Trực tiếp hay gián tiếp, hình ảnh đáng sợ này cũng liên quan đến mạng của hàng triệu người trong Thế chiến II, đến ngay cả người mặc nó cũng không thoát khỏi cái chết.
Hình ảnh đầu lâu xương chéo chưa bao giờ mang ý nghĩa tốt đẹp ở bất kỳ một giai đoạn nào trong lịch sử. Đặc biệt khi biểu tượng này xuất hiện trên bộ quân phục đen, được may cắt gọn gàng thì lại còn là một điều đáng xấu hổ.
Bởi bộ đồng phục trên chính là biểu tượng của SS (viết tắt của Schutzstaffel), lực lượng tinh nhuệ trong Đảng Quốc xã lúc bấy giờ, tay mặt của thống chế Heinrich Himmler. Gắn liền với nó chính là những tội ác chống lại loài người của Đế chế Thứ Ba, là các trại tập trung, diệt chủng, cướp bóc man rợ…
Quân phục điển hình cho lính trong đơn vị SS: Áo đồng phục đen, một bên cổ áo có đầu lâu xương chéo
Thế nhưng, cũng có những lúc ta nên có cái nhìn công bằng hơn cho những ai mặc trên mình bộ đồ này. Dĩ nhiên là không phải với những người từng gia nhập lực lượng SS và lực lượng quân sự đặc biệt Waffen-SS, kẻ chịu trách nhiệm chính cho các tội ác chiến tranh. Mà đó là các lính tăng Đức, những người lính vô tội bị lôi ra chiến trường, không tham gia vào bất kì tội ác nào, nhưng lại phải vận trên mình bộ đồ cho ác quỷ với hình ảnh đầu lâu xương chéo bên cổ áo.
Lính tăng của quân đội Đế chế trong bộ trang phục có đầu lâu ở hai bên cổ áo
Chỉ cần dựa vào chi tiết này, ta cũng có thể biết được, người lính Đức trên đang thuộc binh chủng nào trong quân đội Đế chế. Nếu như đầu lâu xuất hiện trên cả hai bên cổ áo, đó là một lính tăng trong hàng ngũ lục quân Đức. Thế nhưng, nếu người mặc chỉ có một cổ áo có hình ảnh đầu lâu, đó đích thị là một thành viên của SS – Đơn vị tử thần, chủ yếu làm việc trong các trại tập trung. Quân lính phục vụ trong hai lực lượng là SS và Waffen-SS sẽ có biểu tượng đầu lâu phía cổ áo phải, với chữ SS cách điệu đặc trưng, còn bên trái là quân hàm.
Từ trái qua phải: Lính tăng (đầu lâu hai bên cổ áo), lính SS-VT (đầu lâu một bên cổ áo, dự bị cho lực lượng SS) và lính SS-TV (làm việc trong các trại tập trung)
Chính biểu tượng chết chóc này là thứ khiến cho không ít các lính tăng phải bỏ mạng do những tội ác mà họ không gây ra. Ít nhất đã có đến hơn 100 vụ lính Mỹ, Anh, Canada bắn chết những lính tăng Đức ngay tại chỗ, thay vì dẫn đến các điểm tập trung chờ giải giáp sau ngày đổ bộ Normandy vào tháng 6 năm 1944. Đa phần là bởi quân lính Đồng minh không thể nhận biết đâu là lính tăng hay là lính trong lực lượng SS.
Hình ảnh hộp sọ lần đầu xuất hiện khi Hoàng đế Wilhelm II của Phổ với con trai đến thăm trung đoàn Leibhusaren II, cùng chiếc mũ lông đen có đính kèm biểu tượng trên. Không chỉ nam, mà cả thành viên nữ trong gia đình hoàng tộc Phổ cũng đội chiếc mũ này, đại diện cho quyền lực tối cao trong quân đội Phổ.
