Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Chữ quốc ngữ bành trướng từ Nam ra Bắc

1. Chữ quốc ngữ buổi đầu ở Nam Kỳ thuộc Pháp

Từ quốc ngữ dùng ở chương này dùng để chỉ tiếng Việt và chữ viết theo mẫu tự La Tinh. Tình hình dạy quốc ngữ ở Nam Kỳ từ buổi đầu Pháp mới chiếm đóng có những điểm đáng nêu ra sau đây.

Ngày 17.2.1859, ngay khi đổ bộ lên Sài Gòn, đô đốc R. de Genouilly đã thấy có mặt tại đây một chủng viện và một truờng học gọi là Trường d’Adran do Hội Truyền Giáo Nước Ngoài thiết lập. Học sinh trường này học đọc và học viết chữ quốc ngữ. Họ cũng được học tiếng LaTinh, đôi khi vài chữ/tiếng Pháp nhưng rất hiếm. Dĩ nhiên, quân viễn chinh Pháp phải nhờ đến Hội Truyền Giáo để được cung cấp những người thông ngôn đầu tiên; các người này về ngoại ngữ chỉ biết tiếng La Tinh, nhưng một thứ tiếng La Tinh tồi.

Năm 1861, một trường dạy tiếng Việt được thiết lập ở Sài Gòn để đào tạo những viên thông ngôn người Pháp, các người này về sau trở thành những giáo sư đầu tiên về bộ môn tiếng Việt. Học viên người Âu của trường này đều xuất thân từ bộ binh hoặc hải quân Pháp. Ðiều đáng ghi nhận là trường này vốn là cơ sở hành chánh chứ không phải giáo dục.

Thăng trầm cải tiến chữ Quốc ngữ: Những đề nghị thay đổi cách viết

Ngày 31.3.1863, đô đốc Bonard ra quyết định tái lập các hạt giáo dục cũ (do nhà Nguyễn thiết lập) với các chức đốc học, giáo thọ, huấn đạo; tạo chỗ cho học sinh các loại: học sanh, tú tài, cử nhân; tái lập các cuộc thi hương (mà kỳ đầu tiên phải được thực hiện năm 1864). Kiến thức về chữ quốc ngữ không bắt buộc trong các kỳ thi nhưng thí sinh biết thứ chữ viết này được ưu đãi hơn.

Bắt đầu năm 1866, việc dạy tiếng Pháp cho người Việt Nam được khởi sự nhưng vẫn còn nằm trong tay các giáo sĩ; giáo hội lần hồi mở trường ở Mỹ Tho, Vĩnh Long và Chợ Lớn. Các trường học nhà dòng được chính quyền thuộc địa trợ cấp, đã phát triển đáng kể trong 5 năm trời.

Dưới thời đô đốc Ohier, năm 1869, một số trường được lần lượt mở ra ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Gò Công, Tân An, Rạch Giá, Cần Giộc, Ích Thanh (?), để dạy cho bọn tráng niên chữ quốc ngữ và những bài vỡ lòng tiếng Pháp.

Ngày 17.11.1874, đô đốc Dupré ra quyết định tổ chức lại hoàn toàn nền giáo dục quốc dân. Nền giáo dục này được tuyên bố là miễn phí và tự do, tuân theo qui định chung của giáo dục quốc dân ở Pháp. Việc giáo dục (ở Nam Kỳ lúc đó) chịu mệnh lệnh trực tiếp của giám đốc nội vụ và đặt dưới sự giám sát của các trường quận mà trách nhiệm thuộc về các viên chức hành chánh.

Các trường làng dạy chữ Hán bị bãi bỏ hoặc sáp nhập vào trường ở quận lỵ, biến thành một trường duy nhất dạy chữ quốc ngữ. Có sáu trung tâm thanh tra: Sài gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre, Sóc Trăng, mỗi nơi đều có một trường Pháp.

Có thể nói rằng buổi đầu thời Nam Kỳ thuộc địa Pháp, tổ chức giáo dục ở đây còn đang trong thời kỳ mò mẫm, việc đem chữ quốc ngữ thay thế hẳn chữ nôm và chữ Hán có khi phải khựng lại, bằng chứng là việc tái lập các chức đốc học, giáo thọ, huấn đạo, và tổ chức lại các cuộc thi hương.

