Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Lương y như từ mẫu

Xin cho biết nghĩa của hai chữ “từ mẫu” và tại sao nói “lương y như từ mẫu”?

Về hình thức cú pháp thì từ mẫu là danh ngữ; chỉ xin chú ý rằng, hiện nay, tiếng Hán có hai danh ngữ từ mẫu đồng âm, tạm ghi là từ mẫu 1từ mẫu 2. Cách đây 17 năm, trên Kiến thức Ngày nay số 128 (1/1/1994), trả lời câu hỏi về “tam phụ bát mẫu”, chúng tôi đã viết:

“Bát mẫu (tám mẹ) là: đích mẫu (mẹ ruột), kế mẫu (mẹ ghẻ), dưỡng mẫu (mẹ nuôi), từ mẫu (mẹ là vợ lẽ của cha nhận nuôi mình như con ruột theo ý của cha; đây không phải là “mẹ hiền”), giá mẫu (mẹ đi lấy chồng khác), xuất mẫu (mẹ bỏ nhà đi hoặc bị đuổi ra khỏi nhà), thứ mẫu (mẹ là vợ lẽ của cha) và nhũ mẫu (mẹ cho bú = vú nuôi).

Luật nhà Thanh đã phân biệt (tam phụ, bát mẫu) như trên để quy định tang phục cho người con hoặc người được coi là con. Chú ý: Xét theo từ nguyên thì kế mẫu là mẹ kế sau khi mẹ ruột đã chết hoặc không còn ở với cha, còn thứ mẫu là vợ lẽ của cha ngay cả khi mẹ ruột còn sống hoặc còn ở với cha. Ngày nay người ta vẫn nói kế mẫu thay vì thứ mẫu”.

Khái niệm “mẹ” mà chúng tôi nói đến trong câu trả lời trên đây là từ mẫu 1. Câu trả lời này phụ thuộc vào câu hỏi chung về tam phụ bát mẫu nên chúng tôi mới liên hệ đến luật nhà Thanh chứ thực ra thì từ mẫu 1 là một danh ngữ đã có từ rất lâu đời, như sẽ thấy bên dưới. Cách hiểu theo từ nguyên dân gian đã sản sinh thêm từ mẫu 2 là một danh ngữ được hiểu chung chung là mẹ, dĩ nhiên là mẹ ruột. Người ta cứ ngỡ rằng, từ trong từ mẫu 1 cũng chính là chữ từ trong thành ngữ phụ nghiêm mẫu từ (cha gắt mẹ hiền) nên cứ nghĩ rằng từ mẫu có nghĩa là “mẹ hiền”. Chính vì lối hiểu dân dã, thông tục này mà nhiều khi ta gặp những cách giảng rất đơn giản: “Cổ vị phụ nghiêm mẫu từ, cố xưng mẫu vi từ mẫu” (xưa nói cha gắt mẹ hiền, do đó gọi mẹ là từ mẫu), hoặc “Từ mẫu tựu thị từ tường đích mẫu thân” (từ mẫu chính là người mẹ hiền lành [của mình]). Sự mở rộng nghĩa này làm cho danh ngữ từ mẫu 1 đi rất xa với nghĩa gốc của nó mà trở thành từ mẫu 2. Hiện tượng này đã là đề tài cho một bài viết rất thú vị của Quách Xán Kim (郭灿金) trên Báo “Trung Quốc Giáo dục” nhan đề “Hán ngữ trung ngộ dụng suất tối cao đích từ: từ mẫu bất thị sinh mẫu, thị dưỡng mẫu” (từ dùng sai có tần suất cao nhất trong tiếng Hán: Từ mẫu không phải mẹ ruột [mà] là mẹ nuôi).

Quách Xán Kim cho biết sách Nghi lễ đã giảng như sau: “Cái (khái niệm) gọi là “từ mẫu” là gì? Dạy rằng: Người thiếp không có con, con của (một) người thiếp không (còn) mẹ, người chồng dặn người thiếp (rằng) nàng hãy nhận đứa bé này làm con, lại dặn đứa con (rằng) mày hãy nhận (người [thiếp] đó) làm mẹ”.

Rồi tác giả viết tiếp: “Do đó mà biết rằng, không phải bất cứ người đàn bà nào cũng có thể trở thành từ mẫu, cũng như không phải bất cứ đứa trẻ nào cũng đều có thể có từ mẫu. Để trở thành từ mẫu, phải có những điều kiện sau đây, thiếu một cũng không được: – phải có người chịu thân phận làm thiếp; – (người thiếp này) không có con hoặc không có khả năng sinh sản (ít nhất cũng là không sinh được con trai); – quan trọng hơn nữa là người chồng còn phải có một người thiếp khác mà người thiếp này khi qua đời có để lại một đứa con trai. Khi đã đủ những điều kiện đó rồi, lại còn cần người chồng dặn dò (người thiếp kia): “Này cưng, nàng hãy nhận đứa trẻ chết mẹ này làm con của chính mình mà nuôi dạy đi!”.

