Trong cuốn “Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn” của ông Phạm Khắc Hòe, (ông Hòe nguyên là Đổng lý Ngự tiền Văn phòng triều Bảo Đại trước tháng 8/1945. Ông Hòe chính là người soạn thảo chiếu “thoái vị” cho nhà vua vào ngày 22/8/1945; trong sách có bài viết “Vũ Duy Thanh một ông quan xưa rất nhạy cảm với khoa học và kỹ thuật hiện đại”. Ở nội dung bài viết này, tác giả có thuật một câu chuyện như sau:
“ Những ưu điểm của Vũ Duy Thanh được thể hiện rất rõ trong mấy câu chuyện sau – Chuyện một khối đá màu đen.
Một hôm quan đầu tỉnh Quảng Yên cho mang về Kinh một khối đá màu đen, kèm theo một tờ trình nói rằng:
“Bọn thổ dân trong khi đào một cái mương sâu, thấy có rất nhiều lớp đá màu đen, đua nhau đào lấy, đem về đẽo làm vua bếp để thổi nấu, thì thấy phát lửa cháy thành ngọn rất đượm. Nhiều người cho rằng đó là một thứ đá kỳ quái, có thể báo điềm gì chăng, nên phải lập tức đệ trình cấp trên xét”.
Vua Tự Đức liền cho họp triều thần hỏi ý kiến thì có mấy vị đại thần tâu đó là quái vật xin cho làm lễ nhương từ để ngăn trước tai họa cho đất nước.
Hôm đó Vũ Duy Thanh ốm không vào họp được, sau nghe chuyện vội vào chầu, xin cho xem viên đá. Vừa trông thấy đá, ông tâu lên rằng: đá này chỉ là một vật tầm thường, không phải yêu quái gì cả. Mỗi cuộc bể dâu, cỏ cây bị vùi theo vạn vật, rồi đời nọ qua đời kia kết lại như thế. Chẳng những đá ấy không phải là quái vật cần trừ đi mà còn là một vật hữu ích, nên tìm cách lợi dụng. Đốt cháy được là có thể dùng thay than củi. Nếu miền ấy có nhiều thứ đá này, xin kíp phái quan đến tận nơi xem xét chớ nên bỏ ” ( Kể chuyện vua quan…, sđd tr 109).
Ở bài viết trên, không thấy tác giả Phạm Khắc Hoè ghi xuất xứ cũng như thời điểm xảy ra câu chuyện. Ta thử tìm hiểu về tính xác thực của nội dung câu chuyện :
1. Ông Vũ Duy Thanh làm quan khi nào?
Căn cớ vào sách Quốc Triều Đăng Khoa Lục thì ông Vũ Duy Thanh (1807-1859) quê xã Kim Bồng, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, thi đỗ Phó bảng trong kỳ thi Điện năm 1851. Tháng 5 năm đó, vua Tự Đức ban dụ tổ chức kỳ thi Cát sĩ (Chế khoa), nội dung dụ là :
“Lần này mở ra Chế khoa, đặc cách lấy học trò. Nếu như khoa thi Hội gọi là Tiến sĩ, chưa đủ rõ phân biệt. Nay chuẩn cho thi Điện, phàm người nào đỗ thì sắc cho làm Bác học hoành từ đệ…giáp Cát sĩ cập đệ hay xuất thân có thứ bậc, để tỏ ra tên hay mà nêu rõ điển lệ ít có ”(ĐNTL T 7, sđd, tr 202).
Kỳ thi này do đích thân nhà vua ra đề thi. Kết quả, Vũ Duy Thanh được trúng Nhất giáp Cát sĩ cập đệ đệ nhị danh (Bãng nhãn). Sau đó được lãnh chức Tư Nghiệp (Hiệu trưởng trường Quốc Tử Giám).
Trở lại nội dung câu chuyện trên, ta có thể xác định thời điểm xảy ra sự kiện là sau năm 1851, tức là thời điểm Vũ Duy Thanh chính thức làm quan. Vậy liệu điều đó có chính xác ?
