Dương Ngạn Địch (chữ Hán: 楊彥迪,?-1688), là một thủ lĩnh phản Thanh phục Minh, tổng binh của nhà Minh Trịnh ở Long Môn (龍門), Khâm Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Năm 1679, ông cùng tùy tùng đi thuyền sang thần phục chúa Nguyễn và trở thành người có công trong việc phát triển vùng đất Mỹ Tho, Việt Nam.
Theo sử sách năm 1679 hai vị tướng nhà Minh, Dương Ngạn Địch (Tổng binh quận Long Môn, tỉnh Quảng Tây, Trung Hoa) cùng phó tướng Hoàng Tiến, và Trần Thượng Xuyên (Tổng binh các quận Cao-Lôi-Liêm, tỉnh Quảng Đông) cùng phó tướng Trần An Bình, không chịu hàng nhà Thanh mang 3.000 quân bản bộ đi trên 50 chiến thuyền tới bể Tu Dung (Đà Nẵng) xin yết kiến chúa Hiền. Sau đó hai vị tướng đích thân đến cửa Thuận An bệ kiến chúa Nguyễn và xin tị nạn nước Nam. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần chấp thuận và cho binh đoàn Trường Phát giữ nguyên chức vị và tập quán cũ.
Nhân dịp này chúa Hiền cho binh đoàn Trường Phát hợp lực với binh lực của hai vị tướng Việt, Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Đình Phái, vào miền Đông khẩn hoang lập ấp. Hai tướng Minh triều cũ chia quân làm hai toán, rẽ thuyền vào thẳng miền Đông. Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến đem binh thuyền vào cửa Soài Rạp và Đại Tiểu, đồn trú tại Lộc Dã (Đồng Nai), Mỹ Tho (Định Tường) và Cao Lãnh (Cai Lậy). Trần Thượng Xuyên (còn gọi là Trần Thắng Tài) và Trần An Bình cùng binh sĩ dừng lại ở cù lao Phố (còn gọi là Nông Nại Đại Phố, tức Đồng Nai đại phố), Bàn Lân (Biên Hòa) và Đề Ngạn (đất Gia Định cũ) lập nghiệp. Nhiều người Minh Hương sống tại những làng xã dọc bờ biển miền Trung xin được gia nhập vào hai binh đoàn này vào tái định cư ở miền Đông.
Từ đó hai đoàn quân Minh triều cũ cùng với người Minh Hương vỡ đất phá rừng, đào kinh, cất phố, lập chợ, đưa văn hóa, văn minh và kỹ thuật cao của Trung Hoa vào thẳng miền Nam Việt Nam. Họ chọn những vị trí thuận lợi cho việc giao thông (những vùng đất cao cạnh mé sông) và tập trung khai thác những vùng đất mới. Trong lúc chạy loạn những quân nhân này không mang theo gia đình, tài sản riêng đã lấy vợ là người địa phương (gái Việt con cái của những gia đình nông dân nghèo đã đến từ trước, và gái Khmer con cái của của cư dân Thủy Chân Lạp), sinh con đẻ cái và định cư vĩnh viễn tại đây.
