Muốn xoá tên đất nước mình khỏi danh sách những nước xả rác nhất thế giới cần nhiều hành động cụ thể chứ không chỉ là khẩu hiệu.
Phillips Spencer, một giáo sư người Mỹ mới sang Việt Nam được hơn nửa năm, tham gia hành trình đi leo núi với nhóm chúng tôi lên Kỳ Quan San. Khởi đầu chuyến đi, anh đã chuẩn bị 1 cái túi mà sau này tôi mới biết là để… nhặt rác trên đường đi. Những vỏ kẹo, vỏ chai nước, túi ni lông thấy ven đường đều được anh lặng lẽ bỏ vào túi.
Trong suốt hành trình 30 km trong 3 ngày đó, sau mỗi chặng nghỉ Spencer lại tiếp tục và kiên trì nhặt rác trên đường đi. Mọi người trong nhóm cũng tự nguyện nhặt rác và bỏ vào túi của Spencer.
Spencer không phải là người nước ngoài duy nhất tới Việt Nam nhặt rác trên đường đi mà tôi biết. Báo chí từng rộ thông tin một giáo viên tiếng Anh tới sống ở Hà Nội và đã khởi động phong trào Keep Hanoi Clean, thu hút khoảng gần 12.000 người tham gia và theo dõi trên mạng xã hội. Một số nhóm người Việt trẻ có ý thức về môi trường và những người nước ngoài trót yêu một Việt Nam thơ mộng đã tự nguyện nhặt rác ở một địa điểm nào đó vào cuối tuần.
Spencer cũng tham gia vào nhóm Keep Hanoi Clean. Anh khoe với tôi sáng Chủ nhật vừa rồi (như rất nhiều tuần khác trước đó) họ đã thu được khoảng gần 1,9 tấn rác (chính xác là 1,878 kg) các loại gần sông Hồng. Nhưng con số này còn quá nhỏ so với lượng rác hằng ngày xả ra bởi lượng người không có ý thức.
Mặc dù Việt Nam là một trong những nước hưởng ứng tích cực với lời kêu gọi ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng thực tế thì chúng ta đang thải ra khoảng 120.000 tấn rác mỗi ngày, gấp đôi so với cách đây 5 năm. Việt Nam đứng thứ tư thế giới về lượng rác thải nhựa đổ ra biển. Lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt khoảng 25 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó tỉ lệ thu gom chất thải sinh hoạt ở các thành phố mới đạt khoảng từ 70 đến 85%. Tình trạng này khiến các bãi rác ngày càng lớn, mâu thuẫn giữa người dân khu vực bãi rác và công ty môi trường ngày càng lớn. Đó cũng một trong nhiều lí do khiến Hà Nội chỉ có khoảng 38 ngày trong năm 2017 được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận có không khí tốt.
Tôi chợt nhớ về bối cảnh sống ở những đô thị đông đúc tại Việt Nam. Biết bao nhiêu khẩu hiệu “cấm đổ rác” bị những thị dân mặc định ngược lại rằng đó là nơi có thể vứt rác. Rất nhiều băng rôn nội dung “vì Hà Nội xanh, sạch, đẹp” phủ rợp một Hà Nội, nhưng dường như không cải thiện được tình hình ô nhiễm tại những bãi rác hay mùi hôi bốc ra từ một số khu dân cư cả cấp thấp lẫn cao cấp.
Với việc áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, Thụy Điển là đất nước đầu tiên trên thế giới tự tin xử lý và tái chế tới 99% rác thải. Nhưng ở đất nước này, ý thức của người dân về việc sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, xả thải, phân loại rác và bảo vệ môi trường mới là bài học lớn. Ở khu chung cư của cô bạn nhà văn đang sống tại Thuỵ Điển, tôi thấy có 8 loại thùng rác phân loại: giấy báo, bìa carton, nilon, thuỷ tinh trắng, thuỷ tinh màu, kim loại, pin và các thiết bị điện.
