1. HÌNH ẢNH VUA QUANG TRUNG THEO SỬ CŨ
Cho đến gần đây, khuôn mặt vua Quang Trung vẫn còn là một câu hỏi. Tuy chính sử và ngoại sử cũng có những chi tiết đề cập đến dung mạo, hình dáng và y phục của ông nhưng quá mơ hồ và đáng tin đến mực nào thì vẫn không ai dám khẳng định.
Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển XXX, Ngụy Tây, truyện Nguyễn Văn Huệ chép:
Nguyễn Văn Huệ là em của Nhạc, tiếng vang như chuông, mắt sáng như ánh điện, mưu lược thiện chiến, người người đều kinh sợ.[1]
Tây Sơn thuật lược chép:
… Năm ấy Nguyễn Huệ mất, tóc của Huệ thì quăn, mặt thì đầy mụt, có một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu …[2]
Trong văn chương, các nhà nho Bắc Hà gọi ông là “cuồng Chiêm[3], hắc tử[4]” với hàm ý khinh miệt, coi ông chỉ là một kẻ mọi rợ ở phương nam. Nho sĩ cuối đời Lê cũng diễu cợt ông về nhân dáng, về giọng nói và cả cách xử thế. Tuy nhiên, những chi tiết này tuyệt nhiên không thể coi là tả chân dung mạo và con người Nguyễn Huệ.
Về điêu khắc chúng ta thấy ông qua hình ảnh một pho tượng đi hài một chân trong, một chân ngoài ở một ngôi chùa tại Hà Nội. Nguyễn Phương viết:
… Đó là ảnh chụp một pho tượng ở chùa Bộc, tại Hà Nội. Đã lâu nhiều người cứ nghĩ rằng đó là một pho tượng Phật nhưng kỳ thực hình dung Quang trung với tất cả thái độ ngang tàng của ông, ví dụ mình bận triều phục mà chân thì một trong hia một nằm ngoài. Đôi câu đối hai bên pho tượng vừa ngụ ý Quang trung là anh hùng cái thế, vừa dùng danh nghĩa tôn giáo để gìn giữ cho pho tượng khỏi bị triều Nguyễn phá. Đôi câu đối đọc là:
Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vụ [vũ],
Quang trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân.[5]
Dịch nghĩa:
Trong hang không bụi, lưu nêu cột giữa non sông rộng lớn,
Giữa sáng thành Phật, chuyển gió mây trong thế giới cỏn con.
Và câu đối cũng nói rằng ở Thăng Long vẫn còn có chỗ để thờ Quang trung dưới hình dạng một tượng Phật …[6]
Tượng ở chùa Bộc. Nguồn: internet
Về tranh vẽ, lâu nay sách vở lưu truyền hình một võ tướng cưỡi ngựa được chú thích là vua Quang Trung [hay dè dặt hơn là Phạm Công Trị, “giả vương” sang Trung Hoa]. Bức hình này xuất hiện trên Đông Thanh tạp chí, số 1, 1932 [theo ghi chú trên Tập san Sử Địa, số 9-10 phát hành Tết Mậu Thân][7] và được in lại trên nhiều ấn phẩm khác.
Dựa trên bức tranh, hoạ sĩ đã mô phỏng để tạo hình vua Quang Trung trên giấy bạc 200 đồng (trước năm 1975 tại miền Nam) và theo đó nhiều nghệ sĩ đã sử dụng để điêu khắc tượng đài, cả trong nước lẫn hải ngoại coi như đây là diện mạo chính thức của Nguyễn Huệ.
Hình vẽ Quang Trung trên giấy bạc 200 đồng ở miền Nam Việt Nam trước 1975
Tuy nhiên, khi tư liệu lịch sử được phổ biến công khai và rộng rãi hơn, người ta có thể khẳng định rằng bức tranh người cưỡi ngựa này chỉ là một bản sao của hoạ phẩm nổitiếng do hoạ sĩ Giuseppe Castiglione [giáo sĩ người Ý]vẽvua Càn Long [cưỡi con tuấn mã có tên là Vạn Cát Sương [萬吉驦] do quận vương xứ Khalkha tiến cống] trong một lần duyệtbinh được thực hiện vào khoảng 1743[8] chứ không phải vua Quang Trung.
Vua Càn Long chuẩn bị duyệt binh. Nguồn: Zhang Hongxing. The Qianlong Emperor.
2. HÌNH ẢNH VUA QUANG TRUNG BÊN NGOÀI NƯỚC
Khi vua Quang Trung đem một phái đoàn hùng hậu sang Bắc Kinh dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ của vua Cao Tông [Càn Long], nhiều tài liệu của Trung Hoavà Triều Tiên nhắc đến ông nhưng chỉ nói về hành vi mà không miêu tả về dung mạo.
