Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Mối tình đầu trong trẻo và cuộc hội ngộ của cựu binh Mỹ và cô gái Việt

Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, một chàng lính Mỹ đã có một mối tình đầu thật hồn nhiên, trong trẻo cùng một cô gái Việt. Ngày lên đường về nước trong bao lưu luyến, chàng trai đã trao 50 chiếc phong bì cho người yêu với lời hẹn ước: “Khi lá thư cuối cùng được gửi đi, cũng là lúc anh quay lại tìm em”. Thế nhưng, con số 50 như một lời tiên đoán trước cho mối tình của họ – 50 lá thư gửi hết, cũng là lúc họ lạc mất nhau, để rồi 50 năm sau, họ lại tìm thấy nhau trong nước mắt hạnh phúc của sự trùng phùng.

Mối tình đầu trong trẻo

Năm 1968, chàng lính Mỹ điển trai Ken Reesing, khi ấy mới 22 tuổi, được phân công thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Dịch vụ Dữ liệu của Quân đội Mỹ đóng tại căn cứ Long Bình, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Đó cũng là lúc cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Sau những giờ làm việc căng thẳng, chàng lính trẻ lại trở về với chính con người mình, với nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Anh thường ghé quán bar EM Club để một mình nhấp vài ngụm bia cho vơi nỗi buồn.

Một buổi tối nọ, như một an bài của số phận, chàng lính trẻ bất ngờ bị cuốn hút bởi một cô gái phục vụ người Việt với dáng người thanh mảnh, mái tóc đen dài cùng nụ cười rạng rỡ. Cô gái ấy có cái tên rất đẹp – Thúy Lan. Chỉ một cái chạm mắt, Ken biết mình đã phải lòng cô gái này mất rồi.

Kể từ đó, anh thường xuyên đến quán bar, không phải là do buồn nữa, mà để lặng lẽ ngắm nhìn người con gái ấy. Cô gái đẹp nhẹ nhàng nhưng cũng đầy lém lỉnh ấy dường như cũng rung động trước ánh mắt của người lính trẻ.

Mối tình đầu của anh và cô gái 17 tuổi chưa một lần yêu ấy đến một cách thật đẹp, thật thi vị. Cứ cuối tuần, sau khi cô đi nhà thờ về, họ lại hẹn hò cùng nhau ở gần doanh trại trong tiếng cười và hạnh phúc lứa đôi.

Chuyện tình của họ cứ êm đềm trôi qua như vậy khoảng được một năm, bỗng một ngày Ken nhận được lệnh rút quân. Tin này như một bức tường ngăn cản đôi trẻ, họ ít gặp nhau hơn, nhưng tình yêu dành cho nhau dường như lại trở nên mãnh liệt hơn.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định ngỏ lời cầu hôn với Thúy Lan và mong cô đồng ý theo anh sang Mỹ tạo lập tổ ấm. Nhưng là chị cả trong gia đình, phải phụ cha mẹ lo cho 6 người em nhỏ, Thúy Lan không đành theo tiếng gọi của con tim mà rời khỏi quê hương.

Ước hẹn ngày chia ly

Trong nước mắt của ngày chia tay đầy lưu luyến, chàng lính trẻ đã trao cho người yêu của mình 50 bì thư đã được đánh số từ 1 đến 50 cùng lời ước hẹn: “Khi lá thư cuối cùng được gửi đi, cũng là lúc anh quay lại tìm em”.

Ken ngỡ rằng, 50 lá thư ấy sẽ là 50 tháng họ xa nhau. Nhưng trong nỗi nhớ thương da diết, họ đã viết thư cho nhau mỗi tuần và nhờ một người bạn trong căn cứ Long Bình chuyển giúp.

Ở cách xa nửa vòng trái đất, đọc những lá thư tình mà người yêu gửi sang, anh chỉ muốn được trở lại Việt Nam ngay lập tức để ôm cô vào lòng cho vơi đi bao nỗi nhớ nhung.