Miền Đông vào thời này còn rất hoang dã. Nhiều huyền thoại về người Hoa còn lưu truyền cho đến nay. Chẳng hạn như huyền thoại về các võ sư người Hoa đến đất Gia Định tìm long mạch để khôi phục lại nhà Minh. Từ đó xảy ra nhiều chuyện đấu võ giữa các võ sư phái Thiếu Lâm Tự và các võ sư bản địa, nhất là với phái võ Bình Định của Tây Sơn tại 18 thôn Vườn Trầu. Hay năm 1770 ông Tăng ên, một võ sư người Hoa, đánh cọp bằng tay không tại chợ Tân Cảnh (Gia Định). Năm 1786, ông Võ Tánh đánh cọp tại thôn Vườn Trầu. Đất Gia Định thời đó còn nổi tiếng về ma quái và bùa phép. Nhiều am miễu, chùa chiền của người Hoa được xây dựng trong địa bàn Biên Hòa (cù lao Phố) và Gia Định như chùa Quan Đế năm 1694, chùa Giác Lâm do Lý Thoại Long xây năm 1774, chùa Kim Chương (hay Kim Chung) năm 1775, chùa Gia Thạnh năm 1789, Quan Võ Miếu năm 1820, chùa Bà Thiên Hậu… để tạ ơn các vị thần và để trấn áp ma quỷ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Sau khi tạm ổn định cư trú và muốn phát triển vùng đất mới, Trần Thượng Xuyên đã kêu gọi những thương nhân gốc Hoa từ các quốc gia khác (Singapore, Mã Lai, Trung Hoa) đến buôn bán. Một số thương gia đã ở lại lập nghiệp và cùng với gia đình các binh sĩ tị nạn làm phát triển nền kinh tế của vùng đất mới. Thương thuyền các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Java qua lại trao đổi và buôn bán rất tấp nập. Người Hoa làm chủ hoàn toàn nền kinh tế tại miền Đông : xuất cảng gạo, cá khô (Đồng Nai), thảo dược, ngà voi (Chân Lạp) và nhập cảng tơ lụa, vải bô, thuốc bắc và các loại hàng xa xí khác (gạch ngói tráng men, đá xây cột chùa, nhang đèn, giấy tiền vàng mã). Người Khmer và người Việt gắn liền đời sống với đất đai và nông nghiệp, vắng mặt trong các sinh hoạt về kinh doanh.
Cũng nên biết thêm về sự phối trí nhân sự tại miền Nam thời đó. Quân của hai tướng Việt và lưu dân Việt Nam trú đóng mạn bắc Sài Gòn (Bà Rịa và Bến Nghé). Quân Minh triều cũ và người Minh Hương đồn trú tại Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho và Định Tường. Quân của các vương tôn và dân chúng Khmer tập trung tại Phú Lâm và các làng xã dọc hai bờ sông Cửu Long, đông nhất là tại Sóc Trăng. Ba thành phần chủng tộc này, do điều kiện sinh kế, đã sống xen kẽ và nương tựa lẫn nhau. Sau này người Khmer có khuynh hướng định cư trên những vùng đất cao (còn gọi là Giồng), người Việt và Hoa thích sống tại các vùng đất trũng (đồng bằng). Sự giao lưu giữa ba thành phần chủng tộc có lúc rất hài hòa nhưng cũng có lúc rất gay go. Người Khmer vì kém tổ chức và sống rải rác, khó tập trung, chịu nhiều thiệt thòi về đất đai và điều kiện sinh sống. Càng về sau người Khmer, không còn chiếm đa số tại những thành phố lớn, lùi dần về những làng xã xa xôi ở phía Tây
Quân của Dương Ngạn Địch, đa số là người Triều Châu, và quân của Trần Thượng Xuyên, đa số là người Quảng Đông, liên hệ được với những nhóm Hoa di cư cùng ngữ phương khác trong vùng Đông Nam Á, thành lập những làng xã theo ngữ phương riêng. Người Hoa sống tại Mỹ Tho, Định Tường đa số nói tiếng Triều Châu, người Hoa định cư tại Gia Định và Biên Hòa nói tiếng Quảng Đông. Sau này khi miền Đông đã phát triển, nhiều nhóm di dân nghèo dưới thời nhà Thanh từ các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nàm (Trung Hoa) đi bằng thuyền vào miền Nam xin định cư và lập nghiệp. Những người này được ban tổ chức của hai đoàn quân phân phối về các vùng đất mới và sinh hoạt với những gia đình cùng ngữ phương khác đã có mặt từ trước. Hai vị tướng Minh triều cũ thay mặt chúa Nguyễn thu thuế (gạo, cá khô, lâm hải sản) rồi chở ra Phú Xuân nộp lại cho triều đình. Về sau hai vị tướng gốc Hoa được lệnh phụ giúp Nặc Ông Nộn bình định đất đai tại Thủy Chân Lạp.
