Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Ngày Tết của người Nha Trang

Từ hồi ký của một người Âu châu đã từng sống ở Nha Trang đầu thế kỷ 20, chúng ta có thể hình dung được không khí vui Tết của người Nha Trang cách đây hơn 100 năm.

Đầu thế kỷ 20, Nha Trang chỉ là một làng đánh cá nghèo với khoảng 3.000 dân, trong đó có hơn 30 kiều dân châu Âu, đa số là người Pháp. Phố xá chỉ nằm trên một con đường chính là đường Phan Bội Châu – Độc Lập (đường Thống Nhất ngày nay); chợ Đầm còn rất nhỏ, hay bị ngập lụt khi mưa lớn; dọc biển có đường Avenue de la Plage (một thời là đường Duy Tân, nay là đường Trần Phú), tại đó có viện Pasteur (xây dựng năm 1895), cuối đường là dinh Công sứ (UBND tỉnh ngày nay). Dinh Quan Năm (Yersin, xây dựng năm 1895). Khách sạn độc nhất vào đầu thế kỷ là Frégate (bây giờ là khách sạn Michelia), nằm đối diện với bưu điện cũng vừa xây xong.

Một bữa ăn của người khá giả ngày xưa. Gabrielle M. Vassal

Hồi ký của bà Gabrielle M. Vassal ghi lại: “Người dân Nha Trang ngày xưa ăn Tết kéo dài 12 ngày. Dù là người giàu sang hay nghèo hèn, cụ già hay con nít, ai ai cũng đều bỏ công việc hàng ngày để vui hưởng những ngày Tết trong suốt thời gian này. Để chuẩn bị đón Tết, chào đón linh hồn tổ tiên về nhà cùng con cháu, từ nửa tháng trước Tết, mồ mả tổ tiên đã được con cháu trùng tu, đắp thêm đất, làm cỏ hoặc sơn, quét sạch sẽ, nhà cửa được sơn quét lại mới, bàn thờ tổ tiên được trang trí tôn nghiêm, các bộ lư đồng được đánh bóng nhoáng, những tấm liễn dài màu đỏ viết câu đối bằng chữ nho treo trên cột nhà hay vách tường. Tết là dịp tiêu tiền nên ai cũng cần tiền. Vì vậy, họ bán những gì có thể bán. Mùa thu hoạch lúa vừa kết thúc, họ bán lúa cho “các chú” (chỉ người Hoa) để có tiền. Vài tháng trước Tết, họ may quần áo mới, áo dài, khăn đóng bằng tơ lụa, mua pháp nổ và pháo thăng thiên. Phần tiền còn lại để ăn Tết và cờ bạc – đây là điểm yếu trầm trọng nhất của người Việt. Họ có thể không uống rượu, không gây lộn, nhưng không thể không cờ bạc trong dịp này. Trò đỏ đen thịnh hành nhất đầu thế kỷ 20 ở Nha Trang là đánh xóc dĩa, gọi là “ba quan”. Họ ngồi đánh bạc trên bộ ván hay trên mặt đất. Phần đông người chơi cờ bạc đều thua cháy túi. Đó là lý do tại sao những người thợ khéo léo, có tay nghề, thông minh, làm được nhiều tiền nhưng lúc nào cũng nghèo và sống cuộc đời kham khổ. Trong mấy ngày Tết, bao nhiêu tiền dành dụm được trong cả năm đều tiêu hết.”

Khác với Huế và Sài Gòn, tuy Nha Trang khi ấy nghèo và nhỏ, nhưng nhờ nằm bên bờ sông và có bờ biển dài xinh đẹp, nên người dân Nha Trang có những cuộc vui rất độc đáo mà nơi khác không có vào dịp Tết. Buổi sáng đầu năm, bao giờ cũng có các cuộc du thuyền trên sông Cái với sự tham gia của hàng trăm thuyền thúng tròn bằng tre. Trong cuộc đua này, các tay đua phải tranh giành, xô đẩy nhau cho đối phương té nhào và thuyền lật úp. Cảnh chiến đấu vì vậy rất hào hứng, náo nhiệt. Người chiến thắng là người cuối cùng còn đứng vững trên thuyền của mình. Ngoài ra còn cuộc thi đua thuyền dọc bờ biển. Đó là những thuyền đánh cá lớn với 10 người chèo lực lưỡng. Các thuyền này đều giống nhau về hình dáng, kích thước, đều sơn đen, trước mũi thuyền, mỗi bên đều vẽ một con mắt lớn màu trắng. Thuyền trúng giải thường là thuyền đến đích trước nhất, với tiếng vỗ tay và reo hò của người đứng xem trên bờ. Sau hai cuộc đua này là cuộc thi bơi lội và đấu đô vật dưới nước cũng rất hào hứng.

