Chúng ta được biết trong một phiên toà, chiếc bục để bị cáo đứng tường trình, khai báo được gọi là “Vành móng ngựa”. Nhưng tên này có ý nghĩa gì? Liệu có nó liên quan gì đến pháp lý, tội phạm hay không?
Theo báo Kiến Thức, tên gọi “vành móng ngựa” xuất phát từ thời La Mã cổ đại. Ngày ấy, người ta xử tội phạm nhân bằng cách cột chân tay vào bốn con ngựa rồi cho chạy theo bốn phía để thân xác bị xé tan tành. Hình phạt này còn gọi là “tứ mã phanh thây”. Bởi vậy dùng hình ảnh “vành móng ngựa” là để nhắc nhở về hình phạt xưa, hòng răn đe phạm nhân thành thật khai báo. Tuy nhiên giả thuyết này khá vô lý, vì “móng ngựa” không thực sự nổi bật trong trường hợp này, đúng ra phải gọi là… “chân ngựa” mới phải.
Tác giả Nguyễn Trung Hiếu đưa ra một quan niệm hợp lý hơn. Ông viết: “Ở châu Âu, người dân nhiều nước sử dụng chiếc móng ngựa, khi treo trên tường hoặc phía trước cửa ra vào nhà, xem như một công cụ linh thiêng bảo vệ gia chủ khỏi sự xâm phạm của cái ác và cái xấu. Ngoài ra với hình chữ U, khoảng không bên trong sẽ lưu giữ sự may mắn.
Một truyền thuyết công giáo cho biết Thánh Dunstan đã giam giữ một con quỷ nhỏ vào chiếc móng ngựa và treo nó lên cửa nhà. Từ đó các tín đồ sử dụng chiếc móng ngựa như một công cụ để xua đuổi ma quỷ quấy nhiễu. Ngoài ra, chiếc móng ngựa có hình dạng giống ký hiệu Omega (Ω), mẫu tự cuối trong bảng mẫu tự Hy Lạp, tượng trưng cho sự kết thúc, hoàn tất.
…
Từ tập quán lâu đời của người châu u về chiếc móng ngựa, kết hợp với các nguyên tắc pháp lý được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia, chiếc vành móng ngựa đặt trước mặt bị cáo trong phiên tòa được hiểu như biểu trưng của nguyên tắc “suy đoán vô tội”, hàm ý bảo bọc chở che người vô tội trước định kiến (nếu có) của người cầm cân nảy mực, đồng thời chính nó cũng sẽ là vật cầm giữ cái xấu hay sự kết thúc một tội ác, chống lại con người; biểu hiện cho nền văn minh nhân loại, thể hiện dưới góc độ luật học”.
Vậy, “vành móng ngựa” là cách gọi nêu cao tinh thần bảo bọc người vô tội và kết thúc tội ác.