Nữ tướng Thánh Thiên: “Dụng binh như thần, trí dũng thiên phương”
Đối mặt với nữ Đại tướng quân của Lĩnh Nam, Mã Viện thảm bại phải dâng biểu về Triều đình xin thêm viện binh, trong đó có viết: “Nam bang có nữ tướng Thánh Thiên dụng binh như thần, trí dũng thiên phương, không sao phục được. Xin bệ hạ phái thêm các tướng giỏi và tiếp thêm quân sĩ sang giúp sức”.
Theo dân gian lưu truyền, thời ấy tại làng Bích Uyển thuộc phủ Kinh Môn, quận Hải Dương có vị quan cùng vợ về quê ở ẩn tên là Nguyễn Huyến, gia đình vốn thuộc dòng tướng quân. Sau phu nhân mang thai, một lần nằm mộng thấy có người con gái “tự nơi dương đình khâm thụ mệnh Trời, xuống đầu nhập thai sinh”.
Sau 13 tháng mang thai, giữa ngày 12 tháng 2 năm Ngọ, phu nhân sinh hạ được một gái mày ngài, mắt phượng, tướng mạo oai nghiêm. Vợ chồng rất yêu quý con mà đặt mệnh danh là Thánh Thiên Công Chúa.
Thánh Thiên thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười, năm lên 9 tuổi tam phần, ngũ điển, lục thao, tam lược đều quán thông. Năm 12 tuổi đã có tài văn chương, thông thạo võ thuật.
Ông Nguyễn Huyến thường ngày vẫn đem tâm sự gửi gắm trong mấy câu thơ ngâm nga:
Từ khi thất quốc, vong gia,
Vợ chồng, con cái đến nhờ thuyền môn.
Lòng riêng báo quốc không chồn,
Bình lương chứa chất luôn luôn đã nhiều.
Ai tài chửa thấy ai theo,
Một mình công việc trăm chiều khó đương.
Khi Thánh Thiên được 16 tuổi thì mồ côi cả cha mẹ. Vốn từ nhỏ đã thông võ thuật lại chăm chỉ đèn sách, nhận thấy cơ hội đã đến, Thánh Thiên bèn chiêu mộ quân sĩ khởi nghĩa chống lại nhà Hán.
Nghe tin cậu của mình từ quan, chiêu mộ trai tráng chống lại nhà Hán, Thánh Thiên đã cho quân kéo đến Ngọc Lâm phối hợp với cậu mình. Bà cho xây dựng căn cứ lớn ở Ngọc Lâm, ngoài việc thao dợt binh sĩ, còn khai hoang để tích trữ lương thảo, lập các lò rèn để trang bị vũ khí.
Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, nên quân của Thánh Thiên đã có nhiều trận thắng lớn, uy danh một phương.
Thời điểm này các cuộc khỏi nghĩa có rất nhiều, nhưng lại không có sự liên kết giữa các nơi. Chính vì vậy cuối năm 39 sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hiệu triệu tất cả các thủ lĩnh cùng quy tụ về. Thánh Thiên cũng như hàng chục thủ lĩnh khác kéo quân về dưới cờ của Hai Bà Trưng.
Năm 40 sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng xuất quân. Đại hội quân sĩ được tổ chức tại Hát Môn, Trưng Trắc lập đàn tráng, cáo lễ với trời đất, tự xưng là Trưng Nữ Vương, rồi chia quân tiến đánh các nơi.
Thánh Thiên cho quân đánh đuổi quân Hán đến tận thủ phủ Luy Lâu (thuộc Bắc Ninh ngày nay), Thái thú Tô Định cùng quân Hán chạy trối chết về nước. Thánh Thiên cùng các tướng quét sạch quân Hán ra khỏi bờ cõi, tận đến biên giới là hồ Động Đình. Trưng Vương lên ngôi Vua và đặt tên nước là Lĩnh Nam.
Đầu năm 42 sau công nguyên, vua Hán là Quang Vũ sai Phục ba tướng quân Mã Viện cùng Phó tướng Lưu Long và Đoàn Chí đưa quân tiến đánh Lĩnh Nam, Thánh Thiên được lĩnh ấn “Bình Ngô Đại tướng quân” tức chỉ huy toàn quân chống lại quân Hán. Bà cắt cử các cánh quân chống giữ nơi biên ải.