Sứ thần Triều Tiên Từ Hạo Tu [徐浩修] trong bộ Yên hành lục tuyển tập [燕行錄選集][9] chép:
Quang Bình cốt cách khá thanh tú, hình dáng bệ vệ xem ra khác hẳn với người ở Giao Nam. Thế nhưng các bầy tôi đi theo tuy hơi giỏi văn tự nhưng thân thể nhỏ bé, yếu đuối, ăn nói, hành động giảo trá khinh bạc.[10]
… Hôm đứng vào tế ban ở Tịch Nguyệt Ðàn nơi điện Thái Hòa mới thấy họ [tức sứ đoàn nước ta] mặc y phục bản quốc. Vua của họ đầu bịt khăn lưới,[11] đội thất lương kim quan [七梁金冠][12] mình mặc long bào bằng gấm màu, đeo đai bằng ngọc trắng. Tòng thần cũng quấn khăn, đội mão đen năm ngấn, thân mặc mãng bào hoặc màu xanh, hoặc màu tía, đeo đai vàng, hình trên áo bác tạp, lạ lùng trông như trong tuồng hát khác xa cổ chế nước An Nam.[13]
Trong nhiều thế kỷ, triều đình Trung Hoa đã phát triển việc lưu giữ hình ảnh qua các kỹ thuật mộc bản [khắc in bằng bản gỗ], đồng bản [khắc in bằng bản đồng] và đến đời Minh – Thanh thì du nhập thêm nhiều phương pháp hội họa của Âu châu, trong cung luôn luôn có một đội ngũ họa gia đông đảo bao gồm nhiều giáo sĩ sang truyền giáo. Chính vì thế, trong chuyến đi sang Bắc Kinh, hình ảnh vua Quang Trung đã được ghi lại trên nhiều họa phẩm bằng màu, đặc biệt là trên hai bức vẽ sinh hoạt cung đình và chính chân dung của ông do vua Càn Long sai thợ vẽ trước khi ông về nước.[14]
* Thập toàn phu tảo [十全敷藻] [15]
Một trong bộ tranh mười bức ca tụng Thập toàn võ vông của vua Cao Tông do Uông Thừa Bái [汪承霈] vẽ có tên là Thập toàn phu tảo [十全敷藻] trong đó có một bức nhan đề An Nam quốc vương chí Tị Thử sơn trang [安南國王至避暑山莊] vẽ hình vua Quang Trung và hai bồi thần [tức Phan Huy Ích và Ngô Văn Sở] vào triều kiến vua Càn Long ở Nhiệt Hà.
Tranh An Nam quốc vương chí Tị Thử sơn trang [安南國王至避暑山莊].
Bức tranh này – như tên gọi (phu tảo) là dạng tranh tuyên truyền vẽ vua Quang Trung và phái đoàn bệ kiến vua Càn Long ở Nhiệt Hà ngày 13 tháng 7 khi ông được ban mũ, áo bậc thân vương [có hai đại thần một người cầm mũ, một người cầm áo đứng trao].
Chúng ta cũng nhận ra hai tòng [tụng] thần mặc áo đỏ quì bên cạnh mà chúng ta biết rằng đây là Phan Huy Ích và Ngô Văn Sở. Sáu nhạc công An Nam ở phía sau cầm các loại nhạc khí, hiện còn hình vẽ ghi trong Hoàng triều lễ khí đồ thức.[16]
Tranh An Nam quốc vương chí Tị Thử sơn trang [安南國王至避暑山莊].
* Bát tuần vạn thọ thịnh điển [八旬萬夀盛典]
Bộ sách này tổng cộng 120 quyển, nằm trong Sử bộ [史部], Khâm định tứ khố toàn thư [欽定四庫全書]. Thịnh điển do đại học sĩ A Quế làm tổng tài cùng với một ban biên tập 74 người trong đó có 12 danh thần, hoàn tất tháng Mười năm Nhâm Tí, Càn Long 57 (1792), hai năm sau kỳ đại lễ. Tài liệu đồ sộ này ghi lại đầy đủ chi tiết về nghi lễ và tổ chức khánh thọ. Hai quyển 77 và 78 trong Bát tuần vạn thọ thịnh điển là các tranh vẽ, mỗi quyển 121 bức, tổng cộng 242 bức tranh khắc bản với đầy đủ chi tiết từ Viên Minh Viên đến Tây Hoa Môn (cửa tây thành Bắc Kinh)[17] trong đó có cảnh vua Quang Trung cùng vương công đón hoàng đế hồi loan.
Theo Ngô Chấn Vực [吳振棫] trong Dưỡng Cát trai tùng lục [養吉齋叢錄] (Bắc Kinh: Bắc Kinh cổ tịch xuất bản xã, 1983) viết đời Ðồng Trị (1861 – 1875) (tr. 125-126) thì bức tranh có hình vua Quang Trung được miêu tả như sau:
“… Phía bắc chiếc cầu màu đỏ là một tòa [giả] sơn, hình ngoằn ngoèo như thước gập, ngoài có lan can màu son. Phía tây là một nham động làm cửa, có đường nhỏ lên núi, trên có hai ngôi lầu, trong lầu diễn kịch “Vạn quốc lai triều”. Trước tòa núi giả là quốc vương An Nam Nguyễn Quang Bình cùng với bồi thần, sứ thần các nước Triều Tiên, Nam Chưởng, Miến Ðiện và các sơn phiên Kim Xuyên, Ðài Loan cho đến các hãn Mông Cổ, Hồi Bộ, kế đến các vương, thai cát quì bên cạnh đường, nghênh đón thiên tử.”
