Dù ngày nay nước ta không còn bóng dáng các đạo sĩ tu tiên theo học thuyết Lão Trang, Bích Câu Đạo quán vẫn là chứng tích độc đáo về một tín ngưỡng từng có tầm ảnh hưởng lớn ở nước Việt.
Nằm tại số 14 phố Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội, Bích Câu Đạo quán là một di tích lịch sử rất độc đáo của kinh thành Thăng Long xưa.
Đây vốn là một quán của đạo Lão được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15) để các đạo sĩ luyện phép trường sinh và thờ cúng thần tiên.
Tương truyền, Bích Câu Đạo quán ra đời dựa trên một câu chuyện tình yêu thần tiên ly kỳ. Đó là câu chuyện chàng thư sinh Tú Uyên có duyên may gặp tiên nữ. Sau khi gia đình Tú Uyên đắc đạo bay về trời, những người theo đạo Lão Trang lập Bích Câu đạo quán để thờ họ và dùng làm nơi tụ họp.
Vào thời Lê, với cảnh đẹp và truyền thuyết lãng mạn về hàn sĩ Tú Uyên gặp tiên Giáng Kiều, Bích Câu Đạo quán từng là một trong những danh thắng bậc nhất ở kinh đô.
Đến thời Lê Trung Hưng, Đạo giáo suy thoái, phần lớn đạo quán dần dần trở thành đền, chùa. Bích Câu Đạo quán cũng chuyển sang thờ Phật và thờ Mẫu.
Sau nhiều năm binh hỏa, loạn lạc, Bích Câu Đạo quán xuống cấp nhiều. Đến thời Gia Long nhà Nguyễn, tổng trấn Bắc thành Lê Chất bỏ tiền riêng tu sửa lại. Đến năm 1947, Bích Câu Đạo quán bị quân Pháp san bằng. Diện mạo của công trình như ngày nay là do nhân dân địa phương sửa chữa lại vào năm 1953. Năm 2011, Bích Câu Đạo quán được tu bổ, tôn tạo trên quy mô lớn.
Vể tổng thể, nơi đây là một quần thể kiến trúc nằm trong một khuôn viên diện tích gần 3.000 m2. Những công trình lớn của khu di tích là chùa An Quốc, nhà thờ Mẫu và đền Tú Uyên. Sau cổng tam quan khá nhỏ nhưng độc đáo là một khoảng sân rất rộng nối liền Bích Câu đạo quán với chùa An Quốc và tòa nhà đối xứng bên kia. Theo kiểu cách Đạo giáo, ở giữa sân đặt một hòn non bộ để chắn gió (bình phong giả sơn).
Trước sân của Bích Câu Đạo quán lại có hai giếng hình tròn và vuông nằm hai bên, tượng trưng cho trời đất .
Các nhà chính của Đạo quán đều nhìn về hướng Nam và xây theo lối kiến trúc truyền thống hình chuôi vồ. Phía sau còn có nhà hậu, nhà Ni, vườn tháp và nhà khách.
Dù ngày nay nước ta không còn bóng dáng các đạo sĩ tu tiên theo học thuyết Lão Trang, Bích Câu Đạo quán vẫn là chứng tích độc đáo về một tín ngưỡng từng có tầm ảnh hưởng lớn ở nước Việt.
Những năm gần đây, Bích Câu Đạo quán còn được biết đến như một trong số ít những địa chỉ tổ chức các canh hát Ca Trù – loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.