Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Phạt học sinh nên đấm hay xoa?

Khá trùng hợp, dù chẳng vui vẻ gì; trong tuần chủ đề Giáo dục của Monster Box, nền giáo dục nước nhà xảy ra nhiều vụ việc dở khóc dở cười. Bê bối mua điểm, giáo viên đánh học sinh, phụ huynh đấm giáo viên, hay gần nhất là việc giáo viên phạt một học sinh lớp 1 đứng ngoài nắng vì đi học sớm, phụ huynh “tương” nón bảo hiểm vào đầu cô giáo vì nghi cháu mình bị cô gõ vào đầu, hoặc học sinh bị đình chỉ học chỉ vì cắt tóc không “đúng chuẩn” . Chuyện chẳng có gì mới, tới lui cũng chỉ bấy nhiêu vấn đề, như trước nay vẫn vậy.

Nếu bấy nhiêu vấn đề cứ lặp đi lặp lại, rõ ràng chúng ta đang có vài trục trặc nhỏ trong hệ thống giáo dục. Ở một quốc gia có văn hóa và lịch sử đan xen lẫn nhau giữa các luồng tư tưởng Đông – Tây lớn như Việt Nam, việc giáo dục nói chung và hình phạt trong giáo dục nói riêng là một vấn đề rắc rối.

Thứ gì rắc rối, thứ ấy hay ho.

1. Lược sử “đấm” trong giáo dục.

Con người áp dụng hình phạt ở quy mô xã hội, trước khi áp dụng nó vào giáo dục. Cơ bản nhất trong áp dụng hình phạt là để người kia dừng lại ngay lập tức hành vi khiến mình cảm thấy khó chịu. Bạn đấm ai đó vì nó cứ lảm nhảm chẳng hạn. Chẳng hạn thế.

Tính từ thời điểm người Babylon ban hành bộ luật Hammurabi gần 1800 năm trước với nguyên tắc Talion (lex talionis) – “ăn miếng trả miếng” hay “mạng đổi mạng”, hình phạt thể xác (corporal punishment) có thể được xem là loại hình phạt phổ biến nhất từng được sử dụng. Từ trói vào cột, đánh bằng roi hoặc gậy, đóng dấu sắt nung cho đến tùng xẻo, nỗi đau thể xác luôn là cách nhanh gọn, hiệu quả và tiết kiệm nhất để trừng trị những kẻ phá vỡ luật lệ. Không những vậy, hình phạt còn giúp cải tạo và giáo dục người vi phạm, đồng thời mang tính răn đe để ngăn ngừa, hạn chế vi phạm tiếp diễn trong tương lai.

Theo tâm lý chung (common sense), chúng ta có xu hướng tránh xa những thứ gây ra sự khó chịu hay đau đớn. Một khi ai đó có được nhận thức rằng bị phạt là trải nghiệm đau đớn hay tiêu cực, người đó sẽ không muốn lặp lại hành vi sai trái có thể dẫn đến hậu quả khó chịu này. Đây chính là nội dung cơ bản của lý thuyết Điều kiện hóa từ kết quả (Operant conditioning) do nhà tâm lý học người Mỹ D.F. Skinner đề xướng, đồng thời cũng là cơ chế điều chỉnh hành vi của hình phạt nói chung.

Trở lại với bối cảnh giáo dục, câu hỏi cơ bản là làm sao để học sinh có thể nhận ra cảm giác khó chịu của hình phạt để từ đó hạn chế hành vi sai phạm? Việc bị mời lên văn phòng, chép phạt hay những biện pháp tương tự nếu không tạo ra được cảm giác khó chịu, xem như không có giá trị. Trong trường hợp này, đòn roi sẽ là một giải pháp đáng cân nhắc. Đau đớn thể xác chắc chắn là khó chịu hơn việc ngồi uống trà và đối ẩm cùng thầy giám thị.

Một lợi thế nữa là của hình phạt thể xác là được thực hiện rất nhanh chóng. Nó liên quan nhiều đến quy trình làm việc, khi bạn phải quản lý người với số lượng lớn.

Với cùng một mức độ vi phạm, giáo viên có thể cân nhắc giữa 30 lần squat hoặc 3 buổi cấm túc ngoài giờ. Nếu lựa chọn cấm túc, giáo viên cần có thời gian để giám sát học sinh, đồng thời phải giữ được thái độ nghiêm khắc hoặc trung tính trong suốt thời gian này để học sinh nhận ra cái sai của mình. Nhưng ở phía học sinh vi phạm, hình phạt kéo dài có thể khiến họ mất đi sự tập trung vào quá trình nhận thức cái sai và thay đổi hành vi, kết quả là mọi thứ vẫn lại tiếp diễn như cũ. 30 lần squat thì lại nhanh chóng và đơn giản hơn nhiều.