Miêu tả nói chung khá chính xác. Bức tranh có một tấm bia vẽ ngay bên cạnh trên đề: 安南國王阮光平及蒙古王公, 朝鮮, 緬甸, 南掌, 各國使臣恭迎萬夀來京於此瞻覲 (An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình cập Mông Cổ vương công, Triều Tiên, Miến Ðiện, Nam Chưởng các quốc sứ thần cung nghinh vạn thọ lai kinh ư thử chiêm cận: Quốc vương An Nam Nguyễn Quang Bình cùng vương công Mông Cổ và sứ thần các nước Triều Tiên, Miến Điện, Nam Chưởng cung kình nghinh đón nhà vua trở về kinh đô nên chiêm cận ở đây).
Trong hình vua Quang Trung quì đón hàng đầu tiên, đằng sau là Ngô Văn Sở và lễ quan, bên trái là các thân vương và người trong hoàng tộc [với bổ phục hình tròn, đeo triều châu], bên phải là các đại thần nhà Thanh [với bổ phục hình vuông, không đeo triều châu]. Vua Càn Long đi kiệu khiêng trên vai [kiên dư] do 28 thị vệ [hay thái giám], chung quanh có ngự lâm quân và các cận thần theo hầu.
Vua Quang Trung cầm đầu phái đoàn vương công đại thần đón vua Càn Long hồi kinh ngày 12 tháng Tám. [không rõ tác giả, hoàn tất năm 1797]. Nguồn: China: The Three Emperors (1662-1795), tr. 77.
Đây là một bộ phận trong bức trường đồ, cuộn thứ hai [không rõ tác giả, hoàn tất năm 1797]. Nguồn: China: The Three Emperors (1662-1795), tr. 77.
3. ĐẾN MỘT PHÁT HIỆN MỚI …
Hình vua Quang Trung do Trần Quang Đức mới công bố
Gần đây, trên mạng internet[18], nhà nghiên cứu Trần Quang Đức ở trong nước đã công bố một bức chân dung vua Quang Trung mà ông cho biết là “một người bạn Trung Quốc gửi cho tôi bức tranh chân dung Quang Trung, hiện cất giữ tại Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. Bức tranh này có ghi rõ An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình (tên của Quang Trung khi ở bên nhà Thanh)”.
Tuy tác giả Trần Quang Đức dè dặt không khẳng định và bức hình khá mờ nên cũng khó xác định nhiều chi tiết nhưng chúng tôi tin tưởng rằng đây chính là một trong ba bức chân dung vua Càn Long đã ra lệnh cho hoạ gia trong cung vẽ tại Bắc Kinh năm 1790 khi vua Quang Trung cầm đầu một phái đoàn sang chúc thọ và nhờ những duyên may nên bức tranh này còn tồn tại sau nhiều cơn binh lửa.[19] Nếu đúng như thế, đây phải là tranh màu và rất khác với bản trắng đen này vì nhiều chi tiết bị che lấp. Tuy nhiên, trong giới hạn có thể chúng tôi cũng đưa ra một số nhận định sơ khởi để khi có một hình ảnh rõ ràng hơn sẽ bổ túc sau.
4. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM ĐÁNG GHI NHẬN
Theo hình vẽ, vua Quang Trung đội mũ xung thiên là mũ của vua chúa nước ta thời đó. Trước đây, khi đọc miêu tả của sứ thần Triều Tiên Từ Hạo Tu nói là ông đội thất lương kim quan, chúng tôi đã nhầm với loại mũ có 7 múi thời cổ của Trung Hoa [còn gọi là thông thiên quan].[20]
Phan Huy Chú định nghĩa mũ Xung Thiên tức mũ Phốc Đầu, riêng hai cánh chuồn hướng lên trên, nên gọi là Xung Thiên. Theo quy chế của nhà Minh và Triều Tiên, loại mũ Thường triều của vua là mũ Dực Thiện, cũng có hai cánh chuồn hướng lên trời, song hầu hết là những chiếc mũ trơn, không có trang sức. Riêng vua Minh ngoài mũ trơn còn có loại mũ được sức trang sức hình rồng vàng, hoa vàng, bác sơn vàng. Qua khảo sát một số pho tượng và mũ thờ có kiểu dáng Xung Thiên, chủ yếu là sản phẩm thế kỷ XVIII, XIX, có thể nhận thấy tuyệt đại đa số các loại mũ này đều được đính vô số trang sức và có dạng thức tương tự như nhau. Mũ thờ thường có xu hướng phức hoá, khoa trương nên không thể coi là loại mũ tả thực. Song chúng tôi cho rằng việc sức trang sức vàng bạc lên mũ dường như đã trở thành truyền thống của các triều đại Việt nam, nên nhiều khả năng loại mũ Xung Thiên của các vị vua thời Lê sơ cũng được đính một số trang sức bằng vàng nhất định.[21]
Mũ dùng cho hoàng đế hay thân vương đời Minh có tên là dực thiện quan (翼善冠) trước tròn, sau vuông có hai cánh chuồn đâm lên ở phía sau tương tự như xung thiên quan của ta.[22]
Ngay trên bức chân dung là bài thơ ngự chế [và cũng là ngự bút] của vua Càn Long khi vua Quang Trung vào bệ kiến, thi hành lễ “bão kiến thỉnh an” ngày 11 tháng Bảy năm Canh Tuất (1790) với hai dấu ngọc tỉ ngay chính giữa theo bề ngang, một trên một dưới. Chếch sang bên trái còn một dấu thứ ba là dấu Thái Thượng Hoàng đóng sau này khi vua Càn Long đã nhượng vị để xác nhận đây là tranh được treo trong khu bảo tàng riêng của vua cha. Đối chiếu với các tranh vẽ và bút thiếp khác đời Càn Long, chúng tôi nhận ra như sau:
– Ngọc tỉ đóng ngay chính giữa trên đầu bức tranh là Bát trưng mạo niệm chi bảo [八徴耄念之寳]. Quả ấn này được khắc năm Canh Tuất để đánh dấu đại khánh vua Càn Long đúng 80 tuổi, cũng là năm vua Quang Trung sang dự lễ.
