Tuy nhiên, quan điểm này chưa có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về nguồn gốc, lịch sử của cộng đồng tộc Việt, cũng như chưa xác định chính xác được thời điểm xuất hiện cũng như không gian thể hiện của các khái niệm này, các khái niệm có thời gian xuất hiện khác nhau, bên cạnh đó, thì các khái niệm này cũng có cái niệm là quốc danh, khái niệm là tộc danh hoặc cũng có khái niệm được sử dụng để chỉ về địa bàn sinh sống. Chúng tôi sẽ từng bước phân tích về các khái niệm được cho là “Bách Việt”, tìm hiểu thời gian và không gian của các khái niệm này từ các tài liệu lịch sử, để bạn đọc thấy được sự thiếu căn cứ của việc cho rằng những khái niệm này chính là đại diện cho “Bách Việt”, hay “rất nhiều tộc Việt”.
I. Nguồn gốc và sự xuất hiện của các khái niệm được cho là “Bách Việt”:
Như chúng tôi đã đề cập ở phần mở bài, thì quan điểm cho rằng Bách Việt là rất nhiều tộc Việt thường kể ra các khái niệm như sau: Ngô Việt, Ư Việt, Sở, Dạ Lang, Mân Việt, Điền Việt, Nam Việt, Đông Âu, hay có sự lẫn lộn với cả các khái niệm khác như Việt Thường, Lạc Việt, Dương Việt, Sơn Việt. Trong thực tế lịch sử, thì các khái niệm: Dạ Lang, Mân Việt, Điền Việt, Nam Việt, Đông Âu là các khái niệm chỉ quốc danh, không phải được sử dụng để chỉ tộc danh, các khái niệm Dương Việt, Lạc Việt mới được sử dụng để chỉ về tộc danh, Sơn Việt là một khái niệm có rất muộn vào thời Tam Quốc, chỉ người Việt lui lên núi để chống lại triều đình Hoa Hạ trong vùng Giang Tây, Phúc Kiến, Chiết Giang. Các khái niệm được đề cập tới ở đây sẽ được chúng tôi từng bước dẫn các bằng chứng lịch sử để cho thấy nguyên nhân xuất hiện và ý nghĩa thực sự của chúng.
1. Các khái niệm được cho là “Bách Việt” thực tế là quốc danh của các quốc gia tách từ tộc Việt:
Bản đồ phân tích các thời điểm thành lập của những khái niệm được cho là Bách Việt, thực tế, đây là tên gọi của các quốc gia, không phải tộc danh.
a. Sở, Ngô và Việt:
Các quốc gia Sở, Ngô, Việt được xem là nguồn gốc của Bách Việt, hay thậm chí là Bách Việt được hình thành nên từ những mảnh vỡ của các quốc gia Ngô, Sở và Việt. Quan điểm này xuất phát từ một số tài liệu lịch sử của Trung Quốc như sách Hán Thư, sau đó nó đã ảnh hưởng lớn tới nhận định về nguồn gốc của tộc Việt, không ít tài liệu của Việt Nam và quốc tế dựa trên quan điểm này để cho rằng Bách Việt xuất phát từ các quốc gia này mà thành.
Sách Hán thư, Địa lý chí chép: “粵地牽牛、婺女之分壄也。今之蒼梧、鬱林、合浦、交阯、九真、南海、日南皆粵分也。其君禹後帝少康之庶子云封於會稽臣瓚曰「自交阯至會稽七八千里百越雜處各有種姓不得盡云少康之後也。” – “Đất Việt ở phân dã của chòm sao Khiên Ngưu, Vụ Nữ. Các quận Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam ngày nay đều là phân dã của đất Việt. Có quân trưởng của đất ấy là dòng dõi của vua Vũ, đấy là con thứ của vua Thiếu Khang được phong ở núi Cối Kê, Thần Toản nói: “Từ quận Giao Chỉ đến quận Cối Kê dài bảy, tám ngàn dặm có các nhóm người Bách Việt ở lẫn, đều có nhánh họ, không nên nói đều là dòng dõi của vua Thiếu Khang.” [Bản dịch của Tích Dã]
Sư Cổ khi chú về sách Hán Thư đã không đồng ý với quan điểm này của tác giả sách Hán Thư: “師古曰「越之為號其來尚矣少康封庶子以主禹祠君於越地耳。故此志云其君禹後豈謂百越之人皆禹苗裔瓚說非也。」” – “Sư Cổ nói: “Vua nước Việt xưng hiệu đã từ lâu rồi, vua Thiếu Khang phong con thứ để lo việc thờ cúng vua Vũ, làm vua ở đất Việt vậy. Cho nên phần chí này nói quân trưởng của đất này là dòng dõi của vua Vũ, há phải là nói người Bách Việt đều là dòng dõi của vua Vũ đâu? Toản nói sai vậy.”. [Bản dịch của Tích Dã]
Trong thực tế, thì tên gọi Việt đã có từ thời văn hóa Lương Chử vào khoảng 5300 năm trước, tức trước khi các nước Việt, Sở, Ngô hình thành hơn 2000 năm, với dấu tích được tìm thấy trên một chiếc bình gốm của văn hóa Lương Chử, các ký hiệu được giải mã cho thấy ý thức Việt và quốc gia của tộc Việt đã hình thành từ văn hóa này.
Trên một chiếc bình gốm của văn hóa Lương Chử, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 4 ký hiệu khắc trên thân của chiếc bình, tạo thành một câu hoàn chỉnh, thể hiện rõ ý thức về nguồn gốc và tổ chức quốc gia của cộng đồng tộc Việt. Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Đổng Sở Bình đã giải mã ý nghĩa các chữ này dựa trên sự so sánh về văn tự, tìm hiểu về bối cảnh lịch sử, nguồn gốc dân tộc của văn hóa Lương Chử, so sánh với các cách giải mã đã có trước đó của các học giả, ông đã giải mã các chữ này là “方钺会矢” – “Phương Việt hội thi”, có thể hiểu là “Liên minh quốc gia Việt” [13], các chữ này được viết và đọc theo thứ tự từ trái qua phải, theo như cách viết truyền thống của người Việt. Chữ Việt hình chiếc rìu cũng chính là chữ Việt sau đó được Giáp Cốt văn đời nhà Thương chép lại. [1]
4 biểu tượng trên nồi gốm văn hóa Lương Chử được giải mã cho thấy ý thức Việt đã xuất hiện từ thời văn hóa Lương Chử. [1]
Hình ảnh thực tế chiếc bình gốm có khắc chữ của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: CSSToday, dẫn]
Vì vậy, không có cơ sở để cho rằng Bách Việt hay tộc Việt có nguồn gốc từ các nước Việt, Ngô, Sở, mà ngược lại, các ghi chép lịch sử của chính Trung Hoa đã cho thấy các quốc gia này có tầng lớp quý tộc là hậu duệ nhà Chu, lập quốc trên đất của người Việt, theo phong tục Việt, sử dụng tên gọi của người Việt để lập quốc. Các vùng đất này chính là các vùng đất mà nhà Thương đã chiếm của tộc Việt, được ghi dấu lại trong truyền thuyết Thánh Gióng đánh giặc Ân của người Việt. [2]
Nước Ngô thành lập sớm nhất trong 3 quốc gia, vào khoảng 1200 năm TCN. Về nguồn gốc nước Ngô, Sử ký Tư Mã Thiên, Ngô Thái bá thế gia chép: “Ngô Thái bá và em trai là Trọng Ung, đều là con của Chu vương và là anh của vua Quý Lịch. Quý Lịch hiền năng, lại có người con thánh minh tên là Xương, Thái vương muốn lập Quý Lịch để truyền đến Xương, thế nên hai anh em Thái bá, Trọng Ung bèn chạy trốn đến đất Kinh Man, xăm mình cắt tóc, tỏ rằng mình không thể được trọng dụng, nhằm tránh Quý Lịch. Quý Lịch quả nhiên được lập, đó là vua Quý, còn Xương [sau] là Văn vương. Thái bá chạy trốn đến Kinh Man, tự lấy hiệu là Câu Ngô. [Người] Kinh Man cho ông là người có nghĩa, bèn theo rồi quy thuận đến hơn nghìn nhà, lập làm Ngô Thái bá.” [3]
Nước Việt thành lập vào khoảng năm 1000 TCN. Về nguồn gốc nước Việt, Sử ký của Tư Mã Thiên, Việt vương Câu Tiễn thế gia chép: “Tiên tổ của Việt vương Câu Tiễn là hậu duệ của Hạ Vũ, là con ngành thứ của đế Thiếu Khang nhà Hạ, được phong ở Cối Kê để phụng giữ tế tự vua Vũ. Xăm mình cắt tóc, cắt cỏ hoang rồi dựng ấp ở đó. Hơn hai mươi đời sau, đến Doãn Thường. Thời Doãn Thường, giao chiến với Ngô vương Hạp Lư rồi kết oán thù, đánh lẫn nhau. Doãn Thường chết, con là Câu Tiễn lên thay, đó là Việt vương.” [3]
Nước Sở thành lập vào khoảng năm 1030 TCN. Về nguồn gốc nước Sở, Sử ký, Tư Mã Thiên, phần Sở thế gia chép: “Hùng Dịch vào thời Chu Thành Vương, Thành vương cất nhắc hậu duệ của các bề tôi cần mẫn có công thời Văn vương và Vũ phương, rồi phong cho Hùng Dịch ở Sở Man, phong tặng ruộng đất cho con trai Hùng Dịch, lấy họ Mị, sống ở Đan Dương.” [3]
Như vậy thì cả 3 quốc gia này đều mới chỉ lập quốc từ khoảng 3000 năm trước, sau tộc Việt tới hơn 2000 năm lịch sử. Các ghi chép này cũng cho chúng ta thấy được các quốc gia này được thành lập khi các quý tộc, hoàng tộc của nhà Chu được phân phong tới các vùng đất này, nơi có phong tục hoàn toàn là phong tục của tộc Việt, là các vùng mà họ xem thường, gọi là “man”.