Việc thứ hai đáng ghi nhận là giáo dục được đặt dưới quyền của một viên chức nội vụ, tức là phụ trách an ninh.

Nhận xét thứ ba là vì nhu cầu hành chánh mà người Pháp lúc bấy giờ học tiếng Việt và những người này đều xuất thân từ quân đội.

Có một sự khác biệt lớn giữa người Việt và người Pháp hay người ngoại quốc trong việc học quốc ngữ. Người Việt học quốc ngữ là học đọc và học viết tiếng mẹ; ngữ nghĩa và cú pháp tiếng Việt họ đã nắm. Còn người ngoại quốc học quốc ngữ thì phải rèn luyện cú pháp, ngữ nghĩa, đọc và viết. Người Việt học chữ Hán không phải học viết mà thôi mà còn học đọc, học nghĩa, học cách dùng, tóm lại là học một ngoại ngữ.

Nói chung bước đầu của chữ quốc ngữ ở miền Nam gặp nhiều khó khăn vì nhiều lý do. Tại những người chủ xướng là ngoại nhân đi chinh phục. Tại họ là những quân nhân chỉ lấy những biện pháp cấp thời để giải quyết những vấn đề giai đoạn nên không có một cái nhìn lâu dài. Tại việc giáo dục mới mà chữ quốc ngữ là công cụ chuyển tải chính mặc dù có những kiện tướng như Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huyụnh Tịnh Của, phải đương đầu với một hàng ngũ còn hùng mạnh thuộc trường học Hán-nôm truyền thống mà đại diện là các nhà nho yêu nước như Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, v.v. Cuộc đối địch không thuần xảy ra giữa hai chữ viết của một ngôn ngữ mà còn giữa hai thái độ chính trị, hợp tác và chống đối; giữa các tôn giáo, đạo Ky Tô một bên, và Nho, Ðạo và Phật, bên kia.

2. Chữ quốc ngữ lan rộng ra phía Bắc

Sau khi được sử dụng làm chữ viết “chính thức” của tiếng Việt ở Nam Kỳ thuộc Pháp, chữ quốc ngữ bành trướng ra phía Bắc. Những biến cố lịch sử có tác động vào, hoặc đánh dấu lên, sự bành trướng này là:

– Ngày 15.3.1874, Triều đình Huế ký hiệp ước thừa nhận chủ quyền Pháp trên lãnh thổ Nam Kỳ, từ địa giới phía nam tỉnh Bình Thuận trở vào Nam.

– Ngày 25.4.1882, Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai. Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tử tiết.

– 25.8.1883, Triều đình Huế ký với Pháp hiệp ước Harmand thừa nhận Nam Kỳ là thuộc địa Pháp, thừa nhận nền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ.

– 6.6.1884, Triều đình Huế và Pháp ký hiệp ước Patenôtre theo đó nước Pháp sẽ thay mặt nước An Nam trong mọi quan hệ đối ngoại. Như vậy từ đây chữ/tiếng Hán nhường bước cho chữ/tiếng Pháp trên mặt ngoại giao. Một cách lặng lẽ trong các cuộc giao thiệp quốc tế, tiếng Việt/chữ quốc ngữ hoàn toàn vắng bóng, chịu sự “bảo hộ” của tiếng Pháp.

– 27.1.1886, Tổng thống Pháp bổ nhiệm Paul Bert sang cai trị Trung-Bắc Kỳ, mở đầu chế độ văn quan thay chế độ võ quan trước đó. Cũng năm này Paul Bert thiết lập Băc Kỳ Hàn lâm viện (Académie Tonkinoise).

– 1895, Phan Ðình Phùng mất, phong trào Cần Vương mà Phan là chủ tướng cũng tắt theo. Bài thơ tuyệt bút của Phan Ngự sử nói lên tâm sự của một người bầy tôi phò vua cứu nước theo quan niệm của một nhà nho yêu nước truyền thống được viết bằng Hán văn.