Mã Viện cùng phó tướng Lưu Long tiến đánh hồ Động Đình, nơi đây có tướng quân Phật Nguyệt chống giữ. Theo một số nhà nghiên cứu thì quân của Phật Nguyệt chỉ có 7 vạn quân chống với 30 vạn của Mã Viện. Tuy nhiên số liệu này chưa được thuyết phục vì vào thời nhà Minh đô hộ thì những nguồn sử liệu của nước ta bị chở về Kim Lăng, bị tiêu hủy và thất lạc mất.
Quân của Mã Viện lúc đầu không sao tiến vào được hồ Động Đình, xác chất thành gò. Mã Viện phải xin thêm viện binh tinh nhuệ mới tiến vào được.
Nhận thấy các chiến thuyền của mình to lớn hơn quân Lĩnh Nam, Mã Viện quyết định hợp quân ở Hợp Phố, nhằm tận dụng đường biển đánh vào quận Giao Chỉ. Tuy nhiên tại Hợp Phố, “Bình Ngô Đại tướng quân” Thánh Thiên đã chờ sẵn.
Cùng với trận chiến hồ Động Đình, trận chiến Hợp Phố là trận đánh nổi tiếng trong sử Việt trước đây. Mã viện 3, 4 lần cho toàn quân tiến đánh nhưng đều đại bại, thây chết ngổn ngang. Không chỉ thế, Thánh Thiên còn tiến đánh khiến Mã Viện phải cho quân lui về Mã Giang.
Bị quân Lĩnh Nam chặn các ngả đường không tiến được, Mã Viện một lần nữa phải phải dâng biểu về triều đình xin thêm tướng giỏi và quân tinh nhuệ giúp sức, trong có viết: “Nam bang có nữ tướng Thánh Thiên dụng binh như thần, trí dũng thiên phương, không sao phục được. Xin bệ hạ phái thêm các tướng giỏi và tiếp thêm quân sĩ sang giúp sức”.
Vua Hán lập tức cho thêm quân tướng tinh nhuệ sang giúp Mã Viện cùng mật truyền: “Nên dùng mưu mà đánh”.
Có thêm quân tinh nhuệ, Mã Viện cũng không dám tiến đánh Thánh Thiên mà chia làm 2 cánh thủy bộ, cánh quân bộ tiến chiếm Thương Ngô rồi cho quân đi ngầm qua Quỷ Môn quan (ải Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay) lẻn xuống vùng Lục Đầu rồi tiến ngược lên Lãng Bạc, cánh quân thủy bí mật xuống các chiến thuyền lớn ở Hợp Phố rồi theo đường biển đến Lãng Bạc. Hai cánh quân thủy bộ của quân Hán hội tại Lãnh Bạc (thuộc Tiên Du ngày nay).
Hai Bà Trưng cho quân rút đến Cẩm Khê lập căn cứ để chống quân Hán. Những nghiên cứu mới đây cho thấy Cẩm Khê có thể ở thung lũng Suối Vàng, ở chân ngọn núi Vua Bà cao 525m, trong dãy Ba Vì thuộc Hà Tây.
Quân Hán tiến đánh Cẩm Khê, các trận đánh rất ác liệt từ mùa hè năm 42. Đến mùa xuân năm 43 thì Cẩm Khê thất thủ.
Từ mạn Bắc, Thánh Thiên nghe tin Cẩm Khê thất thủ liền đưa quân về tiếp ứng nhưng không kịp, liền đưa quân đóng ở sông Nhật Đức (tức sông Thương ngày nay). Quân Hán tiến đánh với chiến thuật chia cắt đội hình, quân của Thánh Thiên không thích nghi được nên thất trận phải rút về Ngọc Lâm.
Quân Hán tiến đánh Ngọc Lâm, trong trận giao tranh ác liệt, bị bao vây tứ phía, Thánh Thiên đánh đến kiệt sức rồi hy sinh tại bến Ngọc (tên chữ là Ngọc Chử, là một bến của con sông nhỏ Đa Mai) thuộc địa phận làng Ngọc Lâm ngày nay.
Cảm phục trước khí tiết của Thánh Thiên, người dân làng Ngọc Lâm đã lập miếu thờ ở bên bến Ngọc.
