Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Ý nghĩa cuộc thắng lợi túc cầu của Trung Kỳ đối với Nam Kỳ ngày 2 june 1941

Cuộc thắng lợi túc cầu thâu về cho Hội tuyển Trung Kỳ đối với Hội tuyển Nam Kỳ ngày mồng hai tháng sáu tây vừa rồi ở sân banh Sài Gòn là một trưng triệu đẩy cái nề tiến hóa của Trung Kỳ lên cho kịp Nam và Bắc, chẳng những là một điều đáng mừng cho chính người Trung Kỳ thôi đâu, mà cũng đáng mừng cho cả nước, cả Bắc Kỳ và Nam Kỳ chúng ta nữa.

Cái ý nghĩa của cuộc chiến thắng ấy, ở bên ngoài địa hạt thể thao, còn có chỗ cho chúng ta nên để ý tới hơn.

Như ai nấy đều biết, trong ba xứ của nước Việt Nam, trên đường tiến hóa, duy có Trung Kỳ là đi sau bước chậm hơn cả. Điều đó chỉ nên đổ tội cho cái hình thế thiên nhiên của nó.

Trước hết Trung Kỳ mang lấy cái tiếng nghèo. Mà thật tình nó nghèo thật. Mỗi khi cả ba xứ có cơ hội gì bỏ tiền ra, như quốc trái hay lạc quyên, là tất nhiên Trung Kỳ đứng hạng chót. Nghèo là tội. Do cái nghèo đó, về phương diện nào Trung Kỳ cũng thua sút anh em.

Nói về buôn bán, ở đó khó mà có được một cái cơ quan thương mại của người Nam cho có tư bổn được đôi ba chục ngàn. Những người có học chuyên môn về thương mại phải đi ra các nơi làm công trong các hàng hiệu người Bắc người Nam hoặc người ngoại quốc.

Nói về công nghệ cũng vậy, Người Trung Kỳ không phải không biết nghề, nhưng không có vốn. Trước kia có một người Quảng Nghĩa thấy xứ mình sản nhiều mía, qua Pháp học nghề làm đường, sau khi tốt nghiệp trở về lại phải ra làm quan, vì nhiều lần toan lập công ty mua máy về nấu đường, nhưng không thành. Ở Quy Nhớn đủ các nguyên liệu trọng yếu như đậu phộng, dừa, để làm xà bông, nhưng vì cớ thiếu vốn nên chẳng có ai mở một cái xưởng như ông Trương Văn Bền ở đây được.

Về phương diện văn hóa cũng thế. Báo chí, so với Nam Bắc Kỳ, Trung Kỳ đã có muộn và lại có ít. Ít đến chừng hai chục phần trăm kém hai xứ kia. Sách xuất bản lại càng tệ nữa: không có một cái văn đoàn, nhà in và nhà xuất bản rất là thưa thớt.

Nghèo mới phải như thế. Mà như thế, không phải tại Trung Kỳ không có nhân tài đâu, chỉ tại đất đai sông núi của nó gây nên cái số phận cho nó phải lạc hậu.

Một dải dọc theo bờ biển về phía đông, và đi lên phía tây chỉ ba bước là tới núi. Hết một mớ gò nỗng [a] và bãi cát không gieo trồng được. Đã thế mà lại còn vì không có chỗ bình nguyên lớn nên cũng không có chỗ đô hội lớn. Huế, tiếng là chỗ đế kinh mà kỳ thực số dân cư và cuộc hoạt động về sanh kế lại còn kém mấy tỉnh lớn như Vinh, Tourane và Quy Nhơn.

Bây giờ mới nói đến thể thao. Nền thể thao Trung Kỳ cũng bởi cái nghèo và sự giao thông bất tiện mà nẩy nở rất chậm và đi tới rất uể oải.

Các hội túc cầu Trung Kỳ có sau Nam Kỳ đến vài chục năm. Mỗi nơi phải trải qua nhiều bước gay go lắm mới lập lên được một cái hội. Mà muốn duy trì cái hội đứng cho được vững cũng chẳng dễ gì. Tiền không có, khó kiếm lắm.