– 1896, Toàn quyền Ðông Dương ra nghị định cho thành lập một trường Pháp-Việt ở Huế, gọi là Trường Quốc học Huế.

– 6.6.1898, Toàn quyền Ðông Dương đặt thêm một kỳ thi phụ cho khoa thi Hương trường thi Nam Ðịnh. Môn thi gồm năm bài tiếng Pháp: viết tập, chính tả, dịch Pháp ra Việt, hội thoại, đọc và dịch miệng (hệ số 5); chính tả tiếng Việt (hệ số 3); bài dịch từ Hán văn ra tiếng Việt (hệ số 4). Ai đã đỗ tú tài, cử nhân kỳ thi Hương chính mà còn đỗ cả kỳ phụ sẽ được ưu tiên chọn ra làm quan.

Việc đưa tiếng Pháp làm môn thi ở Trường Nam Ðịnh là một biến cố quan trọng vì tính cách biểu tượng của trường thi này trong chế độ khoa cử theo nho học của Việt Nam. Trần Văn Giáp (1941: 2) có nói qua lịch sử tỉnh Nam từ đời Hùng Vương để kết luận: “Trong khoảng một trăm năm trước đây, tỉnh Nam-định sở dĩ có tiếng, toàn quốc thiếu-niên nào bậc anh-tuấn, nào người ngu-độn, ai ai cũng chú-trọng đến tỉnh Nam, là vì có trường-thi hương ở đó.”

– 15.12.1898, Toàn quyền Ðông Dương Paul Doumer ra nghị định thành lập Phái đoàn Khảo cổ học Thường trực tại Ðông Dương (Mission Archéologique Permanente en Indochine), đến 20.10.1900 đổi gọi là Trường Viễn Ðông Bác Cổ (Ecole Française d”Extrême-Orient) .

– 30.12.1898, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh về chế độ báo chí ở Ðông Dương.

– 20.6.1903, Thống sứ Bắc Kỳ ra nghị định thành lập Trường Hậu bổ Hà Nội (Ecole d”apprentis mandarins) theo chỉ thị ngày 9.2.1897 của Tổng thư ký Phủ Toàn quyền Ðông Dương. Ngày 18.4.1912 Trường Hậu bổ Hà Nội đổi thành Trường Sĩ hoạn (Ecole des Mandarins). Ngày 15.10.1917, Toàn quyền Ðông Dương ra nghị định lập Trường Pháp chính Ðông Dương (Ecole de Droit et d”Administration) thay cho hai trường Sĩ hoạn Hà Nội và Hậu bổ Huế (thiết lập ngày 5.5.1911).

– 27.4.1904, Pháp cho thiết lập chương trình giáo dục hệ Pháp-Việt ở Bắc kỳ.

– 5.1904, Thành lập Hội Duy Tân ở Quảng Nam. Hội này do Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể làm hội trưởng mà mục đích là Khôi phục nước Việt Nam, lập thành nước quân chủ lập hiến. (Xin đừng lẫn lộn Hội Duy Tân với Phong trào Duy Tân do Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng chủ xướng.)

– 7.1905, Mở đầu Phong trào Ðông du của Duy Tân hội. Phan Bội Châu viết Khuyến quốc dân du học văn.

– 8.3.1906, Toàn quyền Ðông Dương cho thiết lập Hội đồng Hoàn thiện nền giáo dục bản xứ (Conseil de Perfectionnement de l”enseignement indigène).

