Từ một gã thanh niên lông bông không nghề nghiệp và địa vị xã hội, Adolf Hitler trở thành lãnh đạo phong trào Quốc xã và trùm phát xít độc đoán nhất lịch sử nhân loại.
Adolf Hitler sinh ngày 20/4/1889 tại thị trấn Braunau am Inn của Áo gần biên giới với Đức. Ông là con thứ 3 từ cuộc hôn nhân thứ 3 giữa Alois Hitler và bà Klara Poelzl. Hitler lớn lên trong bối cảnh chính trị rối loạn của Áo những năm đầu thế kỷ 20 khi vương triều Áo đang chết lịm sau nhiều thế kỷ thống trị châu Âu, các nhóm dân tộc thiểu số như, Slav, Czech, Slovak, Serbi.. đều đòi quyền bình đẳng hay ít ra là quyền tự trị.
Nền chính trị Áo bị chi phối bởi những bất hòa cay đắng giữa các dân tộc. Hitler vốn sẵn có tinh thần quốc gia quá khích, ông ta chống đối quyết liệt những diễn biến này. Hitler cho rằng, để cứu nguy cho đế quốc, người Đức cần tái lập uy quyền tuyệt đối như xưa, những dân tộc khác, đặc biệt là Slav và Czech đều thuộc tầng lớp hạ đẳng, dân tộc Đức có quyền cai trị họ với bàn tay sắt. Những suy nghĩ cực đoan đó đã ươm mầm trong gã trùm phát xít độc đoán nhất lịch sử nhân loại.
Khi sống ở Áo, Hitler theo dõi chặt chẽ hoạt động chính trị của các đảng phái chính của Đế quốc Áo cũ. Quá trình quan sát giúp hình thành nên đầu óc chính trị sắc sảo giúp ông ta nhìn rõ mặt mạnh, yếu của các phong trào chính trị đương thời. Theo thời gian, đầu óc trưởng thành như thế đã biến ông thành chính trị gia bậc thầy của nước Đức.
Theo nhà sử học William L. Shirer, người dày công nghiên cứu về lịch sử Đức quốc xã, tác giả cuốn sách Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba, Hitler bị ám ảnh với ý nghĩ không nên có đường biên giới ngăn cách giữa Áo và Đức.
Ý nghĩ này trở nên dai dẳng khi Hitler viết cuốn sách mà về sau trở thành nền tảng cho Đế chế thứ Ba mang tên Cuộc tranh đấu của tôi. Những dòng đầu tiên trong cuốn sách liên quan đến ý nghĩa nơi sinh quán, nhà độc tài viết: “Tôi thấy dường như định mệnh đã chọn Braunau am Inn làm nơi tôi sinh ra. Bởi thị trấn nhỏ bé này nằm gần biên giới phân chia người Đức thành 2 quốc gia mà thế hệ của chúng ta đã dành cả đời để thống nhất”.
Vào ngày sụp đổ của Đế quốc thứ 3, Adolf Hitler và tình nhân tự sát trong căn hầm ở Berlin, Đức vì trùm phát xít không muốn đầu hàng quân Đồng minh.
Bậc thầy về hùng biện
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Hitler vốn khinh thường việc học hành chỉ để làm một nghề nào đó. Ông ta từng thử sức với nghề họa sĩ, kiến trúc sư nhưng tất cả đều thất bại. Năm 1913, Hitler rời Áo đến sống ở Đức, “nơi ông nói luôn ở trong tim mình”.
Lúc đó, Hitler 24 tuổi. Trong con mắt của mọi người, ông ta chỉ là một gã lông bông, không bạn bè, gia đình, vô nghề nghiệp. Nhưng ông ta có một thứ, lòng tin sắt đá về sứ mệnh hồi sinh Đế chế Đức.
Năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Hitler đầu quân cho một trung đoàn của vương quốc Bayern, một phần của Đế chế Đức. Việc gia nhập quân đội đã thỏa ước vọng phục vụ nước Đức của gã trai trẻ và bước đầu hình thành con đường chính trị về sau.
Xuất phát điểm trên con đường chính trị của Hitler là con số “0” nhưng ông ta có một kỹ năng trời phú đó là tài hùng biện. Tháng 9/1919, Hitler được mời gia nhập đảng Lao động Đức (tiền thân của đảng Quốc xã) do Anton Drexler và Karl Harrer thành lập. Ông ta tham gia với tư cách Ủy viên Trung ương thứ 7.
Nhờ tài hùng biện siêu đẳng, Hitler đã lôi kéo nhiều chính trị gia lập dị, những triết gia nổi tiếng và nhiều nhân vật chủ chốt ở Đức tham gia đảng Quốc xã. Bên cạnh đó, ông ta nhanh chóng thiết lập quyền lãnh đạo độc tôn của đảng và mở rộng phong trào ra khắp nước Đức.
Sự kiện Đức đầu hàng quân Đồng minh và ký Hòa ước Versailles đã đẩy nền kinh tế, chính trị Đức xuống “vực thẳm”. Bối cảnh chính trị rối ren đã tạo cơ hội cho Hitler “đầu độc” tư tưởng người dân Đức.
