do Thiên Chúa tạo ra và rằng nơi chốn đó được tạo sẵn. Khi một người thuyết giảng nói về việc sáng tạo nên thiên đường và quả đất, một người trong thính chúng hỏi: “Tôi có thể biết những gì mà ngài [Thiên Chúa] thực sự đang làm trước khi ngài tạo nên thiên đường và trái đất không?” Thế rồi người diễn thuyết trả lời: “Bạn có biết trong suốt thời kỳ đó ngài [Thiên Chúa] đang tạo ra địa ngục cho những người hỏi những loại câu hỏi như vậy không”.

Thiên đường và địa ngục rất quan trọng đối với nhiều người. Nhưng đây là một khái niệm được những tôn giáo cổ xưa đưa ra. Khi người ta không thể hiểu cách để thực hiện những bổn phận của họ như là những con người, trau dồi một số đức hạnh, bảo vệ nhân phẩm con người và hiểu cách để hành xử như những người có văn hóa, những người lãnh đạo của họ đưa ra niềm tin này để khiến họ hành xử theo một con đường tốt. Họ nói rằng nếu người ta theo những nguyên tắc tôn giáo như vậy, thực hiện những bổn phận của họ đối với cha mẹ, vợ, chồng, hàng xóm… thì sau khi qua đời họ có thể có một đời sống vui sướng vĩnh hằng ở Thiên đường. Đó là cách duy nhất để thuyết phục người ta làm điều tốt – thật sự giống như việc huấn luyện con trẻ làm điều tốt bởi vì chúng không thể hiểu hay nhận chân đúng sự cần thiết để làm điều tốt. Với những đứa trẻ, hứa cho chúng một thứ gì đó mà chúng mong muốn là cần thiết, chẳng hạn như cho sô-cô-la, kẹo hay đồ chơi. Chỉ khi ấy mới khiến chúng để tâm đến. Đức Phật không chọn quan điểm đó để giới thiệu con đường sống theo tôn giáo của Ngài. Ngài xem chúng ta là những người trưởng thành. Ngài không sử dụng ngôn ngữ ngon ngọt để cám dỗ chúng ta. Ngài biết rằng chúng ta có khả năng để hiểu sự việc mặc dù nhiều người trong chúng ta không bận tâm để làm như vậy. Phương pháp của Ngài là không hứa bất cứ điều gì mà dạy con người hiểu những gì là đúng và những gì là sai và bản chất của nhân quả. Theo Ngài, nếu chúng ta làm điều tốt chỉ nhằm mục đích sanh về thiên giới, là chúng ta ích kỷ, bởi vì với động cơ đó chúng ta sẽ không phát triển được những phẩm hạnh như lòng từ bi, sự chân thành và hiểu biết, và sẽ không bao giờ giảm đi sự ích kỷ và hành xử vị tha. Hạnh phúc chân thật chỉ có thể xảy ra khi một người hoàn toàn loại trừ đi khái niệm về cái ngã hay cái “Tôi” của mình.

Trong một bản kinh Đức Phật nói rằng những người có được hạnh phúc trần tục là may mắn trong đời sống gia đình nhưng họ phải khôn ngoan sử dụng tài sản của mình để không phát triển tâm ích kỷ. Họ phải đủ lòng tốt để chia sẻ hạnh phúc với người khác. Đức Phật không kết tội lợi ích và hạnh phúc thế tục. Nhưng nếu chúng ta biết cách để sử dụng chúng, trải nghiệm niềm vui theo một cách đúng đắn, chúng ta có thể đạt được phước đức thiên giới trong khi chúng ta ở đây mà không chỉ sau khi chết. Nhưng những gánh nặng vật lý ở trong cõi thiên giới là ít hơn ở cõi người. Cách khác, khả năng trí tuệ của con người là khả dụng cho việc phát triển tâm linh. Chư thiên không nghĩ đến việc thực hành phước thiện. Con người may mắn hơn ở khía cạnh đó. Chúng ta có cơ may làm giàu hiểu biết của chúng ta.

Theo những câu chuyện Phật giáo, khi chư thiên gặp một vài vấn đề khó xử, họ cũng đi đến Đức Phật để tìm giải pháp. Là con người, chúng ta “tiêu dùng” năng lực thiện nghiệp mà chúng ta đã tích lũy ở trong kiếp sống trước. Trong khi sử dụng chúng ta cũng có thể tích lũy thêm phước đức càng nhiều càng tốt cho đời sống tương lai bởi vì chúng ta biết rằng đời sống này không phải là kiếp sống sau cùng của chúng ta. Sự tiếp tục tiến trình tái sanh xảy ra theo phước đức của chúng ta, cho dù chúng ta có tin nó hay không, cho dù chúng ta có thể hiểu nó hay không. Chư thiên không thể tạo nên nghiệp mới như con người.

