Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Một mùa trăng

Mỗi độ tuổi con người có những tính cách và ước mơ riêng. Tuổi sáu mươi, bảy mươi thường sống với hoài niệm và thích đi du lịch. Đó là niềm mơ ước trở về thời trung niên của “tuổi lá vàng”. Tôi cũng thế và đang ở độ tuổi ấy – trên bảy mươi. Luôn sống với quá khứ. Rất thích đi du lịch. Đi một mình vào mùa trăng. Tôi thích thế.


Mười bốn tháng tám âm lịch tôi lên đường. Máy bay đáp xuống sân bay Phú Bài lúc 8g 15 phút. Với chiếc túi du lịch trên tay tôi gọi taxi đi thẳng lên Chùa Thiên Mụ – điểm đến đầu tiên. Cổng chùa hiện ra trước mắt tôi quen thuộc, thân thương vì tôi là phật tử của chùa. Chuông chùa vọng lên từng hồi nhẹ nhàng, thanh thoát ấm lòng du khách. Tiếng chim đâu đó trong vườn chùa tranh mồi véo von nghe thật vui tai. Không gian đượm nét thơ với những chiếc đèn lồng Phố Cổ của một mùa trung thu rộn ràng tiếng cười vui con trẻ và nét hiền hòa tràn đầy yêu thương của mẹ cha. Cô Tâm làm công quả ở chùa vui mừng : “A Di Đà Phật. Năm nay cô lại về”. “A Di Đà Phật”. Tôi đáp lễ. Khoác vội chiếc áo tràng tôi lên điện lễ Phật. Tiếng chuông, mõ đều đều cuộn vào khói trầm hương nghi ngút làm cho tâm hồn tôi cảm thấy bình yên, thanh thản. Một không gian tĩnh lặng, êm đềm của chốn thiền môn. Tôi rời điện Phật ra bên ngoài. Ngài Di Lặc nở nụ cười hiền đang ban phát hồng ân cho phật tử và du khách vãng cảnh chùa.

Tiếng mõ lại tiếp tục nghe buồn buồn rồi nhỏ dần theo tiếng chuông ngân dài vang xa nhẹ nhàng đánh thức hồn người thoát vòng tục lụy. Tôi quyết định đêm nay ở lại chùa…

TRĂNG. Trăng mười bốn sáng, không tròn, không đẹp lắm nhưng trông là lạ. Trăng như một thiếu nữ mới lớn thích làm dáng nhưng chưa biết cách làm sao cho mình xinh hơn. Thế nhưng ở đó, người ta vẫn bắt gặp được nét duyên kỳ lạ của tuổi dậy thì. Trăng mười bốn là thế. Không đẹp nhưng có duyên. Trăng duyên. Không đẹp vẫn quyến rũ. Ngồi trên bậc cấp cao nhất của chùa tôi nhìn xuống dòng Hương thơ mộng. Sông êm đềm, lặng lẽ. Trăng mơ màng, trăng làm dáng, trăng bồng bềnh trên mặt nước. Sông chuyển mình cùng trăng mời gọi khách, ngắm “sông trăng”. Tôi đang ngắm sông trăng. Thật mà ảo. Bất cứ gì vừa ảo vừa thật đều đẹp. Ngước mắt nhìn trời. Trời đêm bao la dưới trăng khuya đưa hồn người vào cõi tịnh… Càng về khuya trăng càng sáng. Trăng phủ khắp người tôi màu trắng sáng ngà ngọc. Phủ mặt sông màu xanh lam sáng và đẹp của trời đêm. Trăng mê hoặc mây trắng vờn quanh trăng. Dưới trăng, trên bến sông, hai cây phượng già có tuổi như đang trẻ lại đầy sức sống. Ở đây tôi đã từng có một kỷ niệm đẹp thời cắp sách vào độ tuổi như trăng. Mùa hè năm ấy, chúng tôi – những cô học trò mười bốn đã thực hiện được một chuyến đò dọc trên sông Hương. Khởi hành từ bến sông nhà của bạn Nguyệt ở Gia Hội lên Chùa Thiên Mụ. Đò cập bến, chúng tôi tranh nhau ôm hai cây phượng đỏ rực hoa để chụp hình. Nét hồn nhiên, tươi vui không che dấu được vẻ làm dáng, làm điệu của tuổi bắt đầu lớn hiện lên gương mặt của từng người. Mỗi người một vẻ trông ngộ nghĩnh nhưng rất đáng yêu của tuổi mười bốn với nét duyên là lạ. Hoa phượng gắn với tuổi học trò thơ ngây, trong trắng. Có lẽ thế mà học trò rất thích hoa phượng. Hoa phượng báo hiệu một thời gian nghỉ dài ngày, một mùa thi, một mùa chia tay rộn ràng dễ thương với những cuốn lưu bút chuyền tay …