Thế là ta có hai danh ngữ từ mẫu: từ mẫu 1từ mẫu 2, mà từ mẫu 2 thì bắt nguồn từ từ mẫu 1. Tuy vẫn còn được bảo lưu, nhất là trong thư tịch, nhưng cái nghĩa của từ mẫu 1 cũng có phai mờ dần theo thời gian, đặc biệt là từ đời Đường trở đi. Vì vậy cho nên trong bài thơ “Du tử ngâm” của Mạnh Giao đời Đường, trong hồi thứ 12 của Nhi nữ anh hùng truyện, hoặc trong bài “Đáp Vương Thập NhịHàn dạ độc chước hữu hoài”” của Lý Bạch, v.v…, thì danh ngữ từ mẫu chỉ còn là từ mẫu 2 mà thôi. Danh ngữ từ mẫu 2 đồng nghĩa với danh từ mẫu (= mẹ [ruột]), có khi còn nói tắt thành từ như trong bài thơ “Ký Kiền Châu, Giang Âm nhị muội” của Vương An Thạch đời Tống hoặc bài “Thân ngâm sàng đệ văn gia từ bệnh” của Chu Lượng Công đời Thanh, v.v… Cái xu hướng này đã chiếm ưu thế từ lâu và cái bằng chứng thuộc loại mới nhất mà chúng tôi lấy được ở trên mạng là vụ án gây xôn xao tại huyện Đông Quán, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc với hàng tít “Từ mẫu nịch tử án” (Vụ án mẹ ruột dìm [chết] con đẻ) trên các tờ báo (tin ngày 3/6/2011).

Vậy thì từ mẫu trong câu “Lương y như từ mẫu” là từ mẫu 1 hay từ mẫu 2. Chúng tôi cho rằng, đây là từ mẫu 2 vì cái lý do chủ yếu là không thấy nó được dẫn ra từ một tác phẩm kinh điển nào cả, đồng thời vì lý do nó ra đời sau khi từ mẫu 1 đã lui vào hậu trường để nhường sân khấu cho từ mẫu 2. Đây là “Thầy thuốc như mẹ hiền (= ruột)”, một phương châm để khuyến cáo và khích lệ người thầy thuốc chăm sóc người bệnh với một tinh thần tận tụy như của một người mẹ ruột chăm lo cho con cái của mình. Chúng tôi tin ở cách hiểu này còn vì một lý do nữa: Câu “Lương y như từ mẫu” cũng gần nghĩa với câu “Y giả phụ mẫu tâm” (thầy thuốc [có] tấm lòng của cha mẹ), đều có ý so sánh sự quan tâm của người thầy thuốc với người bệnh như tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái.

Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Anh Bằng qua lời kể của Lê Dinh

Đầu năm 1966, một ngày vào khoảng giữa trưa, lúc tôi đang làm việc trong phòng Sản Xuất, đài Phát thanh Sài Gòn, có một anh quân nhân, mặc sắc...

Tâm rộng như biển, gió mát tự tìm tới

Kỳ thực, trong cuộc sống của chúng ta không hề có nhiều khán giả như vậy, cũng không cần phải ngụy trang nhiều như vậy. Hãy sống đơn giản một...

Chuyện thật và bịa về trang phục các Vua nhà Nguyễn

Gần đây có một bộ tranh chân dung của các vua triều Nguyễn được vẽ mới và phổ biến, thu hút được nhiều sự chú ý của người xem. Nếu...

Một truyện ngắn đầu tiên của Văn Học Việt Nam

Ông Huỳnh Tịnh Của khi viết cuốn Chuyện Giải Buồn đã gom góp lại những chuyện nầy nọ do ông nghĩ ra hay do ông lấy trong sách Tàu, nhưng điều ông...

Chùa Vĩnh Nghiêm – ngôi chùa nổi tiếng nhất Sài Gòn

Tiêu biểu cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện đại, chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa thu hút lượng du khách đông đảo hàng đầu của Sài Gòn. Tọa...

“Bàng hoàng” hay “bàn hoàn”?

“Bàng hoàng” là một từ rất quen thuộc đối chúng ta. Vì vậy, khi bắt gặp từ “bàn hoàn” ta không khỏi nghi ngại rằng đây là từ sai chính...

9 cách xử trí thông minh với người thô lỗ

Trong cuộc sống phức tạp, có những lúc bạn sẽ đụng phải những người thô lỗ làm bạn chỉ muốn hét vào mặt họ cho hả. Nhưng cách đó có...

Vài nét về việc thi võ ở Đại Việt thời xưa

Đại Việt có một lịch sử nhiều binh đao, và người Việt xưa cũng vì thế mà coi trọng võ học. Tuy nhiên hệ thống thi cử tuyển võ quan...

Nên xử thế nào?

Thầy Mạnh Tử hỏi vua Tuyên Vương nước Tề rằng: Giả sử có người bầy tôi nhà vua, đem y thực của vợ con ký thác cho người bạn thân,...

Chuyện chưa biết về Nam Phương Hoàng Hậu

Câu chuyện một con tem Cách đây hơn nửa thế kỷ, đúng ra là vào khoảng những năm 1943-1946 gì đó, tôi đang chỉ là một chú bé nhà quê....

Tứ bất tượng – 4 điểm biến chất của các trường đại học Trung Quốc

Nói về giáo dục đại học ở Trung Quốc, từng có một câu bình luận như "hy vọng đi vào, thất vọng đi ra". Điều này cho thấy sự bất...

Hoàng Oanh – Một đời âm nhạc

Tiếng hát và kỷ niệm Bài viết dài và công phu này của tác giả Duy An, thống kê chi tiết được hầu như tất cả hoạt động âm nhạc...

Exit mobile version