Buổi chiều các kiều dân Âu châu và dân Việt tụ tập ở sân vận động để tiếp tục những cuộc thi đấu khác. Khan đài được kết hoa rực rỡ dành cho người Âu châu, các quan lại Việt Nam và chức sắc địa phương. Cuộc vui buổi chiều là đua ngựa, chạy đua, đua xe kéo, đua xe cút kít… Các vũ điệu dân tộc cũng được trình diễn bởi các cô gái kiều ciễm, khá lôi cuốn người xem. Đặc biệt, còn có màn trình diễn voi trước khán đài được mọi người tán thưởng nhiệt liệt. Vào buổi tối, quan khách được mời vào dinh Công sứ, ngồi trên hàng hiên để xem múa lân. Dân chúng cũng được vào dinh đứng xem. Đối với người Việt thời đó, không có múa lân thì không phải là lễ Tết. Giữa đem tối, đầu lân rực sáng bởi đuốc. Thân lân dài hơn 40 thước. Người múa lân phải là nghệ sĩ tài ba hòa hợp vũ điệu nhảy múa cổ truyền theo tiếng trống để thể hiện được thái độ của con lân. Khi con lân uốn mình trên các lối đi trong dinh Công sứ, lửa phun từ trong đầu lân rơi xuống đám đông bu quanh. Người ta quăng pháo nổ vào chân lân nhưng lân vẫn múa, tiến bước giữa ánh pháo lóe bùng và tiếng nổ chát chúa. Tuy thường xuyên xảy ra tai nạn, bị phỏng cháy nhưng mọi người vẫn cuồng nhiệt, reo hò cổ vũ trong tiếng đàn độc huyền, tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng phèng la của ban múa lân. Dẫn đầu đám múa lân là đám trẻ con, vừa lo sợ vừa thích thú reo hò. Khi đoàn múa lân đi qua là cảnh đốt pháo thăng thiên. Pháo tỏa thành vạn vì sao đầy màu sắc trên bầu trời Nha Trang.

Cuối cùng, vào buổi tối là màn trình diễn hát bội. Bình thường, hát bội được tổ chức ở rạp hát hay đình chùa. Nhưng vào dịp Tết, đám hát bội đến dinh Công sứ trình diễn ngoài trời. Hàng rào đuốc cháy sáng bằng dầu lửa bao quanh sân trình diễn. Một người phụ trách đi châm dầu. Khi ngọn đuốc nào cạn dầu, họ tắt đuốc, châm dầu, rồi thắp đuốc lại bằng cách ngậm dầu trong miệng, phun thành ngọn lửa vào đuốc. Các diễn viên trình diễn liên tục không biết mệt trong ánh sáng lờ mờ và đầy khói của bao nhiêu ngọn đuốc. Bên ngoài, đám con nít chen lấn vượt qua hàng rào đuốc. Đằng sau đám con nút là người lớn, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều búi tóc, đứng chen chúc say mê theo dõi. Hát bội trình diễn suốt đêm tới gần sáng, dân chúng mới về nhà. Thành phố vẫn còn đì đùng tiếng pháo lẫn tiếng sóng dạt dào. Một buổi sáng lại bắt đầu cho một ngày mới với nhiều cuộc vui Tết khác.

Tuy đã hơn 100 năm nhưng dường như không khí đón Tết của người Nha Trang xưa với nhiều tục lệ vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay. Đó là việc sửa sang phần mộ tổ tiên trong những ngày trước Tết, cảnh múa lân nhộn nhịp và pháo hoa rực rỡ. Chỉ tiếc là cuộc đua thuyền thúng từ rất lâu đã không còn và ít người biết đến.