Tôi đảo mắt nhìn quang cảnh chùa. Đây là ngôi chùa cổ kính và đẹp nhất trong các chùa của Huế. Kiến trúc hài hòa, đẹp mắt, thu hút du khách. Dưới trăng chùa càng đẹp, lồng lộng giữa không gian mây nước nên thơ, hữu tình. Tháp Phước Duyên. Ngôi tháp với nhiều màu sắc thay đổi liên tục theo thời gian. Như đêm nay đây, dưới ánh trăng non tháp ngà mang màu áo vàng pha nâu thay cho màu gạch đỏ phủ rêu xanh, màu của thời gian. Bảy tầng tháp cao uy nghi giữa trời đêm bao la nhuộm vàng ánh trăng. Tháp thầm lặng nghiêng mình bên dòng Hương thơ mộng trong nét thiềng. Trăng mười bốn càng lên cao càng sáng và lộ nét duyên. Một chút lãng mạn đan xen giữa cảnh và vật. Tôi xúc động, lòng rưng rưng đứng dậy thu hết cảnh chùa vào tầm mắt ngắm để rồi ngày mai phải chia tay. Mấy ai có được một đêm trăng đáng nhớ bên dòng Hương ở chùa Thiên Mụ.

Rằm tháng tám. 6g sáng tôi lễ Phật rồi rời chùa đến khách sạn Thành Nội bên hông Đại Nội. Suốt ngày tôi không đi đâu chỉ nằm đọc sách. “Mưa trên cây Sầu Đông” mấy chục năm qua vẫn còn cuốn hút tôi. Tôi mê nhân vật Đông Nghi của Nhã Ca …

8g tối trăng đã lên cao. Trời đêm sáng rực ánh trăng rằm. Mặt trăng sáng, tròn, to, đẹp. Đẹp lắm. Mây trắng bay từng mảng quanh trăng, ve vuốt, tình tự. Một đêm trăng huyền diệu. Rời khách sạn, tôi thả bộ dọc đường thơ, con đường đẹp nhất của Thành Nội có hai hàng cây xanh xòe cánh thả hoa trăng bay đầy đường. Dưới trăng thu, hai hàng cây in bóng trên đường tha thướt, diệu kỳ. Bóng tôi lấp loáng lồng vào bóng cây xôn xao, rạo rực theo gió. Cảnh đẹp lãng mạn vô cùng. Cứ thế tôi đếm bước dưới trăng. Đêm Thành Nội yên ắng vằng vặc ánh trăng thu. Tôi dừng chân bên hồ sen trước Đại Nội. Đẹp quá! Trăng chiếu sáng cả mặt hồ. Những thân sen cuối mùa còn lại vươn thẳng cành bỏ rơi tán lá, lá không buồn vẫn nhảy múa điệu đàng theo trăng. Mây theo trăng xuống hồ ôm trọn vào lòng cả một vòm lá lao xao giữa trời, mây, nước của chốn hoàng cung xưa. Tôi đưa mắt nhìn lầu Ngũ Phụng. Ánh trăng chiếu sáng lấp lánh dát bạc quanh lầu. Trăng thu dẫn hồn tôi đắm say về một đêm trăng thanh bình của hoàng cung mà tôi được đọc qua sách vở. Ở đó, một thời đã có những nàng cung nữ đắm hồn dưới trăng để mơ về chốn quê xa hay nỗi lòng thầm kín của nàng dưới bóng chiều thu như nhà thơ Đông Hồ đã cảm cảnh: “Ngậm ngùi giai nhân khẻ thở dài. Nắng chiều ngã tía sắc lâu đài. Gượng cười trong nét vàng son cũ. Như ả cung tần tuổi nhạt phai”. Tôi thật sự bùi ngùi, xúc động. Trời lên cao vút, trên tầng mây bạc đong đưa vầng trăng sáng trong veo. Tôi nhìn trăng đắm đuối. Tiếng đàn tranh từ Nhạc Hoa Viên vọng lại với điệu Nam Ai vời vợi đêm tạ từ. Trăng vươn mình len qua kẻ lá đồng lõa cùng hai hàng cây có ngọn giao nhau đang thầm thì trong gió. Con đường thơ bỗng tỏa sáng rực rỡ, tôi nghiêng mình mơn trớn bóng trăng rằm rồi giã từ đêm trăng Thành Nội, lặng lẽ với đêm dài cùng mối tình thơ thuở còn con gái …