Dựa vào thế lực của đoàn quân Dương Ngạn Địch, Nặc Ông Nộn nhiều lần tiến quân sang vây thành Nam Vang tranh ngôi vua với Nặc Ông Thu nhưng không thành công. Vài năm sau thấy không kiểm soát nổi quân của phó tướng Hoàng Tiến, Nặc Ông Nộn phải nhờ quân Việt Nam giúp đỡ.
Quân của phó tướng Hoàng Tiến (còn gọi là Huỳnh Tấn), với sứ mạng giúp Nặc Ông Nộn bình định đất đai, phiêu lưu trên khắp các nhánh sông Cửu Long (sông Tiền và sông Hậu), đánh chiếm nhiều làng của người Khmer dọc hai bờ sông. Năm 1682, Hoàng Tiến tiến quân qua Lục Chân Lạp (Kampuchea ngày nay), khám phá được nhiều vùng đất trù phú mới. Khi trở về, Hoàng Tiến thuyết phục Dương Ngạn Địch cùng binh sĩ ly khai khỏi ảnh hưởng của triều đình Việt Nam và Trần Thượng Xuyên để thành lập một lãnh thổ riêng giữa Thủy và Lục Chân Lạp.
Bị nội phản
Trong những năm 1682-1688 nhiều mối bất hòa đã xảy ra giữa quân sĩ của hai vị tướng. Trần Thượng Xuyên cùng binh sĩ muốn an cư lập nghiệp, tập trung xây dựng và phát triển vùng đất đang cư trú. Binh sĩ của phó tướng Hoàng Tiến, ngược lại, muốn tiến chiếm luôn đất Chân Lạp và thành lập một vương quốc riêng. Dương Ngạn Địch không tán thành ý đồ của Hoàng Tiến, vì đã thề trung thành với chúa Nguyễn, không muốn có hành động phản bội ơn dung dưỡng lúc sa cơ thất thế.
Năm Mậu Thìn (1688), tức 9 năm sau kể từ khi Dương Ngạn Địch sang đất Việt, ông bị phó tướng Hoàng Tiến giết chết ở cửa biển Mỹ Tho. Sách Đại Nam thực lục Tiền biên chép:
- …Ám hại xong, Hoàng Tiến tự xưng là “Phấn dũng hổ oai tướng quân”, dời đồn sang Nan Khê, thủ hiểm đắp lũy, đúc đại bác, đóng chiến thuyền, thả quân đi cướp bóc tứ tung, người Chân Lạp vô cùng khổ sở. Vua chính nước Chân Lạp là Nặc Thu oán giận (tưởng là chúa Nguyễn ngầm xui để lấy cớ xâm chiếm nước), bèn mưu với bề tôi là Óc Nha Cống Sa bỏ việc triều cống và đắp ba luỹ Bích Đôi, Cầu Nam và Nam Vang, rồi chằng xích sắt ngăn cửa sông, làm kế cố thủ..
- Vua thứ nhì Chân Lạp là Nặc Nộn (đang đóng ở Sài Gòn), cấp báo đến dinh Trấn Biên. Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691) nổi giận, bèn cử tướng Mai Vạn Long ở Dinh Thái Khương giả hiệp quân cùng Tiến đi đánh dẹp Nặc Thu, nhưng kỳ thực cũng để hạ Hoàng Tiến.
- Tháng Giêng năm Kỷ Tỵ (1689), Mai Vạn Long kéo quân đến cửa biển Mỹ Tho, đóng ở Rạch Gầm, sai người đến Nan Khê triệu Hoàng Tiến đem quân sở bộ đến.