Như vậy từ đầu thế kỷ 20 trở đi, sau khi cuộc đấu tranh vũ trang của Phong trào Cần Vương tan rã, nước Việt Nam dưới mắt người Pháp, xem như đã dược bình định, nhà cầm quyền Pháp bắt đầu đặt để những cơ chế về hành chánh, giáo dục để cai trị các xứ thuộc địa và bảo hộ. Các cơ chế chính quyền của Triều đình nhà Nguyễn dần dần hoặc bị thay thế hoặc bị làm suy yếu đi không còn thực quyền. Hán học, nền tảng của công cuộc đào tạo sĩ phu, quan chức nhà Nguyễn, theo đó cũng tàn tạ nhường chỗ cho lớp quan chức mới xuất thân từ các trường Pháp-Việt. Chữ quốc ngữ từ trong Nam lan ra đất Bắc, xen vào các kỳ thi; biết quốc ngữ trở thành một yêu cầu để bước vào quan trường. Tuy vậy vào cuối thế kỷ 19, những bước đầu của quốc ngữ ở miền Bắc còn rất e dè, như lời tự thuật của nhà nho Nguyễn Bá Học: “Tôi lúc mới học quốc-ngữ thường không dám học to tiếng, chợt có khách đến phải giấu ngay sách vào trong túi áo, hình như có hai mươi bốn mẫu-tự quốc ngữ, là một cái sách bí-mật cấm thư”. (xem Cụ Nguyễn-Bá-Học, Nam Phong, số 50, aoủt 1921, tr. 167).

3. Bước ngoặt quyết định của chữ quốc ngữ

Nhưng bước ngoặt quyết định dẫn đến sự thành công của chữ quốc ngữ là do chính các nhà nho trong hàng ngũ Phong trào Duy Tân và Ðông Kinh Nghĩa Thục.

Phong trào Duy Tân phát động từ năm 1905 ở Quảng Nam với ba lãnh tụ: Trần Quý Cáp (1871-1908), quê huyện Ðiện Bàn, Quảng Nam, đậu tiến sĩ năm 1904; Phan Châu Trinh (1872-1926), quê huyện Tiên Phước, Quảng Nam, đậu phó bảng năm 1901; Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), quê huyện Tiên Phước, Quảng Nam, đậu tiến sĩ khoa hội thi năm 1904. Bộ ba này năm 1905 nhân chuyến vào Nam, đến Bình Ðịnh, mượn tên ứng thí trong một kỳ thi đã làm hai bài thơ Chí thành thông thánh và Danh sơn lương ngọc đả kích những người còn bát cổ văn chương thụy mộng trung (ngủ mê trong giấc mộng văn chương bát cổ). Hai bài thơ này rõ ràng tấn công vào nền cựu học, bài xích cái học cử nghiệp, mở đầu cho chủ trương tân học sau này của Phong trào.

Ðông Kinh Nghĩa Thục khai giảng tháng 3, 1907 tại phố Hàng Ðào, Hà Nội, chương trình noi theo đường lối tân học của Trung Quốc và Nhật Bản. Trong các sĩ phu sáng lập có cụ cử Lương Văn Can, thục trưởng của Trường; cụ huấn Nguyễn Quyền, giám học; cụ án Nghiêm Xuân Quảng, v.v., và một số nhà tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, v.v. Trọng tâm các trước tác của Ðông Kinh Nghĩa Thục nhắm vào hai mặt, đánh đổ và xây dựng. Ðánh đổ các hủ tục, lối nhắm mắt học từ chương theo kiểu khoa bảng cũ, các tư tưởng thoái hoá của tầng lớp sĩ phu thủ cựu. Xây dựng bằng cách hướng sự học vào các khoa học kỹ thuật mới, xem nặng thực nghiệp, chấn hưng công thương nghiệp. Và nhất là kêu gọi học chữ quốc ngữ.

Từ buổi đầu cuộc chiếm đóng Nam Kỳ của Pháp đến khi Phong trào Duy Tân và Ðông Kinh Nghĩa Thục ra đời, nửa thế kỷ trôi qua, chữ quốc ngữ đã lột xác dưới mắt các sĩ phu Việt Nam. Chữ quốc ngữ trước kia bị xem như một toan tính của chính quyền thuộc địa hòng La Mã hoá nền quốc học Việt Nam, như một vũ khí đi chinh phục của ngoại nhân, bây giờ được đón tiếp như một công cụ chuyển tải hữu hiệu những tư tưởng yêu nước, những tri thức mới. Như vậy là từ một công cuộc La Mã chữ viết bị ép buộc, việc áp dụng chữ quốc ngữ đã chuyển thành một cuộc La Mã hoá đồng thuận và tự nguyện. Và chuyện lột xác này phần lớn lại do tác động của các nhà nho, của các ông tiến sĩ, phó bảng, thám hoa, cử nhân triều Nguyễn, những người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, tinh thông chữ Hán.

