“Thiết tha ” là gì ? Là từ gốc Hán viết là 切 磋 , trong đó: thiết là cắt; tha là mài.
Từ này xuất phát từ bài thơ “Kỳ úc 1″ trong Kinh Thi, viết rằng:
“…Như thiết như tha
Như trác như ma.
Sắt hề! Hạn hề!
Hách hề! Hoán hề!
Hữu phỉ quân tử,
Chung bất khả huyên hề!”
Về nguồn gốc, “thiết tha” trong bài này vốn dùng để ca ngợi Vệ Vũ công (vị vua thứ 11 của nước Vệ – chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc) là người biết trau dồi tài đức nên được nhân dân yêu mến nhớ nhung đến mức trong lòng đau như cắt như mài.
Như vậy, “tha thiết” (hay “thiết tha”) là một từ gốc Hán (磋 切 – “tha”: mài dũa, nghiên cứu kĩ; “thiết”: cắt, khắc vào) đã được “Việt hóa” – “thiết tha”: quyến luyến, săn sóc; hết lòng. Chữ Nôm ghi “tha thiết” cũng có tự dạng như chữ Hán (磋 切). Trong tiếng Việt còn nhiều trường hợp biến đổi nghĩa như thế ( như “thủ đoạn”, “cường điệu”, “đáo để”, “tử tế”, đinh ninh”, “lịch sự”,v.v…)
Nhưng khi gia nhập tiếng Việt, từ này lại có nét nghĩa khác với ở Trung Quốc. “Thiết tha” trong tiếng Việt chỉ sự gắn bó hết lòng, luôn luôn nghĩ đến, quan tâm đến ai đó hay việc gì đó, ngoài ra còn mang nghĩa mong mỏi, mong được đáp ứng, cho nên mới có cách nói “tôi tha thiết mong anh”, hoặc là “tôi chả thiết tha gì nữa”. Nói chung hầu như chẳng còn cắt hay mài gì hết.
Đôi khi “thiết tha” bị đảo thành “tha thiết” và có một biến âm là “da diết”.