Tuy nhiên, khi lá thư thứ 50 được gửi đi cũng là lúc người bạn “bồ câu đưa thư” của họ cũng phải đột ngột quay về Mỹ và Ken cũng không thể quay trở lại Việt Nam. Họ mất liên lạc với nhau.

Anh ngỡ ngàng nhận ra do mình cứ đinh ninh sẽ chắc chắn sớm quay lại gặp người yêu nên không hỏi nhiều thông tin về Thúy Lan, trong khi thư cô gửi lại lấy địa chỉ căn cứ chứ không phải địa chỉ nhà mình.

Người lính Mỹ tâm sự: “Thời điểm đó, tôi chỉ còn biết tự trách mình vì thất hứa. Tôi ước ngày đó mình biết rõ hơn về tên tuổi, địa chỉ nhà của cô ấy. Trái tim tôi vỡ vụn và cảm thấy thật khờ dại”.

Còn về Thúy Lan, khi bức thư thứ 50 được gửi đi mà không thấy người thương trở lại, cô vẫn tiếp tục viết, nhưng trái tim trở nên héo hắt từng ngày. Bao nhớ nhung, hi vọng của cô dần không biết gửi vào đâu.

Ngày chiến tranh kết thúc, cô đau đớn khi phải để mẹ mình đốt đi tất cả thư từ và hình ảnh của mối tình đầu. Bởi trong những năm tháng ấy, việc một gia đình người Việt có liên quan đến lính Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thời gian trôi qua, nỗi đau năm xưa cũng dần nguôi ngoai, Thúy Lan lên xe hoa cùng với một người cùng quê vào năm 1984. Hai năm sau, họ có với nhau một cô con gái, nhưng vì hôn nhân không hạnh phúc nên đành chia tay. Cô ở vậy một mình nuôi con bằng nghề bán cháo trắng.

Mối tình đầu 50 năm vẫn không hề phai 

Kể từ ngày rời Việt Nam trở về Mỹ, nỗi nhớ về Thúy Lan vẫn luôn thường trực tròng lòng ông Ken. Ông hỏi thăm Thuý Lan qua các binh lính Mỹ mới trở về nước từ cuộc chiến, nhưng không ai có thông tin.

Ông chia sẻ: ‘Sau khi miền Nam giải phóng, tôi có thuê trinh sát tìm cô ấy. Họ làm việc rất chuyên nghiệp nhưng vì tôi không biết tên thật, nơi ở cụ thể của Lan nên không có kết quả’. 

Sau đó, ông lập gia đình với một phụ nữ Mỹ. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân không hạnh phúc và họ không có con. Sau ly hôn, ông Ken sống một mình trong căn nhà rộng hơn 700m2 ở bang Ohio, Mỹ. Ban ngày, ông đi làm nghề xây dựng. Tối về, ông tự nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Những ngày cuối tuần, ông chăm sóc vườn tược và gặp gỡ bạn bè.

Nhưng những kỷ niệm về mối tình đầu dang dở, cùng hình ảnh người con gái năm nào luôn khiến ông khắc khoải trong nỗi nhớ thương và niềm ray rứt về lời ước hẹn chưa thành. Ông không biết liệu rằng Thúy Lan đã lập gia đình chưa, nên dần dần những tìm kiếm của ông cũng âm thầm hơn, bởi ông “sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của cô ấy”.

50 năm trôi qua, vào tháng 6/2019, khi ở cái tuổi ngoài 70, ông Ken quyết định nỗ lực lần nữa bằng cách đăng hình ảnh của người yêu Thúy Lan khi đang độ tuổi 17 lên mạng xã hội cùng dòng trạng thái:

“Xin chào, tôi là Ken Reesing (cựu binh Mỹ) từng đóng quân tại căn cứ Long Bình (Biên Hòa) năm 1969. Tại đây tôi đã quen và yêu một cô gái tên là Thúy Lan. Khi đó cô ấy làm việc tại EM Club trong căn cứ Long Bình (cô ấy giờ có lẽ khoảng 70 tuổi). Tôi chưa bao giờ ngừng nghĩ về cô ấy. Tôi đã hứa với cô ấy sẽ quay trở lại nhưng vì nhiều lý do tôi đã không thể. Tôi muốn tìm lại cô gái ấy, người luôn hiện hữu trong trái tim tôi, chỉ để biết rằng cô ấy có còn sống và hạnh phúc và tôi sẽ không xen vào cuộc sống của cô ấy”.

Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Những dòng chia sẻ của ông đã nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội. Nhờ sự chung tay của nhiều người, cuối cùng ông cũng đã có được thông tin của người con gái mà ông hằng kiếm tìm. Cô ấy tên thật là Vũ Thị Vinh, đã 67 tuổi, hiện đang sống tại phường Thanh Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai.

Trong sự ngỡ ngàng của bà Thúy Lan, họ dần liên lạc lại với nhau. Từ đó, cứ 8 giờ tối mỗi ngày, hai ông bà lại gọi video nói chuyện cùng nhau. Với vốn tiếng Anh từ thời con gái, bà không cần phiên dịch. Bà chia sẻ: ‘Ban đầu, chúng tôi nói chuyện ngượng ngạo lắm. Giờ quen rồi, ngày nào chúng tôi cũng gọi cho nhau, kể về chuyện ngày xưa, ngày hôm nay làm gì, đi đâu, gặp ai’.

Thế là sau 50 năm xa cách, hai người tưởng chừng đã lạc mất nhau ấy đã có cơ hội trùng phùng. Tháng 9/2019, ông Ken đáp chuyến bay sang Việt Nam để gặp lại người xưa.

Trong giây phút gặp nhau ấy, thời gian như ngừng trôi. Không giấu nổi sự xúc động, họ ôm chầm lấy nhau mà khóc  – khóc cho bao nỗi nhớ nhung, cho quãng thời gian lãng phí của tình yêu.

Trong chiếc áo dài mà ông yêu thích, bà Lan xúc động chia sẻ: “Tôi cứ ngỡ như là một giấc mơ vậy, có một người yêu và nhớ đến mình suốt 50 năm, giờ người ấy trở thành tri kỷ để trò chuyện mỗi ngày. Không cần giàu sang hay quyền lực, đời tôi chỉ cần như thế là quá đủ”.

Về phần ông Ken, ông tâm sự: “Tôi thật sự rất hạnh phúc khi biết bà ấy vẫn còn sống và khỏe mạnh. Qua 50 năm, chỉ có mái tóc của bà ấy ngắn hơn thôi, còn khuôn mặt và nụ cười vẫn vậy, vẫn như một cô thiếu nữ tuổi 16 mà tôi từng yêu năm xưa”.

Những chuỗi ngày như mộng và thêm một lần ước hẹn

Từ ngày ông Ken về Việt Nam, quán cháo của bà Lan vui hơn hẳn. Những người đi qua đều nhìn thấy hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi ngoại quốc, đầu đội nón lá Việt Nam bưng cháo cho khách. Bà Lan thì lúc nào cũng cười tươi, ánh mắt ngập tràn hạnh phúc. Thỉnh thoảng, họ lại trao cho nhau những cái nhìn trìu mến và những cái nắm tay thật chặt.

Trong 14 ngày ông Ken ở Việt Nam, họ đã đưa nhau thăm lại những nơi chốn cũ và du lịch Việt Nam trong sự chào đón nhiệt tình của bạn bè và người thân.

Trước ngày quay về Mỹ, một lần nữa, ông lại ngỏ lời muốn bà sang Mỹ cùng mình. Ông muốn được kết hôn cùng bà và thực hiện lời hứa 50 năm trước vẫn chưa trọn vẹn.

Dù con cháu và người thân đều ủng hộ, nhưng chuyện tình cảm tuổi xế chiều, bà Thúy Lan cũng cần thêm chút thời gian để hai bên hiểu nhau hơn nữa. Bà hứa thời gian tới sẽ qua Mỹ để thăm ông và gặp gỡ bạn bè, người thân của ông.