Lập trường của ba vị Trần, Phan và Huỳnh, của Phong trào Duy Tân, đối với chữ quốc ngữ thực quá rõ ràng qua Bài hát khuyên học chữ quốc ngữ mà tác giả chắc là Trần Quý Cáp, có đoạn:

… Chữ quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tính trước dân ta
Sách các nước, sách Chi Na
Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường…

Bài thơ này cũng được xếp vào thơ văn của Ðông Kinh Nghĩa Thục (xem Vũ Văn Sạch và đtg, 1997: 110) chứng tỏ rằng hai phong trào đều có những chủ trương giống nhau về ngôn ngữ và chữ viết. Hơn nữa một người như Phan Tây Hồ chẳng hạng lại cùng hoạt động ở cả hai bên.

Khuyên học chữ quốc ngữ không phải là một trào lưu cách biệt mà là một bộ phận trong một phong trào qui mô hơn có thể gọi là sách lược học văn minh theo đường lối mới.* Như vậy ta sẽ không lấy làm lạ khi thấy xuất hiện một hiện tượng khác của phong trào, việc cổ động hớt tóc:

Cúp hè! cúp hè!
Tay mặt cầm kéo
Tay trái cầm lược
Cúp hè! cúp hè!
Ðủng đỉnh cho khéo.
Bỏ cái ngu mày,
Bỏ cái dại mày,
Học theo người Tây.
Hãy còn ăn mặn,
Hãy còn nói láo,
Phen này ta cúp,
Phen sau ta cạo. (Vè cúp tóc)

Phản ứng lại phong trào hớt tóc, nổi lên vụ án thế phát về phía chính quyền: những người có mái tóc hớt ngắn bị các quan bắt bớ. Các nhà nệ cổ cũng làm thơ chống đối:

Mồ cha, mả mẹ anh đâu?
Còn vua còn chúa, hỏi anh cúp cái đầu thờ ai?
Chữ rằng phục quốc Tây lai,
Xem trong Nam Việt ai ai cũng buồn tình.
Nước Nam mình còn miếu, còn đình,
Còn khoa, còn mục, còn mình, còn ta,
Làm chi khác thể ông thầy chùa,
Khỏi xâu, khỏi thuế cũng nên đua cúp đầu.

Xem thế, cái phạm vi của nền văn minh mới mà phong trào Duy Tân và Ðông Kinh Nghĩa Thục cổ vũ thật là đa dạng, rộng rãi và bao quát. Việc dạy và học quốc ngữ trong ý đồ Pháp hoá (francisation) dân thuộc địa của chính quyền Pháp ở Ðông Dương trở thành một chủ trương nhằm giáo hóa dân chúng của các nhà nho thức thời mà mục đích cuối cùng vẫn là giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho nước nhà.

4. Thắng lợi vĩnh viễn của chữ quốc ngữ

Như vậy chữ quốc ngữ loại hẳn chữ nôm để dùng viết tiếng Việt trên toàn cõi Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 và từ đó danh từ chữ quốc ngữ thường được dùng để chỉ tiếng Việt nhiều hơn để chỉ chữ viết. Cứ đọc kỹ Bài hát khuyến học ở trên thì ta thấy ngay. Khi nói Chữ quốc ngữ là hồn trong nước thì các cụ nhà nho muốn nói Tiếng Việt là hồn trong nước chứ chẳng lẽ trước khi chữ quốc ngữ được các nhà truyền giáo Âu Châu phát minh nước ta không có hồn hay sao? Sau này có kẻ hậu bối dựa heo câu hát này mà nói lên lời Tiếng ta còn thì nước ta còn. Còn trong hai câu: Sách các nước, sách Chi Na. Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường… thì quả là chữ nghĩa ở đây là thuộc về từchứ không thuộc về tự, và dịch ra thì dịch ra tiếng Việt chứ không thể dịch ra chữ quốc ngữ hiểu như chữ viết.