Về sau ngôi miếu này được xây dựng khang trang thành đền Ngọc Lâm, hiện trong Đền vẫn còn câu đối ca ngợi Bình Ngô Đại tướng quân:
Phiên âm Hán Việt:
Đông hải chung anh, thiên vị Trưng triều sinh nữ tướng,
Bắc nhung kinh phách, nhân ư Ngọc chử ngưỡng thần uy.
Nghĩa là:
Nhân khí bể Đông, trời giúp nhà Trưng sinh nữ tướng,
Kinh hồn giặc Bắc, người nơi bến Ngọc ngưỡng thần uy.
Trong dân gian có lưu truyền bài thơ về Đại tướng quân Thánh Thiên:
Phiên âm Hán-Việt:
Thiên địa sinh ngô nữ tử thân
Trung chi ư quốc, hiếu ư thân
Càn khôn bất phụ tang bồng chí
Khả miễn tam quân quốc sự cần
Nghĩa là:
Trời đất sinh ta thân con gái
Trung lòng với nước, hiếu mẹ cha
Trời đất chẳng phụ người có chí
Chẳng bỏ việc quân, việc nước cần
Hàng năm cứ vào ngày 11 tháng 2 âm lịch (ngày sinh của Thánh Thiên), đền Ngọc Lâm có tổ chức lễ hội lớn để tưởng nhớ đến nữ Đại tướng quân.
Vị nữ tướng nước Nam “một tay nhổ núi Nga Mi, một tay nhổ núi Thái Sơn”
Sử Trung Hoa có ghi nhận về một vị nữ tướng nước Nam là: “Phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga mi, một tay nhổ núi Thái sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường Giang, hồ Ðộng Đình, oán khí bốc lên tới trời”. Vị nữ tướng này là ai?
Cuốn ngọc phả “Trưng nữ vương triều công thần nhất vi âm phù, nhất vi đại vương Ngọc phả cổ lục” còn được lưu giữ ở làng Vũ Ẻn, Thanh Ba, Phú Thọ có ghi chép về thân thế và chiến công của vị nữ tướng này.
Ở làng Vũ Ẻn, Thanh Ba, Phú Thọ có hai vợ chồng ông Đinh Bôn và bà Phí Vang hành nghề bốc thuốc gia truyền. Năm 23 sau Công Nguyên, hai vợ chồng sinh được người con gái đặt tên là Đinh Phật Nguyệt, tên lót được ghép từ chữ đầu họ Đinh (仃) của cha với chữ sau họ Phí (沸) của mẹ mà thành chữ Phật (佛).
Thuở nhỏ Phật Nguyệt được học chữ nghĩa, sống bằng nghề chài lưới và đam mê cung kiếm. Lớn lên trong cảnh dân tộc bị áp bức bởi nhà Hán, Phật Nguyệt cùng các trai tráng mộ quân ở các vùng lân cận, thành lập được một đội thủy quân đánh thắng quân Hán nhiều trận lớn.
Lúc này khắp các châu quận đều có các cuộc khởi nghĩa. Để tập hợp các cuộc khởi nghĩa lại thành một nhằm có được sức mạnh to lớn, cuối năm 39 SCN, Hai Bà Trưng hiệu triệu thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa. Thủ lĩnh khắp nơi nô nức quy tụ về.
Năm 40 SCN, Phật Nguyệt đưa 2.000 quân về với Hai Bà Trưng và được phong là Tả tướng thủy quân.
Đánh đuổi quân Hán đến tận biên giới hồ Động Đình
Hai Bà Trưng tổ chức đại hội quân sĩ ở Hát môn, rồi chia quân tiến đánh các nơi. Phật Nguyệt được giao trấn giữ vùng sông Thao, ngăn không cho quân Hán tiến về xuôi. Nữ tướng cho một nửa số quân đóng ở phủ Lâm Thao, một nửa trấn giữ phía Tây sông Thao, hai cánh quân có thể hiệp trợ lẫn nhau.
Nhiều cuộc chiến đã diễn ra nơi sông Thao, quân của Phật Nguyệt thắng lớn, quân Hán phải tháo chạy. Sau đó Phật Nguyệt cho quân tiến đánh các nơi, cùng với các thủ lĩnh khác chiếm lại 65 thành trì của tất cả các châu quận.