Như chúng ta đã biết, dưới thời nhà Nguyễn, với chủ trương “trọng nông” nên các triều đại đều chú trọng việc phát triển nông nghiệp, tiến hành đồng thời rất nhiều biện pháp mở rộng khai hoang, thực hiện nhiều công trình thủy lợi. Việc khai thác tài nguyên và khoáng sản do trình độ bấy giờ còn thấp, chủ yếu là thủ công nghiệp nên ít được chú trọng. Các lĩnh vực luyện kim, khai khoáng ít được ghi chép hay chỉ đề cập một cách sơ lược, mặc dù kỹ thuật luyện kim (như đúc đồng) lúc bấy giờ cũng đã phát triển khá cao.
Sử chép rằng, dưới thời Gia Long, sau khi thống nhất đất nước và lên ngôi, vào tháng 10 năm 1802, vua đã ban chỉ dụ cho “ mở mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ kẽm, mỏ đồng ở tỉnh Tuyên Quang và Hưng Hóa; sai thổ mục là Ma Doãn Điền, Hoàng Phong Bút, Cầm Nhơn coi về việc ấy, định sang năm sau sẽ đánh thuế” (QTCBTY, sđd, tr 69).
Đến tháng 12 năm 1819, cho khai mỏ kẽm tại xã An Lãn , trấn Hải Dương ( QTCBTY,sđd, tr101). Đến đời Minh Mạng, năm 1821, đã khai thác được 10 000 cân đồng, dâng lên. Vua sai đúc 3 cái súng lớn, đặt tên “Bảo quốc an dân Đại tướng quân”.
Đến tháng 5 năm 1832, lại mở mỏ vàng ở tỉnh Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang để thu thuế, trước đây vì thuế cao, không ai dám lãnh trưng, nay giao cho người Trung Quốc lãnh (QTCBTY, sđd, 203).
Riêng việc khai thác than ở Đông Triều – Quảng Ninh, đến năm 1839 mới thấy đề cập đến. Sách Sử Quốc Triều chính biên toát yếu chép:
“Năm Kỷ Hợi XX ( 1839), Tổng đốc An Hải là Tôn Thất Bật dâng sớ xin thuê dân đào lấy mỏ than (núi Đông Triều và An Lăng có mỏ than, khi trước bộ tư lấy 100 000 cân chở về Kinh ). Trong sớ nói: “thiên tai mới rồi, dân không lấy gì mà ăn, đều muốn tới làm công kiếm tiền nuôi miệng”. Ngài cho.” (SQTCBTY, sđd, tr 307).
Sách Đại Nam thực lục do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn ghi cụ thể như sau:
“Kỷ Hợi, Minh Mệnh năm thứ 20 (1839), mùa Đông, tháng 12 (…) Tổng Đốc Hải Yên là Tôn Thất Bật dâng sớ xin thuê mướn dân đào lấy than mỏ (núi An Lãnh ở Đông Triều sản than mỏ. Trước đây, bộ tư đào lấy 10 vạn cân, đến kỳ tải, đưa nộp về Kinh). Vua phê bảo :
“Nhân dân hạt ngươi vừa mới được hồi lại yên vui, sao nở đem việc không cần kíp làm mệt nhọc người dân, chầm chậm lại cũng chưa muộn gì “. Tôn Thất Bật tâu nói: “ dân hạt ấy sau khi xãy ra, gặp tai hại riêng, lại bị luôn vụ mùa tổn thất, đời sống có điều khó khăn, chúng đều tình nguyện đi làm thuê, trông vào tiền công để nuôi thân. Vua bèn cho làm.”(ĐNTL,T5,sđd,tr.623).