– Con dấu thứ hai nằm chếch sang phía bên trái là ngọc tỉ Thái thượng hoàng đế chi bảo [太上皇帝之寶] được khắc khi vua Càn Long nhường ngôi cho con là Vĩnh Diễm lên làm Thái thượng hoàng năm Gia Khánh nguyên niên (1796).
– Con dấu thứ ba ở trên cùng, bị cắt mất một nửa nhưng cũng còn nhận ra được là ngọc tỉ Ngũ phúc ngũ đại đường cổ hi thiên tử bảo [五福五代堂古稀天子寶].
Ba chiếc ngọc tỉ này đều là những bảo vật riêng của vua Càn Long coi như dấu ấn lúc cuối đời. Hàng chữ bên phải của chân dung chúng tôi nhận ra được là Tân phong An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình.[23] [新封安南國王阮光平].
Về bài thơ ở bên trên, theo đúng thông lệ khi vẽ hình những đại thần, tướng lãnh để treo trong Tử Quang Các, vua Càn Long luôn luôn tự đề một đoạn văn khen ngợi hay một bài thơ [ngự chế]. Tuy nét chữ tương đối khó nhận nhưng đây chính là bài thơ hoàng đế làm khi vua Quang Trung vào bệ kiến lần đầu, hành lễ “bão kiến thỉnh an”.
Chúng tôi sao lại như sau (từ phải sang trái, đọc theo hàng dọc):
御製安南國王阮光平至避暑山莊陛見詩以賜之
瀛藩入祝值時巡,初見渾如舊識親.
伊古未聞來象國,勝朝往事鄙金人.
明正德間安南黎惠之臣莫登庸逼逐其主明興師討之踰年師不出登庸進代身金人逐封為都統其後惠孫維潭奪莫茂洽都統亦進金人後封為王是明代既不能致彼入朝而為金人以代兼有黷貨之殊為可鄙
九經柔遠祗重驛, 嘉會於今勉體仁.
武偃文修順天道, 大清祚永萬千春.[24]
乾隆庚戌孟秋
Phiên âm
Ngự chế An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình chí Tị Thử Sơn Trang bệ kiến thi dĩ tứ chi
Doanh phiên nhập chúc trị thời tuần
Sơ kiến hồn như cựu thức thân
Y cổ vị văn lai Tượng quốc[25]
Thắng triều vãng sự bỉ kim nhân
Minh Chính Đức gian, An Nam Lê Huệ chi thần Mạc Đăng Dung bức trục kỳ chủ. Minh hưng sư thảo chi. Du niên bất xuất. Đăng Dung tiến đại thân kim nhân trục phong vi đô thống. Kỳ hậu Huệ tôn Duy Đàm đoạt Mạc Mậu Hợp đô thống diệc tiến kim nhân, hậu phong vi vương. Thị Minh đại ký bất năng chí bỉ nhập triều nhi vi kim nhân dĩ đại, kiêm hữu độc hoá chi thù vi khả bỉ.
Cửu kinh nhu viễn chi trùng dịch
Gia hội ư kim miễn thể nhân
Võ yển văn tu thuận thiên đạo
Ðại Thanh tộ vĩnh vạn thiên xuân
Càn Long Canh Tuất Mạnh Thu
Dịch nghĩa
Kẻ phiên thuộc ở ngoài đến chúc thọ trong khi đang đi tuần,[26]
Mới gặp lần đầu mà như người thân đã biết từ lâu.
Từ xưa đến nay chưa từng nghe người ở Tượng quốc đến,
Việc triều trước đòi người vàng thật là đáng khinh.
