Thành ngữ này ý chê người viết chữ xấu, nguệch ngoạc, thiếu nét, chẳng có hàng lối.
Chuyện kể:
Một đêm cậu ấm học bài rả rích. Con bò nghe tiếng bảo con gà:
– Thằng này nó đi thì thì mày chết trước. Nó thi đỗ thì tao chết sau. Mầy biết sao không?
Gà ra chừng không hiểu, bò liền giải thích:
– Khi nó đi thi thì chắc ông chủ sẽ giết mày làm lễ cáo tổ. Còn như nó thi đỗ thì chắc tao sống sao được, nó khao cả làng.
Con gà bèn nói:
– Mày ngủ mày biết đâu đấy. Chớ tao thức, tao biết cả. Này nhé. Nó học cũng chỉ như mày, mà nó viết cũng chỉ như tao, chắc nó không dám vác lều chõng đi thi đâu mà sợ.
Bò hỏi:
– Học như tao, viết như mày là thế nào?
Gà đáp:
– Học dốt như mày thì ai chả biết. Còn viết như tao, thì mày cứ xem tao bới như thế nào thì nó viết như thế! (1)
Xưa và nay người ta đều có luận điểm: nét chữ nết người. Quả là chữ đẹp dễ đọc, dễ mến, đánh giá được phần nào tính chăm chỉ, cẩn thận, siêng năng. Vậy nên giáo dục nước nhà mới có phong trào “vở sạch chữ đẹp”. Tuy nhiên giới trẻ ngày nay lại chuyên chú tâm đến công nghệ chứ ít chú tâm đến luyện chữ rèn người. Vậy nên học sinh rèn viết chữ đẹp là việc cần làm.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh,
NXB Thông tấn
(1) Theo “Truyện cổ nước Nam” của Ôn Như Nguyễn Văn Học, NXB Văn Học, 2003