Tết Bính Tý (1996), tôi có đọc bài “Ngày Tết bàn chuyện rượu và thơ” của tác giả Bùi Đẹp đăng trên tạp chí Cẩm Thành số 7 do ngành Văn hoá thông tin tỉnh Quảng Ngãi ấn hành. Trong bài (trang 19) có đoạn nguyên văn như sau: “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu/ Thi kiến đồng tâm bán cú đa”.
Nghĩa là: “Uống rượu gặp người tri kỷ ngàn chén vẫn ít/ Làm thơ vắng bạn đồng tâm nửa câu vẫn nhiều”.
“Thi kiến đồng tâm” mà dịch là “làm thơ vắng bạn đồng tâm” thì có đúng hay không?
Đúng ra thì phải là:
Thi khiếm đồng tâm bán cú đa.
Khiếm 欠 là thiếu, vắng. Thí dụ: khiếm diện là vắng mặt, khiếm nhã là thiếu lịch sự, khiếm đồng tâm là thiếu bạn đồng tâm. Có lẽ do hai tiếng phát âm na ná với nhau nên tác giả đã nhầm khiếm thành “kiến” chăng? “Kiến đồng tâm” là thấy bạn đồng tâm, gặp bạn đồng tâm, hoàn toàn trái ngược với “khiếm đồng tâm”. Đã “kiến đồng tâm” thì phải để cho nguồn thơ lai láng tuôn trào chứ sao lại là “bán cú đa”?
Sách Tục ngữ Hoa – Việt do Nguyễn Lập Sơn và Dư Phát Linh sưu tầm và biên soạn (Nxb. Văn học, Hà Nội, 1993) có cho một dị bản như sau:
“Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Thoại bất đầu cơ bán cú đa
Rượu gặp tri âm nghìn chén ít
Chuyện chẳng hợp nhau nửa câu cũng rườm”. (Sdd, tr. 228)
Cùng một nội dung với hai câu mà tác giả Bùi Đẹp đã nêu, Tục ngữ Hoa – Việt còn có hai câu theo thể ngũ ngôn như sau:
“Tửu phùng tri kỷ ẩm
Thi hướng hội nhân ngâm.
Rượu uống với tri kỷ,
Thơ ngâm cùng bạn thơ” (Sdd, tr. 228)
Trong Tăng quảng hiền văn… (Chúng tôi sử dụng bản của Yên Sơn xuất bản xã, Bắc Kinh, 1995.) hai câu trên còn được nối bằng hai câu sau đây:
“Tương thức mãn thiên hạ,
Tri tâm năng kỷ nhân”.
nghĩa là: Biết nhau đầy thiên hạ, Hiểu lòng nhau mấy người?”.