b. Đông Âu, Mân Việt:
Các quốc gia Đông Âu, Mân Việt được thành lập trong vùng hạ lưu Dương Tử và vùng Phúc Kiến, các ghi chép lịch sử cho thấy các quốc gia này là hậu duệ của Ư Việt, được thành lập sau khi nước Việt thất bại trước nước Sở. Về cấu tạo tên gọi, thì Đông Âu được tạo nên từ hai thành phần: Đông Việt và Âu Việt, trong đó Âu Việt ở phía Nam, Đông Việt ở phía Bắc của tỉnh Chiết Giang ngày nay. Đông Việt và Âu Việt cũng xuất phát từ quốc danh, sau đó hợp lại để hình thành quốc danh thống nhất là Đông Âu giống như các khái niệm Đông Âu và Mân Việt, không phải tộc danh của cư dân tộc vùng tại các vùng Chiết Giang và Mân Việt.
Sử ký, Đông Việt liệt truyện chép: “Mân Việt vương Vô Chư cùng Việt Đông Hải vương Dao, tiên tổ đều là hậu duệ của Việt Vương Câu Tiễn, họ Trâu. Sau khi Tần thôn tính được thiên hạ, đều bị phế làm đầu lĩnh, lấy đất của họ lập quận Mân Trung. Đến khi chư hầu phản Tần, Vô Chư và Dao thống lãnh nước Việt theo huyện lệnh Bà Dương là Ngô Nhuế, tức Bà quân, theo chư hầu diệt Tần. Bấy giờ Hạnh Tịch là người ra hiệu lệnh, không phong cho làm vương, vì thế theo Sở. Hán đánh Hạng Tịch, Vô Chư và Dao thống lãnh người Việt giúp Hán. Nhà Hán năm thứ năm, lại lập Vô Chư làm Mân Việt Vương, làm vua ở đất cũ Mân Trung, đóng đô ở Đông Dã. Hiếu Huệ đế năm thứ ba, đề cử công của nước Việt thời Cao đế, cho rằng quân trưởng đất Mân là Dao có nhiều công lao, dân chúng thuận lòng quy phụ, bèn lập Dao làm Đông Hải vương, đóng ở Đông Âu, thế tục gọi là Âu vương.” [4]
c. Điền Việt, Dạ Lang:
Điền Việt và Dạ Lang được thành lập trong các cuộc xâm lược của tướng nước Sở là Trang Cược và sau đó là nhà Tần. Các ghi chép lịch sử cho thấy rất rõ điều này.
Sử ký, Tây Nam di liệt truyện chép: “Ban đầu, thời Sở Uy vương, từng sai tướng quân Trang Cược đem quân men phía trên Trường Giang, chiếm phía tây đất Ba, Kiềm Trung. Trang Cược là con cháu Sở Trang vương khi trước. Cược đến Điền Trì, đất vuông ba trăm dặm, bên cạnh là đồng bằng phì nhiêu, rộng mấy nghìn dặm, Cược dùng sức quân bình định khiến họ quy phục Sở. Muốn về báo, gặp lúc Tần đánh chiếm các quận Ba, Kiềm Trung của Sở, chặn mất đường, không đi được, nhân đó trở lại, dựa vào quân đội làm vua đất Điền, thay đổi trang phục, theo phong tục cũ, làm tộc trưởng.” [4]
Như vậy thì ban đầu Trang Cược đã chiếm được vùng Kiềm Trung (bao gồm cả vùng Quý Châu), sau đó ông ta tiếp tục xâm lược xuống vùng Điền Trì của tộc Việt. Vùng Kiềm Trung sau đó bị nhà Tần chiếm, nên Trang Cược đã thay đổi trang phục, theo phong tục của người Việt tại đây để lập ra nước Điền Việt. Còn vùng Quý Châu, thì trước thời Hán, thì nó nằm trong sự cai quản của nhà Tần, tuy nhiên, sau đó nhà Tần bị diệt, nên nhiều khả năng tướng lĩnh cai trị ở đây đã tách ra cát cứ, lập nên nước Dạ Lang, tình huống cũng tương tự như quốc gia Nam Việt được lập nên bởi quan đô hộ nhà Tần là Triệu Đà trong vùng Lĩnh Nam.
Sử ký, Tây Nam di liệt truyện chép: “Có hàng chục quân trưởng người Di ở miền tây nam, [Chính nghĩa: Ở phía nam của quận Thục.] trong đó lớn nhất là quân trưởng nước Dạ Lang. [Sách ẩn: Tuân Duyệt nói: “Là nước thuộc quận Kiền Vi.” Vi Chiêu nói: “Nhà Hán đặt thành huyện, thuộc quận Tang Kha.” Xét: Hậu Hán thư chép: “Nước Dạ Lang phía đông liền quận Giao Chỉ, nước này ở phía nam hồ, có quân trưởng vốn sinh ra từ cây tre, nhân đó lấy làm họ Trúc.” Chính nghĩa: Là các châu Khúc-Hiệp ở bờ nam sông lớn của châu Lư, vốn là nước Dạ Lang.]” [5]
d. Nam Việt:
Nước Nam Việt được hình thành bởi Triệu Đà, một vị quan nhà Tần, trên vùng đất mà nhà Tần đã chiếm được của cộng đồng tộc Việt, khi nhà Tần suy yếu và diệt vong, thì Triệu Đà đã nghe lời Nhâm Ngao, lập nên quốc gia Nam Việt trong vùng Lĩnh Nam.
Sử ký, Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: “Vua Nam Việt họ Triệu tên là Đà người huyện Chân Định, trước làm quan úy. Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận để đưa những người bị đày đến ở lẫn với người Việt. Như thế đã mười ba năm. Thời Tần, Đà được làm lệnh ở huyện Long Xuyên, thuộc quận Nam Hải. Đến đời Nhị Thế, quan úy ở Nam Hải là Nhâm Ngao, ốm sắp chết, mời huyện lệnh Long Xuyên là Triệu Đà đến (dặn Triệu Đà cát cứ trong vùng Lĩnh Nam). Đà nghe theo, khi Nhâm Ngao chết, “Đà lập tức truyền hịch bảo các cửa quan Hoành Phố, Dương Sơn, Hoàn Khê rằng: – Quân giặc sắp đến, phải chặn ngay đường, tụ tập quân sĩ để tự bảo vệ. Rồi dần dần ông dùng hình pháp giết các trưởng lại do nhà Tần đặt ra, dùng những người đồng đảng để thay thế. Khi nhà Tần đã bị tiêu diệt, Đà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương.” [6]
Vì vậy, Nam Việt cũng là quốc danh của quốc gia do Triệu Đà lập nên, không phải là khái niệm được sử dụng để chỉ tộc danh.
e. Sơn Việt:
Sơn Việt được cho là một khái niệm chỉ một tộc Việt, nhưng thực tế, đây là một khái niệm xuất hiện vào thời Tam Quốc, được sử dụng để chỉ những người không chấp nhận sự cai trị của người Hoa Hạ, lui về trên núi trong vùng Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây để chống lại các triều đại Hoa Hạ.