- Vạn Long phải dùng mẹo đánh lừa Tiến đến hội. Quả nhiên Tiến cưỡi thuyền ra sông đến hội. Phục binh vùng dậy, bốn mặt đánh vào, Tiến bỏ thuyền chạy, nhằm lẩn về phía cửa biển Soài Rạp, trốn thoát. Vạn Long vào lũy, bắt được vợ con Tiến đều chém cả, chiêu tập dư chúng quân Long Môn, sai bộ tướng là Trần Thượng Xuyên quản lãnh để làm tiên phong..
Hoàng Tiến chống lại Trần Thượng Xuyên và chống luôn chúa Nguyễn, cho quân trú đóng ở đồn Nam Khê (Mỹ Tho), đóng tàu, đúc súng chuẩn bị tiến đánh Lục Chân Lạp. Vua Chân Lạp Nặc Ông Thu cũng cho đào hào, đắp lũy cố thủ và bỏ không triều cống chúa Nguyễn nữa. Nghĩa vương Nguyễn Phúc Trăn cùng Trần Thượng Xuyên mang quân đánh dẹp, dùng mưu bắt và giết Hoàng Tiến. Chiến trận xảy ra rất khốc liệt, quân của Hoàng Tiến bị sát hại rất nhiều. Những người sống sót một số đầu hàng, một số chạy sang Chân Lạp lánh nạn rồi sau đó định cư và lập nghiệp luôn tại Phnom Penh và những tỉnh quanh Biển Hồ (Tonlé Sap) : Neak Luong, Kompong Chanang. Đám tàn quân này sinh lòng thù hận cả người Việt lẫn người Hoa sống tại miền Nam, đã phụ giúp các vua Chân Lạp và Xiêm La chống lại Việt Nam. Tình hình Chân Lạp và miền Đông trở nên mất an ninh, loạn lạc xảy ra khắp nơi, quan quân triều đình nhà Nuyễn phải vất vã lắm mới dẹp yên.
Thân thế
Dương Ngạn Địch còn được gọi là Dương Nhị (楊二), người em trai của ông gọi là Dương Tam (楊三). Quê quán của ông chưa rõ, có thể là Lôi Châu, Ngô Xuyên (吳川) hoặc Khâm Châu (欽州).
Từ năm 1640-1650, anh em họ Dương làm thổ phỉ, và có quan hệ với thủ lĩnh hải tặc tên Hoàng Chiêm Tam (黃占三), và một hải tặc người Đàng Ngoài tên Hoàng Minh Phiếu (黃明票). Năm 1655, hai anh em họ có đến cướp phá ở Lăng Thủy (陵水) trên đảo Hải Nam.
Dương Ngạn Địch sau đó gia nhập lực lượng của Trịnh Thành Công. Theo sách Phòng Thành huyện chí (防城縣志), năm 1661, Dương Ngạn Địch xuất quân chiếm cứ đảo Long Môn ở Khâm Châu và kiểm soát khu vực biển xung quanh Khâm Châu và Phòng Thành, tự xưng hiệu Dương Vương. Sau đó, con trai Trịnh Thành Công là Trịnh Kinh phong cho Ngạn Địch chức Vũ trấn tổng binh (武鎮總兵).
Năm 1677, loạn Tam Phiên xảy ra, Dương Ngạn Địch theo lệnh Trịnh Kinh tái chiếm đảo Long Môn, Khâm Châu. Năm 1679, quân Thanh công phá đảo Long Môn, Ngạn Địch nhận thấy không còn hi vọng khôi phục triều Minh, bèn cùng gia quyến lên thuyền đi tị nạn ở Đàng Trong. Người em trai Dương Tam vẫn ở lại làm cướp biển và bị quân Thanh giết năm 1700.
Tại Phòng Thành, Dương Ngạn Địch được tưởng nhớ với danh hiệu Dương Nghĩa (楊義) kèm với giai thoại xây dựng đồn thủy binh ở đảo Long Môn của ông.