Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Nhớ bếp chuối nướng thuở nào

Những ngày Sài Gòn mưa rả rích, ngồi ngắm mưa bay qua khung cửa sổ, cái lành lạnh của mưa làm đôi tay tôi bất giác xoa lấy nhau. Chợt tôi thấy nhớ da diết làn hơi ấm tỏa ra từ bếp chuối nướng ở quê ngày còn bé. Nỗi nhớ miên man dẫn tôi chạy thật nhanh về những ngày đầu trần chân đất, tụm ba tụm bảy bên bếp chuối nướng, vừa xuýt xoa vừa hít hà cái hương thơm dân dã ấy.

Có lẽ khi nhắc đến món chuối nướng sẽ có rất nhiều người hình dung ra trái chuối được bọc cẩn thận và khéo léo bên trong lớp vỏ nếp, quấn bên ngoài là vài lớp lá chuối rồi nướng trên lửa than thơm phức mà ta dễ dàng bắt gặp khắp nơi ở Sài Gòn. Khi ăn người ta thường cắt đôi trái chuối rồi chan lên một lớp nước cốt dừa đặc sánh, béo ngậy. Nhưng không, món chuối mà tôi nhắc đến chỉ là trái chuối được lột sạch vỏ, để lộ ra thân hình trắng nõn, xếp ngay ngắn trên chiếc vỉ tròn. Từng trái chuối trở mình trên lớp than gần tàn âm ỉ cháy, hắt lên làn hơi đủ ấm nóng để làm món ăn tỏa hương thơm dịu dàng dân dã quyến rũ người đi đường.

Nghe tưởng chừng như dễ nhưng thực ra để nướng được một mẻ chuối ngon thì người nướng phải mất cả buổi hì hục từng công đoạn chuẩn bị, nào là chọn chuối, lột vỏ, phơi nắng rồi mới đến khâu cuối cùng là nướng chuối. Để trái chuối sau khi nướng đạt độ dẻo nhất định, hương thơm phảng phất, người làm nghề phải chọn chuối sao cho khéo. Thường những nải chuối hườm hườm vừa chín tới và vẫn còn lấm tấm xanh trên vỏ sẽ là những ứng cử viên sáng giá. Chuối lúc này chưa đạt độ ngọt nhất định khi ăn sống nhưng là một lựa chọn tuyệt vời để làm món chuối nướng.
Khi đã chọn được những trái chuối ưng ý ta sẽ tỉ mỉ bóc đi lớp vỏ, để lộ ra những thân hình trắng nõn, tròn trịa của chúng. Sau khi lột sạch vỏ, chuối được xếp ngay ngắn trên cái xịa bằng tre hoặc nứa rồi đem phơi nắng độ chừng một giờ đồng hồ cho ráo và săn lớp da trắng mỏng kia. Bước này được xem là bước khá quan trọng giúp cho trái chuối thỏa sức lăn lộn trên vỉ sắt mà không sợ dính. Sau khi mọi bước chuẩn bị đã hoàn tất, ta sẽ làm thêm chén mỡ hành beo béo, mằn mặn để ăn cùng. Nghe thì thấy lạ nhưng mỡ hành là sự kết hợp hoàn hảo nhất với chuối nướng. Nếu ai đã một lần được thưởng thức món này, cứ hễ nhắc đến mỡ hành thì người ta lại nhớ đến chuối nướng và ngược lại.

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, người bán chỉ chờ con nắng chiều vừa chấm ngang ngọn sào thì bắt đầu dọn hàng ra. Bộ đồ nghề để bán món này cũng khá giản đơn và dễ tìm. Chỉ với một cái vỉ sắt tròn đặt vừa vặn trên cái thau nhôm cũ, bên trong là lớp than nhỏ cháy gần tàn chứ không phải hừng hực lửa. Lớp than này được trải đều mặt để hơi nóng vừa đủ làm chuối chín mà không bị khét. Khi vỉ nướng đủ nóng, cũng là lúc người bán xếp từng trái chuối đã ướp đủ hương nắng lên . Vậy là trong tích tắc, hương thơm của chuối chín cây quyện cùng làn hơi ấm ấm của than lan ra khắp xóm khiến đám trẻ con như tôi không tài nào cưỡng lại được. Thế là cả đám thi nhau chạy ùa ra, vây quanh bếp chuối nướng, vừa xoa tay vừa hít hà cái hương thơm đượm nồng ấy.
Đôi tay thoăn thoắt trở bề từng trái chuối sao cho lớp da trắng mỏng kia khoác lên mình bộ áo vàng nâu. Đám trẻ chúng tôi sẽ tranh nhau từng trái chuối nóng hổi “vừa mới ra lò”, xoa xoa trong lòng bàn tay rồi đưa lên cắn một cái thật đã đời. Mỗi khi có đứa muốn ăn với mỡ hành, người bán nhanh tay với lấy con dao chẻ một đường dứt khoát dọc theo thân trái chuối rồi chan thứ nước béo ngậy, xanh màu hành lá thơm lựng kia lên.
Trái chuối dẻo quẹo, ngọt nhẹ hòa cùng vị béo của mỡ hành, thêm mùi khói than hoang hoải, khiến chúng tôi ăn say sưa rồi no lúc nào không biết. Đâu chỉ riêng đám trẻ chúng tôi mê đắm mê đuối món này mà mùi thơm của bếp chuối nướng còn làm bao người phải dừng bước mà thưởng thức cùng. Món chuối nướng tuy đơn sơ và không có gì cầu kì về mặt hình thức nhưng lại là thứ khiến bao người dân quê tôi ăn hoài không ngán. Ngồi bên bếp than ấm, nhìn theo đôi bàn tay đều nhịp xoay trái chuối chuyển mình, rôm rả với nhau biết bao chuyện trên đời cũng là một thú vui. Người bán cứ cần mẫn nướng cho đến khi hết chuối, người thưởng thức cũng nhẫn nại ngồi lại cho đến khi hơi ấm của bếp than tàn hẳn mới chịu về.