Nguyên chú: (chữ nhỏ) Đời Chính Đức nhà Minh, bầy tôi của Lê Huệ [chữ Huệ có bộ ngôn] nước An Nam là Mạc Đăng Dung đuổi chủ chạy đi, nhà Minh hưng sư đánh dẹp nhưng qua một năm mà quân chưa ra [khỏi cửa quan]. Đăng Dung tiến người vàng thay mình được phong làm đô thống. Về sau, cháu của Huệ là Duy Đàm đoạt lại chức đô thống của Mạc Mậu Hợp, lại cũng tiến người vàng, sau được phong tước vương. Ấy là đời Minh không khiến họ tới triều đình được nên lấy người vàng để thay, lại cũng vì tham của cải thật là đáng khinh bỉ.[27]
Đường xa đạo nhu viễn phải qua nhiều trạm,
Mừng rằng hôm nay gặp được nhau để tỏ điều nhân.
Dấu việc võ, sửa việc văn là thuận với đạo trời,
Nhà Đại Thanh sẽ kéo dài mãi đến nghìn năm.
Càn Long tháng Mạnh Thu [Bảy] năm Canh Tuất [1790]
Theo tác giả Trần Quang Đức, dưới thời Lê vua Lê chúa Trịnh trong các đại lễ đều đội mũ xung thiên, mặc hoàng bào, thắt đai ngọc.[28] Trịnh Quang Vũ miêu tả y phục của hoàng đế khi thiết triều:
1. Mũ miện: vua Lê đội mũ xung thiên, hình lăng trụ trên bằng có hai cánh phía sau trỏ thẳng lên trời, chóp mũ hướng lên trời màu vàng.
2. Y phục: vua Lê mặc hoàng bào (áo bào màu vàng) thêu rồng 5 móng… Hoàng bào triều Lê được dệt hình mặt rồng nghiêng, uốn lượn, đuôi quặp, rồng có sừng và vảy, 5 vuốt móng dữ dội, mang nhiều đặc điểm vương quyền, ảnh hưởng của Nho giáo Trung Quốc.[29]
Trong cả ba bức tranh vẽ mà hiện nay còn tồn tại ở Bắc Kinh nêu trên [Thập toàn phu tảo, Vạn thọ trường đồ và Chân dung vua Quang Trung mới phát hiện], lễ phục của Nguyễn Quang Bình tương tự như dạng thức của triều Lê. Sứ thần Triều Tiên vì chưa nhìn thấy triều phục của vua chúa nước ta nên đã nhầm mũ xung thiên với thất lương kim quan.
Như chúng ta biết, khi vua Quang Trung sang Trung Hoa ông chỉ mới 37 tuổi. Cũng trong dịp này, một người đi trong phái đoàn là tiến sĩ Phan Huy Ích cũng mang về một bức truyền thần [nay đã mất] được in lại trên bìa quyển Chinh phụ ngâm bị khảo của Hoàng Xuân Hãn (Paris: Minh Tân, 1953). Bức truyền thần này vẽ họ Phan năm ông mới 39 tuổi cho thấy dường như thời đó người mình trông già hơn ngày nay rất nhiều. Chúng tôi kèm theo đây để dễ hình dung và so sánh :
Phan Huy Ích (1751-1822)
5. BỨC TRANH ĐƯỢC VẼ KHI NÀO ?
Theo báo cáo ghi trong bản tổng kê của Như Ý Quán trong Thanh cung nội vụ phủ tạo biện xứ đáng án tổng hối, quyển 52 [1790-1791] từ tr. 30 đến tr. 34 thì có ba [3] bức hình vua Quang Trung được vẽ, cả ba đều là vẽ nửa người [半身臉像 – bán thân kiểm tượng]. Chúng ta lại biết cả tên họa gia thực hiện là Mậu Bính Thái[30] [繆炳泰] và một hoạ sĩ phụ tá là Y Lan Thái[31][伊蘭泰]. Hai ông này đều là họa sĩ có tiếng trong cung đời Thanh Cao Tông.
Trang bìa Thanh cung nội vụ phủ tạo biện xứ đáng án tổng hối, quyển 52 [1790-1791]
Công tác này được thực hiện trong khoảng từ ngày 20 tháng 8 năm Canh Tuất và hoàn tất vào khoảng 23 tháng 10 cùng năm sau khi đã gắn trục bằng gỗ sam, hai đầu bằng tử đàn. Ngày 20 tháng 8 chính là ngày vua Quang Trung tâu với vua Thanh xin từ biệt để về nước. Như vậy đúng như sử nước ta chép, việc họa hình là một biệt ân được vua Càn Long ban cho ngay khi phái đoàn Ðại Việt từ biệt và tác phẩm chỉ hoàn tất khi Nguyễn Huệ đã rời kinh đô nên được dịch trạm đuổi theo trao lại cho phái đoàn nước ta khi gần đến Nam Quan.
Sở dĩ chúng ta biết được chi tiết này vì theo lá thư của vua Quang Trung gửi Phúc Khang An thì trên đường đi “đại hoàng đế nghĩ xuống đường sá xa xôi gửi ban cho một hộp bánh sữa [妳餠], một hộp mứt trái cây và một cuộn tranh vẽ dung nhan quê mùa của kẻ hèn này [陋容小照一軸: lậu dung tiểu chiếu nhất trục]”.[32]
Việc phát hiện ra bức chân dung vua Quang Trung của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức là một đóng góp lớn cho những ai quan tâm đến bang giao Thanh – Việt thời Tây Sơn. Tuy chỉ thu hẹp trong một thời kỳ ngắn ngủi, khôi phục lại lịch sử giai đoạn này vẫn còn là một công trình dài.
