Đa số những người thành công đều phạm phải một lỗi giống nhau là tham thắng mà không biết bại, gặp thời đắc ý lại nói năng tuỳ tiện. Kỳ thực tai hoạ đang âm thầm chờ đợi con người đúng vào lúc họ dương dương đắc ý nhất.
Thời Tây Hán có nhà từ phú Giả Nghị, vào tiết tháng tư đầu Hạ, nhìn thấy một con kền kền bay ngang qua nhà, ông cảm khái mà viết bài “Phục Điểu Phú”. Trong đó có câu rằng: “Hoạ hề phúc sở y, Phúc hề hoạ sở phục, Ưu hỷ tụ môn hề, Cát hung đồng vực”, nghĩa là “Trong hoạ có phúc, Trong phúc ẩn hoạ, Vui buồn tụ một cửa, Cát hung cũng đồng khu”.
Hai câu đầu “Hoạ hề phúc sở y, phúc hề hoạ sở phục” được lấy từ cuốn “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử, ý nói rằng hoạ phúc luôn đi cùng nhau, dựa vào nhau, tuần hoàn không ngừng nghỉ. Giả Nghị lại cảm khái thêm rằng trong kiếp người, nhiều khi buồn vui, hung cát cùng tụ hội, an bài của số mệnh khó có thể nắm bắt được. Những câu chuyện lịch sử minh chứng cho điều này nhiều vô kể, trong đó phải kể tới chuyện của Lý Tư.
Lý Tư vốn là người nước Sở, khi còn trẻ ông từng làm cảnh vệ kho thóc. Ông nhìn thấy đám chuột trong kho thóc, thoắt ẩn thoắt hiện, chúng ăn “món ăn” thượng phẩm, nhưng không ai ngăn cấm, nên lũ chuột con nào con nấy đều béo phây phây. Ngược lại những con chuột trên các con hẻm, thường sống dưới rãnh nước, ăn những thứ ô uế. Hơn nữa khi chúng xuất hiện thì bị đánh, bị mắng, sinh mệnh luôn bị đe doạ.
Lý Tư trải nghiệm một cách sâu sắc và minh bạch được rằng trong đời người, hoạ phúc, hung cát đại khái có thể thấy được từ hoàn cảnh mà người ấy sinh trưởng. Lý Tư biết rằng quân vương nước Tần yêu chuộng hiền tài, nên đã kiên quyết rời xa nước Sở tới nước Tần. Tài năng của ông quả thực rất được Tần Vương quý trọng, cuối cùng ông đạt tới chức vị khanh tướng. Không chỉ vậy, những người con của ông đều thành hôn với công chúa nước Tần. Mỗi lần ông bày tiệc rượu đãi khách, bách quan đều tới chúc thọ, bên ngoài ngựa xe như nước, nhiều không kể xiết.
Trải nghiệm của Lý Tư khi nhìn những con chuột đã cho phép ông có được lựa chọn chính xác trong bước đầu của sự nghiệp, cuối cùng đưa tới thành công sau này. Lý Tư là người tài giỏi, hiền năng, nhưng khi lên đến đỉnh cao của quyền lực thì ông đánh mất chính mình. Ông nhiều lần tiêu diệt người khác, sợ người khác cướp mất địa vị của mình.
Đến khi Tần Thủy Hoàng mất, Lý Tư lại giả di chiếu, cấu kết với hoạn quan. Cuối cùng ông bị hoạn quan Triệu Cao hãm hại, bị khép tội chém ngang lưng giữa chợ.
Tuân Tử nói rằng: Vật kỵ đại thịnh. Lý Tư từng than rằng mình “vốn chỉ là dân thường áo vải đất Thượng Sái, là bá tính nơi thôn dã, lên mà vụng về không biết phải xuống ngựa thế nào, rồi được toại nguyện làm tới chức tể tướng”, có thể nói là ông đã thành công, vinh hoa, phú quý đã đến tột đỉnh. Nhưng sự vật phát triển tới tận cùng ắt sẽ bắt đầu suy bại, Lý Tư cũng vì không thể giữ mình ở dưới mà rốt cuộc chuốc họa vào thân. Điều này quả thực đã nói rõ đạo lý “vật cực tất phản”.
Thiên Cầm