Quân Hán của Thái tú Tô Định phải bỏ chạy thẳng về nước. Nữ tướng Phật Nguyệt nhận lệnh truy kích quân của Tô Định đến tận vùng biên giới là hồ Động Đình. Vậy nên biên giới phía Bắc thời Hai Bà Trưng lên đến tận hồ Động Đình. Hồ này ở giữa hai tỉnh Hồ Nam và Hồ Bắc của Trung Quốc. Lãnh thổ Lĩnh Nam thời Hai Bà Trưng gồm rất nhiều các tỉnh của Trung Quốc ngày nay như Quảng Đông, Quảng Tây, Chiết Giang, Qúy Châu, Phúc Kiến, Giang Tây, Vân Nam, Hồ Nam v.v…
Trưng Trắc lên ngôi Vua, đặt tên nước là Lĩnh Nam (tức phía Nam núi Ngũ Lĩnh), Phật Nguyệt được phong làm trấn thủ vùng Động Đình, ngăn không cho quân Hán xâm phạm nơi biên giới phía Bắc.
“Một tay nhổ núi Nga mi, một tay nhổ núi Thái sơn” khiến quân Hán kinh hồn bạt vía
Năm 42 SCN, vua Hán cho viên tướng kinh nghiệm và tài giỏi bậc nhất của mình là Phục Ba tướng quân Mã Viện tiến đánh Lĩnh Nam. Mã Viện đưa quân tinh nhuệ cùng phó tướng Lưu Long tiến đánh Lĩnh Nam.
Đến biên giới, Mã Viện đụng phải nữ tướng Phật Nguyệt, quân Hán bị thảm bại. Những trận đánh ở hồ Động Đình khiến quân Hán thây chất ngổn ngang khắp nơi.
Không chỉ Mã Viện bị thất bại mà viện binh 28 viên tướng của nhà Hán (gọi là nhị thập bát tú) cũng không qua được Động Đình hồ.
Năm 1979, giáo sư Trần Đại Sỹ tìm thấy tại thư viện bảo tồn di tích cổ ở tỉnh Hồ Nam (tỉnh thủ phủ phía Nam Động Đình Hồ, Trung Quốc) có ghi chép trận đánh Động Đình Hồ như sau:
Quang Vũ nhà Hán sai Phục ba tướng quân Tân tức hầu Mã Viện. Long nhượng tướng quân Thận hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc. Vua Bà sai nữ tướng Phật Nguyệt tổng trấn hồ Ðộng Đình. Mã Viện, Lưu Long bị bại. Vua Quang Vũ truyền Nhị thập bát tú nghênh chiến, cũng bị bại. Nữ vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga Mi, một tay nhổ núi Thái Sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường Giang, hồ Ðộng Đình, oán khí bốc lên tới trời.
Cuộc chiến bảo vệ Giang Sơn
Không sao tiến quân được, quân Hán phải chờ thêm viện binh. Viện binh tới, quân Hán chia thêm chiều ngả tấn công. Trước sức mạnh của quân Hán, Phật Nguyệt phải cho quân vừa đánh vừa lùi để bảo toàn lực lượng, cuối cùng cho quân rút về sông Thao.
Một cánh quân khác của quân Hán tiến xuống Hợp Phố, rồi chia làm hai đường thủy bộ tiến đến Lãng Bạc khiến quân Lĩnh Nam phải chia ra đối phó với các cuộc tấn công của quân Hán.
Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra nơi Bạch Hạc, Phú Thọ giữa quân của Phật Nguyệt với quân Hán. Mồng 10 tháng 2 năm 43, phó tướng Lưu Long huy động thêm quân đánh úp vào doanh trại của Phật Nguyệt.
Một trận đánh sống còn diễn ra, nữ tướng Phật Nguyệt tả xung hữu đột giữa trùng trùng quân Hán vây quanh rồi thoát được khỏi vòng vây, ra đến bờ sao Thao. Nhưng khi bà nhìn lại thì không còn thấy bóng dáng quân sĩ nào theo mình cả, tất cả đều đã nằm lại, trong khi quân Hán đã bắt đầu áp tới. Để giữ tròn khí tiết, nữ tướng liền gieo mình xuống dòng sông Thao nơi quê nhà.