Ngoài ra, hình phạt thể xác là thứ có thể kiểm soát được bằng các quy định, trong khi vẫn đảm bảo học sinh biết được như nào là đúng còn thế nào là sai.

Ví dụ như Singapore – một trong những nền giáo dục hàng đầu thế giới mà ở đó việc phạt roi vẫn được áp dụng trên cơ sở quy định của pháp luật hết sức rõ ràng và cụ thể. Afghanistan, Ecuador hay Ấn Độ, luật pháp hoặc truyền thống hiện vẫn cho phép sử dụng hình phạt thể xác đối với thanh thiếu niên.

Trong khi đó, 132 quốc gia và 25 vùng lãnh thổ đã cấm hình phạt đòn roi ở trường học. Và để so sánh với Singapore, thì Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm sử dụng hình phạt đòn roi trong nhà trường, ngay từ năm 1783.

Trở lại với góc nhìn bao quát, sự nổi lên của chủ nghĩa nhân đạo vào thế kỷ XVIII đã khiến hình phạt thể xác dần bị bãi bỏ và nghiêm cấm trên phạm vi toàn cầu . Thay cho việc đánh đập hoặc bắt trói, luật pháp nhiều nước chuyển sang những hình thức phi bạo lực như bỏ tù hoặc phạt tiền. Lúc này, việc xâm phạm thân thể người khác bây giờ trở thành hành vi vi phạm nhân quyền.

Chúng ta vẫn đấm nhau trong suốt lịch sử, không đồng nghĩa rằng việc đấm nhau là đúng và nên tiếp tục trong bối cảnh xã hội hiện tại – nhất là khi mối quan hệ giữa người với người và quyền cá nhân đang được đẩy cao lên hết mức có thể.

2. Không đấm thì thiếu, đấm một cái cũng là thừa.

Cái gọi là “lợi ích” của hình phạt thể xác như đề cập ở trên, NẾU CÓ, cũng chỉ phát huy khi được sử dụng một cách chừng mực và cẩn trọng. Nhưng tiếc là sau nhiều năm nghiên cứu, khoa học vẫn chưa tìm thấy bằng chứng của bất kỳ lợi ích nào. Và theo khoa học, việc đấm không những chẳng giải quyết được vấn đề, nó còn tạo ra nhiều vấn đề khác.

Cuối năm 2010, dư luận Hàn Quốc dậy sóng khi đoạn clip thầy giáo “đấm phát ngất luôn” một học sinh được đăng tải lên Internet. Giáo viên này sau đó đã phải đối mặt với nguy cơ lãnh án hình sự vì sử dụng vũ lực quá mức cần thiết .

Tháng 8 năm 2018, một nam sinh 13 tuổi ở Tanzania tử vong vài ngày sau khi bị giáo viên của mình đánh đập vì ăn cắp đồ của một giáo viên khác. Tanzania là một trong số ít những quốc gia Phi châu vẫn chưa cấm việc trừng phạt thể xác dưới bất kỳ hình thức nào. Tổng thống John Magufuli thậm chí còn công khai tuyên bố ủng hộ việc dùng đòn roi với trẻ em.

Nước Mỹ hiện có 32 bang và thủ đô Washington D.C đã bãi bỏ hình thức trừng phạt thể xác tại các trường công lập; nhưng ở 18 bang còn lại, đòn roi vẫn còn là nỗi ám ảnh. Trong niên khóa 2013-2014, hơn 160,000 học sinh nước này bị phạt với hình thức điển hình là đánh bằng dầm gỗ. Tuy nhiên, lại có sự chênh lệch tỷ lệ bất thường, trong đó nam sinh, học sinh gốc Phi và trẻ em khuyết tật có xu hướng bị phạt nhiều hơn so với nhóm còn lại.

Ở Việt Nam, không khó để tìm được những vụ việc có tình tiết thậm chí còn ly kỳ hơn những bài báo đã nêu và kinh dị hơn cả “truyền thuyết” về những trận đòn roi mây và quỳ gối trên vỏ mít. Trớ trêu thay, điều 75 Luật Giáo dục 2005 đã quy định giáo viên không được có hành vi xâm phạm thân thể của người học, và Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới thông qua Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em vào năm 1990.

Theo một bài báo trên tập san Psychology, Health & Medicine của tác giả Elizabeth Gershoff, một giáo sư nổi tiếng với những nghiên cứu về tác động của hình phạt thể xác ở học đường, có đến 26% nam sinh và 17% nữ sinh Ai Cập báo cáo về những chấn thương gây ra bởi hình phạt thể xác trong trường học, bao gồm sưng tấy, bầm dập và gãy/nứt xương.