Chúng ta nói rằng muông thú là kém may mắn mặc dù chúng có thức ăn và nhiều thứ khác. Chúng không may mắn bởi vì chúng không biết bất cứ điều gì về số phận đời sống của chúng. Với chúng, không thể tích lũy phước đức hay có được sự phát triển tinh thần. Đó là tại sao con người có thể làm bất cứ điều gì đối với chúng qua việc sử dụng trí thông minh con người của mình. Con người bắt chúng, hành hạ và giết chúng theo ý muốn của họ. Những con thú không biết rằng sẽ có sự tiếp tục trong đời sống. Chúng không hiểu rằng đời sống thú vật chắc chắn không chấm dứt ở nơi sự kết thúc đời sống đó. Sự tồn tại lặp lại bởi vì trong tâm con thú đó, còn sót lại dư nghiệp của sân hận, ganh tỵ, tham ái và vô minh đã được phát triển trong những kiếp quá khứ mà chúng chưa dứt sạch.

Đây là những lực xấu chính yếu tiềm tàng trong mỗi và mọi chúng sanh. Bởi vì họ không thoát khỏi những tư tưởng như vậy nên tái sanh xảy ra trở lại. Trong trường hợp của chúng ta, chúng ta đã kiểm soát một số suy nghĩ xấu ác nhưng chúng vẫn tồn tại. Chúng ta có thể thuần phục thú vật bằng đánh đập, huấn luyện và dọa nạt chúng. Bởi vì sợ hãi, chúng hành xử giống như những con thú thuần hóa. Khi chúng ở gần chúng ta một thời gian, chúng tự động trở nên thuần hóa. Trong cùng cách, mèo, chó, bò, dê và voi… trở nên dễ bảo bởi vì chúng ở với chúng ta qua nhiều thế hệ. Nhưng chúng vẫn có bản chất thú vật của chúng. Mặc dù chúng ta là những con người, vẫn có nhiều người trong chúng ta không biết cách sử dụng đời sống con người có giá trị của chúng ta. Chúng ta xem thường những cơ hội hay phương tiện mà chúng ta có để trau dồi lối sống của mình. Chúng ta xem thường đời sống con người có giá trị của chúng ta do vì sự ích kỷ và xảo trá của chúng ta. Vì lý do này, giáo pháp của Đức Phật là quan trọng để lát con đường cho những người vô minh như vậy suy nghĩ đúng đắn và phát triển những giá trị con người.

Theo Đức Phật, đời sống con người là quan trọng hơn những đời sống trong 31 cõi hiện hữu khác. Chư thiên không cao hơn con người về phẩm hạnh và việc phát triển đời sống tâm linh. Theo Phật giáo, sanh về thiên giới không phải là điều đáng mong mỏi, mặc dù những tôn giáo khác đã miêu tả nó bằng một cách thức như vậy để cám dỗ chúng ta. Ở thiên giới, chúng ta trải qua hàng triệu năm thọ hưởng những ích lợi của thiện nghiệp quá khứ, mà không có cơ hội để phát triển tâm thức chúng ta để đoạn trừ ba độc tham, sân và si.

Bây giờ chúng ta hãy thảo luận về địa ngục, bởi vì nhiều tôn giáo tận dụng khái niệm địa ngục để phổ biến tôn giáo của họ. Đây là một vũ khí mạnh mẽ cho họ để đe dọa con người. Đã có thời những nhà chức trách y tế ở Anh đã khẩn khoản yêu cầu những phái đoàn truyền giáo đừng tạo nên sự sợ hãi trong tâm dân chúng bằng việc đe dọa về lửa địa ngục để giới thiệu tôn giáo của họ, bởi vì những nhà chức trách y tế nhận thấy rằng nhiều người chịu khổ đau từ sự rối loạn tâm thần do nỗi sợ về lửa địa ngục. Tạo ra nỗi sợ hãi trong tâm con người trở thành một phương pháp hữu hiệu để giới thiệu tôn giáo tốt nhất ở những quốc gia Á châu ngày nay. Họ nói rằng Đức Phật không thể cứu rỗi bạn bởi vì Ngài chỉ là một con người đã qua đời và ra đi từ lâu. Họ nói: “Tại sao bạn cầu nguyện và thờ phụng một con người không còn ở đây? Thiên Chúa của chúng tôi là người cứu rỗi duy nhất có thể cứu rỗi bạn bởi vì ngài đang sống trên thiên đường”. Những phái đoàn truyền đạo của Phật giáo hơn 2.500 năm qua không bao giờ sử dụng loại kỹ thuật này để truyền bá Phật giáo. Những người Phật tử không bao giờ nói rằng những người nào không chấp nhận tôn giáo của họ sẽ phải đọa vào địa ngục. Quan điểm của Đức Phật đối với những tôn giáo khác là rất từ bi và hợp lý.

