Chà bá lửa là lối nói cửa miệng quen thuộc của người Việt – nhất là người miền Nam, dùng để diễn tả cái gì đó khổng lồ, “khủng”, “bự tổ chảng”, …
Vậy nguồn gốc hai tiếng “chà bá” có từ đâu?
Nhà nghiên cứu An Chi dẫn theo tiếng Quảng Đông có hai từ “tài pả” (大把) có nghĩa là khối, cả đống, có vỏ ngữ âm na ná nhưng ông cũng cho rằng đây không phải là nguyên từ (= từ gốc) của “chà bá” xét cả về mặt này lẫn mặt ngữ nghĩa.
Theo An Chi, chà bá có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “cho-băs“. Từ này có nghĩa là “rõ ràng” và ông suy ra rằng ở đây có một sự chuyển biến ý nghĩa như sau: rõ ràng → to đến mức mắt không thể không nhìn thấy → chà bá. Còn “lửa” là yếu tố thêm vào (thành “chà bá lửa”) để chỉ mức độ mà có tác giả gọi là cực cấp, như trong “bà chằn lửa”.