Tình hình ở Tanzania cũng không mấy khá hơn khi có gần một phần tư số trẻ em ở 408 trường tiểu học được khảo sát cho biết từng gặp chấn thương do hình phạt. Chỉ riêng ở Mỹ, lùi lại khoảng 10 năm so với thời điểm của bài báo, mỗi năm có 10-20,000 học sinh cần được chăm sóc y tế do hậu quả của hình phạt thể xác. Và mặc dù hiếm, bài báo cũng dẫn ra những trường hợp tử vong vì đòn roi tại trường.

Đặc biệt hơn, một nghiên cứu cho thấy việc dùng những từ ngữ giảm nhẹ thực ra chỉ nhằm che giấu bản chất bạo lực cố hữu của hình phạt đòn roi. Không những thế, nó còn khiến người ta nhìn nhận sai về mức độ nghiêm trọng khi áp dụng đòn roi đối với trẻ.

Thương tích ngoài da có thể nhanh chóng biến mất, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Một nghiên cứu của UNICEF vào năm 2015 về hình phạt thể xác tại Ethiopia, Ấn Độ, Peru và Việt Nam đã cho thấy sự tương quan giữa tỷ lệ hình phạt với việc học sinh đạt điểm số thấp hơn trong môn toán và từ vựng. Điều này cho thấy việc sử dụng hình phạt thể xác có thể khiến thành tích học tập giảm sút, và khẳng định này cũng được khẳng định bởi nhiều nghiên cứu khác.

Chưa dừng lại ở đó, hình phạt thể xác còn gây ra nhiều vấn đề về hành vi và sức khỏe tâm thần. Đối với học sinh bị phạt, nó tạo ra những cảm xúc tiêu cực như lo âu, sợ hãi hoặc cô đơn. Bị phạt làm tăng nguy cơ của các hành động gây hại bản thân, ý nghĩ tự sát hoặc làm hạ thấp lòng tự tôn.

Ở bối cảnh xã hội, nó liên quan đến sự gia tăng các hành vi phản xã hội trong thời thơ ấu và khi trưởng thành, tăng xu hướng của các hành vi thách đố, tăng tỷ lệ lạm dụng rượu bia và chất kích thích. Nó còn tạo ra môi trường học đường độc hại, dung dưỡng cho những hành vi bạo lực tiềm tàng khác. Bắt nạt, phá hoại, thô lỗ với bạn học, hoặc thậm chí là các vụ xả súng trong nhà trường, tất cả đều có liên quan đến hình phạt thể xác.

Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh bị phạt cũng trở nên tiêu cực vì đòn roi ăn mòn lòng tin và sự tôn trọng mà người học dành cho người dạy. Thống kê cho thấy nhiều trường hợp học sinh ngừng giao tiếp với giáo viên sau khi bị đánh ở trường. Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực khiến học sinh trở nên sợ hãi và xa cách thầy cô.

Phạt một học sinh trước tập thể lớp hoặc toàn trường có thể được coi là một hành vi nhục mạ và rất dễ tạo ra tâm lý thù hằn dai dẳng. Mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường cũng như toàn xã hội đối với ngành giáo dục sẽ chuyển biến xấu đi chỉ với một vài vụ việc được phanh phui.

Tại Ấn Độ, người ta đã tính toán thiệt hại xã hội tích lũy từ thành tích học tập kém cỏi, thu nhập thấp, nhu cầu chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần và xu hướng phụ thuộc vào phúc lợi xã hội nếu cứ tiếp tục áp dụng hình phạt thể xác trong nhà trường. Con số ước tính các chi phí mà xã hội phải gánh chịu do trẻ em bỏ học vì bị phạt là từ 1,5 tỷ đến 7,4 tỷ USD mỗi năm, tương đương 0.13-0.64% GDP của quốc gia này.

Và đó chỉ mới là những nghiên cứu về hình phạt thể xác, chứ chưa hề tính tới những hành vi “phi bạo lực” nhưng làm tổn hại tinh thần. Những lời mắng nhiếc, miệt thị và chê trách tuy không đau đớn nhưng có tác hại không kém gì đòn roi. “Tôi chưa thấy ai tệ như thế này”, “Học dốt như em còn lâu mới tốt nghiệp được” chẳng thể khiến học sinh cải thiện thành tích, mà chỉ càng tự ti hơn. Và sự im lặng của một cô giáo suốt 3 tháng đứng lớp có thể khiến hình ảnh người giáo viên trở nên méo mó trong mắt học sinh hơn là nể sợ.