Hoàng đế Đức Wilhelm II trong trang phục Thống chế Kỵ binh nhẹ với chiếc mũ lông có đầu lâu
Công chúa Victoria Louise cũng mang chiếc mũ này
Năm 1918 đánh dấu sự chấm dứt cho nền quân chủ chuyên chế và mở đầu cho sự trỗi dậy của SS. Thành viên của lực lượng này cũng chuyển qua mặc đồng phục đen với biểu tượng đầu lâu như đã kể trên, cho dù đây từng là hình ảnh đại diện một thời của hoàng tộc.
Tuy nhiên, ban đầu không phải thành viên nào của SS cũng chịu mặc bộ đồ này. Sự thay đổi đầu tiên trong trang phục SS (sau khi Hitler cho giải tán SA – lực lượng Bão tố, là nhân tố quan trọng giúp tên này nắm lấy quyền lực) chỉ dừng lại ở chiếc áo khoác dài có đính đầu lâu trên hai vạt áo. Trong những dịp quan trọng hơn, thủ lĩnh cấp cao trong SS sẽ đội cả mũ lông cho Thống chế Kỵ binh.
Lính SA (mặc áo nâu, tiền thân của SS) và SS (mặc áo đen, với quần bó và đầu lâu xương chéo)
Vào mùa xuân năm 1935, Hitler đã công khai không công nhận các điều khoản của hiệp ước Versailles, cho thành lập những lực lượng quân sự chuyên biệt như Binh chủng tăng và Lục quân. Cũng vào cùng thời điểm trên, một thành viên trong đội ngũ lãnh đạo cấp cao của SS, Tướng Theodor Eicke (kẻ đứng đằng sau ý tưởng cho thành lập các trại tập trung và những vụ thảm sát hàng loạt) bắt đầu công khai mang biểu tượng này trên vạt áo phải của mình. Dần dần, mọi thành viên của SS, hay các đơn vị quân đội khác dưới sự quản lí cả Quốc xã cũng phải mang biểu tượng này trên người.
Sĩ quan Joachim Peiper (1915 – 1976) thuộc Waffen-SS, đang mang Thập tự sắt như một phần thưởng cho các chiến công
Đầu lâu vạt áo phải, dấu hiệu nhận biết của người lính thuộc SS
Bên cạnh hình ảnh đầu lâu điển hình, lính SS còn có biểu tượng hai chữ S cách điệu
Ba lực lượng chính của lực lượng SS, bao gồm Đơn vị Tử thần ( SS-TV), Đơn vị phòng vệ đặc biệt cho Hitler (LSSAH, chịu trách nhiệm bảo vệ trực tiếp cho Hitler) và Đơn vị Dự bị (SS-VT) đều phải đeo đầu lâu xương chéo trên vạt áo phải của mình. Các đơn vị khác như Lục quân, Binh chủng Tăng-Thiết giáp cũng mang biểu tượng này trên hai vạt áo, và đây là cách để những người có tư tưởng chống Hitler có thể nhận ra nhau trong bí mật.
Thế nhưng, những lực lượng quân sự đặc biệt chuyên chế, như Hải quân, Không quân sẽ không có cả biểu tượng đầu lâu và chữ SS cách điệu trên đồng phục. Nếu như binh lính thuộc các đơn vị này bị quân Đồng minh bắt giữ, họ sẽ chỉ bị giam giữ cho đến khi được trả về nước chứ không phải chịu trách nhiệm cho bất kì tội ác nào.
Erich von Manstein, lãnh đạo cấp cao của Lục quân Đức
Tướng quân huyền thoại Erwin Rommel, hay còn có biệt danh là Cáo sa mạc, lãnh đạo quân đội Đức trên mặt trận Bắc Phi
Huyền thoại Không quân Đức Walter Nowotny
Rất nhiều tướng lĩnh cấp cao của nước Đức thời đó như Erwin Rommel hay Erich von Manstein cũng không gia nhập SS, nên quân phục của họ hay lính dưới chỉ huy những người này chỉ có duy nhất biểu trưng cho quân hàm của mình.
Theo Welt.de