Có thể ví dụ một đoạn trong Tam Quốc Chí của tác giả Trần Thọ có nhắc về Sơn Việt: “Mùa thu tháng tám, lấy Gia Cát Khác làm Thái thú Đan Dương, sai đánh dẹp người Sơn Việt. Tháng chín ngày sóc, có sương lạnh hại lúa. Mùa đông tháng mười một, Thái thường là Phan Tuấn bình xong người man di ở Vũ Lăng, xong việc, trở về Vũ Xương.” [7]
Người Sơn Việt sau đó đã bị Tôn Quyền đánh bại và thu phục, ép buộc xuống núi, thực hiện những chính sách đồng hóa, trực tiếp khiến người Sơn Việt biến mất trong các ghi chép lịch sử.
Vì vậy, Sơn Việt không phải là một khái niệm để chỉ “một tộc Việt”, mà đại khái là một từ chỉ vùng địa lý nơi nhóm dân cư này sinh sống (sơn – núi), được gắn liền với tộc danh của người Việt. Bên cạnh đó, nó cũng xuất hiện muộn, sau các khái niệm đã được chúng tôi dẫn ở trên rất lâu và cũng chỉ xuất hiện trong một giai đoạn ngắn trong lịch sử vào thời Tam Quốc.
f. Tiểu kết:
Như vậy, tất cả các khái niệm Ngô Việt, Ư Việt, Sở, Đông Âu, Mân Việt, Điền Việt, Dạ Lang, Nam Việt đều là quốc danh của các quốc gia được thành lập muộn trong tiến trình lịch sử của tộc Việt, hoàn toàn không phải tộc danh được sử dụng để phân biệt về ý thức dân tộc của từng vùng, chính vì vậy, chúng không phải là những khái niệm có thể sử dụng để chỉ “các tộc Việt” hay “Bách Việt” như quan điểm chúng tôi đề cập đầu bài đã đề xuất.
Những khảo cứu này cho chúng ta thấy được rằng tất cả các quốc gia được cho là Bách Việt như Ngô Việt, Ư Việt, Sở, Đông Âu, Mân Việt, Điền Việt, Dạ Lang, Nam Việt, được thành lập bởi quý tộc người Hoa Hạ, trên các vùng đất tiền nhân của họ chiếm được của tộc Việt, với cơ cấu dân cư là tầng lớp quý tộc là Hoa Hạ và tầng lớp thường dân là tộc Việt, hoàn toàn không phải là những quốc gia do tự người Việt tách ra và lập nên. Trong thực tế lịch sử, thì cộng đồng tộc Việt tồn tại trong một quốc gia chung, có ý thức cao về sự thống nhất văn hóa, nguồn gốc dân tộc, những cuộc xâm lược của các triều đại Hoa Hạ đã khiến các vùng đất của tộc Việt dần dần rơi vào không gian lịch sử của người Hoa Hạ, vấn đề này sẽ được chúng tôi khảo cứu chi tiết ở phần III.
2. Các khái niệm chỉ chung cộng đồng tộc Việt:
Các khái niệm Dương Việt, Lạc Việt, Việt Thường được cho rằng là những khái niệm để “những tộc Việt” dưới khái niệm “Bách Việt”, nhưng trong thực tế, các khái niệm Dương Việt, Lạc Việt là các khái niệm được sử dụng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt, khái niệm Việt Thường là tên tự nhận của sứ giả người Việt trong thời Hùng Vương, khi thông giao với các triều đại Hoa Hạ là Hạ và Chu. Đây không phải là những khái niệm chỉ riêng biệt một quốc gia hay vùng đất nào trong địa bàn của cộng đồng tộc Việt.
a. Lạc Việt:
Lạc Việt thường được xem như một từ dùng để chỉ người Việt trong vùng miền Bắc Việt Nam, tuy nhiên, thì Lạc Việt thực tế là một khái niệm được sử dụng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt, với nhiều cơ sở từ lịch sử chứng minh. Khái niệm này cũng không phải là một khái niệm để chỉ “một tộc Việt”, mà nó được sử dụng như một danh xưng chung của cộng đồng tộc Việt.
Sách Lã Thị Xuân Thu chép: “和之美者:阳朴之姜,招摇之桂,越骆之菌 hòa chi mĩ giả: Dương phác chi khương, Chiêu dao chi quế, Việt Lạc chi khuẩn ” Cao Dụ 高诱 chú “越骆,国名。菌,竹笋”= “Việt Lạc: quốc danh. Khuẩn: măng trúc”. [8]
Việt Lạc trong cách gọi trên được xem là quốc danh, Việt Lạc cũng là Lạc Việt, do cú pháp viết ngược mà thành, từ đoạn trích trên, có thể thấy tác giả thấy người Việt khắp nơi đều tự nhận mình là Việt Lạc, nên cho rằng đây là quốc danh.
Sách Dư địa chí của Cố Dã Vương 顾野王 (519 – 581) đã viết như sau: “ 交趾,周时为骆越,秦时曰西瓯。”- “Giao Chỉ, Chu thời vi Lạc Việt, Tần thời viết Tây Âu” [9]
Giao Chỉ ở đây là Giao Chỉ bộ, được sử dụng để chỉ một vùng đất rộng lớn, trong thời Chu thì khái niệm Giao Chỉ tương ứng với Lạc Việt, điều này có nghĩa đây có thể là danh xưng của cả cộng đồng tộc Việt trong vùng Giao Chỉ. Tới thời Tần, thì khái niệm bắt đầu chuyển sang Tây Âu, tức là Tây Âu Lạc được chép trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên.
Hồ Bắc, phía Bắc hồ Động Đình, chính là cội nguồn của người Việt, cũng là nơi sinh sống của người Lạc Việt.
Hậu Hán Thư chép: “十一年將兵至中盧屯駱越是時公孫述將田戎任滿與征南大將軍岑彭相拒於荆門彭等戰數不利越人謀畔從蜀宫兵少力不能制㑹屬縣送委輸車數百乗至宫夜使鋸斷城門限令車聲回轉出入至旦越人候伺者聞車聲不絶而門限斷相告以漢兵大至其渠帥乃奉牛酒以勞軍營宫陳兵大㑹擊牛釃酒饗賜慰納之越人由是遂安” –“Năm thứ 11 (đời Hán Quang Võ, tức năm 35, trước khởi nghĩa Hai Bà Trưng 5 năm) Tang Cung đem binh đến huyện Trung Lư (sau là huyện Nam Chương thủ phủ là Tương-Phàn Thị tức Tương Dương và Phàn Thành), đóng đồn (trên đất cư trú của người) Lạc Việt. Lúc đó Công Tôn Thuật (thế lực cát cứ đang chiếm đất Thục) sai tướng Điền Nhung, Nhiệm Mãn ra cự địch với Chinh nam đại tướng quân Sầm Bành ở Kinh môn, Bành nhiều lần đánh mà không thắng (sau Bành bị quân thích khách của Thục giết!), người Việt do đó muốn làm phản theo Thục, Cung binh ít, không đủ lực lượng khống chế.” [9]
Sách Thông Điển của Đỗ Hựu đời Đường, chương Cổ Nam Việt cũng có nhắc tới Tây Âu là đất của người Lạc Việt. “古西甌、駱越之地” – “Cổ Tây Âu, Lạc Việt chi địa”, tạm dịch: “Cổ Tây Âu là đất của Lạc Việt”. Một đoạn trích khác cũng có ý nghĩa tương tự: “西甌即駱越也” “Tây Âu cũng là Lạc Việt”.
Các tài liệu khác cho chúng ta thấy Tây Âu là một khái niệm nhỏ hơn so với phạm vi của khái niệm Lạc Việt, hay Tây Âu là một nhánh của người Lạc Việt.
Cựu Đường thư, Địa lý chí chép: “貴州鬱平漢廣鬱縣地,屬鬱林郡。古西甌、駱越所居。” – “Huyện Uất Bình của châu Quý là huyện Quảng Uất thuộc quận Uất Lâm thời nhà Hán. Là chỗ mà người Tây Âu, Lạc Việt ở.” [Bản dịch của Tích Dã]
Phương ngôn (Hán – Dương Hùng soạn, Đông Tấn – Quách Phác chú): “允、訦、恂、展、諒、穆,信也。齊魯之間曰允,燕代東齊曰訦,宋衞汝潁之間曰恂,荊吳淮汭之間曰展。西甌毒屋黃石野之間曰穆。西甌,駱越別種也,音嘔。” – “Các từ doãn, kham, tuân, triển, lượng, mục là nói về ‘tín’. Vùng nước Tề-Lỗ gọi là ‘doãn’; vùng nước Yên-Đại, Đông Tề gọi là ‘kham’; vùng nước Tống-Vệ, Nhữ-Dĩnh gọi là ‘tuân’; vùng nước Kinh-Ngô, Hoài-Nhuế gọi là ‘triển’; vùng Tây Âu, Độc Thất, Hoàng Thạch Dã gọi là ‘mục’. Tây Âu là một chủng khác của người Lạc Việt, đọc là ‘âu’.” [Bản dịch của Tích Dã]
Huyện Mậu Danh, vùng Quảng Đông cũng là nơi sinh sống của người Tây Âu và người Lạc Việt.