Tình hình thắng lợi của chữ quốc ngữ trong cuộc cạnh tranh với chữ nôm và sự lẫn lộn giữa chữ viết (chữ quốc ngữ) và ngôn ngữ (tiếng Việt) được thể hiện rõ trong bài diễn văn của đại úy Jules Roux* đọc ở Toà Ðốc lý quận 6 Paris, ngày 6.7.1912 nhan đề là: Le triomphe définitif en Indochine du mode de transcription de la langue annamite à l”aide des caractères romains ou ” Quốc ngữ” [Cuộc thắng lợi vĩnh viễn của phương thức ghi tiếng Annam bằng con chữ La Mã hay “Quốc ngữ”]. Dưới đây xin trích ra một số đoạn của bài diễn văn nói lên sức mạnh và sự thành công của quốc ngữ theo quan điểm của một người Pháp có thiện cảm và tin tưởng vào tiếng Việt.

Trước hết Roux xác nhận quốc ngữ – Roux dùng quốc ngữ thay vì chữ quốc ngữ – là:

” đồ nghề dùng để phổ biến một cách thần diệu tư tưởng phương Tây… là yếu tố xâm nhập mãnh liệt vào một dân tộc… nhờ vào sự ổn định ngữ nghĩa đem lại cho các từ của tiếng An Nam, quốc ngữ sẽ có sứ mạng làm công cụ chuyển tải những tư tưởng của chúng ta [tức người Pháp] có mòi góp phần vào sự phát triển xứ thuộc địa Ðông Duơng to lớn của chúng ta…

” Phần tôi [tức là Roux], tôi không thù ghét gì chữ Hán nhưng thứ chữ này đối với quốc ngữ trong 30, 40 năm tới đây sẽ giống như tiếng La Tinh đã trở thành đối với tiếng Pháp như ngày nay…
“Việc giảng dạy quốc ngữ đã toả lan với một tốc độ chóng mặt …

” Tư tưởng và sự vật được họ [ những người Việt du học ở Paris ] diễn tả bằng những chữ Hán thích hợp. Những chữ Hán này, thường là chữ đôi, phát âm theo một cách nào đó trong tiếng Việt, và cách phát âm này được ghi lại rất chính xác bằng quốc ngữ. Các từ mới này dưới dạng quốc ngữ … càng ngày càng làm giàu cho tiếng An Nam …

“… Hậu quả khác: ngôn ngữ này [tức tiếng Việt], được viết bằng con chữ La Mã như thế, có chiều hướng trở thành đa âm tiết … Như vậy những từ như tự-do, đồng-bào, tự-lập, bảo-hộ, được ghép bằng hai từ đơn âm hiện nay lập thành, đồng thời cùng với số động từ khác, những từ hai âm tiết chân chính mà sự biến chuyển tự nhiên của quốc ngữ rốt cuộc sẽ bỏ bớt cái gạch nối để trở thành những từ nối liền (tựdo, đồngbào … ghi chú thêm của NPP) giống như các từ Pháp portemonnaie hay portefeuille (thay vì porte-monnaie hay porte-feuille, ghi chú thêm của NPP).

“Như vậy, quốc ngữ … xâm nhập mọi thứ. Nó được dạy mọi nơi …

“Chính là thông qua quốc ngữ mà dân An Nam gắn bó với nền văn minh Pháp và chính cũng qua quốc ngữ mà chúng ta xáp lại gần với dân tộc này…

” Tướng Pennequin hiện đang chỉ huy quân đội ở Ðông Dương, có viết năm 1909 : ‘Quốc ngữ là công cụ chân chính để đưa tư tưởng chúng ta xâm nhập vào dân An Nam …

… Thật đáng buồn thay trong một thời gian dài quốc ngữ không những không được quan tâm mà còn bị chống đối.’

“Ông Farjenel, người học chữ Hán từ 20 năm nay… đã nói như sau:

‘Ở Bắc Kỳ, thế hệ mới đã dốc lòng học quốc ngữ mà họ nhận ra cái thế hơn trội đối với chữ tượng hình nhất là trên phương diện dễ học. Chỉ những thầy đồ già mới nuối tiếc cái kiểu viết cổ lỗ sĩ (archaique) của chữ tượng hình.