Sau khi nữ tướng Phật Nguyệt mất, nhiều làng ven sông Thao lập đền thờ để tưởng nhớ. Ngày nay ở đình làng Phượng Lĩnh có đôi câu đối ca ngợi nữ tướng như sau:
Tích trù Động Đình uy trấn Hán,
Danh lưu thanh sử lực phù Trưng.
Nghĩa là:
Một trận Động Đình, oai trấn quân Hán,
Tên còn trong sử, phò tá Trưng Vương.
Vị nam tướng quân hiếm hoi giữa rừng nữ tướng thời Hai Bà Trưng
Giữa thời kỳ Bắc thuộc, một cuộc khởi nghĩa nổ ra đã mang lại nền tự chủ cho người Việt, đó là cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng với những thủ lĩnh đều là bậc nhi nữ. Tuy nhiên giữa rừng nhi nữ tướng quân ấy vẫn có một trang nam tử.
Ở vùng đất An Khê (nay là làng Hiệp Lực, Quỳnh Phụ, Thái Bình) có một ngôi Đình cổ được làm từ thời Hai Bà Trưng, đến nay đã gần 2.000 năm tuổi, ngôi Đình thờ hai mẹ con tướng quân Lê Đô. Dù lịch sử không mấy ghi chép, nhưng những ghi chép tại ngôi Đình này khá đầy đủ về vị nam tướng quân hiếm hoi thời kỳ Hai Bà Trưng.
Cha tướng quân Lê Đô là ông Lê Dương, quê ở đạo Sơn Nam (nay là khu Quan Nhân, Hà Nội). Ông làm quan ở huyện Phụ Phượng. Tuy nhiên do vợ mất sớm, ông cáo quân về quê hành nghề bốc thuốc giúp dân.
Một lần đi đến trang Đông Lực, ông gặp một người con gái xinh đẹp tên là Trần Thị Ả Nương thì đem lòng yêu mến và cưới về làm vợ. Vào ngày 10 tháng 8 năm Tân Mão, hai vợ chồng đón con trai đầu lòng đặt tên là Lê Đô.
Được giáo dục tốt, Lê Đô từ tấm bé đã biết lễ nghĩa kính trên nhường dưới, lên 7 tuổi thì học binh thư và đánh kiếm.
Lúc này Giao Chỉ rên siết dưới sự bóc lột của nhà Hán, nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra. Lê Đô liền chiêu binh mở trường luyện võ, dân chúng các nơi theo về rất đông. Vì thế mà nơi đây có địa danh Trường Võ, chính là khu đất cao rộng nơi tướng quân Lê Đô thao luyện binh sĩ. Binh sĩ của Lê Đô lên đến 1 vạn người.
Để tập hợp các cuộc khởi nghĩa lại thành một nhằm có được sức mạnh to lớn, cuối năm 39 SCN, Hai Bà Trưng hiệu triệu thủ lĩnh các cuộc khởi nghĩa. Thủ lĩnh khắp nơi nô nức quy tụ về với Hai Bà Trưng, trong đó có Lê Đô. Hai Bà Trưng phong cho ông là Bản Quốc Thống Chế Đại Tướng Quân, trở thành nam tướng quân hiếm hoi trước hàng chục nữ tướng.
Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng hiện tượng đội quân Hai Bà Trưng toàn nữ tướng là một trong những dữ kiện để minh chứng cho chế độ mẫu hệ của người Việt vào thời điểm bấy giờ. Nếu điều này là đúng thì trường hợp của tướng quân Lê Đô lại càng đặc biệt.
Năm 40 SCN, Hai Bà Trưng tổ chức đại hội quân sĩ ở Hát Môn, rồi chia quân tiến đánh các nơi. Lê Đô cho quân phối hợp cùng các nữ tướng khác tấn công quân Hán.
65 thành của tất cả các Châu Quận như Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, Thương Ngô, Uất Lâm, Nam Hải, v.v… đều trở về với người Việt. Biên giới phía Bắc bấy giờ tận đến dãy núi Ngũ Lĩnh, tức một phần lớn thuộc Trung Quốc ngày nay. Bà Trưng Trắc lên ngôi Vua và đặt tên nước là Lĩnh Nam (tức phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh).
