Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Nhận xét sơ qua về quyển Từ điển Tiếng Việt 1992

Chuyện Đông chuyện Tây thường dẫn Từ điển tiếng Việt 1992 của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên. Xin cho biết lý do của việc vận dụng đó. Có phải là vì nó “được biên soạn trên cơ sở gần ba triệu phiếu tư liệu của Viện Ngôn ngữ học” và vì nó không có nhược điểm, khuyết điểm gì hay không?

Thực ra chúng tôi vẫn có dẫn những quyển từ điển tiếng Việt khác chứ không riêng gì Từ điển tiếng Việt 1992 của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên. Còn sở dĩ chúng tôi vẫn dẫn quyển từ điển này thì chỉ vì đó là một quyển từ điển dễ tìm (đã được in lại đến lần thứ 4 đợt 2 năm 1996) nên bạn đọc dễ có điều kiện để kiểm chứng hơn chứ không phải vì nó không có khuyết điểm hoặc nhược điểm.

Một trong những nhược điểm của cuốn từ điển này mà bạn đọc ở Nam Bộ dễ thấy nhất là nó đã viết sai nhiều từ đặc biệt của phương ngữ Nam Bộ. Sau đây là một số thí dụ.

1. “Bánh ếch (là) bánh ít”. Lời giảng này tất nhiên là rất đúng nhưng cái bất hợp lý đập ngay vào mắt là -ch cuối ở “ếch” và -t cuối ở “ít”. Ai cũng biết rằng êch ~ ich là một cặp biến thể ngữ âm: mếch (lòng) = mích (lòng); (mốc), thếch = (mốc) thích, v.v.. Và êt ~ it là một cặp biến thể ngữ âm khác: (giống) hệt = (giống) hịt, (rắn) rết = (rắn) rít, v.v.. Vậy nếu “ếch” đúng thì phải viết “bánh ích” còn nếu “ít” đúng thì phải viết “bánh ết”. Có lẽ đại đa số đều cho rằng “ít” đúng. Vậy cái “bánh ếch” của Từ điển tiếng Việt 1992 phải được đổi thành “bánh ết”. Tuy nhiên, nếu không có chứng cứ nào khác mà chỉ kết luận suông như trên thì chỉ là cảm tính. Rất may mắn là chúng ta còn có cứ liệu dân tộc học. Bánh ết (= bánh ít) là biểu hiện của một nét văn hoá ẩm thực Tày – Thái mà ngữ liệu còn lưu giữ được cả trong tiếng Dioi ở Quý Châu (Trung Quốc) với mục từ sau đây: “et’ (haou, et’) gâteau de riz gluant écrasé, dans lequel on a mis un peu de sucre ou de viande et qu’on a enveloppé dans un morceau de feuille de bananier” (Jos. Esquirol et Gust. Williatte, Essai de Dictionnaire Dioi,-français, Hongkong, 1908) nghĩa là “bánh bằng gạo nếp nghiên nhuyễn bên trong người ta có cho một ít đường hoặc thịt và gói bằng một miếng lá chuối”.

Nhân tiện, xin nói thêm rằng không chỉ bánh ết (= bánh ít) mới là một nét văn hoá ẩm thực Tày – Thái mà cả bánh ú cũng thế. Quyển từ điển trên còn có mục từ: “ou (haou, ou) gâteau tricorne de riz glutineux, enveloppé dans des feuilles de bambou” nghĩa là “bánh hình ba góc bằng gạo nếp gói trong lá trẻ”. Cứ như trên, thì phụ âm cuối -t trong từ đang xét không chỉ tồn tại trong tiếng Việt mà cả trong tiếng Dioi. Vậy cái bánh của Từ điển tiếng Việt 1992 phải được ghi bằng chữ “ết”.

2. “Cà ròn. Bao nhỏ đan bằng cói”. Thực ra, đây là cái bao cà roòng và là một từ của phương ngữ Nam Bộ mà người Nam Bộ đã phiên âm từ tiếng Mã Lai karong (tiếng Khmer cũng có mượn từ này). Vì vậy nên không thể “Bắc hoá” mà viết thành “ròn” được khi mà trong nguyên ngữ nó lại có âm cuối là “ng”. Tiếc rằng một quyển từ điển có tính chất từ nguyên như Tầm-nguyên tự-điển Việt-Nam của Lê Ngọc Trụ (Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1993) cũng viết là “cà ròn” như từ điển do Hoàng Phê chủ biên.