“Một công văn năm 1910 của Khâm sứ Bắc Kỳ định rằng tất cả các văn bản dùng cho việc quảng bố như nghị định, quyết định, lệnh, chỉ thị, phán quyết, phải được viết bằng quốc ngữ. Công văn này cũng nói thêm rằng [việc dùng quốc ngữ] phải áp dụng cho thư tín thường lệ giữa các quan triều Nguyễn và chính quyền Pháp, và càng nhiều càng hay, cho các thông tri của các quan lại gửi đến người dân …

“Năm 1909, ở Hanoi có thành lập một Hội thân hữu Pháp Việt để phổ biến và quảng bá chữ quốc ngữ. Hội này còn có tên là Bác Văn Hội nhắm đến những mục đích sau Ðây:

1. Ðưa ra mắt những tác phẩm văn học An Nam viết bằng chữ khối vuông – chữ nho hay chữ nôm – bằng cách dịch ra quốc ngữ hay tiếng Pháp ;

2. Dịch ra quốc ngữ những sản phẩm của tri thức Pháp về những môn khoa học, nghệ thuật, luật, kinh tế chính trị, văn học, với dụng ý là ổn định… ngữ nghĩa các từ trong tiếng nói của xứ An Nam …

“Khâm sứ Bắc Kỳ tuyên bố là không đặt vấn đề gạt bỏ văn tự Trung Quốc để thay thế bằng quốc ngữ.

‘Mọi cuộc phiên viết theo ngữ âm dành cho tiếng An Nam hay Hán-Việt đều thiếu sót và đưa đến nhiều chỗ không rõ ràng. Ông Simoni [Khâm sứ Bắc Kỳ] viện lý do là số lượng âm tiếng An Nam hay Hán-Việt rất giới hạn nên rất khó khăn để phân biệt chúng nếu không dùng chữ tượng ý. [Vấn đề từ đồng âm, chú thích NPP]’

Nhưng đó chính là điểm mà tôi (Roux) phản bác bằng cách nêu lên sự sử dụng càng ngày càng tăng trong quốc ngữ những từ đôi, những từ này đem lại cho tiếng An Nam tính chính xác …

“… Không, ông Khâmsứ ơi! Các cuộc phiên viết theo ngữ âm dành cho tiếng An Nam, nhất là Hán-Việt, sẽ đáp ứng và sự phiên viết này sẽ không gây ra nhầm lẫn khi các ông đồ An Nam dùng quốc ngữ để thông qua những chữ đôi …

Tóm lại để chứng minh cái thế thượng phong của chữ quốc ngữ, Roux đã triển khai hai điểm chính sau đây:

1. Dưới mắt một sĩ quan thuộc địa, quốc ngữ là một phương tiện tốt, có hiệu năng để truyền bá văn minh phương Tây, để xâm nhập tư tưởng dân bảo hộ, và nhất là công cụ tiện lợi để soạn thảo công văn hành chánh, điều hành chính quyền.

2. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu thì Roux tuy thường lẫn lộn giữa chữ viết và ngôn ngữ nhưng vẫn có cái nhìn sáng suốt về sức mạnh và sự phong phú của tiếng Việt. Khác với một số người kể cả người Việt, xem trọng chữ Hán, tức tiếng Trung Quốc, cho là chữ của thánh hiền, chữ của bác học (langue savante), dè bĩu chữ nôm, tức tiếng Việt, cho nôm na là cha mách qué, thì Roux tin tưởng là quốc ngữ, hiểu theo nghĩa vừa chữ viết vừa ngôn ngữ, có thể diễn tả những ý niệm trừu tượng trong nghệ thuật, khoa học, chính trị, văn học, v.v…, có thể giúp “ổn định ngữ nghĩa các từ.” Ðối với chữ quốc ngữ mà một số người cho là kém hơn chữ nôm vì có quá nhiều từ đồng dạng đồng âm thì Roux phản bác lại, nói rằng các từ này sẽ được hiểu nghĩa rõ ràng qua các từ đôi (hay từ ghép). Thông qua các từ đôi này với số lượng càng ngày càng nhiều, tiếng Việt có chiều hướng trở nên đa âm tiết. Ðó là một nhận định khá đúng đắn của Roux.
Qua chương trình hành động của Phong trào Duy Tân và Ðông Kinh Nghĩa Thục, qua tình hình và nhận xét của viên quan ba pháo binh Jules Roux, thì quốc ngữ thắng lợi hoàn toàn. Chữ viết La Tinh hoá trở thành quốc tự và quốc ngữ/tiếng Việt chứng tỏ có đủ sức để trở thành một ngôn ngữ khoa học, nghệ thuật, chính trị. Còn cái điều cho tiếng Việt đã đạt đến độ một ngôn ngữ văn chương trác tuyệt chưa thì đã được chứng minh qua các tác phẩm nôm như Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâmở thế kỷ 18, và nhất là Truyện Kiềuở đầu thế kỷ 19.

