Mục đích của giáo dục là gì? Rốt cuộc như thế nào mới gọi là giáo dục chân chính? Để thu được kiến thức? Nắm vững các kỹ năng? Để thành công? Giành được sự tôn trọng?
Như vậy vẫn chưa đủ…
Bốn chuyên gia nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau sau đây có một sự hiểu biết đáng ngạc nhiên và nhất quán về bản chất của giáo dục. Có lẽ đây là câu trả lời cho mục đích của giáo dục …
Bước ra tìm hiểu toàn bộ thế giới là một khóa học bắt buộc cho trẻ em
“Ra ngoài để hiểu thế giới là một khóa học bắt buộc đối với trẻ em”.
Đây là bài phát biểu của bà Drew Gilpin Foster, nữ Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Harvard. Bà đã sử dụng kinh nghiệm của chính mình để nói với chúng ta rằng tại sao phải ra ngoài và khám phá thế giới.
Thế giới có quá nhiều điều mà chúng ta cần phải làm quen và khám phá, nó chắc chắn không hạn cuộc bởi ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ là một loại phương tiện, quan trọng hơn là tìm hiểu văn hóa và lịch sử xa xưa, tính nhân văn và cuộc sống của các quốc gia khác nhau.
Khi chúng ta có cái nhìn rộng lớn hơn đối với thế giới, mới có thể càng thêm bao dung, mới có thể càng thêm thản đãng. Trên thực tế, chấp nhận sự khác biệt và tôn trọng sự khác biệt của nhau đã trở thành trọng tâm của “tìm hiểu thế giới”.
Giáo dục không dạy kiến thức và kỹ năng… nhưng lại có thể giúp con người làm tốt bất kỳ chức vị hay nghề nghiệp nào
Richard Levine là một nhà giáo dục nổi tiếng thế giới, là chủ tịch của Đại học Yale từ năm 1993 đến 2013.
Ông từng nói: “Nếu một sinh viên tốt nghiệp Đại học Yale thực sự có một số kiến thức và kỹ năng rất chuyên nghiệp, thì đây là thất bại lớn nhất của giáo dục Yale”.
Bởi vì ông tin rằng kiến thức và kỹ năng chuyên môn là những thứ mà sinh viên cần học và thành thạo sau khi tốt nghiệp đại học theo mong muốn của họ, đây không phải là nhiệm vụ của giáo dục Đại học Yale.
Vậy nhiệm vụ giáo dục đại học là gì?
Richard Levine đã đề cập trong cuốn sách của mình, “Công việc của trường đại học”:
“Yale cam kết đào tạo các nhân vật lãnh tụ. Cốt lõi của giáo dục đại học là kiến thức chung, giúp trau dồi khả năng suy nghĩ độc lập và phản biện của sinh viên, và đặt nền tảng cho việc học tập suốt đời”.
Tên tiếng Anh “liberal education”, có nghĩa là “giáo dục khai phóng” nhằm tạo ra những con người tự do. Cốt lõi của nó là tự do về tinh thần, trách nhiệm và khát vọng lớn lao của công dân.
Giải phóng tiềm năng cá nhân một cách tự do, chọn hướng học tập của bạn một cách tự do, không bị gánh nặng bởi chủ nghĩa thực dụng, xác định hướng phát triển của cuộc sống, vì xã hội, vì nhân loại mà tiến bước và cống hiến.
John Henry Newman, tác giả của cuốn sách Ý tưởng của trường đại học cho rằng:
“Chỉ có giáo dục mới có thể cho phép một người có sự hiểu biết tỉnh táo và có ý thức về quan điểm và nhận định của chính mình. Chỉ có giáo dục mới có thể khiến anh ta nói rõ quan điểm của mình, biểu đạt với sức mạnh thuyết phục, và mạnh mẽ khi được cổ động”.
Giáo dục khiến anh ta nhìn vào bản chất thực sự của thế giới, đánh trúng mấu chốt của thế giới, giải khai mớ hỗn độn trong suy nghĩ, phân biệt sự dối trá và bỏ qua những chi tiết không liên quan.
Giáo dục có thể đủ điều kiện thuyết phục cho bất kỳ vị trí nào, và thành thạo trong bất kỳ ngành học nào.
Giáo dục không thay đổi môi trường sống, nhưng có thể thay đổi cách suy nghĩ của mọi người
Năm 2005, tiểu thuyết gia người Mỹ David Foster Wallace, là một nhà văn có ảnh hưởng nổi bật ở phương Tây, được gọi là “nhà văn sáng tạo nhất trong 20 năm qua”. Ông đã có bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của trường Kenyon College, Gambier, Ohio, Mỹ.
Khi bắt đầu bài phát biểu, ông đã kể một câu chuyện nhỏ:
“Có hai con cá con đang bơi cùng nhau, và chúng nó tình cờ gặp một con cá già hơn đang bơi theo hướng khác. Con cá già cất lời chào: “Chào buổi sáng các chàng trai, nước thế nào rồi?” Và hai chàng cá vẫn tiếp tục bơi một đoạn, sau đó một con nhìn con kia rồi nói: “Nước là cái gì nhỉ?”
