Dân gian thường truyền nhau câu “có mà đến mùa quýt” để chỉ sự việc còn lâu lắm mới xảy ra, thậm chí có thể không bao giờ xảy ra. Nhưng tại sao không phải một thời điểm nào khác?
Có ý kiến cho rằng câu này lấy từ một bộ phim mang tên “Mùa quýt chín”, trong đó những nhân vật chính đã hẹn gặp nhau khi mùa quýt lại về. Tuy nhiên theo tìm hiểu, ta thấy rằng câu “có mà đến mùa quýt” đã có từ rất lâu, ít nhất là từ thập niên 70, trong khi bộ phim “Mùa quýt chín” lên sóng vào những năm thập niên 90.
Như vậy ý kiến này không hợp lý. Lại có người khẳng định: “quýt” ở đây là một từ cổ của vùng Bình Định, Phú Yên nghĩa là “xa vời”, như trong “lạ quắc lạ quýt”.
Tuy nhiên chưa có tài liệu nào chứng minh điều này, và lại nếu đúng như thế thì từ “quýt” với nghĩa “xa lạ” cũng phải lan truyền rộng rãi như chính câu “có mà đến mùa quýt” chứ sao lại tuyệt tích như vậy! Một số đông khác lại nhận định “quýt” ở đây xuất phát từ “quỵt” trong “quỵt nợ”. Bị người khác quỵt tiền thì tất nhiên có chờ đến bao lâu họ cũng không trả, nên mới có liên hệ giữa “quỵt” và “quýt”.
Nhưng rõ ràng, “chờ đến mùa quýt” đâu phải chỉ có chờ trả tiền, và lập luận “mùa quýt” là “mùa quỵt” nghe thật vụng về và khó chấp nhận. Nhiều khả năng lối diễn giải đó chỉ xuất hiện sau này do sự đồng âm mà ra. Bản thân chúng tôi thì đồng tình với quan điểm cho rằng “chờ đến mùa quýt” ở đây chính là “chờ đến Tết”.
Người xưa quan niệm Tết là một điều gì rất đáng mong mỏi, và thường rất xa, vì một năm trôi qua ba ngày đầu là phải chờ một quãng dài mới được ăn Tết tiếp. Bởi thế mới có cách nói “xài đến Tết cũng không hết”, “ăn đến Tết cũng được”… Cũng vậy, chờ đến Tết là chờ một cái gì rất xa.
Về sau, người ta dần cảm thấy Tết vẫn còn có thể đợi được, chưa đến mức quá xa xôi nên người ta mới biến đổi thêm thành “có mà đến Tết Công-gô”, “Có mà đến Tết Ma-rốc”… Tất nhiên những nước này làm gì có Tết, họ chỉ ăn năm mới thôi. Nhưng cái chính là họ ở xa chúng ta, nên có thể tăng thêm sắc thái xa xôi cho câu nói.
(Tham khảo từ nhiều nguồn)