Quê hương ngày trở lại – Kỳ 1 – Sài Gòn-Châu Đốc-Hà Tiên

Về Sài Gòn tôi bị lạc. Tình trạng lạc hướng kéo dài trên taxi, xe ôm, đi một mình hay cùng gia đình, bè bạn, tôi thường lẩm nhẩm trong...

Nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi “Việt”

Bạn và tôi là người Việt, chúng ta là con dân nước Việt. Cái tên “Việt” đã có từ lâu đời, ấy thế mà khi hỏi đến nguồn gốc và...

Mục sở thị Ấn vàng và Chiếu vua ngày trước

Ấn vàng "Sắc mệnh chi bảo" Tháng 10, năm Minh Mệnh thứ 8, 1827. Theo các kết quả nghiên cứu, ấn Sắc mệnh chi bảo có từ triều Trần được...

Cuộc sống Việt Nam những năm 1884-1885

Năm 1884, ông Charles-Edouard Hocquard theo đoàn lính viễn chinh Pháp tới xâm chiếm Việt Nam. Ngoài việc là một bác sĩ quân y, ông còn là một nhiếp ảnh...

“Người em sầu mộng” của thi sĩ Lưu Trọng Lư là ai?

Bà là Phùng Thị Cúc, sinh năm 1920; một người con gái xứ Huế. Trong tập Hồi ký  có tựa Nửa đêm sực tỉnh (Nxb Thuận Hóa, 1989), nhà thơ...

Thiên Thần – Địa Thần – Thủy Thần và hệ thống thần linh các vùng miền

Ngày nay, các nghi lễ trong hệ thống thờ Mẫu Tam phủ đã hội họp cả nghi lễ trong hệ thống Tam phủ thờ ba vị nam thần: Thiên Thần...

Tây Du Ký và 4 bài học về thói khoe khoang kiêu ngạo

Trương Triều thời nhà Thanh từng viết trong “U Mộng Ảnh” rằng Tây Du Ký là một cuốn ngộ thư, một cuốn kỳ thư. Bề ngoài là kể về hành...

Đom đóm vào nhà

Trời đã lập Thu mà nắng vẫn còn gay gắt. Những đợt gió Tây Nam thổi rạc mặt người. Mùa Hạ ngỡ đã lặn vào trong hoa trái để hiến...

Giai thoại về các nhân vật Nam Kỳ Lục Tỉnh (Phần 3)

Phần 3: Nguyễn Chánh Sắt (1869 - 1947) nhà văn tiền phong Nam Kỳ Nguyễn Chánh Sắt là một người tự học, một nhà văn tiền phong, một dịch giả truyện Tàu nổi...

Quốc Hoa Trên Thế Giới

Quốc hoa là hoa biểu tượng của quốc gia. Không phải quốc gia nào cũng có hoa biểu tượng. Mãi đến năm 1986 tổng thống Reagan của Hoa Kỳ mới...

Ngôi mộ cổ độc đáo của nhà bác học Trương Vĩnh Ký

Giữa trung tâm Sài Gòn có một di tích lịch sử độc đáo mà không nhiều người biết đến: Khu nhà mồ của nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837...

Lòng người đen trắng

Lòng người đen trắng, việc đời đảo điên lắm nỗi trái ngang tai, trái mắt làm cho người ta không muốn trông, không muốn nghe, thậm chí đến không muốn...

Exit mobile version