Vô lăng cảm ứng
Xuất hiện cùng dòng E-Class, vô lăng cảm ứng điện dung mới có chứa “cảm ứng 2 vùng” đặt tại viền ngoài với khả năng nhận biết xem tay người lái có đặt gần vô lăng hay không nhờ cảm ứng đặt cả ở mặt trước và sau. Với công nghệ mới, E-Class có khả năng nhận biết cực kỳ chính xác xem người lái có điều khiển xe không, trái với loại đời cũ chỉ có thể nhận biết qua chuyển động vô lăng.
Theo Mercedes-Benz, đây là yêu cầu vô cùng quan trọng để đảm bảo người dùng của mình không chủ quan khi giao xe cho hệ thống tự lái – yếu tố cực dễ khiến xảy ra tai nạn bởi không chiếm lại được quyền điều khiển xe kịp thời. Lấy Tesla làm ví dụ, nhiều vụ tai nạn chết người liên quan tới các dòng xe điện của họ tới từ việc người lái quá tin vào Autopilot mà chủ quan làm việc khác, thậm chí là… ngủ.
Bên cạnh yếu tố an toàn, công nghệ cảm ứng hiện đại còn giúp người dùng Mercedes-Benz E-Class mới thao tác với hệ thống dễ dàng hơn. Chẳng hạn để tăng âm lượng trình chơi nhạc, người dùng có thể quẹt ngang (giống thao tác trên smartphone) thay vì phải giữ và bấm nút. Dù vậy, thương hiệu Đức vẫn giữ lại một số nút bấm cho khách hàng đã quen với trang bị này.
Kể từ lần đầu được sử dụng vào năm 1894 bởi kỹ sư người Pháp Alfred Vacheron, vô lăng đã có những bước tiến vượt bậc cả về thiết kế và công nghệ. Không sớm thì muộn chúng cũng sẽ sử dụng những công nghệ của thập kỷ mới giống hướng đi mà trang bị đặt ngay bên cạnh là màn hình đã và đang trải qua…
Thay gương truyền thống bằng camera
Dòng xe tải Mercedes-Benz Actros được thương hiệu Đức trang bị công nghệ mang tên MirrorCam vừa tiện lợi hơn hẳn gương bên truyền thống vừa mang lại vẻ hiện đại hơn cho cabin.
MirrorCam là trang bị mặc định trên mọi cấu hình Mercedes-Benz Actros kết hợp màn hình dạng dọc cỡ lớn đặt ở cột A bên trong cùng camera ngoài gắn trần. Theo thương hiệu Đức, hệ thống này mang lại cực nhiều ưu điểm cho người lái trong khi chỉ có một nhược điểm duy nhất (với người dùng) là làm tăng nhẹ giá xe.
So với gương bên truyền thống, camera ngoài nhỏ hơn hẳn và nhờ thế giúp giảm lực cản không khí, tối ưu hiệu suất nhiên liệu trong khi góc độ quan sát rộng hơn và hình ảnh cũng rõ hơn. Các điểm mù coi như không còn giúp tài xế dễ thao tác hơn rất nhiều ở các góc cua hay bãi đỗ hẹp.
Hình ảnh minh hoạ cho thấy gương bên ngoài sẽ che khuất xe đi đối diện nhưng màn hình đặt bên trong khắc phục được điều đó mà vẫn quan sát đúng những hình ảnh bên ngoài như gương truyền thống.
Bên cạnh đó, người lái cũng không phải quay hẳn sang 2 bên để nhìn gương nữa mà chỉ cần liếc mắt sang màn hình cỡ lớn, giúp họ quan sát gần như đồng thời diễn biến phía trước và 2 bên xe.
Thêm nữa, gương bên thông thường có thể bị mờ và bẩn trong quá trình sử dụng trong khi camera bên trên Actros trang bị vòm bảo vệ cùng lớp phủ trong suốt chống bám bụi đặc biệt. Tình trạng mờ do hơi nước cũng coi như không có khi trang bị này tự động kích hoạt bộ sưởi khi nhiệt độ bên ngoài xuống dưới 15 độ.
Dựa trên mức độ tiện lợi của MirrorCam không khó để đoán ra rằng Mercedes-Benz sẽ tìm cách ứng dụng công nghệ này lên xe du lịch trong tương lai gần. Dù vậy, họ cần vượt qua rào cản pháp lý khi hầu hết các quốc gia trên thế giới trừ số ít như Nhật Bản hay một số bang Mỹ cho phép ô tô dùng camera bên thay gương.
Cybertruck của Tesla có thể được chuyển đổi thành xe tăng bọc thép
Tham khảo: Carscoops