Đoàn Thị Điểm là con gái thầy học của Trạng Quỳnh, tính tình đoan trang lại giỏi chữ nghĩa. Những câu chuyện về Trạng Quỳnh và bà Đoàn Thị Điểm hầu hết gắn liền với câu đối.

Về mặt nhân học, nghe câu đối có thể đánh giá được người quân tử hay kẻ tiểu nhân, người có chí hay kẻ tầm thường… Về mặt văn học, câu đối là chắt lọc của từ ngữ: thường chỉ một câu với rất ít chữ nhưng lại nhiều ý nghĩa, và một điều quan trọng đó là có những cái “bẫy” được đặt ra trong câu đối như từ đồng âm khác nghĩa, từ tượng thanh, tượng hình hay thanh bằng, thanh trắc… Vì có những đặc thù như vậy cho nên có vẻ câu đối chỉ hợp với nho học hoặc Hán Việt còn khi sử dụng tiếng thuần Việt thì khó có thể có được câu đối hay.

Có thể kể ra một số cuộc “đối đầu” thú vị về câu đối giữa Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh:

1. Chuyện thứ nhất:

Truyện kể rằng ông đồ Nghi (cha của Đoàn Thị Điểm) mở trường dạy học rất đông học trò bởi vì ông vừa dạy giỏi vừa có tư cách sáng ngời, mặt khác ông còn có con gái đẹp mà tài văn thơ lẫy lừng nức tiếng từ nhỏ. Để gây ấn tượng mạnh đối với thầy đồ và con gái, mỗi buổi bình văn của thầy đồ, Quỳnh khăn áo tề chỉnh tới dựa gốc bàng trước cổng chăm chú nghe. Thấy lạ, thầy đồ cho học trò gọi Quỳnh vào nhà hỏi họ tên và mục đích muốn làm gì. Quỳnh xưng tên và nói mình là nho sinh muốn theo học nhưng thiếu người tiến dẫn nên không dám đường đột. Ông đồ Nghi bảo :

– Anh là nho sinh có lòng hiếu học, nếu quyết muốn học thì ta ra câu đối này, đối được ta sẽ cho nhập học.

Quỳnh xin vâng. Ông đồ đọc :

-“Thằng quỷ ôm cái đấu đứng cửa khôi nguyên”.

Trong tiếng Hán, chữ “quỷ” ghép với chữ “đấu” sẽ thành chữ “khôi”. Quỳnh suy nghĩ rất nhanh rồi liến thoắng đáp :
– “Con mộc tựa cây bàng dòm nhà bảng nhãn”.

Tiếng Hán chữ “mộc” chắp với chữ “bàng” thành chữ bảng. Thầy đồ khen ngợi Quỳnh và nhận vào học.

Từ đó, dân gian có cớ tô vẽ thêm cho nhân vật Trạng Quỳnh thành huyền thoại với mối tình thơ văn đối đáp giữa Trạng Quỳnh và Đoàn Thị Điểm, mà kẻ bị đo ván luôn luôn là Trạng Quỳnh, do đó mà uy tín bà Điểm càng tăng cao.

2. Chuyện thứ hai:

Một ngày từ phòng học, Quỳnh nhìn qua cửa sổ sang phòng cô Điểm thấy Điểm vén rèm cửa sổ ngồi trước bàn, hai cửa sổ trông thẳng sang nhau. Quỳnh mở lời tán xin qua bên ấy chơi. Điểm đề nghị đọc 1 vế đối nếu đối được sẽ mở cửa mời qua, Quỳnh nhận lời. Điểm ra vế đối :

– “Hai người ngồi song song hai cửa sổ”

(Chữ “song” tiếng Hán là hai, đồng âm với chữ “song” nghĩa là cửa sổ. “Song song” tiếng Hán có nghĩa là 2 cửa sổ lại đồng âm với “song song” là sóng đôi nhau).

Quỳnh tịt mít nghĩ mãi không ra.

3. Chuyện thứ ba:

Một buổi trời khuya Quỳnh trèo tường sau nhà thầy đồ định rình phòng cô Điểm, bị chó lao ra sủa. Quỳnh sợ quá leo lên cây cậy tránh. Điểm ra tựa cửa nhìn thấy Quỳnh trên cây, bụm miệng cười. Quỳnh bám mỏi tay, năn nỉ Điểm xua chó đi cho mình tuột xuống, Điểm lại đòi ra câu đối, đối được sẽ tha. Vế đối ra như sau :

– “Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy, má đỏ hồng hồng”.

(Cây cậy gần gống cây hồng, trái cậy cũng màu đỏ, chữ “hồng” tiếng Hán là màu đỏ).