Tôn trọng quyết định của người yêu và dường như không muốn mất đi người yêu một lần nữa, ông Ken tâm sự: “Nhất định tôi sẽ chờ cô ấy. Chỉ cần cô ấy gật đầu, tôi sẽ làm đám cưới’.

Tình yêu thật kỳ lạ. Nó có thể khiến nhiều người chẳng thể nhìn nổi mặt nhau, nhưng cũng khiến cho bao người sống trong nỗi khắc khoải, chờ mong và ngập tràn trong niềm hạnh phúc tròn đầy.

Chuyện tình của chàng cựu binh Mỹ cùng cô gái Việt thật trong trẻo và đẹp xiết bao. Xin chúc cho mối nhân duyên của ông bà được đơm hoa, để lại cùng nắm tay nhau đi đến hết cuộc đời.

Ảnh cổ Việt Nam và tư liệu – Phần 20

Những bức ảnh Việt Nam xưa được sưu tầm từ nhiều nguồn giúp chúng ta hình dung được khung cảnh Việt Nam trong quá khứ. Mời quý vị cùng xem....

Những câu nói sâu sắc về cuộc đời

"Life is too deep for words" - cuộc sống quá "sâu" để có thể diễn tả bằng lời. "Life is too deep for words" - cuộc sống quá "sâu" để có...

Hà rầm hà rạc là nghĩa gì?

Hà rầm hà rạc là chuyện kể của người Cơ Tu, giáo dục các bạn nhỏ phải biết yêu thương, đùm bọc anh chị em và là bài học quý giá...

Hạ, Thương, Chu có thuộc lịch sử của tộc Việt không?

Các triều đại Hạ, Thương, Chu trong xuyên suốt lịch sử luôn luôn được công nhận là những triều đại khởi nguồn của người Hoa Hạ, tuy nhiên, ở Việt...

Hồ Con Rùa qua các thời kỳ lịch sử

Có rất nhiều giai thoại truyền miệng về hồ Con Rùa, không ít mang màu sắc tâm linh, phong thủy huyền bí. Sài Gòn 1972 – Hồ Con Rùa. Giai...

Tìm hiểu nguồn gốc dân tộc Việt Nam

Bài viết này tư liệu cũng đã có phần cũ, LSTV xin mời bạn đọc theo dõi bài viết khảo cứu về nguồn gốc dân tộc Việt có cập nhật...

Đã từng có một Hà Nội rất khác…

Hà Nội hôm nay đang phát triển và thay đổi diệm mạo, nhiều con đường mới và công trình mới được xây dựng. Nhưng cũng đã từng có một Hà...

Pilatus – tuyến đường sắt dốc nhất thế giới

Chạy từ chân lên đỉnh núi ở độ cao 2.072m, Pilatus ở Thụy Sĩ là tuyến đường sắt dốc nhất hành tinh - 48%, chạy trên đường ray đã 120...

Chữ quốc ngữ và hội chứng nhảy cừu

Những con cừu chỉ hành động theo con đầu đàn. Thấy con đầu đàn nhảy lên ở chỗ nào thì khi đi đến chỗ đó chúng cũng nhảy lên mà...

Khoa Cử Việt Nam – Phần 2: Thi Đình – Chương mười: Kết luận

Thời xưa, con đường chính của triều đình tìm người tài tuấn ra làm quan là Khoa cử, hỏi về thuật trị nước của Nho đạo, lấy Ðức làm trọng...

Nhớ về thời hoàng kim của ‘băng video’, ‘đầu video’

Các hàng cho thuê băng video hồi ấy có đủ mọi thể loại phim như chưởng Tàu, hành động Mỹ, tâm lý xã hội, hoa hậu áo tắm, thậm chí…...

Nguồn gốc câu thành ngữ “Ngao sò tranh đấu, ngư ông đắc lợi”

Điển tích ngư ông đắc lợi Điển tích về ngư ông đắc lợi Xưa kia, vào thời xuân thu chiến quốc, có 2 nước là Yên và Triệu thường xuyên...

Exit mobile version