Từ những tư liệu trong Châu bản triều Nguyễn đến gia phả dòng họ Mạc ở xã Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đều cho thấy Mạc Cảnh Huống là người có nhiều công lao đối với nhà Nguyễn thời kì khai quốc.
Mạc Cảnh Huống (1542 – 1677), húy là Lịch, là con út của Thái tông Mạc Đăng Doanh và thứ phi Đậu Thị Giang. Ông xuất thân trong hoàng tộc nhà Mạc nhưng lại là một vị khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Trong buổi đầu xây dựng vương triều Nguyễn, Mạc Cảnh Huống cùng với Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Hiệp đều là những người có công lớn.
Khu lăng mộ của Thống thủ Mạc Cảnh Huống nhỏ hẹp nằm trong khu dân cư. |
Sau khi nhà Nguyễn thống nhất giang sơn, Nguyễn Ư Dĩ và Tống Phước Hiệp đều được truy tặng, chỉ duy Mạc Cảnh Huống là chưa được ban phong. Vì vậy, đến đời vua Duy Tân, Nguyễn Trường Dọc thay mặt dòng họ Nguyễn Trường ở xã Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bẩm xin truy tặng, ban sắc văn cho Mạc Cảnh Huống để thờ tự. Căn cứ trên tờ bẩm và tư văn của tỉnh Quảng Nam, Phủ Phụ chính đã dâng tấu lên vua Duy Tân. Bản tấu xin truy tặng ban sắc văn cho Mạc Cảnh Huống này gồm 5 trang, có kí hiệu tờ 114, tập 3 Duy Tân, phông Châu bản triều Nguyễn. Trên văn bản có đóng dấu kiềm Phụ chính của Phủ Phụ chính và nét son châu điểm của vua Duy Tân.
Phần đầu của bản tấu ghi chép khái lược về sự trạng của Mạc Cảnh Huống như sau: “Hôm qua nhận được tư văn của tỉnh Quảng Nam trình bày: Căn cứ tờ bẩm của Nguyễn Trường Dọc họ Nguyễn Trường thuộc xã Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, nguyên là người huyện Tống Sơn, trình rằng: Thuỷ tổ ở triều trước là quan Thống binh, Thái phó truy phong Nguyên huân Nguyễn Trường Huống, cùng tổ đời thứ hai là Thượng tướng quân, về sau có công đánh giặc Cao Man bị tử trận mất tích, khẩn xin đề đạt ông tổ họ tộc đó được truy tặng ban sắc văn để thờ tự; thứ nữa nhận được ân dầy của triều đình. Tỉnh đó cung kính chiếu theo Liệt truyện tiền biên ghi chép Mạc Cảnh Huống người Nghi Dương, Hải Dương, là em của Khiêm vương Mạc Kính Điển, Hiếu Văn hoàng hậu tiên triều của bản quốc là cháu gái. Mùa Đông năm Mậu Ngọ (1558), Thái tổ Cao hoàng đế vào Nam trấn thủ đất Thuận Hóa, Cảnh Huống mang gia quyến đi theo. Trải làm quan tới chức Thống binh, tham gia trù tính nơi màn trướng. Cảnh Huống cùng với Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Hiệp đều là bậc công thần phụ tá thời sơ quốc. Con trai là Vinh (ban đầu họ Mạc, được ban quốc tính đổi là họ Nguyễn Trường), vào triều Hoàng đế Hy Tông lấy công chúa Ngọc Liên, làm quan đến chức Phó tướng, Lưu thủ Phú Yên; năm thứ 16 đánh dẹp bình định được giặc Phong có công, đặc biệt ban cho ấn son, công nghiệp vững bền mãi. Nay họ đó kêu trình mọi lẽ, phủ thần đã tư cho Quốc sử quán tra cứu trả lời. Nay nhận được phúc trả lời rằng Thực lục tiền biên ghi chép về sự trạng của Cảnh Huống và con trai là Vinh đều y như ghi chép trong Liệt truyện tiền biên. Lần đó Thái tổ Cao hoàng đế vào trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Ư Dĩ, Tống Phước Hiệp đều dẫn con em theo, cùng Cảnh Huống đồng lòng phụ tá, giúp dập, ba người là mệnh thần phụ tá thời sơ quốc có công.”1
Theo ghi chép trong Châu bản triều Nguyễn thì Mạc Cảnh Huống là người Nghi Dương, Hải Dương, là em của Khiêm vương Mạc Kính Điển, là chú ruột của Hiếu Văn hoàng hậu2. Mùa Đông năm Mậu Ngọ (1558), Thái tổ Cao hoàng đế3 vào Nam trấn thủ đất Thuận Hóa, sau đó Cảnh Huống mang gia quyến đi theo và trở thành bậc công thần phụ tá thời sơ quốc. Chính bởi công lao to lớn của ông và sau này con trai là Cảnh Vinh lấy công chúa Ngọc Liên mà được theo quốc tính. Thực lục tiền biên chép về việc Mạc Cảnh Huống và con trai là Mạc Cảnh Vinh đổi sang họ Nguyễn như sau: “Kỷ Tỵ, năm thứ 16 (1629), mùa đông tháng 10 ….Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh (con trưởng Mạc Cảnh Huống lấy công chúa Ngọc Liên, cho theo quốc tính, sau đổi làm [hệ tính] Nguyễn Hữu) đi đánh dẹp yên và lập dinh Trấn Biên.”4 Đến thời Tây Sơn thì đổi sang họ Nguyễn Trường, sau này Mạc Cảnh Huống được truy phong Nguyên huân Nguyễn Trường Huống và trở thành thủy tổ của dòng họ Nguyễn Trường ở xã Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Theo gia phả của chi phái họ Mạc (Nguyễn Trường) ở xã Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thì Mạc Cảnh Huống là người có tài quân sự, từng phò tá ba đời chúa Nguyễn, từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đến chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Trong thời gian phò tá các chúa Nguyễn, ông là vị tướng quan trọng của quân đội Đàng Trong, là người vạch ra chiến lược quân sự chống lại quân Trịnh ở Đàng Ngoài và bình định Chiêm Thành ở phương Nam. Đặc biệt, dưới thời chúa Tiên, ông là người có công lớn trong công cuộc Nam tiến, mở rộng biên giới về phía Nam. Có thể nói công lao ấy sánh ngang với Nguyễn Ư Dĩ và Tống Phước Hiệp.