Đời sống dễ biến đổi. Khi chúng ta bỏ mặc đời sống của chúng ta, sự suy sụp rất dễ xảy ra. Sau đó nâng nó lên lại trở thành một vấn đề lớn. Niềm tin vào tái sanh là một chủ đề khác mà một số giáo đoàn truyền giáo sử dụng để nhạo báng Phật giáo. Họ nói rằng những người theo Phật giáo, sẽ không chịu khổ đau nữa, bởi vì sự tái sanh của họ chỉ là việc nối dài sự giải thoát sau cùng qua việc trở thành muông thú, ma quỷ và v.v… Còn những người theo tôn giáo của họ, không trở thành thú vật hay ma quỷ mà ngay lập tức có thể lên thiên đường và không ở đây để chịu khổ sau khi chết. Nhiều người tin những gì họ thuyết giảng mà không sử dụng tri thức phổ thông.

Tái sanh xảy ra không tùy thuộc vào những nhãn hiệu tôn giáo khác nhau mà bởi cách suy nghĩ, cách nói năng và hành động với suy nghĩ tốt và xấu ác của con người. Vì vậy suy nghĩ và hành động của chúng ta chịu trách nhiệm cho việc hình thành nên đời sống kiếp sau. Cho dù người ta có tôn giáo hay không, điều đó không phải là yếu tố quan trọng để quyết định nên sự tái sanh.

Mặc dù Đức Phật khuyên con người hãy giữ gìn nhân phẩm, Ngài không bác bỏ những nguyên tắc tôn giáo như là những điều răn hay luật lệ. Bằng ngôn ngữ đơn giản, Ngài nói rằng nếu bạn thực hiện những hành vi xấu ác, bạn phải đối mặt với những kết quả mang lại khổ đau hoặc thuộc về vật lý hoặc thuộc về tâm lý, ở kiếp sống này hay kiếp sống sau. Bạn cũng nên xem bản chất của niềm vui hay nỗi khổ đau trong những cảnh giới hiện hữu khác nhau, và đây là những cảnh giới được giới thiệu bằng việc đưa ra những danh xưng khác nhau chẳng hạn như thiên giới, địa ngục, thế giới ma quỷ và thế giới súc sanh.

Ngày nay khoa học và công nghệ hiện đại đã mở rộng tri thức của chúng ta để hiểu nhiều điều trong thế giới và vũ trụ này mà những người nguyên thủy không thể hiểu được. Do sự thiếu hiểu biết, họ đã giải thích đời sống và cái chết bằng những thuật ngữ rất đơn giản, điều họ sau đó đã chấp nhận như là những chân lý hay giáo điều tôn giáo.

Chúng ta không biết rằng mỗi ngày chúng ta đang định hình nên thiên đường và địa ngục theo lối sống của mình, cũng như những ảnh hưởng tốt và xấu mà chúng ta trải nghiệm ở đây và kiếp sau. Điều này không có nghĩa rằng Phật giáo phủ nhận hoàn toàn niềm tin về một đời sống “thiên đường” hay một sự khổ đau địa ngục sau khi chết. Nhưng khái niệm Phật giáo về niềm tin này là khác với những tôn giáo khác. Điều này muốn nói rằng khi chúng ta sống bằng việc trau dồi những phẩm chất và đức tính tốt qua việc thực hành theo một số nguyên tắc tôn giáo mà không vi phạm sự an bình và hạnh phúc của kẻ khác, chúng ta cũng có thể trải nghiệm một đời sống dễ chịu, hạnh phúc, thịnh vượng và yên bình hơn ở bất cứ nơi nào trong vũ trụ sau khi chết mà ở đó đời sống hiện hữu. Đối với chúng ta, đó là thiên đường.

Ngược lại, nếu chúng ta sống đời của mình bằng việc chứa chấp sự sân hận, ganh tỵ, oán giận, ác ý và những loại tư tưởng xấu ác khác ở trong tâm, chúng ta phải đối diện với những kết quả trong hình thức của khổ đau hoặc trong kiếp này hoặc kiếp sau. Cũng sẽ khó khăn cho chúng ta để có một sự tái sinh tốt ở trong một môi trường tốt để tu bồi những phẩm hạnh đạo đức. Khi đời sống trở nên nhiều đau khổ hơn, chúng ta xem trạng thái hiện hữu này như là địa ngục.