Cựu đường thư – Địa lí chí chép: “潘州茂名州所治。古西甌、駱越地,秦屬桂林郡,漢為合浦郡之地。” – “Huyện Mậu Danh của châu Phan là sở trị của châu. Là đất của người Tây Âu, Lạc Việt thời xưa. Thời Tần thuộc quận Quế Lâm, thời nhà Hán là đất của quận Hợp Phố.” [Bản dịch của Tích Dã]
Từ những cơ sở này, có thể kết luận rằng khái niệm Lạc Việt là một danh xưng chung của cộng đồng tộc Việt, không phải là một khái niệm được sử dụng chỉ một tộc người riêng biệt.
b. Dương Việt:
Các ghi chép từ lịch sử Trung Quốc cũng cho ta thấy khái niệm Dương Việt là khái niệm được sử dụng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt, tương ứng với địa bàn sinh sống của tộc Việt và từ Dương Tử trở về Nam, cũng tương ứng với khái niệm Giao được sử dụng để chỉ toàn bộ các vùng đất của tộc Việt.
Chiến Quốc sách viết về Ngô Khởi (440TCN-381TCN): “南攻楊越,北並陳、蔡” – “Nam đánh Dương Việt, bắc thôn tính Trần, Sái”. [10]
Phía Nam đất Sở thời điểm này vẫn là đất của cộng đồng tộc Việt, nên Chiến Quốc sách đã chép “Nam đánh Dương Việt”, tức là vùng đất của người Việt ở phía Nam, đây là một tên gọi chỉ chung cộng đồng tộc Việt, tương tự như khái niệm Lạc Việt.
Sử Ký của Tư Mã Thiên viết: “秦時已并天下,略定楊越,置桂林、南海、象郡” – “Thời Tần thôn tính thiên hạ, lược định Dương Việt đặt làm các quận Quế Lâm, Nam Hải, Tượng quận.” [10]
Phần “Tự tự” của Thái Sử Công trong Sử Ký viết như sau: “漢既平中國,而佗能集楊越以保南藩,納貢職。作南越列傳第五十三” – “Nhà Hán đã bình được Trung quốc, mà Triệu Đà biết chiêu tập được bọn Dương Việt để bảo vệ bờ cõi phía Nam, chịu nạp cống lễ. Nên ta viết thành quyển thứ 53 “Nam Việt Liệt Truyện”. [10]
Cả hai đoạn trích được chép trong Sử Ký của Tư Mã Thiên đều cho thấy Dương Việt được sử dụng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt, vào thời nhà Tần, thì đất đai tộc Việt chỉ còn bao gồm vùng Lưỡng Quảng, Việt Nam và đảo Hải Nam, vùng đất cũ này tương ứng với khái niệm Dương Việt và Tây Âu.
Trong phần Hóa thực liệt truyện, Tư Mã Thiên còn viết: “九疑、蒼梧以南至儋耳者,與江南大同俗,而楊越多焉。- ”Từ Cửu Nghi, Thương Ngô về phía nam tới Đam Nhĩ, phong tục đại để giống vùng Giang Nam, mà đa số là dân Dương Việt”. [10]
Theo tư liệu phục nguyên của Trịnh Trương Thượng Phương và Phan Ngộ Vân cho các chữ dương 陽và 楊, thì các chữ này là giống nhau và trùng chính xác với âm “lang”. Có tác giả như Vương Lực thì còn phục nguyên có giới âm -i- tức đọc gần như “lương”. Như vậy tên nước Dương Việt 楊越 trong thư tịch cổ của Trung Quốc cũng đọc là Lang Việt. Vì vậy, từ Giang Nam về phía Nam, có phong tục giống nhau, đều cùng là dân Lang Việt hay Dương Việt. [10]
Trong sách Phương Ngôn của Dương Hùng đời Tây Hán cũng có hai lần đề cập tên Dương Việt, nhưng dùng chữ dương bộ thủ 揚, điều này cho thấy đây là tên phiên âm, chỉ lấy âm chứ không lấy nghĩa, trích một ví dụ: 癡,騃也。揚越之郊凡人相侮以為無知謂之眲。眲,耳目不相信也。或謂之斫.” – “si, ngãi dã, Dương Việt chi Giao phàm nhân tương vũ dĩ vi vô tri vị chi nạch, nạch: nhĩ mục bất tương tín dã hoặc vị chi chước”– “Si là lẩn thẩn, người Dương Việt ở đất Giao gọi những kẻ lơ ngơ chả biết gì là “nạch”, ý là tai mắt chả biết nhìn nhận chi, hoặc còn gọi là “chước”.” [10]
Trong đoạn trích này: “người Dương Việt ở đất Giao” cho chúng ta thấy đất Giao của người Việt, Giao ở đây tương ứng với Giao Chỉ bộ hoặc lớn hơn, là đất của người Dương Việt, người Việt có thể gọi tên vùng đất sinh sống của mình là một từ liên quan tới chữ Giao, theo nguồn gốc ngôn ngữ, thì từ Giao có nguồn gốc từ tiếng Nam Á, được người Hoa Hạ chép lại, có sự thay đổi về không gian và thời gian với các từ ghép cùng với nó, như Nam Giao, Giao Chỉ, Giao Châu. [11]
Như vậy, thì Dương Việt cũng không phải là một khái niệm để chỉ riêng “một tộc Việt”, mà là một khái niệm được sử dụng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt, nhiều khả năng là để chỉ toàn bộ vùng đất nơi có người Việt sinh sống, bên cạnh khái niệm chỉ tộc danh là Lạc Việt.
c. Việt Thường:
Việt Thường là một khái niệm được sử dụng để chỉ sứ giả của người Việt khi đi sứ sang các quốc gia Hạ và Chu, sự kiện này được cả lịch sử Việt Nam và lịch sử Trung Quốc chép lại, với những chi tiết hoàn toàn tương đồng với nhau.
Thái Bình ngự lãm (Tống – Lí Phưởng soạn): Thuật dị kí của Nhâm Phưởng chép: “陶唐之世,越裳國獻千歲神龜,方三尺余。背上有文,皆科斗書,記開辟已來命錄之龜曆。” – “Vào thời nhà Đào Đường, người nước Việt Thường tặng rùa thần ngàn tuổi, vuông hơn ba thước, trên lưng có chữ, đều là lối chữ khoa đẩu, ghi từ thủa mở mang về sau, (vua Nghiêu) sai chép lại gọi là lịch rùa.” [Bản dịch của Tích Dã]
Hàn thi ngoại truyện (Hán, 150 TCN, – Hàn Anh soạn): “成王之時有三苗貫桑而生,同爲一秀,大幾滿車,長幾充箱,民得而上諸成王。成王問周公曰:”此何物也?”周公曰:”三苗同爲一秀,意者天下殆同一也。”比幾三年,果有越裳氏重九譯而至,獻白雉於周公,曰:”道路悠遠,山川幽深。恐使人之未達也,故重譯而來。”周公曰:”吾何以見賜也?”譯曰:”吾受命國之黃髪曰:’久矣,天之不迅風疾雨也,海之不波溢也,三年於茲矣。意者中國殆有聖人,盍往朝之。’於是來也。”周公乃敬求其所以來。” – “Vào thời Thành Vương có ba mầm lúa thấu qua cây dâu mà mọc, hợp cùng một bông, lớn gần đầy xe, dài gần đủ cái rương, người dân lấy mà đem dâng lên Thành Vương. Thành Vương hỏi Chu Công rằng: “Vật ấy là gì?” Chu Công nói: “Ba mầm lúa mọc cùng một bông, có lẽ là thiên hạ sắp hợp làm một vậy.” Kịp gần ba năm sau, quả nhiên có sứ giả nước Việt Thường qua chín lần phiên dịch mà đến, tặng chim trĩ trắng cho Chu Công, nói: “Đường lối xa xăm, sông núi sâu kín, sợ sứ giả không truyền lời được, cho nên nhiều lần phiên dịch mà đến đây.” Chu Công nói: “Ta cớ gì được nhận vật tặng?” Sứ giả nói: “Ta nhận lệnh ông già tóc vàng của nước ta nói: ‘Lâu rồi trời không có mưa to gió lớn, biển không dậy sóng cao, ba năm như thế rồi! Nghĩ rằng Trung Quốc sắp có thánh nhân, sao không đến chầu ở đấy!” Cho nên đến vậy.” Chu Công bèn kính theo ý mà sứ giả đến.” [Bản dịch của Tích Dã]
Các sách của Trung Quốc chép là “nước”, tuy nhiên, thì tên “Việt” trong lịch sử luôn luôn được sử dụng để chỉ cộng đồng tộc Việt, hoàn toàn không có sự xuất hiện của một quốc gia nào tên Việt khác trong vùng “phía Nam Giao Chỉ” như một số tài liệu Trung Quốc đã nhắc tới. Những ghi chép của Việt Nam cũng rất tương đồng với Trung Quốc ở các chi tiết, nó đã cho thấy Việt Thường là danh xưng của sứ giả triều Hùng Vương tới triều cống cho nhà Chu.