Đất nước thái bình, Hai Bà Trưng cử Lê Đô trấn giữ vùng đất Cửu Chân (Nghệ An ngày nay). Sau một năm, Lê Đô được gọi về Triều làm quan. Tuy nhiên do mẹ già đau yếu ông xin được từ quan về quê chăm sóc cho mẹ.
Ở quê nhà Lê Đô khuyên người dân chăm lo cày cấy, trồng dầu nuôi tằm, ai cũng mến ông.
Năm 42 SCN, vua Hán sai Mã Viện đem quân tiến đánh Lĩnh Nam. Nhưng tại biên giới, các nữ tướng Thánh Thiên và Phật Nguyệt đã đánh cho quân Hán thảm bại. Mã Viện phải xin thêm viện binh, Vua Hán đồng ý cho thêm quân tinh nhuệ trợ giúp.
Sau khi có thêm viện binh tinh nhuệ, Mã Viện cho quân tiếp tục tấn công. Trước thế quân Hán mạnh, quân Lĩnh Nam phải tạm lui. Hai Bà Trưng cho gọi Lê Đô vào Triều để ông lên biên giới chống giặc.
Quân của Lê Đô có những trận đánh làm quân Hán bị thiệt hại. Trước đội quân tinh nhuệ và thiện chiến của nhá Hán, Lê Đô vẫn cho quân cầm cự được, ngăn không cho quân Hán tiến xuống phía Nam. Trong khi cuộc chiến đang giằng co thì nhận được tin mẹ ốm nặng, Lê Đô xin Vua cho về quê thuốc thang chăm sóc cho mẹ.
Sau đó, cuộc chiến chống quân Hán rất ác liệt, quân Hai Bà phải rút về lập thế trận ở Cấm Khê. Đến mùa hè năm 42, Mã Viện cho quân tiến đánh Cấm Khê. Cuộc chiến rất dai dẳng và quyết liệt mãi đến mùa xuân năm 43.
Lúc này do bệnh nặng, mẹ của Lê Đô qua đời. Sau khi lo hậu sự xong, biết tin Vua đang bị vây khốn ở Cấm Khê, Lê Đô đem binh đến ứng cứu. Tuy nhiên khi ông đến nơi thì hay tin tin Lĩnh Nam phải rút khỏi Cấm Khê, Hai Bà Trưng cùng đường đã nhảy xuống sông Hát Giang. Vậy là Lê Đô liền trẫm mình xuống dưới sông để giữ trọn đạo vua tôi.
Người dân ở An Khê (làng Hiệp Lực ngày nay) đã lập đền thơ Lê Đô. Hàng năm cứ đến ngày 10 tháng 8 âm lịch (ngày sinh tướng quân Lê Đô), người dân làng Hiệp Lực lại nô mức với lễ hội suốt 3 ngày liền ở ngôi đền tưởng nhớ hai mẹ con tướng quân Lê Đô.
Theo thần tích của ngôi đình đến thế kỷ thứ VI trong cuộc kháng chiến chống quân Lương, Lý Bí đã đi qua nơi đây đã nghỉ tại Trường Võ và vào thắp hương trước cung điện khi ra trận và được sự giúp sức của Lê Đô, vì vậy trong đình còn lưu giữ bức đại tự (Linh dực Trưng Vương, âm phù Lý Đế).
Thời trần thế kỷ 13 Trần Nhân Tông đánh giặc Ô Mã Nhi đi qua đây vào cầu đảo cũng rất linh ứng (sắc phong và ấn tín của Trần Đại Vương là bảo vật trong đình Hiệp Lực còn lưu giữ). Như thế có thể nói rằng đình Hiệp Lực có khá sớm.
Lê Đô lúc sinh thời giúp Bà Trưng dựng nước chống giặc ngoại xâm. Lúc mất giúp Lý Bí, Trần Nhân Tông đánh giặc nên đã được phong: “Đông Trang Hiển Thánh” trên bức đại tự trong đình. Cũng vì công trạng của Lê Đô tướng quân từ buổi đầu công nguyên nên 5 sắc phong của các triều đại còn lưu giữ.
Ngôi đền từ thời Hai Bà Trưng trải qua suốt hàng ngàn năm, qua các triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê vẫn còn. Đến thời nhà Nguyễn, vua Thành Thái cho tu sửa với quy mô lớn, ngôi đền xưa kia đã trở thành đình làng với kiến trúc nghệ thuật đặc sắc.