Trong thời đại thông tin càng lúc càng mở rộng, việc tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu mới đã cho chúng ta những góc độ rộng rãi hơnlắm khi trái ngược với những gì chúng ta lâu nay được định hình. Chúng tôi mong mỏi rằng từ đầu mối này, những sử gia có thể tiếp tục đi xa hơn để có thêm chi tiết về bức chân dung độc nhất vô nhị trong lịch sử.
Tài liệu tham khảo
- Cao Dương [高陽]. Mai khâu sinh tử ma da mộng [梅丘生死摩耶夢], Ðài Bắc: Liên Kinh, 2004.
- Khúc Diên Quân (曲延钧) [chủ biên]. Trung Quốc Thanh đại cung đình bản họa: Bát tuần vạn thọ thịnh điển. (中國清代宮廷版畫. 八旬萬夀盛典). Hợp Phì: An Huy Mỹ Thuật, 2002.
- Lê Duy Đản (黎惟亶). Lê Duy Đản thi tập (黎惟亶詩集). A. 2821. Thư viện Viễn Đông Bác Cổ.
- Ngô Chấn Vực [吳振棫]. Dưỡng Cát Trai Tùng Lục [養吉齋叢錄]. Bắc Kinh: Bắc Kinh cổ tịch xuất bản xã, 1983.
- Nguyễn Duy Chính (dịch). Đại Việt quốc thư (大越國書). TPHCM: Văn hóa – Văn nghệ, 2016.
- Nguyễn Duy Chính (dịch). Khâm định An Nam kỷ lược (欽定安南紀略), 31 quyển. Hà Nội: Hà Nội, 2016.
- Nguyễn Duy Chính. Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận” – Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không?. TPHCM: Văn hóa -Văn nghệ, 2016.
- Nguyễn Duy Chính. Núi xanh nay vẫn đó. TPHCM: Văn hóa -Văn nghệ, 2016.
- Nguyễn Phương. Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn. Saigon: Khai Trí, 1968.
- Phan Huy Ích (潘輝益). Dụ Am văn tập (裕庵文集). Bản chép tay Viện Hán Nôm Hà Nội (A.604/1-3)
- Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển XXX, Ngụy Tây.
- Rawski, Evelyn Sakakida & Jessica Rawson (ed.). China: The Three Emperors, 1662-1795. London: Royal Academy of Arts, 2005.
- Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (清高宗御製詩文全集)(10 quyển). Ðài Bắc: Quốc lập Cố cung Bác vật viện, 1976.
- Thanh thực Lục (清實錄): Cao Tông Thuần hoàng đế thực lục (高宗純皇帝實錄). Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1986.
- Thôi Khuê Thuận [崔圭順]. Trung Quốc lịch đại đế vương miện phục nghiên cứu [中国历代帝王冕服研究] A Historical and Cultural Study on Emperor’s Mianfu of China. Thượng Hải : Đông Hoa đại học, 2007.
- Trần Danh Án (陳名案). Tản Ông di cảo (散翁遺槀) (tài liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội, H. 2157)
- Trần Quang Đức. Ngàn năm áo mũ. Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009 – 1945. Hà Nội: Nhã Nam (Thế Giới), 2013.
- Trang Cát Phát (莊吉發). Thanh Cao Tông thập toàn võ công nghiên cứu (清高宗十全武功研究). Ðài Loan: Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982.
- Trịnh, Quang Vũ. Trang phục triều Lê – Trịnh. Hà Nội: Từ Điển Bách Khoa, 2008.
- Trung Hoa ngũ thiên niên văn vật tập san (中華五千年文物集刊). Phục sức thiên [服飾篇] (thượng và hạ). Đài Bắc, 1986.
- Trung Quốc đệ nhất lịch sử đáng án quán (中國第一歷史檔案館), Hương Cảng Trung văn đại học văn vật quán (香港中文大學文物館) (hợp biên). Thanh Cung nội vụ phủ tạo biện xứ đáng án tổng hối (清宮内務府造辦處檔案總匯), quyển 52. Bắc Kinh: Nhân Dân xuất bản xã, 2005.
- Viện Hán Nôm Hà Nội (cộng tác với Phục Ðán đại học, Trung Quốc). Việt Nam Hán văn Yên hành văn hiến tập thành (越南漢文燕行文献集成) (quyển VI, Tinh tra kỷ hành), Bắc Kinh: Phục Ðán đại học xuất bản xã, 2010.
- Vô danh thị. Tây Sơn thuật lược (西山述略) (bản dịch Tạ Quang Phát). Saigon: Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá, 1971.
- Zhang, Hongxing. The Qianlong Emperor: Treasures From The Forbidden City. United Kingdom: National Museums of Scotland Publishing Limited, 2002.
- Hoàng Xuân Hãn. Chinh phụ ngâm bị khảo. Paris: Minh Tân, 1953, http://dcvonline.net/2017/07/30/dau-moi-that-quang-trung/
- Sử Ðịa. Ðặc khảo về Quang Trung, Số 9-10 (số đặc biệt Xuân Mậu Thân). Saigon: Khai Trí, 1968.