Ông nói thêm: “Nếu các bạn lo là tôi dự định tự trình diện mình ra đây như một con cá già thông thái sắp giải thích nước là gì cho những con cá trẻ như các bạn, thì xin đừng lo. Tôi chẳng phải con cá già gì đâu. Cái ý của câu chuyện cá này đơn thuần là vầy, những thực tại hiển nhiên nhất, thường gặp nhất, quan trọng nhất lại thường là những cái khó thấy nhất và khó nói đến nhất”.
Bài phát biểu đề cập rằng trong cuộc sống của một người trưởng thành, người ấy cần phải dậy sớm và nhanh chóng đến văn phòng để đối phó với 8-10 giờ làm việc đầy thử thách. Sau đó đi siêu thị, nấu ăn và thư giãn trên giường vào buổi sáng. Bởi vì, ngày hôm sau phải tiếp tục lặp lại như vậy nữa.
Thật dễ dàng để mọi người hình thành quán tính vô thức trong một cuộc sống như vậy: Vô thức lướt điện thoại, sống vội vã, rơi vào cơm áo gạo tiền, phớt lờ mọi người và mọi thứ xung quanh, thờ ơ, giận dữ, phàn nàn… mà không hay biết.
Giống như câu chuyện mở đầu kia, sống trong “nước” quá lâu nhưng hai con cá không còn biết nước là gì nữa.
Giáo dục có thể làm cho bạn hạnh phúc, phụ thuộc vào suy nghĩ có ý thức
“Khóa học hạnh phúc” của Harvard có mặt trên khắp thế giới. Giáo sư Taylor Ben Shahar, giảng viên của khóa học này tin rằng “hạnh phúc phụ thuộc vào cách suy nghĩ có ý thức của bạn”.
Và ông tóm tắt 12 cách sau đây để có được hạnh phúc một cách có ý thức:
- Tiếp tục tự đặt câu hỏi. Mỗi câu hỏi mở ra cánh cửa để tự khám phá, và sau đó những điều xứng đáng với niềm tin của bạn sẽ xuất hiện trong cuộc sống thực của bạn.
- Tin vào chính mình. Mỗi khi tôi giải quyết một vấn đề, đón nhận một thử thách, nói với bản thân mình thông qua trí tưởng tượng trực quan rằng tôi có thể làm được và tin tưởng người khác.
- Học cách chấp nhận thất bại. Nếu không, bạn sẽ không bao giờ trưởng thành.
- Chấp nhận bản thân là không hoàn hảo. Cuộc sống không phải là một đường thẳng, mà là một đường gấp khúc.
- Cho phép bản thân có những cảm xúc bình thường. Chúng bao gồm những cảm xúc tích cực và tiêu cực.
- Ghi lại cuộc sống của bạn.
- Suy nghĩ tích cực về tất cả các vấn đề gặp phải và học cách biết ơn. Lòng biết ơn có thể mang lại cho con người hạnh phúc đơn giản nhất.
- Đơn giản hóa cuộc sống. Quý tinh không quý nhiều. Học cách nói KHÔNG với những điều bạn không muốn!
- Yếu tố đầu tiên của hạnh phúc là: mối quan hệ thân mật. Đây là nhu cầu bẩm sinh của con người, vì vậy hãy nỗ lực cho một mối quan hệ lâu dài và hạnh phúc.
- Nghỉ ngơi và tập thể dục nhiều.
- Có ba cấp độ công việc: công việc, sự nghiệp và sứ mệnh. Tìm nhiệm vụ của bạn trong thế giới này.
- Hãy nhớ rằng: Chỉ khi bạn hạnh phúc, bạn mới có thể khiến người khác hạnh phúc. Cách tốt nhất để giáo dục con cái là trở thành một phụ huynh đích thực.
Vậy rốt cuộc như thế nào mới là giáo dục chân chính?
Như Wallace đã nói trong bài phát biểu của mình: Mục đích của giáo dục không phải là học kiến thức, mà là học cách suy nghĩ.
Trong cuộc sống đầy bộn bề vội vã này, chúng ta cần luôn kiểm soát và tỉnh táo giữ gìn ý thức bản thân, đừng để cái “Tôi” bị tạp loạn, đừng để chính mình bị cuộc sống kéo đi một cách vô thức.
Một nền giáo dục chân chính là nền tảng cho tư duy độc lập, tự nhận thức và học tập suốt đời.
Mục đích của giáo dục là dạy trẻ học cách suy nghĩ, lựa chọn, có niềm tin và tự do, cũng chính là giúp trẻ nhỏ có được năng lực đạt được hạnh phúc.
Quỳnh Chi biên dịchTheo aboluowang.com