Mười sáu. Trăng rạng rỡ như một thiếu nữ đầy đặn nét hoa. Rời Thành Nội tôi về Vĩ Dạ. Ngang qua Đập Đá. Trăng nước lao xao. Trăng mười sáu đẹp, quyến rũ. Tôi thả hồn theo trăng lần trong không gian huyền hoặc của trời đêm Vĩ Dạ. Trăng dìu tôi đi. Đi mãi. Trời cao lồng lộng, trăng theo trời lên cao. Mây trắng, mây khói hương cuồn cuộn quanh trăng. Trăng lộng lẫy, duyên dáng cùng mây đưa tôi đi. Trời thu mát mẻ. Trăng đưa tôi vào khu vườn xưa. Dấu tích thời gian vẫn còn như không thể xóa đi nét quyền quí, cao sang của chủ nhân, một họa sĩ tài hoa đầu thế kỷ 20 dòng họ Nguyễn Khoa. Dưới trăng, ngôi nhà màu hồng thật xinh và trang nhã, kiến trúc là lạ, mềm mại . Tự tay chủ nhân thiết kế. Nhà xây theo kiểu tây nhưng lại mang dáng vẻ Đông Phương nền nả, quí phái , sang trọng của khu vườn đầy hoa lá. Tôi như đang mơ “bóng xưa trở về”… Kính trọng và ngưỡng mộ – một nhân tài. Ba tôi kể. Họa sĩ Nguyễn Khoa Toàn, tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1923. Ông đã từng sang Pháp học trường Hội họa Fontainebleau. Đã đạt giải Mỹ Thuật Trang Trí Paris năm 1933. Dưới triều vua Bảo Đại, ông làm quan Tham Tri Bộ Học rồi Tham Tri Bộ Lại; cũng là Tổng Trưởng Bộ Giáo dục của quốc gia Việt Nam dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại. Tác phẩm Đêm Trung Thu là một trong những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, được giới hội họa tán thưởng. Trung thu năm nay, tôi có duyên được ghé lại vườn xưa của người họa sĩ tài hoa; nét đẹp cổ kính từ ngôi nhà đến khu vườn đâu đó vẫn còn đậm nét vương giã cùng sự sắp xếp hài hòa đầy nghệ thuật của vị quan lại “nghệ sĩ”.

Cả một vườn hoa lá làm dáng, nũng nịu dưới trăng thu. Cô bạn thời con gái của tôi – Nguyễn Khoa Diệu Huyền, cháu nội của chủ nhân mừng rỡ đón tôi. Hai đứa ngậm ngùi dưới trăng trong cùng tâm trạng “nửa đời còn lại”. Trăng mười sáu pha màu, pha sắc, chấm phá hài hòa nên cả hai như vẫn giữ lại được một chút duyên. Đằm thắm, dịu dàng. Theo trăng, tôi vào vườn mai. Mai xuân ra đi để lại lá vàng, lá xanh nao nao đợi chờ. Một màu vàng óng ả trăng trang điểm cho vườn mai. Huyền và tôi đếm bước, thả hồn bên những hàng mai buồn. Hoa trăng rộn ràng thêu trên áo. Một thời con gái trở về …