Qua đó ta thấy, mỏ than Đông Triều- Quảng Ninh đã được người Việt Nam khai thác từ rất sớm, cụ thể là dưới thời Vua Minh Mạng, bộ Hộ đã cho khai thác được 10 vạn cân, số than trên được chở về Kinh, chủ yếu để phục vụ cho việc luyện kim, đúc tiền, rèn vũ khí… Sau đó, đến năm Kỷ Hợi (1839), theo đề nghị của Tổng Đốc Hải -Yên (tức Hải Dương – Quảng Yên) Tôn Thất Bật đã xin vua Minh Mạng cho phép được thuê “ nhân công ”để khai thác mỏ; ban đầu vua Minh Mạng không đồng tình vì sợ người dân đang khó khăn, nay lại thêm gian lao cực khổ trong việc khai thác than. Về sau, cũng qua Tổng đốc Tôn Thất Bật trình bày lại nguyện vọng, vua mới đồng ý. Việc nhà vua cho phép khai thác than đã một phần giải quyết những khó khăn cho dân sở tại sau một thời gian giặc giã loạn lạc; bị mất mùa đói kém. Mặt khác nhà nước cũng có thêm tài nguyên để phục vụ công nghiệp.
Có thể nói rằng, chính thời điểm đó ( năm 1839) những “nhân công” Việt Nam đầu tiên đã tiến hành khai thác than trên đất Quảng Ninh- Đông Triều, và vì thế sẽ không có gì nhầm lẫn khi cho rằng, Tôn Thất Bật chính là ông Tổ của ngành than hiện nay. (Tôn Thất Bật là một đại thần đứng đầu nhiều tỉnh dưới thời Minh Mạng và Thiệu Trị, ông có nhiều thành tích trong thời gian lĩnh chức ở các tỉnh phía Bắc, nên dưới thời vua Thiệu Trị, năm 1845, ông được phong Tiền Quân Đô Thống, quyền Hậu Quân Đô Thống Phủ Chưởng Phủ Sự).
Theo tài liệu của Sở Công Nghiệp Quảng Ninh (Trang Thông tin Công nghiệp, ngày 10/11 /2008) cho biết dưới thời vua Tự Đức (1846-1884), công việc khai thác than đã được chú trọng hơn, vua Tự Đức đã cho dịch một tài liệu về phương pháp khai thác, tài liệu có tên là “Khai môn yếu pháp” (Phương pháp khai thác than đá) để phổ biến cho những người làm mỏ. Trong thời gian này, đã tiến hành khai thác than ở vùng Mạo Khê- Đông Triều dưới hình thức trưng khai, sản xuất mang tính thủ công là chính. Mỏ than Mạo Khê được giao cho một nhà buôn người Hoa là Vạn Lợi (sau gọi là văn Lợi) trưng khai.
Như thế ta thấy rằng, vào năm 1839 (hoặc trước đó nữa), tức là trước lúc ông Vũ Duy Thanh thi đỗ Phó Bảng ít nhất 12 năm, triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840) đã biết được tầm quan trọng của than đá nên đã cho tiến hành tập trung dân để khai thác. Mặt khác, trước đó, sử không ghi năm nào nhưng cũng đã có khai thác: “khi trước bộ tư lấy 100 000 cân chở về Kinh”. Đến đời Tự Đức (1848-1883), nhà vua đã cho dịch tài liệu “Khai môn yếu pháp” để làm kim chỉ nam, phổ biến phương pháp khoa học cho người làm thợ mỏ biết.
Qua những sử liệu đó chứng tỏ rằng, cho thấy việc khai thác khoáng sản nói chung và than đá nói riêng, đã được các vua nhà Nguyễn cho tiến hành từ sớm.
Vì thế câu chuyện Khối đá màu đen của ông Phạm Khắc Hoè kể lại nói rằng, mãi đến sau năm 1851, vua Tự Đức và triều thần vẫn không biết gì về than đá cả, cho than đá là quái vật (!) chỉ duy nhất một mình Vũ Duy Thanh biết, điều đó dứt khoát không thể xảy ra; nói cách khác, về mặt lịch sử, nó hoàn toàn không có cơ sở…