Thế rồi còn cái sự đi lại tập dượt để cho quen biết nhau, ăn ý nhau, lại còn khó hơn. Kêu bằng Trung Kỳ, cái xứ ấy không có bề ngang mà bề dài gần đến một ngàn cây số. Người Trung Kỳ đi lại với nhau là đi theo bề dài ấy. Ông tính từ Thanh Hóa vô Huế hay là từ Phan Thiết, Nha Trang ra, dầu là đi bằng xe hỏa, cũng không nói được rằng dễ dàng thuận tiện. Nó vất vả lắm.

Anh em làng túc cầu ngoài ấy lại còn không được có nhiều kẻ dư ăn dư để như anh em trong nầy. Họ, mỗi người phải có việc làm và hầu hết là việc bằng tay chân, bằng sức khỏe. Đường vãng lai đã như thế, gia cảnh cầu tướng lại như thế, làm sao mà gặp nhau cho thường và tập dượt luôn luôn được?

Bởi vậy, từ khi có Tổng cuộc Trung Kỳ rồi, mỗi năm đi so tài ở đâu, đội túc cầu của cái xứ Ô châu ác địa ngày xưa đều phải nhường mấy giải nhứt, nhì, ba cho các xứ mà tình nguyện đứng hạng bét. Dẫu đã có lần đá tại sân vận động Huế, cái sân làm tốn tiền nhứt, đẹp nhứt, mà các xứ cũng chẳng hề nể cái tình “địa chủ” để cho Trung Kỳ trỗi lên một chút; Trung Kỳ cứ vẫn đứng hạng bét như thường!

Thế mà năm nay, cuộc tranh giải Đông Dương ở Hà Nội, Trung Kỳ đã vọt lên đứng được hạng nhì. Xin bà con Nam Bắc biết cho, cái chỗ gắng sức của anh em túc cầu Trung Kỳ đáng nhận thấy là dường nào!

Cũng vì thâu được cái vinh dự đó mà đội banh Trung Kỳ lần nầy mới được mời vào đây chơi với Nam Kỳ.

Trận giao chiến thứ nhứt, chiều thứ bảy, 31 Mai, Trung Kỳ huề với Cao Miên, bên địch mà hôm trước ở Hà Nội, Trung Kỳ đã thắng bốn bàn trọn, đến bữa nay người ta mới biết là cái huề chẳng phải bởi thật tình; vì bữa nay, với Nam Kỳ, Trung Kỳ còn thắng được 4 – 3.

Hội tuyển Nam Kỳ đã từng lẫy tiếng trong các cuộc viễn chinh ra ngoại quốc, cái tài bộ không còn phải tán dương nữa, thế mà thắng được, xin bà con lại để ý nhìn thấy cái chỗ gắng sức của anh em túc cầu Trung Kỳ lần nữa.

Không phải lấy cái thắng đó mà khoe khoang hay tự phụ. Cái thắng ấy không là hân hạnh riêng cho Trung Kỳ mà mà là hân hạnh chung cho cả người Việt Nam.

Sự tiến bộ của một nước, một dân tộc, phải cho tương đương, đừng có điều sai biệt. Huống chi hai thúng gạo ở hai đầu phải cần có cái đòn gánh để gánh; nếu cái đòn gánh ấy yếu quá, thì hai thúng gạo chẳng vận tải được đi đâu. Trung Kỳ mà không đi tới kịp Nam Bắc thì nó có thể trì kéo lại làm cho Nam Bắc cũng không đi tới được. Thế mà may làm sao, hôm nay như thế Trung Kỳ đi tới kịp rồi; sự thắng lợi về thể thao của nó là một cái trưng triệu vậy.

Cho biết rằng về các phương diện khác, hễ người Trung Kỳ cũng gắng sức như thể thao thì cũng tiến bộ như thể thao. Không sợ địa thế làm trở ngại, cũng không sợ nghèo nữa.