Quỳnh đối không được, bị ngồi trên cây tới gần sáng, Điểm mới ra xua chó cho xuống về nhà.

4. Chuyện thứ tư:

Hôm khác Quỳnh đang ba hoa với bạn học về việc trêu chọc cô hàng Mật trên phố Mía thì Điểm tới, Điểm đọc luôn vế đối :

-“Lên phố MÍA gặp cô hàng MẬT, cầm tay KẸO lại hỏi thăm ĐƯỜNG”.

(Một vế đối có đủ mía, mật, kẹo, đường-toàn là của ngọt cả! Lại thêm, “kẹo” tiếng địa phương nghĩa là kéo lại. Quỳnh và cả đám nho sinh ngây mặt không đối được).

5. Chuyện thứ năm:

Một lần giáp Tết, Quỳnh đi tới nhà thầy gặp trời mưa ướt lướt thướt. Điểm đang ngồi gói nem, mới mời Quỳnh ăn. Quỳnh đáp :

– Chả thích nem, chỉ thích giò thôi!

Điểm biết Quỳnh trêu mình bèn bảo :

– Đối được thì sẽ cho giò.

Rồi đọc:

– “Trời mưa đất THỊT trơn như MỠ, DÒ đến hàng NEM CHẢ muốn ăn !

(“Dò” đồng âm với “giò”, “chả” là chẳng, lại có nghĩa là thức ăn từ thịt. Vế đối có cả “thịt, mỡ, giò, nem, chả” thì Trạng Quỳnh cũng đành phải thua!).

6. Chuyện thứ sáu:

Mấy lần thua ấm ức, Quỳnh dùng hành động áp đảo. Lợi dụng lúc trời tối, Thị Điểm có việc vừa ra khỏi phòng, Quỳnh lẻn vào nằm gọn trên giường. Thị Điểm về vô tình quờ tay phải, dọa sẽ mách thầy. Thị Điểm ra một vế đối bằng chữ Hán cho Quỳnh đối lại, không được sẽ cáo giác Quỳnh về tội sàm sỡ. Điểm đọc:

– “Trướng nội vô phong phàm tự lập”

(Trong trướng không có gió mà cột buồm lại tự nhiên dựng lên).

Quỳnh nhanh trí đáp:

– “Hung trung bất vũ thủy trường lưu”
(Trong bụng không có mưa mà nước vẫn chảy dài).

7. Chuyện thứ bảy:

Một lần biết Đoàn Thị Điểm đang tắm, Trạng Quỳnh cứ đứng ngoài nằng nặc đòi vào. Thị Điểm đồng ý cho vào nếu Quỳnh đối được vế đối:

– “Da trắng vỗ bì bạch”

(Lặp lại câu theo lối chơi chữ nửa Hán (bì bạch), nửa Nôm (da trắng)). Quỳnh cũng bèn ngậm tăm và chịu thua lần nữa.
(Câu này về sau có mấy người đối lại như sau:

– “Rừng sâu mưa lâm thâm”

– “Đường hoàng ngồi nhà vàng”

Tuy nhiên các câu trên chỉ “đúng” về mặt từ ngữ (“lâm thâm” = “rừng sâu”, “nhà vàng” = “đường hoàng”) còn các mặt khác như độ hay, tượng thanh (bì bạch) thì không thể lại với câu ra ban đầu của bà Đoàn Thị Điểm được).

8. Chuyện thứ tám:

Sau một thời gian ở trong nhà Đoàn Thị Điểm để theo học, Trạng Quỳnh vẫn rất bướng, điều này làm cho Thị Điểm không hài lòng. Lần cuối cùng, nhân buổi hội xuân, cùng Quỳnh đi chơi, thuận tay, Điểm hái một nhánh xương rồng trao cho Quỳnh rồi đọc:

– “Cây xương rồng, trồng đất rắn, long vẫn hoàn long”.

(Rồng, rắn là từ Nôm, long là từ Hán nghĩa là rồng, nhưng tiếng Việt long có nghĩa là không chặt). Chữ nghĩa của câu đã khó, ý tứ của người ra vế đối lại có cái sâu xa riêng (Ý muốn ám chỉ rằng Quỳnh không sửa mình được dù được sống trong môi trường tốt).

Tuy nhiên đến lúc này Trạng Quỳnh nóng mặt tìm được câu đối lại:

– “Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử”

(gang là gang tay, gang tấc, cũng còn là dưa gang; thử là thử chơi, chữ Hán thử là chuột. Ý bảo rằng người quân tử sẽ không thay lòng đổi dạ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào).

Tương truyền, sau đấy, Thị Điểm và Quỳnh chia tay nhau.