Bóng tôi và Huyền in đậm trên đất. Chung quanh hai đứa là những nhánh trăng rơi . Trời khuya, có lẽ khuya lắm. Trăng lặng yên buồn xa vắng như sẻ chia nỗi buồn sâu thẳm của hai đứa tôi. Nhìn trăng. Tôi khóc. Huyền khóc. Trăng xa dần … xa dần chỉ gửi lại cho hai đứa tôi hai giọt sầu nhạt nhòa trên mắt. Trăng mười sáu với riêng tôi, đẹp lắm nhưng buồn …

Từ giã Huế sau ba ngày rong ruỗi cùng trăng ở Chùa Thiên Mụ, cổng Hoàng Cung, vườn xưa Thôn Vĩ với dấu xưa bâng khuâng ghé về. Hạnh phúc lẫn bàng hoàng. Theo trăng, tôi cảm nhận được nét lãng mạn riêng của tâm hồn – mê trăng và yêu Huế say đắm. Huế của những tháng ngày tôi thả gót ngọc thướt tha đêm huyền diệu để mơ về một khoảng trời riêng của thời con gái mộng mị, đáng yêu.

Đệ nhất cung điện của các vua nhà Nguyễn

Không chỉ là biểu tượng cho quyền lực của nhà Nguyễn, điện Thái Hòa còn được coi là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế. Nằm ở...

Tưới dưa cho người

Tống Tựu làm quan Doãn một huyện gần biên thuỳ nước Lương, chỗ giáp với nước Sở. Người đình trưởng ở biên thuỳ nước Lương cùng người đình trưởng ở...

Hai bà Trưng và trang bi hùng sử tộc Việt

1 Vài nét về thời đại, những tư liệu gốc về Hai Bà Trưng và cuộc khởi nghĩa giành độc lập, tự do cho dân tộc Sau 97 năm dưới ách...

Khác biệt trong việc cài khuy áo

Chiếc áo sơ mi là một trong những món đồ không thể thiếu trong tủ quần áo của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, đố bạn tìm ra điểm khác biệt...

Nổi cơn Tam Bành nghĩa là gì?

Nổi cơn Tam Bành là gì? Trong văn chương, Nguyễn Du có lẽ là người đầu tiên sử dụng chữ Tam Bành.  Cụ thể trong tác phẩm Truyện Kiều, Tú...

Xá lợi là gì? Có mấy loại? Nguyên nhân hình thành xá lợi

Xá lợi được biết đến là những hạt tinh thể cứng rắn, có nhiều màu sắc thường được phát hiện trong tro cốt của một nhà tu hành sau lễ...

Dấu ấn phố cổ

Mùa đông ở Hà Nội đã đến, lạnh giá và sương mù phủ kín khắp phố phường. Minh - một cô gái trẻ vừa mới tốt nghiệp đại học, và...

Trương Vĩnh Ký – Người giữ lửa cho tiếng nói Nam Kỳ

Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt và đi vào lòng dân chúng nhiều nhứt trong số hàng trăm tác phẩm của nhà văn nầy....

Hình ảnh xe kéo xưa

Tại Việt Nam, chiếc xe kéo xuất hiện đầu tiên vào năm 1883 tại Hà Nội do Thống sứ Jean Thomas Raoul Bonnal cho đem từ Nhật Bản sang. Năm 1884, một...

Ba miền Việt Nam năm 1992 qua ống kính Pool Renault

Cùng xem loạt ảnh đặc sắc về Hà Nội, Sài Gòn cùng hàng loạt địa phương khác được phóng viên người Pháp Pool Renault ghi lại trong hành trình xuyên...

Xe xưa trên lối cũ – Phần 1: Xe cổ điển Pháp ở Miền Nam trước 1975

Hoài niệm Saigon một thời là Hòn Ngọc Viễn Đông với những con đường hai bên là hàng me, hàng sao, lác đác cành phượng vỹ, thấp thoáng tà áo...

Không quên cái cũ

Đức Khổng Tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Đức Khổng Tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi...

Exit mobile version