Chú thích
[1] Nguyên văn (tr. 17B): 阮文惠, 岳之弟也. 聲如巨鐘, 目閃若電光. 狡黠善[戰]鬬人皆憚之. Nguyễn thị Tây Sơn ký cũng chép như vậy, có lẽ hai quyển cùng một nguồn.
[2] Vô danh thị. Tây Sơn thuật lược (bản dịch Tạ Quang Phát). (Saigon: Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, 1971) tr. 16-7. Nguyên văn (tr. 9b-10a), 是年阮惠殂. 惠髮鬈, 面瘡. 一目細, 而眼睛甚異. 昏坐無燈, 光射燭席.
[3] Người Chiêm hung hăng. Trước đây người Bắc Hà vẫn đồng hóa người Nam Hà với người Chiêm vì phương nam là đất cũ của Chiêm Thành. Lê Duy Ðản thi tập. Tài liệu chép tay, Viện Hán Nôm Hà Nội, BEFEO A.2821
[4] Tên da đen. Tờ bẩm của Phan Khải Đức gửi Tôn Sĩ Nghị ngày mồng 1 tháng Tám năm Mậu Thân (1788). Trang Cát Phát (莊吉發). Thanh Cao Tông thập toàn võ công nghiên cứu (清高宗十全武功研究). Ðài Loan: Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982 tr. 355. Nguyên văn: … 況天朝尊台禀大皇帝之命, 汎愛藩王, 恢復黎緒一播, 檄於通衢, 則草木皆兵, 何險不夷, 何堅不破, 況西山一黑子乎? Huống chi tôn đài theo lệnh của hoàng đế tỏ lòng yêu rộng rãi đến phiên vương, truyền bá việc khôi phục lại dòng họ Lê, tờ hịch một khi tung ra khắp nơi thì ắt là cây cỏ cũng thành binh lính, nguy hiểm đến đâu cũng thành yên được, kiên cố đến đâu cũng phá được, sá gì một tên mọi đen đất Tây Sơn?
[5] 洞裡無塵, 大地山河留棟宇. 光中化佛, 小天世界轉風雲.
[6] Việt Nam thời bành trướng: Tây Sơn (Saigon: Khai Trí, 1968), trang 401, cước chú 1. Bức tượng này được tạc đời Thiệu Trị (1841-1847), hơn 50 năm sau khi Nguyễn Huệ qua đời nên không có gì làm cơ sở.
[7] Tập san Sử Địa (Saigon) số 9-10 (1968) có ghi chú [nguyên văn]: Ảnh do vua Kiền Long sai vẽ năm 1790, đồ quân phục cũng do vua Tàu tặng. Ảnh lấy ở trong tập Mãn-Châu Cổ-họa, đăng trong Đông Thanh tạp chí, số I, 1932
[8] Legacies of Imperial Power: Two Exceptional Qianlong Scrolls from a ptivate collection (Auction in Hongkong Wednesday 8 October 2008) tr. 18 và 28.
[9] Seoul: Minjok Munhwa Ch’ujinhoe, 1976. Yên hành nghĩa là chuyến đi sang Yên kinh, một tên gọi khác của Bắc Kinh, thường được chỉ về việc đi sứ. Trong văn chương của nước ta cũng có những thi văn tập dùng hai chữ Yên hành hoặc như Yên của các sứ thần ghi chép khi sang Trung Hoa.
[10] Nguyên văn: 光平骨格頗清秀, 儀容亦沉[沈]重似是交南之傑. 然者從臣則雖稍解文字而軀材短小, 殘劣,言動狡詐輕佻 (Quang Bình cốt cách phả thanh tú, nghi dung diệc trầm trọng tự thị Giao Nam chi kiệt. Nhiên giả tòng thần tắc tuy sảo giải văn tự nhi khu tài đoản tiểu, tàn liệt, ngôn động giảo trá khinh diêu).
[11] Nguyên văn: đầu tạp võng cân [頭匝網巾]
[12] Theo hình vẽ nhà nghiên cứu Trần Quang Đức mới công bố, đối chiếu với hai bức tranh trong Thập toàn phu tảo và Vạn thọ trường đồ thì có thể nhận ra vua Quang Trung không đội thất lương kim quan như tên gọi môt loại mũ miện theo cổ phục mà là mũ Xung Thiên của vua chúa đời nhà Lê.
[13] Yên hành kỷ (燕行紀), Tuyển tập V, quyển II, phần nguyên văn chữ Hán.
[14] Xem Nguyễn Duy Chính. Núi xanh nay vẫn đó. “Vài sự kiện về bức chân dung vua Quang Trung do họa sĩ nhà Thanh vẽ” (TPHCM: Văn hóa – Văn nghệ, 2016) tr. 213-239
[15] Chu Mẫn [chủ biên] ( 朱敏). Trung Quốc quốc gia bác vật quán tàng văn vật nghiên cứu tùng thư (Studies of the Collections of the National Museum of China) (中国国家博物館館蔵文物研究叢書) Hội Hoạ Quyển – Lịch Sử Hoạ (絵画巻) (歴史画). (Thượng Hải: Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 2006).
