“Tích thiểu thành đa” thường bị hiểu và đọc sai thành tích tiểu thành đại.
Để dành những món nhỏ sẽ có lúc được một món lớn. Trong đời sống có quá nhiều thứ để mua, để trao đổi, nhưng có những thứ hợp với mục đích để dành hơn thứ khác. Có những thứ tự nó sinh sôi ra khi tích luỹ nên việc tích luỹ sẽ dễ dàng hơn.
Cẩn thận với lối sống hoang phí
Một trong những điều quan trọng mà mọi người có thể làm chính là luôn giữ cho các khoản chi phí sinh hoạt ổn định và phù hợp với mức thu nhập của bản thân
Nếu như bạn kiếm được nhiều tiền, tất nhiên là bạn có quyền tự do tiêu tiền theo cách bạn muốn, miễn là lối sống của bạn không vượt quá mức thu nhập của mình.
Nói tóm lại: Hãy tiêu tiền thấp hơn mức thu nhập của bản thân.
Có người lương tháng vài chục triệu đồng hoặc có người kinh doanh với khoản lợi kếch xù chỉ trong một thời gian ngắn nhưng nếu tiêu xài hoang phí, không xác định rõ thứ gì nên mua, việc gì nên chi để sử dụng đồng tiền một cách hợp lý thì sẽ không có tích lũy.
Ngược lại, có người lương thấp hơn hoặc làm ăn buôn bán nhỏ lẻ nhưng nhờ tiết kiệm, dùng đồng tiền một cách khôn ngoan, cuối cùng “tích thiểu thành đa”, “góp gió thành bão” mà sự giàu có vốn là quá trình tích lũy thường xuyên, liên tục. Lại có người khi có nhiều tiền thì sử dụng một cách hoang phí vào các cuộc chơi vô bổ, các tệ nạn xã hội như ma túy, sắc gái… hoặc do lòng tham muốn có được nhiều tiền nhưng không phải đổ mồ hôi qua một canh bạc thì từ chỗ là người đầy tớ trung thành, đồng tiền trở thành con rắn độc quay lại cắn ta, biến ta thành kẻ trắng tay lúc nào không hay.
Bởi vậy, muốn được giàu có ta phải siêng năng làm lụng và tiết kiệm, sử dụng khéo léo, khôn ngoan đồng tiền để nó trở thành công cụ tiếp tục kiếm ra tiền mà không rơi vào sai lầm mà con người thường hay mắc phải là tay phải làm ra tay trái vãi đi.
Về ngữ nghĩa Đại-Tiểu (Lớn-Nhỏ) là chỉ về kích thước một vật thể. Còn Thiểu-Đa (Ít-Nhiều) lại là nói về số lượng. Ý nghĩa câu này là khuyến khích sự tích góp như bỏ ống chẳng hạn… nên không thể để dành một cái gì đó nho nhỏ mà lâu ngày nó tự lớn lên được chỉ có thể là gom góp nhiều thứ để có được “Đa” – nhiều hơn mà thôi. Vì vậy “Tích tiểu thành đại” là một cách nói sai.
Câu nói “Tích thiểu thành đa” có ý khuyên răn người đời sống phải biết tiết kiệm – tích lũy để phòng khi có chuyện cấp bách để có mà dùng đến, đừng tiêu xài hoang phí để rồi cả một đời thiếu thốn khổ sở.