Cuốn hồi ký “Mes trois ans d’Annam” (Ba năm ở xứ An Nam) của Gabrielle M. Vassal được xuất bản năm 1912 bởi NXB Hachette (sách dày 303 trang, lời tựa của tiến sĩ Roux, có minh họa). Gabrielle M. Vassal vốn mang quốc tịch Anh, lấy chồng là một bác sĩ người Pháp. Cuốn sách đã cung cấp những hình ảnh độc đáo về Việt Nam cách đây hơn 100 năm thông qua câu chuyện kể về chuyến phiêu lưu khắp ba miền của bà khi cùng chồng sang Việt Nam. Đặc biệt, trong đó bà kể lại nhiều sinh hoạt của người Nha Trang mà bà có dịp chứng kiến trong thời gian ba năm (1904-07) cư ngụ tại Nha Trang.

Vùng núi Kiệt Đặc – Phượng Hoàng linh thiêng trong các thư tịch cổ

Tại đền thờ Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng còn lại 3 tấm bia đá cổ. Tấm cổ nhất là “Chu Văn Trinh tiên sinh ẩn cư xứ”, được...

Những bức ảnh hiếm về Nam Phương Hoàng hậu

Nam Phương Hoàng hậu tạo dáng chụp ảnh tại dinh thự gia đình ở Đà Lạt, nhí nhảnh trong ngôi trường mình theo học ở Pháp, duyên dáng trong tà...

Di sản Sùng Nam của văn hoá Bách Việt

Cách cư xử của người Trung Hoa mặc nhiên thể hiện tâm thức hướng Nam, hình thành văn hóa Sùng Nam do người Bách Việt lưu lại. Người Hoa có...

Nhớ thương quang gánh

“Cho con gánh mẹ một lần Cả đời mẹ đã tảo tần gánh con…” Mỗi khi nghe lời bài hát “Gánh mẹ” được nhiều ca sỹ thể hiện thành công,...

Xứ Đông Dương năm 1944

Bãi biển Đồ Sơn nhìn từ máy bay, chùa Wat Xieng Thong ở Lào, các vũ công biểu diễn ở đền Angkor của Campuchia… là loạt ảnh quý về xứ...

Những câu chuyện nhỏ đáng suy ngẫm về nhân sinh

Trong cuộc sống, đôi khi không phải chuyện gì chúng ta cũng có thể ngay lập tức thông suốt và thấu hiểu. Một số mẩu truyện về nhân sinh dưới...

Tâm rộng như biển, gió mát tự tìm tới

Kỳ thực, trong cuộc sống của chúng ta không hề có nhiều khán giả như vậy, cũng không cần phải ngụy trang nhiều như vậy. Hãy sống đơn giản một...

Những hình ảnh sinh động về khu vực trung tâm Sài Gòn năm 1968

Trường ngoại ngữ International House, ga Sài Gòn cũ, trường Trung học nữ sinh Gia Long… là những hình ảnh sinh động về khu vực trung tâm Sài Gòn năm...

Hai chiếc vé về lại một thời hảo ngọt

Một buổi chiều cuối năm, khi mọi việc có vẻ tạm ngớt, chúng tôi hay thèm cái khí quyển của một thị trấn yên yên tĩnh tĩnh. Ở Sài Gòn,...

Văn hóa ngoại trong lịch sử Việt

Việt Nam là một quốc gia Ɖông Nam Á lục địa nằm gần hai nền văn hóa lớn ở Á Châu: Văn hóa Trung Hoa và văn hóa Ấn Ɖộ....

Đào Duy Từ chăn trâu – một tài năng hai thân phận

Tuổi ngoài năm mươi với tài năng và trí tuệ siêu quần, Đào Duy Từ vẫn phải chịu trù dập của mệnh đời nghiệt ngã. Quê ở Thanh Hoá là...

Vẻ đẹp của cung An Định ở Cố đô Huế

Có quy mô đồ sộ cùng cách thức trang trí hết sức hoa mỹ, cung An Định được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc...

Exit mobile version