[16] Bức tranh này có người nhận lầm là vua Chiêu Thống nhưng thực tế vua Chiêu Thống không bao giờ có dịp bệ kiến vua Càn Long và việc bắt buộc đổi sang y phục Trung Hoa không phải là một nghi lễ quan trọng. Xem thêm Nguyễn Duy Chính: Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của Thanh Cao Tông (TPHCM: Văn hóa – Văn nghệ, 2016) tr. 251-253.
[17] Khúc Diên Quân [chủ biên]. Trung Quốc Thanh đại cung đình bản họa: Bát Tuần vạn thọ thịnh điển, quyển 34 (Hợp Phì: An Huy Mỹ thuật, 2002).
[18] http://dcvonline.net/2017/07/30/dau-moi-that-quang-trung/
[19] Theo nghiên cứu của chúng tôi, khi vua Quang Trung sang Trung Hoa, ông được vẽ ba bức nhưng chỉ một bức tranh được tặng cho ông mang về. Xem thêm “Vài sự kiện về bức chân dung vua Quang Trung do họa sĩ nhà Thanh vẽ”. Núi xanh nay vẫn đó (TPHCM: Văn hóa – Văn Nghệ, 2016), tr. 213-239.
[20] Xem thêm : Thôi Khuê Thuận [崔圭順]. Trung Quốc lịch đại đế vương miện phục nghiên cứu [中国历代帝王冕服研究] A Historical and Cultural Study on Emperor’s Mianfu of China. (Thượng Hải: Đông Hoa đại học, 2007).
[21] Trần Quang Đức. Ngàn năm áo mũ: Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-1945 (Hà Nội: Nhã Nam, 2013) tr. 166
[22] Trung Hoa ngũ thiên niên văn vật tập san (中華五千年文物集刊). Phục sức thiên (hạ) [服飾篇] (下) (Đài Bắc, 1986) tr. 275-276
[23] Nguyễn Quang Bình là tên chính thức của vua Quang Trung, còn Nguyễn Huệ là tên gọi thường ngày với ý không tôn trọng. Sử nhà Nguyễn thường gọi trổng là Huệ này, Huệ nọ … cũng như phía Tây Sơn gọi chúa Nguyễn Phúc Ánh là Chủng, thường thóa mạ tên Chủng kia…
[24] Cao Tông thực lục, quyển 1358; Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập, tập 10 [quyển 59, tr. 10], Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển XXX, tr. 26B. Tinh tra kỷ hành (YHVH, tr. VI, tr. 232)
[25] Tượng quốc là tiếng nước ta tự xưng trong bài biểu mừng khắc trên kim tiên vua Quang Trung đem sang [hiện còn trong Bang giao hảo thoại]
[26] Vua Càn Long hàng năm đến Tị Thử sơn trang nghỉ mát, sách vở gọi là đi tuần [vua ra khỏi hoàng cung]
[27] Những hàng chữ nhỏ chú thích này là của chính vua Càn Long viết thêm để làm rõ nghĩa cho bài thơ nhưng không được ghi trong Thực lục hay sao chép của tòng thần nước ta mà chỉ có trong Thanh Cao Tông thi văn toàn tập khắc in sau này. Ngay cả trong Khâm định An Nam kỷ lược cũng không thấy. Trước đây nhiều tác giả đã không đánh giá đúng mức việc vua Càn Long bãi bỏ lệ cống người vàng và thường cho rằng do sự cứng cỏi của nước ta hoặc chủ quan hơn, do Thanh triều sợ mình nên không đòi.
[28] Trần Quang Đức. Ngàn năm áo mũ: Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-1945 (Hà Nội: Nhã Nam, 2013), “Trang phục vua, chúa”, tr. 188-191
[29] Trịnh Quang Vũ. Trang phục triều Lê – Trịnh (Hà Nội: Từ Điển Bách Khoa, 2008), tr. 44.
[30] Mậu Bính Thái [1744-1808] là một văn nhân người Triết Giang, được Phúc Trường An [là em của Phúc Khang An, một trong bốn người con của danh tướng Phó Hằng, đại thần trong Quân Cơ Xứ của vua Càn Long] tiến cử nhập cung làm họa gia. Ông chuyên vẽ chân dung và được coi là họa gia vẽ người nổi tiếng nhất đời Thanh. Theo Cao Dương [高陽] trong Mai khâu sinh tử ma da mộng [梅丘生死摩耶夢] tr. 102-103 (Ðài Bắc: Liên Kinh, 2004) thì Mậu Bính Thái là người duy nhất trong mấy chục họa gia cung đình được vua Cao Tông khen ngợi và luôn luôn cho đi theo mỗi khi ra ngoài. Có đến vài chục bức chân dung trong Tử Quang Các do ông vẽ.
[31] Họa sĩ cung đình đời Càn Long, nổi tiếng với bức Hải Yến Ðường vẽ cung điện tại Viên Minh Viên.
[32] Phan Huy Ích, Dụ Am văn tập, quyển I, “Trình Phúc Công Gia giản”.