Bằng việc biết rõ tình trạng thật ở trong đời sống trần tục, người hiểu biết cố gắng quyết định cách sống của họ và sống hòa bình không làm hại kẻ khác và cũng làm việc để giúp đỡ chúng sanh. Chúng ta thích có một sự hiện hữu thuận lợi, tốt đẹp và vui sướng. Nhưng ước vọng của chúng ta là rất khó thực hiện. Thế giới không được sắp xếp theo ý của chúng ta. Sự hình thành cuộc đời này không xảy ra chỉ để thích ứng với chúng ta. Thế giới vận hành theo luật và bản chất vũ trụ của chính nó. Những điều này là công bằng – cho dù chúng ta giàu hay nghèo, có học hay thất học. Là những người có tôn giáo, chúng ta có thể duy trì hạnh phúc và sự mãn nguyện thông qua sự hiểu biết này. Khi những khó khăn, bệnh tật, lo lắng, xáo trộn và tai họa đến với chúng ta, chúng ta không nên than vãn cũng không nên nguyền rủa hay đổ lỗi cho kẻ khác. Chúng ta nên xem tình huống này một cách cẩn thận để hiểu ai hay điều gì chịu trách nhiệm cho tất cả những vấn đề hay có điều gì bên ngoài chúng ta có thể bị khiển trách hay không. Đôi khi chúng ta đã làm một số điều sai trái. Đừng nghĩ rằng chúng ta luôn luôn đúng và người khác là sai. Mọi người trên cõi đời này đều phạm phải sai lầm.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà ở đó chúng ta luôn gặp phải sự va chạm, bất đồng, xung đột, tai họa, bất ổn và chiến tranh. Do đó, sự thách thức là tìm kiếm hòa bình ở trong một thế giới nơi đó bất đồng và va chạm là đang xảy ra hàng ngày.

Tại sao Ông Táo lại không mặc quần

Truyền thuyết kể lại rằng ông Táo ở truồng không mặc quần. Ông Táo chỉ đội mũ, đi hia không mặc quần như thấy qua câu thơ của một nhà văn:...

Hán học ở bên Pháp

Cảm tưởng sau khi đọc bức thư luận học của người bạn ở Paris Sinh ra trong nước Việt Nam, nước người ta bảo nhau rằng có văn hiến bốn...

Hoài niệm về cái Tết Trung Thu xưa

Tết Trung Thu có từ bao giờ, do ai là người đưa Tết này từ Trung Quốc vào nước ta vào khoảng thời gian nào thì chưa có tài liệu...

Cổ vật Việt Nam ở viện bảo tang Guimet

Viện Bảo tàng Quốc gia Nghệ thuật Á Đông Guimet là một trong những nơi có nhiều cổ vật Á Đông nhất thế giới. Riêng bộ sưu tập Nhật Bản...

Đạo thầy trò

Quan hệ thầy trò nói riêng về mặt phong tục cũng cần có một tập sách rêng. Để trả lời cho những câu hỏi về đạo thầy trò, chúng tôi...

Tò he – Nghệ thuật độc đáo của người Việt

Chẳng biết từ bao giờ tò he đã trở thành một trò chơi của trẻ em Việt, dân gian ta còn lưu truyền những câu đồng dao cổ về món...

Trường học Phần Lan – Tấm gương cho giáo dục thế giới

Mọi nơi trong thành phố đều được xem là lớp học. Ở trường, học sinh có thể học bằng cách chơi game khi đang ngồi trên ghế lười hạt xốp....

Tục bái vật là gì?

Quan niệm cổ xưa không riêng ta mà nhiều dân tộc trên thế giới cho rằng mọi vật do tạo hoá sinh ra đều có linh hồn. Mỗi loại vật,...

Chuyện về việc vua Lê Đại Hành dùng thú dữ uy hiếp tinh thần của sứ Thiên triều

Không chỉ “phô” sức mạnh quân sự của Đại Cồ Việt, Vua Lê Đại Hành còn có tuyệt chiêu dùng thú dữ uy hiếp tinh thần của sứ Thiên triều thật độc đáo....

Thư viện lưu động ở xứ Nam Kỳ xưa

Năm 1936, chính quyền ở Nam Kỳ cung cấp dịch vụ thư viện lưu động. Xe chở sách từ kho đưa đến các châu thành của Lục tỉnh để nhân...

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nằm ở phía Đông Bắc hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, là đầu nối các phố Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Tiên...

Cấu trúc làng truyền thống người Kinh

Cấu trúc làng truyền thống của người Việt thường gắn với hình ảnh con đê làng, cổng làng, đình làng, cây đa, bến nước, những khu nhà vườn, ao khép...

Exit mobile version