Đó là ý nghĩa của cuộc thắng lợi. Tôi nói đáng mừng là mừng như thế, chứ không phải ăn được một bàn, đoạt được cái cúp là đáng mừng đâu. Phương chi Trung Kỳ mới thua Nam Kỳ hai bàn ở Hà Nội đây, ai nấy còn nhớ.

Nguồn:

Dân báo, Sài Gòn, s. 588 (4 Juin 1941), tr. 1, 2.

Chú thích

[a]  “gò nỗng”: chỗ đất nổi lên cao, gò đống (H.T. Paulus Của, sđd).

Bàn về nghệ thuật chửi của người Việt xưa

Nói đến chửi, người Việt Nam nào cũng nghĩ ngay đó là hiện tượng vô văn hóa, người ta liên tưởng tới những câu chửi tục, những lời chửi “rỉa...

Người Việt Nam đầu tiên sang Mỹ là ai?

Theo các tư liệu mới xác định, người Việt Nam đầu tiên sang Mỹ là ông Trần Trọng Khiêm, với đầy ắp những thăng trầm nơi đất khách và ý...

Tâm rộng như biển, gió mát tự tìm tới

Kỳ thực, trong cuộc sống của chúng ta không hề có nhiều khán giả như vậy, cũng không cần phải ngụy trang nhiều như vậy. Hãy sống đơn giản một...

Chùa Một Cột

Chùa Một Cột được xây dựng tại phố Ngọc Thanh, Hà Nội, trước đó thuộc đất làng Thanh Bảo, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội. Tên gọi ban đầu của...

Chuyện nạp phi độc nhất vô nhị của vua Duy Tân

Vua Duy Tân tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San. Ông sinh năm Canh Tí 1900, là con thứ 5 của vua Thành Thái và thứ phi Nguyễn Thị Định....

Đặc điểm của người đàn ông có năng lực

Trong tác phẩm “Hàn thi ngoại truyện” của danh sĩ Hàn Anh thời Tây Hán viết: “Mỹ ngọc thực sự dù bị chôn giấu dưới đất sâu chín nhận cũng không thể che...

Sài Gòn năm xưa – Kỳ 2/9 – Danh từ Sài Gòn

Cuộc mở mang bờ cõi giải quyết xong, nay bắt qua tìm hiểu về lai lịch đất Sài Gòn.  Về danh từ “SÀI GÒN” Đại Nam Quốc Âm Tự vịcủa...

Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước (P16, 17, Hết)

CHƯƠNG XVI: BẢN ANH HÙNH CA DỰNG NƯỚC XÂY THÀNH CHỐNG NGOẠI XÂM CỦA VUA THỤC AN DƯƠNG VỀ THĂM LẠI MẢNH ĐẤT CỔ LOA XƯA CŨ Cách thủ đô Hà...

Người Việt nghèo nhưng vô cùng lãng phí

Có những sự thật nhức nhối mà chúng ta cần dũng cảm nhìn nhận, trong đó đặc biệt đáng quan tâm là vấn đề lãng phí chất xám và các...

Trương Vĩnh Ký viết về việc người An Nam từ chối nhập quốc tịch Pháp

Bài này đăng phóng ảnh một bức thư 18 trang thủ bút của ông Trương Vĩnh Ký gửi cho đại biểu Blancsubé, về việc ông từ chối vào quốc tịch...

Sài Gòn 1967 sinh động và đầy sắc màu

Dưới góc nhìn của Bill Mullin – một nhân viên chính phủ Mỹ, Sài Gòn năm 1967 hiện lên như một thành phố sinh động và đầy sắc màu. Đại...

Câu chuyện sáng tác của những nhạc sĩ nổi tiếng

Bài viết này sưu tập những ý kiến của chính các nhạc sĩ nổi tiếng lúc sinh thời, kể về chuyện sáng tác của họ khi soạn ra những bài...

Exit mobile version