Lĩnh Nam chích quái chép: “周成王時,雄王命其臣稱越裳氏,獻白雉於周。其言語不通,周公使人重譯,然後相通。周公問曰:「何為而來?」越裳氏應曰:「今天無淫雨、海不揚波三年矣。意者中國有聖人矣,故來。」周公嘆曰:「政令不施,君子不臣其人;德澤不加,君子不享其物。及記黃帝所誓曰:『交趾方外,無得侵犯。』」賞以重物,教戒放回。” – “Thời Chu Thành Vương, Hùng Vương ra lệnh quần thần của mình xưng là họ Việt Thường, dâng chim trĩ trắng cho nhà Chu, Chu Công sai người phiên dịch nhiều lần, sau mới hiểu nhau. Chu Công hỏi nói: “Cớ sao lại đến?”. Họ Việt Thường đáp nói: “Nay trời không có mưa lớn, biển không dậy sóng ba năm rồi. Nghĩ là Trung Quốc có thánh nhân chăng, cho nên đến”. Chu Công than nói: “Chính lệnh không đến, người quân tử không bắt người khác thần phục; ân đức không ban cho, người quân tử không nhận đồ dâng cống. Ghi nhớ lời thề của Hoàng Đế nói: ‘Giao Chỉ là cõi ngoài, không được xâm lấn’”. [Bản dịch của Tích Dã]
Như vậy, thì Việt Thường cũng không phải là “một tộc Việt”, mà chỉ là một danh xưng để chỉ sứ giả của triều Hùng Vương đem cống vật tới các nhà nước Hoa Hạ.
d. Tiểu kết:
Cả 3 khái niệm Dương Việt, Lạc Việt, Việt Thường đều không phải là các khái niệm để chỉ các “tộc Việt” trong khái niệm “Bách Việt”, mà là những khái niệm được sử dụng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt trong tất cả các ghi chép lịch sử Trung Hoa và Việt Nam.
II. Quốc gia chung của cộng đồng tộc Việt:
Qua sự khảo cứu kỹ lưỡng từ các ghi chép lịch sử của Trung Quốc, chúng ta đã thấy được rằng các khái niệm được cho là các tộc Việt: Ngô Việt, Ư Việt, Sở, Dạ Lang, Mân Việt, Điền Việt, Nam Việt, Đông Âu đều là những khái niệm được sử dụng để chỉ quốc danh của các quốc gia mà người Hoa Hạ đã chiếm được của người Việt, tất cả các quốc gia này đều có tầng lớp quý tộc là Hoa Hạ và tầng lớp dân thường là tộc Việt. Các vùng đất này chính là lãnh thổ của quốc gia chung của cộng đồng tộc Việt trong các thời kỳ Xích Quỷ và Văn Lang. Tất cả các bằng chứng di truyền, khảo cổ, những ghi chép của Trung Quốc, Việt Nam đều cho thấy sự tồn tại của các quốc gia chung của cộng đồng tộc Việt, tương ứng với các quốc gia Xích Quỷ và Văn Lang trong ký ức lịch sử của người Việt, đây chính là các quốc gia thống nhất của cộng đồng tộc Việt với nhiều cơ sở chứng minh.
Nhà nước của cộng đồng tộc Việt trong giai đoạn đầu hình thành tương ứng với nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân trong truyện họ Hồng Bàng được chép trong cả chính sử Đại Việt sử ký toàn thư và cả sách Lĩnh Nam chích quái. Cả hai vị vua này đều làm chủ cả hai vùng châu Kinh và châu Dương, tức vùng trung lưu Dương Tử và hạ lưu Dương Tử, nơi có hai văn hóa Lương Chử và Thạch Gia Hà.
Các văn hóa Lương Chử [12][13], Thạch Gia Hà [14][15][16] đã được các nghiên cứu khảo cổ chứng minh về sự tồn tại của những tổ chức nhà nước phát triển, đây là cơ sở rất quan trọng chứng minh cho chúng ta thấy cộng đồng tộc Việt đã có sự thống nhất dưới những nhà nước chung, phát triển các nền văn hóa với trình độ văn minh cao, chứ không phải những tộc người dã man, không có văn minh như những gì cổ sử Trung Hoa đã mô tả về tộc Việt.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhâm Tuất, năm thứ 17. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân, tên húy là Sùng Lãm, con của Kinh Dương Vương. Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt.” [17]
Truyện họ Hồng Bàng chép: “Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc. Kinh Dương Vương xuống thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân; Lạc Long Quân thay cha để trị nước, còn Kinh Dương Vương thì không biết đi đâu.” [18]
Sự thống nhất dưới một quốc gia là cơ sở quan trọng để thấy được sự kế thừa nhà nước của tộc Việt trong các giai đoạn sau, sự thống nhất đã có từ trước đó tiếp tục được tộc Việt kế thừa, hình thành bộ gen thống nhất, cũng như cùng có chung một nền văn hóa cuối cùng thời kỳ đồ đồng là văn hóa Đông Sơn. Các ghi chép lịch sử của người Trung Hoa và Việt Nam cũng xác định cơ bản về quốc gia chung của cộng đồng tộc Việt sau giai đoạn 4000 năm, khi văn minh Dương Tử sụp đổ.
Quốc gia của tộc Việt trong cổ sử Trung Hoa được chép lần đầu tiên dưới khái niệm Giao Chỉ, sau đó, thì quốc gia chung của tộc Việt cũng tiếp tục được chép trong sách Thông Điển của Đỗ Hữu đời Đường.
Hoài Nam Tử của Lưu An viết vào thời nhà Hán, trong thiên Tu vụ huấn viết: “Vua Nghiêu lên làm vua, hiếu từ nhân ái, khiến dân như con em, phương Tây dạy mán ốc dân, phương Đông đến mán Hắc xỉ, phương Bắc vỗ về đất U Đô, phương Nam thông nước Giao Chỉ.” [19]
Lã Thị Xuân Thu do Lã Bất Vi soạn thời nhà Tần, trong thiên Thận hành luận, chép về lãnh thổ vua Vũ thời nhà Hạ: “南至交阯孫樸續樠之國丹粟漆樹沸水漂漂九陽之山羽人裸民之處” – “Phía nam đến các nước Giao Chỉ, Tôn Bốc, Tục Man, các núi Đan Túc, Tất Thụ, Phất Thủy, Phiêu Phiêu, Cửu Dương, các xứ Vũ Nhân, Khỏa Dân, hương Bất Tử.” [Bản dịch của Quốc Bảo]
Quốc gia của cộng đồng tộc Việt tương ứng với khái niệm “Giao”, được sử dụng để chỉ chung các vùng đất thuộc lãnh thổ từng thời kỳ của tộc Việt, bắt đầu từ thời nhà Hạ tới tận thời phong kiến. Giao Chỉ ở đây ở phía Nam của nhà Hạ, bởi vậy, lãnh thổ của tộc Việt thời kỳ này là trong Dương Tử. Quốc gia của cộng đồng tộc Việt sau giai đoạn này được ghi chép tương ứng với địa bàn của cộng đồng tộc Việt sinh sống, là từ vùng Dương Tử về phía Nam.
Sách Thông Điển của Đỗ Hữu 杜佑 thời Đường (801), phần Châu quận chép: “自嶺而南,當唐、虞、三代為蠻夷之國,是百越之地” – “Từ dải núi Ngũ Lĩnh về phía nam, vào thời Đường – Ngu, Tam đại là nước của người Man Di, là đất của người Bách Việt .”. Sách này chú thêm: “或曰自交趾至於會稽七八千里,百越雜處,各有種姓.” – “Từ Giao Chỉ đến Cối Kê, bảy tám ngàn dặm, người Bách Việt xuất hiện khắp mọi nơi, mỗi nơi đều có một chủng tính.”