Tôi hay quan sát thì thấy một đứa trẻ nhặt cái gì đó bẩn, bố mẹ Việt truyền thống thường chạy lại phủi tay đứa bé và nhắc: con ơi, đừng nghịch bẩn. Cũng trong tình huống tương tự, cô bạn người Anh của tôi thường nói với cậu con trai 4 tuổi rằng: con mang cái này và bỏ vào thùng rác. Rồi cô bạn chậm rãi hướng dẫn con tới thùng rác gần đó
Có rất nhiều hội thảo, phong trào, bài viết kêu gọi thay đổi nhận thức thái độ, thói quen xả rác, nhưng dường như chưa cải thiện được tình hình nhiều. Mới đây thôi một nhiếp ảnh gia người Mĩ Michael Yamashita chụp một bức ảnh ám ảnh về Nha Trang khi hàng ngày người dân ở đây hồn nhiên xả rác ra bờ biển. Bức ảnh đã nhận được nhiều sự chia sẻ, tương tác trên mạng xã hội về hành vi xả rác của người Việt Nam.
Gần đây, mạng xã hội cũng nóng với câu chuyện người phụ nữ nhặt rác dưới chân cầu ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bối cảnh trong bức ảnh là một người phụ nữ nhặt rác còn rất nhiều người đang ngồi gần đó uống cà phê, lướt điện thoại. Người phụ nữ trong ảnh còn cho biết, cô đã ngỏ lời nhưng những người xung quanh đó vẫn từ chối giúp đỡ.
Nói tạm biệt với rác cần rất nhiều kế hoạch và những cải tiến và áp dụng công nghệ trong việc thu gom và xử lý rác thải. Trước khi chúng ta có thể tiến tới tiệm cận tới hệ thống xử lý rác hiện đại như Thuỵ Điển, hay một hệ thống công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp với nền kinh tế sạch, thải các-bon thấp theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, thì vẫn cần nhiều người nhặt rác hơn và ít người xả rác đi.
Khi nghĩ về cha mình, cả hoàng tử Harry và William của Hoàng gia Anh từng nói rằng cha của họ – Thái tử Charles đã dạy con về tình yêu và thái độ với môi trường khi đã hướng 2 vị hoàng tử đi nhặt rác vào những ngày cuối tuần khi còn nhỏ.
Môi trường sống là tài sản chung, cần sự chung tay của cả xã hội gìn giữ chứ không chỉ là nỗ lực đơn độc của một cá nhân, một nhóm tình nguyện hay một cộng đồng nhỏ. Trong đó, vai trò của hệ thống pháp luật là vô cùng quan trọng. Tìm trong cơ sở dữ liệu, tôi thấy có quy định mức phạt từ một đến hai triệu đồng đối với hành vi xả rác nơi công cộng. Tuy nhiên việc phạt một ít tiền đối với người xả rác có lẽ không hiệu quả bằng hình phạt lao động công ích: Xả rác thì phải dọn môi trường.
Nhưng có lẽ các quy phạm pháp luật không thể bằng xây dựng ý thức và kỉ luật nhất là đối với những em nhỏ. Với các em, nhặt rác cũng có thể một hoạt động ngoại khoá hay để giúp trẻ bỏ đi thói quen vị kỷ, biết nghĩ đến môi trường chung bền vững. Thay vì những chiến dịch với những khẩu hiệu, mục đích to lớn, ngành giáo dục và các hội, đoàn thanh niên nên tổ chức những buổi dọn rác cuối tuần tại khu vực sinh sống. Dọn rác không phải để lấy thành tích mà để gieo dựng trong những người trẻ ý thức về môi trường sống của chính họ. Đã đến lúc rác và dọn rác đi vào các thiết chế giáo dục, như một biểu hiện của tình yêu nước.
Muốn xoá tên đất nước mình khỏi danh sách những nước xả rác nhất thế giới cần nhiều hành động cụ thể chứ không chỉ là khẩu hiệu.
Theo VNEXPRESS