Dầu cù là nổi danh trong Nam, đến nỗi bất cứ loại dầu cao, dầu gió nào có tác dụng chữa bệnh thì đều được gọi là “dầu cù là”. Có khá nhiều điều thú vị xoay quanh thương hiệu một thời vang bóng đó…
Có ai còn nhớ tới “Dầu Cù Là” này không? Chắc nhiều người vẫn nhớ ngày nhỏ chơi trò “bòn bon” vừa rờ rẫm đoán ai với ai vừa cười hế hế, nhầm, cười khanh khách. Trước năm 75, trò chơi trẻ con bao giờ cũng có một bài đồng dao để hát, trò “bòn bon” cũng thế:
“BÒN BON, SÔC LA, BÁNH TÂY, SỮA HỘT GÀ, DẦU CÙ LÀ, BÁNH TRUNG THU”.
Toàn những món tuổi thơ thòm thèm, trừ dầu cù là! Những năm đó rồi kể cả sau 75 nữa, đứa nhỏ nào chẳng quá quen thuộc với hũ cao tròn tròn, nho nhỏ, trên có hình ngôi sao vàng hay con chim bồ câu trắng, mỗi lần mở phải nghiến răng nghiến lợi xoay nhọc ơi là nhọc. Bị gì mẹ cũng với tay lấy hũ dầu cù là. Đau bụng xoa dầu cù là, cảm sốt cũng dầu cù là, trầy tay chân, muỗi cắn cũng “Lọ Sao Vàng đâu nhỉ?”… Nói chung, bá bệnh!
Cù là? Có phải thành tên do một lần bộp chộp, như cây thì là? Cái tên lại nghe nhồn nhột, dễ làm một số nhà tầm bậy nguyên học, một cách rất cù lần, cho gốc của nó hẳn là “cù lét.”
Theo học giả An Chi, người miền Tây ngày xưa hay gọi người Miến Điện là người Cù Là. Xóm có đông người Miến gọi là xóm Cù Là, hiện ở Rạch Giá vẫn còn xóm tên ấy. Còn mối liên hệ Miến – Cù Là thì chưa rõ. Vậy dầu cù là là do người Miến mang đến nước ta?
Trong bài đồng dao trên, có nơi còn hát rõ cả hiệu “Bòn bon, sôc la, bánh tây, sữa hột gà, dầu cù là Mác Su.” Trước 1975, Mac Phsu là một hiệu dầu cù là lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn xuất sang Lào, Thái, Singapore… Chủ nó là một người gốc Hoa tên Mạc Phúc Sử. Ông không biết tiếng Pháp nên khi đi xin cầu chứng nhãn hiệu, thay vì nói tên sản phẩm lại nói nhầm tên mình, người Pháp phiên âm bừa thành Mac Phsu. Lại có nguồn nói chủ của dầu cù là Mac Phsu là bà Daw Phyu, dòng dõi hoàng tộc Miến Điện lưu vong ở Sài Gòn, nên mới gọi dầu cù là. Chưa hay hai vị này có liên hệ gì với nhau.
Dầu cù là ngày ấy nổi tiếng và quen thuộc đến mức thành tên gọi cho bất kì loại dầu cao, dầu gió nào.
Dầu cù là Sao Vàng và Bồ Câu Trắng thì ngày nay nhắc lại, một số người vẫn ngồi mơ màng xa xăm khen “tốt lắm”. Nổi danh ở cái thời mà các tiên sư giáo sĩ, lại nhầm, các tiến sĩ và giáo sư phải lên báo chứng minh “ăn mấy kí khoai mì thì bổ bằng một kí thịt bò, bo bo dinh dưỡng hơn cả gạo”, thì e rằng nhận xét kia có thể bị kí ức tô hồng. Ngoài hai hiệu trên, còn một hiệu Ông Tiên ít người biết hơn, nhưng đã bị ca dao chỉ mặt đặt tên:
“DẦU CÙ LÀ HIỆU ÔNG TIÊN
XỨC VÔ CHÓT MŨI NỔI ĐIÊN TỨC THỜI”
Nhưng cũng chớ vội tin mà nhầm, nhiều trường hợp dân gian chỉ đặt vần vè cho vui. Cái vui này vô tư, vô hại, không hắc ám như việc vài năm trước người ta “nhầm” Tú Mỡ với Tú Vàng Tâm. Tuy Tú Mỡ là nhà thơ trào phúng, và người ta cũng có vẻ thích đùa đấy, nhưng mà đùa hổng có… dzui!
Sài Gòn xưa