Như vậy, thì vùng nam Dương Tử là đất của tộc Việt (người Bách Việt), họ đã có một quốc gia chung đương thời với Đường – Ngu, Tam Đại (Hạ – Thương – Chu) của người Hoa Hạ. Chi tiết “vào thời Đường – Ngu” cho thấy thời điểm được nhắc tới trong ghi chép này là khoảng 4300 năm trước, tương ứng với văn hóa Thạch Gia Hà, thời điểm này thì cộng đồng tộc Việt chưa di cư về phía Nam, nên lãnh thổ của quốc gia tộc Việt bao gồm vùng Dương Tử, tới sau thời điểm 4000 năm, diễn ra hạn hán [20] trong vùng Dương Tử đã thúc đẩy tộc Việt di cư về Lĩnh Nam, Việt Nam và Đông Nam Á [21][22], trong đó tầng lớp tinh hoa đã trở về Việt Nam, thì lãnh thổ mới kéo dài theo dòng di cư của người Việt. Sau khi diễn ra cuộc di cư vào khoảng 4000 năm trước, cộng đồng tộc Việt tiếp tục phát triển trong một cộng đồng chung, một quốc gia chung, với lãnh thổ kéo dài hơn, từ vùng Dương Tử trở về Việt Nam, đây cũng chính là vùng sinh sống của các cư dân tộc Việt.
Trong sách Hán thư, Địa lý chí, cũng chép về địa bàn sinh sống của cộng đồng tộc Việt từ vùng Ngũ Lĩnh về Nam, nhưng địa bàn của tộc Việt rộng hơn thế, như Thần Toản đã chú thích là “từ Giao Chỉ đến quận Cối Kê”, tương đồng với ghi chép trong sách Thông Điển của Đỗ Hữu.
Sách Hán thư, Địa lý chí chép: “粵地牽牛、婺女之分壄也。今之蒼梧、鬱林、合浦、交阯、九真、南海、日南皆粵分也。其君禹後帝少康之庶子云封於會稽臣瓚曰「自交阯至會稽七八千里百越雜處各有種姓不得盡云少康之後也。” – “Đất Việt ở phân dã của chòm sao Khiên Ngưu, Vụ Nữ. Các quận Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam ngày nay đều là phân dã của đất Việt. Có quân trưởng của đất ấy là dòng dõi của vua Vũ, đấy là con thứ của vua Thiếu Khang được phong ở núi Cối Kê, Thần Toản nói: “Từ quận Giao Chỉ đến quận Cối Kê dài bảy, tám ngàn dặm có các nhóm người Bách Việt ở lẫn, đều có nhánh họ, không nên nói đều là dòng dõi của vua Thiếu Khang.” [Bản dịch của Tích Dã]
Đây là các ghi chép sớm nhất trong cổ sử Trung Hoa, chúng đã trực tiếp chứng minh người Việt có nhà nước từ thời Đường – Ngu, tức là khoảng 4300 năm trước, tương ứng với với văn hóa Thạch Gia Hà, văn hóa đã được chứng minh theo các nghiên cứu khảo cổ học là có tổ chức nhà nước phát triển [14][15][16], như vậy thì những ghi chép của người Trung Hoa là chính xác, tiếp theo, thì Thông Điển của Đỗ Hữu cũng nhắc tới cả Tam Đại, tức bao gồm cả các triều Thương – Chu, thì người Việt cũng có một quốc gia đương thời với các triều đại Hoa Hạ.
Từ những ghi chép của Trung Hoa, chúng ta đã thấy được tộc Việt có một nhà nước chung tương ứng với địa bàn sinh sống của cộng đồng này, nó cũng bao gồm cả vùng miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Xét theo chiều ngược lại, thì những ghi chép của người Việt cũng cho thấy tộc Việt đã có một quốc gia chung từ Việt Nam tới hồ Động Đình (Dương Tử), chính là quốc gia Văn Lang của các vị vua Hùng.
Trong các tài liệu lịch sử của Trung Quốc, cũng chép rất rõ về Hùng Vương và đất Giao Chỉ, cho thấy Hùng Vương là những người làm chủ đất Giao Chỉ, là khái niệm tương ứng với sự biến động lãnh thổ từng thời kỳ của quốc gia Văn Lang, các tài liệu cũng không ghi rõ là “Giao Chỉ quận”, vì vậy nên đây là khái niệm Giao Chỉ chỉ một vùng đất rộng lớn. Vì vậy, ghi chép của cả hai chiều từ người Việt và người Hoa Hạ đều đồng nhất với nhau rằng cộng đồng tộc Việt có một quốc gia chung, đó chính là quốc gia Văn Lang của các vị vua Hùng.
Cựu Đường thư, (Hậu Tấn – Lưu Hú soạn, 945 SCN), quyển 41, Chí 21, Địa lí 4, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống 420 – 479) chép: “交趾之地,最為膏腴。舊有君長曰雄王,其佐曰雄侯。後蜀王將兵三萬討雄王,滅之。蜀以其子為安陽王,治交趾。其國地,在今平道縣東。其城九重,周九里,士庶蕃阜。尉佗在番禺,遣兵攻之。王有神弩,一發殺越軍萬人,趙佗乃與之和,仍以其子始為質。安陽王以媚珠妻之,子始得弩毀之。越兵至,乃殺安陽王,兼其地。” – “Đất Giao Chỉ rất là màu mỡ, ngày xưa có quân trưởng gọi là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn lính đánh diệt Hùng Vương đi. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ. Đất nước ấy ở phía đông huyện Bình Đạo ngày nay. Thành nước ấy có chín vòng, chu vi chín dặm, dân chúng đông đúc. Úy Đà đóng đô ở thành Phiên Ngung phát binh sang đánh. Vương có nỏ thần bắn một phát giết một vạn quân Việt. Triệu Đà bèn hòa với vương, rồi sai con mình tên là Thủy làm con tin. An Dương Vương đem con gái tên là Mị Châu gả cho Thủy, Thủy thấy được nỏ thần bèn hủy đi. Kịp khi quân Việt đến liền giết An Dương Vương, chiếm cả nước ấy.” [23]
Sách Thái Bình quảng ký, thời Tống, dẫn Nam Việt chí (Lưu Tống, 420 – 479) khoảng thế kỷ V cũng có chép về các vị vua Hùng: ““交趾之地,頗為膏腴,從民居之,始知播植。厥土惟黑壤。厥氣惟雄。故今稱其田為雄田,其民為雄民。有君長,亦曰雄王;有輔佐焉,亦曰雄侯。分其地以為雄將。” – “Đất Giao Chỉ vốn màu mỡ, di dân tới sống ở đó, (dân) mới bắt đầu biết gieo trồng, đất vùng ấy đen xốp, khí đất hùng mạnh, cho nên gọi ruộng ấy là Hùng Điền, dân vùng ấy gọi là Hùng Dân. Quân trưởng gọi là Hùng Vương. Có phụ tá là Hùng Hầu, chia đất cho các Hùng Tướng.”
Thủy kinh chú, quyển 37, Diệp Du hà (Bắc Ngụy – Lịch Đạo Nguyên soạn) dẫn Giao châu ngoại vực kí chép: “交趾昔未有郡縣之時,土地有雒田,其田從潮水上下,民墾食其田,因名為雒民,設雒王、雒侯,主諸郡縣。” – “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện, đất đai có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy theo nước thủy triều lên xuống, nhân đó có tên là dân Lạc, đặt ra Lạc Vương – Lạc Hầu để làm chủ các quận huyện, huyện phần nhiều có chức Lạc tướng, Lạc tướng đeo ấn đồng thao xanh.” [23]
Sử kí, quyển 113, Nam Việt liệt truyện, 53, Sách ẩn (Đường – Tư Mã Trinh soạn) dẫn Quảng châu kí chép: “《史記》卷百一十三南越列傳第五十三索隱引《廣州記》云:交趾有駱田,仰潮水上下,人食其田,名為駱人。有駱王、駱侯。諸縣自名為駱將,銅印青綬,即今之令長也。後蜀王子將兵討駱侯,自稱為安陽王,治封溪縣。後南越王尉他攻破安陽王,令二使典主交阯、九真二郡人。” – “Giao Chỉ có ruộng Lạc, dân trông nước thủy triều lên xuống mà làm ăn ở ruộng ấy nên đặt tên là người Lạc. Có các chức Lạc Vương – Lạc hầu, các huyện tự đặt chức Lạc tướng đeo ấn đồng dải xanh, tức là chức Lệnh-Trưởng ngày nay vậy. Sau đó con vua Thục đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, trị ở huyện Phong Khê. Sau nữa vua Nam Việt là Úy Tha đánh phá An Dương Vương, sai hai sứ giả điển chủ người hai quận Giao Chỉ-Cửu Chân.” [23]
Như chúng tôi đã chứng minh trong bài viết khác, chính xác phải là Hùng Vương chứ không phải Lạc Vương [24]. Các ghi chép này đều nhắc tới “Giao Chỉ”, mà không nhắc tới “quận”, chứng tỏ đây là một khái niệm Giao Chỉ lớn, chỉ toàn bộ lãnh thổ của tộc Việt qua các giai đoạn, như trong Thủy Kinh chú, sách này có ghi “Đất Giao Chỉ ngày xưa khi chưa đặt thành quận huyện”, như vậy đây chính xác là khái niệm Giao Chỉ lớn chỉ toàn bộ vùng đất Việt.
