Theo nguyên tắc dùng hộp thẻ này, giữa hai lần học phải cách nhau tối thiểu 8 tiểng, đủ thời gian để não bạn được nghỉ ngơi và có thể bắt đầu chu trình lặp mới. Sẽ dễ dàng để hôm nay học và mai vẫn nhớ, nhưng để 1 tuần sau thì nó sẽ hoàn toàn trôi khỏi đầu. Nên có thể học các thẻ ở ngăn thứ 2 cách 2 ngày, khoang thứ 3 cách 4 ngày, khoang thứ 4 cách 8 ngày. Nếu bạn ôn và kiểm tra lại thì đúng điểm ‘trôi trí nhớ’ ấy, việc học được lặp lại sẽ duy trì sự ghi nhớ lâu dài. Học theo cơ chế này sẽ đẩy bạn lên lịch liên tục đủ đến khi hết hộp thẻ, vừa đo lường được rõ ràng, mà lại biết điểm dừng ở đâu khi học.
Các chuyên gia khuyên là mỗi ngày không nên học quá 20 – 40 từ vựng. Trong khoang thẻ đầu tiên cũng nên chỉ có khoảng ngần ấy thẻ, cho tới khi tất cả thẻ đưa vào khoang cuối cùng.
Giữ được ‘vận tốc’ đều đặn này là nỗ lực không phải ai cũng duy trì được. Hôm nay Mik còn giới thiệu một hình thức cần nhiều nỗ lực hơn thế nữa cơ (hà hà, để thách thức đấy mà). Đó là việc tự phát triển các thẻ học này thành phương pháp học cá nhân hoá khi bước lên trình độ học ngoại ngữ cao hơn. Bài hôm nay Mik dùng tiếng Đức làm minh hoạ, nhưng bạn hoàn toàn áp dụng cách này cho mọi ngôn ngữ từ tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp hay tiếng Khmer nhé.
Những thẻ học thông thường là những từ vựng có kèm hình ảnh mọi đồ vật xung quanh, giúp bạn nhanh chóng nhận ra và nhớ chúng. Những hình ảnh này rất quan trọng vì não của chúng ta kích thích nhanh hơn khi tiếp nhận những tác động hình ảnh.
Vì vậy, tôi rất coi trọng việc học mà có sự tương tác cao với màu sắc và các thẻ học, thay vì chỉ dựa vào một quyển sách nhàm chán.
Hầu hết các hình ảnh có thể minh hoạ ở trình độ cơ bản, nhưng càng học cao lên, các từ càng phức tạp hơn nhiều so với cái bút, con kiến; ví dụ bạn khó tìm hình minh hoạ cho ‘sự nghiệt ngã’ được. Ở trình độ cao hơn, các cụm từ, cách diễn đạt… lại càng đa dạng hơn nhiều (sao lại có thể phức tạp thế cơ chứ hixhixxx).
Chẳng nhẽ thẻ học chỉ có thể dừng lại ở các từ vựng cơ bản ư? Ứng dụng thẻ học cho từ vựng ở trình độ cao hơn thế nào?
Câu trả lời là không chỉ dừng ở minh hoạ mộtt từ, hãy đưa cả ngữ cảnh của câu vào các thẻ học và làm nổi bật từ bạn muốn học lên.
Giống như các bạn học sinh ở Đức từ nhỏ đã được làm quen với việc viết những thẻ học nhỏ để tiện ôn tập và ghi nhớ một cách hệ thống. Chúng ta sẽ áp dụng kiểu học này nhé!
———————————
Vứt bỏ sách giáo khoa
Chúng ta thường có một thói quen huyền thoại là: ở một trang sách nào đó, chúng ta tra từ mới và dùng bút chì (thậm chí dùng hẳn bút bi) viết nghĩa vừa tra được vào ngay cạnh từ đó.
Những từ này chen chúc nhỏ to, lên xuống khắp nơi ở một cuốn sách dày. Kết quả là khi muốn ôn lại, chúng ta đều thấy nản vô cùng khi phải ôm cả cuốn trăm trang lên.
Việc quá nhiều từ mới chen chúc giống như một tủ quần áo bừa bộn quá nhiều loại chồng chéo lên nhau. Khi xem lại thì không biết bắt đầu từ đâu, cũng chẳng biết cái nào đã sử dụng rồi. Điều này y hệt trong não người học. Kết quả là sau khoá học, tất cả đều hỗn loạn và trôi đi. Chúng ta cố giữ lại cuốn sách như thể nó sẽ giúp mình nhớ được mọi thứ, nhưng không bao giờ, chúng chỉ là mớ hỗn độn mà thôi.