3. “Giàng. Thần (theo cách gọi của một số dân tộc thiểu số). Cúng giàng. Giàng Trời. Giàng Đất”. Ba thí dụ trong mục từ này là hoàn toàn giả tạo. Về thí dụ thứ nhất, xin nhấn mạnh rằng người Việt không bao giờ nói “cúng giàng” với nghĩa là cúng thần mà người thiểu số cũng không dùng động từ “cúng” của tiếng Việt. Người Việt chỉ nói “cúng dàng” = cúng dường do cung dưỡng 恭養 mà ra và cung dưỡng có nghĩa gốc là dâng lên để nuôi. Về thí dụ thứ hai, thì không có dân tộc thiểu số nào nói “Giàng Trời” vì “Giàng” là tiếng của họ mà “Trời” thì lại là tiếng Việt. Còn người Việt cũng chưa bao giờ nói “Giàng Trời” với nghĩa thần trời hoặc ông trời. Chỉ có người Việt miền Nam mới nói “dàng trời” nhưng “dàng” ở đây là một biến thể ngữ âm của “dường” trong “dường như”. Vậy “dàng trời” = như trời = quá xá = dữ tợn (chỉ mức độ); thí dụ: Thằng đó nói ẩu viết ẩu dàng trời mây. Về thí dụ thứ ba, xin nói rằng đó chỉ là do soạn giả sáng tác ra theo cái mẫu “Giàng Trời” mà thôi. Có “Giàng Trời” mà không có “Giàng Đất” thì làm sao thăng bằng được! Tóm lại, “cúng dàng” và “dàng trời” phải viết với “d” còn “Giàng Đất” thì không hề tồn tại trong tiếng Việt.

4. “Hôn, (dùng ở cuối câu hỏi). Không”. Đây cũng là một lối viết “Bắc hoá” vì cái từ và cái chữ chánh cống ở trong Nam phải là “hôông”, một biến thể ngữ âm của “hông” mà chính Từ điển tiếng Việt 1992 cũng có ghi nhận thành một mục từ là “hông”.

5. “Nghen. Nhé”. Cũng là một lối viết “Bắc hoá” vì đúng ra thì đó là “ngheng”. Ngheng là một từ bao gồm trong bản thân nó đến hai từ vì đó là kết quả của một lối nói ríu từ hai tiếng “nghe không”. Phụ âm cuối -ng ở trong ngheng chính là “hiện thân” của “không”. Nếu từ “phỏng” = “phải không” của phương ngữ Bắc Bộ mà cũng phải “tái Bắc hoá” thành “phỏn” thì có sợ là vô duyên hay không?

Tục vẽ mắt cho thuyền – Nét văn hóa độc đáo của ngư dân

Nghề chài lưới đã xuất hiện từ rất lâu trong suốt chiều dài lịch sử và phát triển của dân tộc Việt Nam, được coi là một trong ba làng...

Nghĩa Cần Vương (P2)

NĂM 1887 Sang năm Đinh Hợi (1887), nghĩa Cần Vương còn có người hưởng ứng ở nhiều nơi nhưng thế kém trước nhiều lắm. Ở Bắc kỳ “giặc” Bãi Sậy...

Công trình triều Nguyễn được chọn in trên tờ tiền 50.000 đồng

Nghênh Lương Đình - một trong hai di tích của cố đô Huế được in trên mặt tờ tiền 50.000 đồng, là công trình kiến trúc gắn bó với lịch...

Hạ, Thương, Chu có thuộc lịch sử của tộc Việt không?

Các triều đại Hạ, Thương, Chu trong xuyên suốt lịch sử luôn luôn được công nhận là những triều đại khởi nguồn của người Hoa Hạ, tuy nhiên, ở Việt...

Bình Phước năm 1963 qua ống kính người Mỹ

Cùng xem những hình ảnh quý giá về tỉnh Bình Phước năm 1963, khi đó là hai tỉnh Bình Long và Phước Long, do bác sĩ quân đội Mỹ Marv...

Người Việt trong vùng Đông Nam Á

I.TÓM LƯỢC Lãnh thổ của Việt Nam ngày nay là cái nôi của một trong những nền văn minh đầu tiên trên thế giới, và là một trong những vùng...

Tiếng Việt có tự bao giờ!?

Tiếng nói là nhịp cầu cảm thông để trao đổi tư tưởng trong sinh hoạt xã hội giữa con người cùng dòng giống xứ sở. Có con người là có...

Vụ cướp nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ

Tám tên cướp trong vụ án đã bị bắt và bị kết án chung thân, hai người nữa đã chết trước khi ra tòa. Chỉ một phần nhỏ số tiền...

Dương Ngạn Địch – Vị tướng người Hoa từng giúp người Việt mở rộng miền Đông Nam Bộ

Dương Ngạn Địch (chữ Hán: 楊彥迪,?-1688), là một thủ lĩnh phản Thanh phục Minh, tổng binh của nhà Minh Trịnh ở Long Môn (龍門), Khâm Châu, Quảng Tây, Trung Quốc. Năm 1679, ông cùng tùy tùng đi thuyền sang thần...

Những điều luật giáo hóa dưới triều đại nhà Lê

Trong lịch sử Việt Nam, triều đại nhà Lê (1533-1789) trị vì một thời gian khá dài, kéo dài 256 năm, bắt đầu từ khi tướng Nguyễn Kim lập tông...

Học lại chữ Tàu

Câu chuyện dưới đây, tôi đã nghe gần mười cụ kể lại, nhưng vẫn cứ nghi ngờ. Vì nghi ngờ nên phải kiểm soát, và nhờ kiểm soát, nên sự...

Con đường trung tâm thương mại của Sài Gòn ngày trước

Cũng như Catinat (Đồng Khởi) và Charner (Nguyễn Huệ), một số nhân vật để lại dấu ấn trên đại lộ Bonard (Lê Lợi ngày nay) như bác sĩ Theodose Dejean...

Exit mobile version