Mở rộng hơn về các ghi chép của Việt Nam như trong chính sử Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên soạn, hay truyện họ Hồng Bàng trong sách Lĩnh Nam chích quái cũng chép về quốc gia của tộc Việt tương đồng với các ghi chép về quốc gia chung của tộc Việt dưới khái niệm Giao Chỉ hay địa bàn phân bố của cộng đồng tộc Việt. Người Việt từng sinh sống trong vùng Dương Tử, là một thành phần quan trọng của cộng đồng tộc Việt, rồi mới di cư về phía Nam, nên họ làm chủ vùng đất từ Dương Tử trở về Nam không có gì bất hợp lý, chưa kể có rất nhiều bằng chứng cùng góp phần chứng minh sự tồn tại của quốc gia này, sử sách Trung Quốc cũng xác minh sự ghi chép của các sách Việt Nam. Tộc Việt đã có quốc gia chung từ vùng Dương Tử, sau đó giãn dân theo dòng di cư tới Việt Nam, họ vẫn tiếp tục phát triển trong một quốc gia chung, sau đó được ghi chép trong cổ sử Trung Hoa dưới nhiều cái tên như Dương Việt, Lạc Việt, Bách Việt.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai, là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam, phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua, đóng đô ở Phong Châu. Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang (nước này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam).” [17]
Truyện họ Hồng Bàng chép: “Trăm trai đều nghe mệnh, rồi mới từ giã mà đi. Âu Cơ cùng với năm mươi người con trai ở tại Phong Châu – (bây giờ là huyện Bạch Hạc), tự suy tôn người hùng trưởng lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang; về bờ cõi của nước thì Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình hồ, Nam đến nước Hồ Tôn Tinh (bây giờ là nước Chiêm Thành).” [18]
Bản đồ mô phỏng nước Xích Quỷ, nước Văn Lang, trung tâm từng thời kỳ và các dòng di cư hình thành các quốc gia. [Ý tưởng và thực hiện: Lược Sử Tộc Việt, designer: Quốc Toản.]
Quốc gia này cũng chính là quốc gia chung của cộng đồng tộc Việt mà sách sử Trung Quốc đã chép lại, nó tương ứng với địa bàn từ vùng Dương Tử về tới Việt Nam, như vậy, về cơ sở, có thể thấy quốc gia Văn Lang có những cơ sở cực kỳ vững chắc về sự tồn tại. Tên gọi quốc gia Văn Lang không chỉ có trong cổ sử Việt Nam, mà sử Trung Quốc cũng chép về nước Văn Lang.
Sách 太平御覽 Thái Bình Ngự Lãm, Bắc Tống (977 – 984). Chương Châu quận bộ thập bát 州郡部十八. Đoạn Lĩnh Nam Đạo 嶺南道. Nguyên văn:《方輿志》曰:峰州,承化郡。古文郎國,有文郎水。亦陸梁地。秦屬象郡。二漢屬交趾郡。吳分置新興郡。晉改為新昌。陳置興州。隋平陳,改為峰州;煬帝初,廢。唐復置峰州。” – Tạm dịch: “Phương Dư chí viết: Phong Châu tức quận Thừa Hóa. Xưa là nước Văn Lang, có sông Văn Lang. Cũng là đất Lục Lương. Thời Tần thuộc Tượng quận. Tây Hán và Đông Hán thuộc quận Giao Chỉ. Nhà Ngô chia ra xếp vào quận Tân Hưng. Tấn đổi thành Tân Xương. Nhà Trần (557-589) gọi là Hưng Châu. Tùy thay Trần, cải ra Phong Châu; từ những năm đầu Tùy Dạng Đế (604-618) thì bãi bỏ. Đường triều khôi phục đặt là Phong Châu. ” [25]
Sách này chép rõ Phong Châu là nơi có quốc gia Văn Lang, đây cũng chính là kinh đô của nước Văn Lang theo các ghi chép tại Việt Nam. Ghi chép của sách Thái Bình Ngự Lãm đã cho chúng ta thấy cơ sở thực tế của nước Văn Lang, nó thực sự tồn tại trong ghi chép lịch sử, không phải huyền sử huyễn hoặc và không có thực. Các ghi chép lịch sử cũng đã cho chúng ta thấy được những cơ sở chặt chẽ về quốc gia chung của cộng đồng tộc Việt, không gì khác hơn, nó chính là quốc gia Văn Lang do các vua Hùng làm chủ, kế thừa nhà nước từ các văn hóa trong vùng Dương Tử.
Những vật đại diện quan trọng nhất cho quyền lực trung tâm của các vị vua Hùng trong vùng miền Bắc Việt Nam, đó là nha chương và trống đồng. Nha chương văn hóa Phùng Nguyên đại diện cho quyền lực nhà nước, theo Chu Lễ, thì: “牙璋以起軍旅,以治兵守。” – “Nha chương dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn trú”. Như vậy, với tổ chức nhà nước đã có từ vùng Dương Tử, thì tộc Việt tiếp tục kế thừa trong văn hóa Nguyên, với đại diện là những chiếc nha chương bằng ngọc.
Nha chương văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: Bảo tàng Hùng Vương, dẫn]
Tới thời kỳ Đông Sơn, thì trống đồng của cộng đồng tộc Việt và biểu trưng quan trọng nhất của quyền lực cả về chính trị và tâm linh [26][27], tại Việt Nam, là nơi tìm thấy những chiếc trống lớn và tinh xảo nhất so tất cả các vùng tộc Việt khác. Vùng ảnh hưởng rộng lớn của văn hóa Đông Sơn [28], cũng chính là cơ sở cho chúng ta thấy được rằng văn hóa Đông Sơn, thì người Việt cũng có một quốc gia, vẫn là quốc gia do các vị vua Hùng làm chủ, kế thừa từ văn hóa Phùng Nguyên và các văn hóa trong vùng Dương Tử.
1. Trống đồng Sông Đà, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Pháp. [dẫn]; 2. Trống đồng Khai Hóa, hiện đang trưng bài tại Bảo tàng Dân tộc học Vienna, Áo. [dẫn]; 3, 4. Trống đồng Hoàng Hạ và trống đồng Ngọc Lũ, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam.
Tất cả các cơ sở từ khảo cổ, lịch sử đều cho chúng ta thấy được cộng đồng tộc Việt đã có những quốc gia chung, ban đầu là quốc gia Xích Quỷ trong vùng Dương Tử, sau đó là quốc gia Văn Lang trong địa bàn từ Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam, các cơ sở về khảo cổ cũng cho thấy cộng đồng tộc Việt có sự thống nhất dưới nền văn hóa chung đó là văn hóa Đông Sơn [29], các nghiên cứu di truyền cũng cho thấy cộng đồng tộc Việt có di truyền thống nhất với nhau [30], vì vậy những cơ sở về quốc gia chung của cộng đồng tộc Việt là rất vững chắc. Cộng đồng tộc Việt trong một quốc gia chung có sự thống nhất cao về ý thức dân tộc, có nền văn hóa thống nhất, có sự hòa huyết liên tục trong cộng đồng chung, dưới những bước chân xâm lược của người Hoa Hạ, thì cộng đồng tộc Việt mới dần dần tan rã, bởi vậy, chúng ta không thể nói rằng tộc Việt là các dân tộc không liên quan tới nhau, ngược lại, họ có ý thức thống nhất rất cao, chỉ bởi những tác động chủ quan của lịch sử, mà phân rã thành vô số các dân tộc như hiện trạng ngày nay.