Để thực sự học, việc đơn giản là chúng ta phải (1) sắp xếp để dễ tra cứu và tổng hợp và (2) đảm bảo có thể lưu trữ được, xem lại được. Những tấm thẻ nhỏ có thể đảm bảo tốt cả hai tiêu chí này. Cụ thể, thay vì việc trực tiếp viết vào sách, tôi chuyển một bài đọc lớn thành từng đoạn nhỏ trong 1 thẻ học. Sau đó dùng ghim để nhóm các thẻ này thành một bài để tiện ôn tập.
Từ đây, bạn có thể áp dụng Phương pháp thẻ học 5 ngăn để thường xuyên lật lại các thẻ học này.
Ưu điểm: Nhớ dai và nắm được cách diễn đạt chuẩn. Bản thân khi tự viết lại nội dung là bạn đã bắt đầu một lần học. Tra từ vựng là lần học thứ 2. Đọc hiểu là lần học thứ 3. Sau đó ôn tập thường xuyên. Cho đến khi bạn có thể bỏ thẻ học đó đi và vẫn nói được cả câu diễn đạt, đây là bước quan trọng nhất trong việc học. Do đó cách học này hiệu quả hơn nhiều việc chỉ học 1 từ mới, không có ngữ cảnh, không có ứng dụng gì cả. Cách học cả cụm câu giúp bạn có cách diễn đạt tự nhiên của người bản xứ dần dần nhớ sự quen thuộc kết nối các từ và cụm từ.
Nhược điểm: vô cùng mất thời gian, đòi hỏi kiên nhẫn viết (mặc dù việc tự viết ra rất là thích, nhưng phải mất cả buổi để có được tầm 10 thẻ học).
Tôi khắc phục nhược điểm chậm này bằng cách ăn bớt thời gian viết. Đó là in cả bài đọc ra thành một thẻ học và tra từ. Thao tác viết có thể ăn gian, nhưng không thể bỏ qua bước tự diễn đạt nội dung khi bỏ thẻ học, và phải duy trì việc ôn tập theo thẻ học nhé!
Tuy nhiên, các bài in ra không nhất thiết phải chằng chịt chữ như vậy, hãy sưu tầm các tờ báo hấp dẫn hơn. Cách này là Mik học từ một lần tới nhà một bạn người Đức có bạn gái cũng đang học tiếng Đức tới B2. Cô bé ấy cắt các mẩu báo ra và dán đầy lên tường để học từ.
——————————–
Mở rộng hơn, học ngoại ngữ còn nội dung khác mà chúng ta phải đương đầu: ngữ pháp. Vậy có thể biến đổi nội dung này với các thẻ học như thế nào?
Phần này tương tự như cách Mik đã viết lại nội dung sách. Bạn cần đọc hiểu các nội dung ngữ pháp và tóm tắt lại vào những thẻ học lớn, sao cho đủ rộng để mô tả một phạm vi ngữ pháp, nhưng cũng dễ tách ra để ôn tập.
Khi viết tổng hợp lại, tự động trong đầu Mik hệ thống hoá rõ ràng các mục ngữ pháp. Mặc dù trí nhớ kém và hay quên, nhưng cách hệ thống này giúp Mik hiểu và tra cứu tốt khi làm các bài tập.
Bài viết về sự kinh dị của động từ trong tiếng Đức là Mik viết trong lúc làm trang tổng hợp này.
Tiếng Đức có rất nhiều động từ yếu, nhưng có kha khá những động từ vừa yếu vừa bất qui tắc nên nó biến đổi trông giống động từ mạnh nhưng khi dùng thì chia như động từ yếu.
Trong nhóm này, còn khó nhớ hơn cả vì có động từ lúc đầu không giống nhau, nhưng khi chia lại thành na ná y hệt nhau, chỉ khác cái đuôi.
Ngược lại, nhiều động từ trông giống nhau lúc đầu nhưng khi dùng lại khác nhau vì một cái tách được còn một cái không.
Để phong phú thì cũng thi thoảng có động từ lại thích vừa chuyển động được vừa mạnh, như brechen, fliegen, nhưng có động từ chuyển động được nhưng lại vừa yếu và bất qui tắc như rennen. Kinh dị hơn là có nhóm động từ chuyển động được nhưng thi thoảng lại vừa không chuyển động được.
Thậm chí, Mik cũng dùng các bút màu để làm bài tập. Các bài tập này là những mẫu câu chuẩn để sử dụng, cũng cần được ghi nhớ.
Như ban đầu có nhắc tới, những thẻ học lớn nhỏ này được vận dụng rất linh hoạt. Có lần đi học, tôi đã ngạc nhiên khi thấy một người bạn đi học mà không có vở, chỉ đặt những chồng thẻ và viết vào đó. Vì vậy, hãy cứ sáng tạo cách học theo một xì tai rất riêng của bạn nhé!