Vấn đề của hình phạt thể xác là khi chúng ta chấp nhận nó, chúng ta cũng phải chấp nhận rằng CHẮC CHẮN sẽ có người lợi dụng nó, có sự quá khích, có những vụ việc nằm ngoài tầm kiểm soát. Vì sự chấp thuận về bạo lực chính nó cũng tạo ra “common sense” trong mối quan hệ giữa người với người.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, phải thừa nhận rằng chúng ta cần đến hình phạt và kỷ luật trong nhà trường, như xã hội bấy lâu nay vẫn thế. Dù có tiến bộ đến đâu thì mỗi quốc gia đều phải có hệ thống nhà tù, và hình phạt tiền sẽ tiếp tục là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Xã hội này vốn đa dạng và phức tạp, một hoạt động có tầm ảnh hưởng rộng như giáo dục chắc chắn đụng chạm đến nhiều nhóm người. Đôi lúc bạn nhìn nhận những học sinh ngỗ ngược, kém cỏi đến mức cảm thấy khó chịu; đó là vì bạn với họ là hai kiểu người khác nhau, hướng đến những mục tiêu khác nhau và được hình thành từ những nền tảng khác nhau.

Sự mâu thuẫn hay đụng chạm quyền lợi chắc chắn sẽ xảy ra, việc chúng ta cần làm là duy trì sự va chạm này ở mức độ nào đó. Và bạn nên biết rằng nên nâng cái gì và hạ cái gì xuống. Nhân phẩm, thể xác hay xa hơn là tính mạng của người khác là thứ nên được đặt lên cao hơn cả.

Chỉ tiêu của bạn, lý tưởng của bạn hay tiền lương của bạn không nên và không bao giờ nên được đặt lên cao hơn nhân diện của người khác. Chúng ta chỉ xuất hiện và sống cùng nhau trên hành tinh này trong một khoảnh khắc ngắn ngủi như cái chớp mắt của vũ trụ, vì thế, hãy trân trọng lẫn nhau.

Suy cho cùng, cuộc sống này thật rắc rối, con người thật rắc rối và giáo dục thật rắc rối.

Nhưng thứ gì rắc rối, thứ ấy hay ho.

Gió chướng ở đồng bằng sông Cửu Long

Ở miền Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mọi người đều có nghe nói tới hai chữ Gió chướng[1]. Từ “chướng” được dùng để mô tả loại gió này...

Nguồn gốc và ý nghĩa của tên SÀI GÒN

Trong “Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị” của ông Huỳnh Tịnh Của thì Sài tức là củi thổi, Gòn: tên loại cây cỏ bông nhẹ xốp, nhẹ hơn bông thường,...

Không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – Một hướng tiếp cận mới

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng qua khảo cổ, qua hệ thống đền thờ ở Trung Quốc… Trong bài này xin được...

Chợ sách cũ

Chốn vắng thực tại Tôi sống trong quận 15 hai thập niên, nơi công viên Georges-Brassens có một chợ lồng mà lúc xưa gọi Chợ Ðồ Tể vì là nơi...

“Bánh vẽ” là gì?

Nhiều người cứ tưởng bánh vẽ là bánh do người ta tưởng tượng mà vẽ ra nên hai tiếng “bánh vẽ mới dùng để chỉ cái gì không có thật....

Lột trần Việt ngữ – Kỳ 10/25 – Vùng núi An Tai hay là yếu tố Mông Cổ trong Việt ngữ

Khi sách nầy chưa in xong, chúng tôi có dùng Chương I để làm một cuộc thuyết trình, sau buổi nói chuyện thân mật, có chừa thì giờ cho quý...

Thất Phúc Thần – 7 vị thần may mắn của Nhật Bản

Nhật Bản có nhiều vị thần ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của người dân nước này, trong đó có Thất phúc thần tượng trưng cho sự may mắn...

Ví dầu tình Bậu muốn thôi nghĩa là gì?

“ Ví dầu tình Bậu muốn thôi, Bậu gieo tiếng dữ cho rồi Bậu ra …” Câu ca dao này ý nói cái thói nói xấu, kể tội nhau hay...

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và sự nghiệp Nam tiến

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, công cuộc mở đất về phương Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Qua đó, lãnh thổ được mở rộng, đất nước...

Ngày chưa có Internet

Bộ ảnh minh họa mang tên Kitab al-Hayya (Nghĩa tiếng Việt: Cuộc Sống) của tác giả người Iran, tên Ali Mir. Không qua trường lớp chuyên nghiệp, họa sĩ Ali...

Tại sao phải có phù dâu

Tục lệ xưa cần có phù dâu vì hôn nhân cưỡng ép, do cha mẹ định đoạt, nhiều nơi lại có nạn tảo hôn, thông thường thì "Nữ thập tam...

Những điều thú vị về cầu Ba Cẳng ở Sài Gòn xưa

Không chỉ có hình dáng lạ lùng, cầu Ba Cẳng còn gắn liền với những câu chuyện về giang hồ Sài Gòn trước 1975. Tọa lạc ở góc đường Bãi...

Exit mobile version