III. Kết luận:
Từ những khảo cứu về lịch sử của chúng tôi, chúng ta đã thấy được rằng tộc Việt tồn tại trong các quốc gia chung, chính là các quốc gia Xích Quỷ và Văn Lang trong vùng Dương Tử tới miền Bắc Việt Nam, có chung một nguồn gốc, có sự thống nhất cao về ý thức dân tộc, về văn hóa, lịch sử, khảo cổ và di truyền. Lãnh thổ của tộc Việt dần dần bị thu hẹp dưới những bước chân xâm lược của các triều đại Thương, Sở, Tần, Hán của người Hoa Hạ. Tất cả những khái niệm được cho là “Bách Việt” như Ngô Việt, Ư Việt, Sở, Dạ Lang, Mân Việt, Điền Việt, Đông Âu, Nam Việt đều là quốc danh để chỉ những quốc gia được thành lập bởi hậu duệ Hoa Hạ trên các vùng đất mà các triều đại Hoa Hạ đã chiếm được của cộng đồng tộc Việt. Các khái niệm Dương Việt, Lạc Việt, Việt Thường đều là các khái niệm được sử dụng để chỉ chung cộng đồng tộc Việt, không phải là các khái niệm chỉ riêng một vùng đất nào trong lãnh thổ của cộng đồng tộc Việt.
Những cơ sở khảo cứu này đã làm rõ giả thuyết dựa trên sự suy diễn từ khái niệm “Bách Việt” trong cổ sử Trung Hoa, chúng đã cho thấy tất cả những khái niệm được cho là “Bách Việt” đều là những khái niệm hoặc là chỉ chung cộng đồng tộc Việt, hoặc là quốc danh của các quốc gia tách ra khỏi tộc Việt dưới những bước chân xâm lược của người Hoa Hạ. Sự cảm tính, chủ quan, thiếu sự tìm hiểu một cách căn cơ của những người phủ nhận về cộng đồng tộc Việt ít nhiều đã khiến nhận thức về nguồn gốc dân tộc ngày càng trở nên mù mờ, khiến nhiều người bị ảnh hưởng bởi luồng tư tưởng phủ nhận, quy chụp những người tìm hiểu, quan tâm về nguồn gốc dân tộc, về cộng đồng tộc Việt là “Bách Việt thượng đẳng” mà không nhận thức rõ được sự thiếu nền tảng tìm hiểu và nghiên cứu về cộng đồng tộc Việt của họ.
Thế giới thông tin khoa học ngày nay ngày càng rộng mở, chúng tôi hy vọng rằng, người Việt nói chung, hay những người phủ nhận nói riêng, sẽ quan tâm tìm hiểu một cách nghiêm túc, căn cơ và có nền tảng về lịch sử của cộng đồng tộc Việt thông qua các nghiên cứu, có thể bắt đầu bằng những tư liệu đã được chúng tôi khảo cứu trong các bài viết, thay vì phủ nhận tuyệt đối một cách cảm tính và chủ quan. Nhận thức về nguồn gốc dân tộc chính là cốt lõi để người Việt xây dựng lại nền tảng văn hóa đã mất của dân tộc dưới những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, hay những hành động tàn phá nền tảng văn hóa Việt trong giai đoạn đô hộ người Việt của nhà Minh và người Pháp, có như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng vào một tương lai nơi người Việt có thể vượt qua những giới hạn của hiện tại, và vươn tới những tầm cao, những dấu mốc mới trong lịch sử của dân tộc trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
[1] Đổng Sở Bình 董楚平; “Phương Việt hội thi” “方钺会矢” – Một trong những diễn giải về các nhân vật Lương Chử 良渚文字释读之一[J];东南文化;2001年03期.
[2] Lang Linh (2021), Lịch sử hình thành và tan rã của cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/10/21/565-lich-su-hinh-thanh-va-tan-ra-cua-cong-dong-toc-viet/
[3] Tư Mã Thiên, Sử ký III – Thế Gia, Phạm Vân Ánh dịch, Nhà xuất bản Văn học. 2020.
[4] Tư Mã Thiên, Sử ký – Liệt Truyện (Quyển hạ), Phạm Vân Ánh dịch, Nhà xuất bản Văn học. 2017.
[5] Tích Dã, Vương quốc Dạ Lang
https://nghiencuulichsu.com/2014/04/21/vuong-quoc-da-lang/
[6] Sử ký Tư Mã Thiên, Tư Mã Thiên (Phan Ngọc dịch), NXB Văn Học, 2003.
[7] Trần Thọ, Tam Quốc chí, Bùi Thông (biên dịch), Trần Chí, Quyển XLVII – Ngô Chủ truyện. Nhà xuất bản Văn học, 2016, tr. 94.
[8] Phan Anh Dũng, Tên gọi Việt Lạc (Lạc Việt) có từ trước đời Thành Thanh
http://fanzung.com/?p=2213
[9] Phan Anh Dũng, Về phạm vi cư trú của người Lạc Việt
http://fanzung.com/?p=2379
[10] Phan Anh Dũng, Khảo sát tên gọi Văn Lang trên cơ sở ngữ âm lịch sử
http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/111-goc-nhin-van-hoa-2/13730-khao-sat-ten-goi-van-lang-tren-co-so-ngu-am-lich-su
[11] Lang Linh (2021), Khảo sát một số vấn đề địa lý thời Bắc thuộc
https://luocsutocviet.com/2021/05/03/527-khao-sat-mot-so-van-de-dia-ly-thoi-bac-thuoc/
[12] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90.
https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/abs/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/0D4FD61E9460755CED69047FAD7FA2AD
[13] Tống Kiến 宋建 (2017). Liangzhu – một quốc gia cổ đại phức tạp bị chi phối bởi thần quyền 良渚——神权主导的复合型古国. 东南文化;(1):6-15.
[14] Zhang, Chi; Hung, Hsiao-chun (2008), “The Neolithic of Southern China-Origin, Development, and Dispersal”, Asian Perspectives, 47 (2): 299–329, doi:10.1353/asi.0.0004
[15] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.
[16] Chi Hung 洪曉純 Zhang, Hsiao-Chun (2009). The Neolithic of Southern China–Origin, Development, and Dispersal. Asian Perspectives;47.
[17] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Quyển I – Kỷ Hồng Bàng thị, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, 1993.
[18] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).
[19] Trần Kinh Hòa (Cheng Ching-Ho), 1960, Khảo cứu về danh xưng Giao Chỉ, tạp chí Đại học Huế.
[20] Li, Bing & Zhu, Cheng & Wu, Li & Li, Feng & Sun, Wei & Wang, Xiaocui & Liu, Hui & Meng, Huaping & Wu, Di. (2013). Relationship between environmental change and human activities in the period of the Shijiahe culture, Tanjialing site, Jianghan Plain, China. Quaternary International. 308. 45-52. 10.1016/j.quaint.2013.05.041.
[21] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88
[22] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92
[23] Tích Dã, Thời đại Văn Lang – Âu Lạc trong lịch sử Việt Nam: Từ truyện ký đến tín sử
https://nghiencuulichsu.com/2019/05/10/thoi-da%cc%a3i-van-lang-au-la%cc%a3c-trong-li%cc%a3ch-su%cc%89-vie%cc%a3t-nam-tu-truye%cc%a3n-ky-den-tin-su%cc%89/
[24] Lang Linh (2021), Hùng Vương và Lạc Vương: từ các ghi chép lịch sử
https://luocsutocviet.com/2021/10/13/559-hung-vuong-va-lac-vuong-tu-cac-ghi-chep-lich-su/
[25] Phan Anh Dũng, Khảo sát tên gọi Văn Lang trên cơ sở ngữ âm lịch sử
http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/111-goc-nhin-van-hoa-2/13730-khao-sat-ten-goi-van-lang-tren-co-so-ngu-am-lich-su
[26] Loofs-Wissowa H (1991). Dongson drums: instruments of Shamanism or regalia?. Arts asiatiques, p.39-49. Doi: 10.3406/arasi.1991.1300
https://www.researchgate.net/publication/250235416_Dongson_Drums_Instruments_of_Shamanism_or_Regalia
[27] Higham C (2014). Early mainland Southeast Asia: from first humans to Angkor. River Books, p.200.
[28] Lang Linh (2021), Nguồn gốc và sự ảnh hưởng của văn minh Đông Sơn
https://luocsutocviet.com/2021/07/03/543-nguon-goc-va-su-anh-huong-cua-van-minh-dong-son/
[29] Lang Linh (2020), Tương quan cổ vật thời kỳ đồ đồng trong vùng Đông Á.
https://luocsutocviet.com/2020/05/25/494-tuong-quan-co-vat-thoi-ky-do-dong-trong-vung-dong-a/
[30] Lang Linh (2021), Phân tích về di truyền của cộng đồng tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/10/12/556-phan-tich-ve-di-truyen-cua-cong-dong-toc-viet/