Trong thời gian phụ tá chúa Tiên, Mạc Cảnh Huống luôn là người vạch đường lối, dâng kế sách, tham mưu nơi màn trướng, sớm khuya vất vả. Công lao của ông trong buổi đầu chúa Tiên khởi nghiệp được ghi lại trong Thực lục tiền biên như sau: “Kỷ Mùi, năm thứ 2 (1559), mùa thu tháng 8, Thanh Hóa và Nghệ An bị lụt, dân lưu tán nhiều vào miền Nam. Bấy giờ mọi việc bắt đầu. Chúa khuya sớm chăm lo, nghĩ việc củng cố căn bản. Nguyễn Ư Dĩ5 cùng bọn Tống Phước Trị6 (bấy giờ gọi là Luân quận công), Mạc Cảnh Huống cùng lòng hợp sức, quy hoạch nhiều phương, chúa đều thành thực tin dùng”7.
Đến đời chúa Sãi, ông đóng vai trò quan trọng trong đường lối hòa bình để bình định bộ tộc Man ở Ai Lao thường sang quấy nhiễu biên giới phía Tây. Năm 1627, ông lại góp phần vào chiến thắng đánh lui quân Trịnh khi chúa Trịnh Tráng cho quân tiến đánh Đàng Trong. Năm 1633, khi quân Trịnh định đánh Đàng Trong lần hai, ông đã vạch ra kế sách góp phần ngăn chặn sự tiến công của đội quân Đàng Ngoài này.
Mặc dù Mạc Cảnh Huống rất có tài quân sự nhưng ông cũng là người sùng tín đạo Phật. Vì vậy, ông phò tá chúa Thượng đến năm Mậu Dần (1638) thì xin từ quan để chuyên tâm tu hành. Khi đó, ông đã 96 tuổi. Ông chọn làng Trà Kiệu, huyện Diên Phước, dinh Quảng Nam (sau đổi là xã Trà Kiệu huyện Duy Xuyên; nay là xóm Hoàng Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) để định cư.
Khi định cư ở làng Trà Kiệu, Mạc Cảnh Huống vẫn luôn một lòng hướng về Phật đạo. Năm Đinh Mùi (1667), ông cho trùng tu lại ngôi chùa trên đồi Bảo Châu tên là Bảo Châu Sơn tự và trụ trì tại đó, lấy pháp danh là Thuyền Cảnh Chân Tu. Tương truyền, nhờ tu luyện theo phương pháp thiền của đạo Phật mà Mạc Cảnh Huống sống tới 135 tuổi.
Từ những tư liệu trong Châu bản triều Nguyễn đến gia phả dòng họ Mạc ở xã Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đều cho thấy Mạc Cảnh Huống là người có nhiều công lao đối với nhà Nguyễn thời kì khai quốc. Đặc biệt, công nghiệp đó vẫn được minh trưng trong sử sách, biên chép ở Đại Nam Liệt truyện tiền biên và Đại Nam thực lục tiền biên. Bởi vậy, khi vua Duy Tân lên ngôi (1907-1916), xét lại công lao của các huân thần thuở quốc sơ đã truy tặng cho Mạc Cảnh Huống là “Khai quốc công thần Tráng Vũ tướng quân, Đô thống phủ Chưởng phủ sự, húy Trung Trinh đưa vào thờ trong đền Trung Nghĩa khiến được thấm nhuần ân sâu mà báo đáp công lớn”8.
________________
Chú thích:
1.Phông Châu bản triều Nguyễn, Duy Tân tập 3, tờ 114.
2 Tức chúa Tiên Nguyễn Hoàng
3Hiếu Văn hoàng hậu tức Quận chúa Mạc Thị Giai là con gái của Khiêm vương Mạc Kính Điển, về sau trở thành vương phi của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
4Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, tr.44, Nxb Giáo dục, H.2007.
5Có tài liệu viết là Nguyễn Ư Kỉ.
6Trong Châu bản triều Nguyễn viết là Tống Phước Hiệp.
7Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, tập 1, tr.28, Nxb Giáo dục, H.2007.