Đều đặn mỗi ngày như thế, khi bếp chuối nướng được dọn ra thì chúng tôi có mặt không sót đứa nào. Mãi cho đến khi tôi lớn và rời quê đi xa, hành trang tôi mang theo lên Sài Gòn còn có cả hương thơm và vị bùi ngọt ngày nào của món ăn tuổi thơ, thứ quà quê đã gắn bó với tôi cả một thời ngây dại. Nhưng có lẽ người Sài Gòn ít có dịp được thưởng thức món này nên dẫu cho tôi có lục tung cả mảnh đất phồn hoa lên cũng chẳng tài nào tìm được nơi bán. Có những ngày thèm quá đỗi, tôi đánh liều chạy khắp nơi chỉ để tìm duy nhất hương vị cũ thân thuộc, nhưng đành cất lại sự thèm thuồng của mình vào trong và tự hỏi một câu thật ngớ ngẩn: “Sài Gòn cái gì cũng có, sao lại thiếu duy nhất món này?”

Hôm nay, ngay giây phút tôi ngồi gõ từng phím thật nhanh cho kịp dòng cảm xúc để giới thiệu cho bao người nơi xa biết thêm về món ăn dân dã của tuổi thơ mình, nỗi nhớ trong tôi lại trào lên quay quắt đưa tôi về tháng năm ấy. Một thời ngây ngô của đám trẻ con miền miệt thứ xa xôi với những món quà vặt đơn sơ nhưng chứa chan và đủ vị quê nhà…

Sự hình thành Cải Lương – Phần 1

Hát bội, đờn ca tài tử và sự hình thành cải lương từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 Giới thiệu Bài này có mục đích trình...

Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận năm 1992 trong ảnh của Hans-Peter Grumpe

Khám phá vẻ đẹp của biển Đại Lãnh, cuộc sống ở thành phố Nha Trang và những di tích cổ độc đáo của người Chăm tại Ninh Thuận năm 1992...

Ngắm Hà Nội thập niên 1980 – 1990 qua ảnh của người Mỹ

Những hình ảnh đặc sắc về Hà Nội từ năm 1986-1995 do nhiếp ảnh gia người Mỹ William E Crawford thực hiện sẽ khiến nhiều người không khỏi bồi hồi…...

Khoa Cử Việt Nam – Phần 2: Thi Đình – Chương mười: Kết luận

Thời xưa, con đường chính của triều đình tìm người tài tuấn ra làm quan là Khoa cử, hỏi về thuật trị nước của Nho đạo, lấy Ðức làm trọng...

Lãng mạn là rất đa dạng?

Lãng mạn được ghép bởi hai chữ Hán: “lãng” (sóng nước) và “mạn” (đầy tràn). Hiểu theo nghĩa chiết tự, lãng mạn là sóng tràn bờ, chỉ một sự phóng...

Tần kiếm – Trí tuệ vượt bậc của người xưa!

Kiếm đồng được sử dụng phổ biến vào thời Tiền Tần. Vào thời Xuân Thu và Chiến Quốc, kỹ thuật đúc kiếm cổ đại đã đạt đến đỉnh cao. Thanh...

Nghề Cổ Đất Việt – Khảm Xà Cừ

Từ vỏ con trai con ốc sống ở ao hồ, cửa sông, bàn tay khéo léo của người nghệ nhân đã tạo nên vô vàn sản phẩm khảm xà cừ...

Tư tưởng ‘nam tôn nữ ti’ có hàm nghĩa chân chính là gì?

Nói đến “nam tôn nữ ti”, rất nhiều người cho rằng đây là Khổng Tử có tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, cho rằng thân phận của người nam thì...

Về Chữ “Bậu”

"Bậu" là tiếng dân dã, tiếng thân yêu của vùng Tây Nam bộ chúng tôi. Mỗi lần nghe ai nói, hoặc gặp trong thơ văn là lòng tôi cảm thấy bồi...

Chửi

Hồi tiền chiến, báo chí có kể câu chuyện một người ngoại quốc nghiên cứu về lối chửi nhau của các dân tộc, đến Việt Nam, nhân đọc một đoạn...

Họa sĩ Tạ Tỵ hồi ức về nữ danh ca Thái Thanh

Tôi hỏi, ban hợp ca gồm có những ai? Duy nói, toàn anh em trong gia đình cả, như Thái Hằng, Phạm Đình Viêm (tức Hoài Trung), Phạm Đình Chương...

Vùng Lĩnh Nam lập quốc từ thời Đường Ngu

Đường Ngu tức là vua Nghiêu họ Đào Đường ( 2337 TCN–2258 TCN) và vua Thuấn họ Hữu Ngu. Tam Đại tức 3 đời Hạ (bắt đầu từ vua Vũ),...

Exit mobile version