Trong các bài diễn thuyết, gã trai trẻ thao thao bất tuyệt về viễn cảnh trong tương lai của người dân Đức. Hitler khẳng định rằng, phong trào Quốc xã sẽ hồi sinh nước Đức trở thành Đế chế thứ Ba hùng mạnh (Đế chế thứ Nhất là Đế quốc La Mã, tiếp đến là Đế chế Bismarck, 2 đế chế mang lại uy quyền cho dân tộc Đức).
Những biến cố
Tuy nhiên, con đường bước lên vũ đài chính trị của Hitler không hề đơn giản mà cũng trải qua chông gai. Tháng 11/1923, Hitler bị bắt sau cuộc bạo loạn bất thành ở nhà hàng bia Bürgerbräukeller. Ông ta bị kết tội phản quốc.
Tuy nhiên, trong phiên tòa, gã trai trẻ với tài hùng biện siêu việt và tinh thần quốc gia sôi sục đã biến phòng xét xử thành diễn đàn công kích giới lãnh đạo Đức. Sự kiện này đưa tên tuổi Hitler lên một tầm cao mới, vượt ra khỏi biên giới nước Đức.
Hitler bị kết án 5 năm tù nhưng được ân xá sau 6 tháng giam giữ. Giai đoạn 1924-1929, phong trào Quốc xã xuống dốc rõ rệt. Nhưng điều đó không làm lung lay tinh thần kiên định với mục tiêu mà ông ta đã đề ra.
Chính quyền Bayern phóng thích Hitler nhưng cấm ông ta phát biểu trước đám đông trong vòng 2 năm. Nhà sử học Shirer gọi giai đoạn này là “thời gian thư giãn và lãng mạn cho Hitler”.
Trong thời gian bị quản thúc, Hitler hoàn thành cuốn Cuộc tranh đấu của tôi, vạch ra hình ảnh nước Đức trong tương lai và cách thức để trở thành chủ nhân của thế giới. Hitler với đầu óc chính trị bệnh hoạn viết ra những tư tưởng quái đản nhưng điều kỳ lạ là hàng triệu người Đức lại tiếp thu tư tưởng đó một cách cuồng tín.
Năm 1929, nền kinh tế Đức tiếp tục lâm vào khủng hoảng. Trong cơn bĩ cực của người dân Đức, Hitler nhìn thấy cơ hội biến họ thành lực lượng hậu thuẫn cho những khát vọng cá nhân. Tháng 9/1930, đảng Quốc xã dành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử.
Thắng lợi này đã củng cố vững chắc quyền lực của ông trùm phát xít trong tương lai. Sự kiện đẩy nước Đức và cả thế giới vào bước ngoặt đau thương nhất lịch sử nhân loại.
Củng cố quyền lực
Sau khi giành thắng lợi lớn trong tổng tuyển cử, Hitler nhanh chóng tìm kiếm sự ủng hộ của giới công nghiệp Đức. Hitler tin rằng, những nhà sản xuất sẽ là cánh tay đắc lực phục vụ cho mục đích “điên rồ” của ông ta. Hitler gặp thuận lợi khi giới lãnh đạo công nghiệp và tài chính Đức thiếu hiểu biết về chính trị. Họ rót tiền cho Quốc xã một cách mù quáng với hy vọng Hitler sẽ tạo thuận lợi cho công việc của họ.
Chỉ trong thời gian ngắn, Hitler đã thành công trong việc thuyết phục giới công nghiệp hậu thuẫn cho mình. Bên cạnh đó, ông ta còn thiết lập bộ “chân rết” thân cận gồm những kẻ cuồng tín và tàn bạo. Nhà sử học William L. Shirer, người dày công nghiên cứu về lịch sử Đức quốc xã, tác giả cuốn sách Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba, gọi thân tín của Hitler là “Ngũ hổ tướng quân” gồm, Hermann Goring, Ernst Rohm, Gregor Strasser, Paul Goebbels và Wilhelm Frick.
Sau khi hoàn tất việc củng cố quyền lực trong nội bộ đảng, Hitler tiến thêm một bước mới trên con đường chính trị. Tháng 1/1932, Hitler ra tranh cử tổng thống. Tuy không đắc cử nhưng ông ta đã có bước đột phá cực kỳ quan trọng.
Ngày 30/1/1933, gã trai trẻ không nghề nghiệp mới chỉ đặt chân đến nước Đức 10 năm, giờ đây bước lên vũ đài chính trị với tư cách Thủ tướng Đức. Các nhà sử học gọi tháng 1/1933 là “cột mốc cho sự ra đời của Đế chế thứ Ba”.
Sau khi giữ chức vụ thủ tướng, điều đầu tiên mà Hitler nghĩ đến là thanh trừng các đảng phái chính trị khác. Với óc chính trị lão luyện và xảo quyệt, Hitler nhanh chóng thâu tóm các đảng khác dưới lá cờ Quốc xã.
Năm 1934 ghi nhận bước ngoặt cực kỳ quan trọng trên con đường thiết lập quyền lãnh đạo độc tôn của Hitler ở Đức. Ngày 2/8/1934, Tổng thống Paul von Hindenburg trút hơi thở cuối cùng. Trưa cùng ngày, Hitler ra thông báo, hai chức vụ Thủ tướng và Tổng thống gộp chung làm một.
Adolf Hitler nhận chức Lãnh đạo kiêm Tư lệnh tối cao của Đế chế thứ Ba. Gã trai trẻ vô danh 11 năm trước giờ đây đã hoàn tất việc thiết lập chế độ độc tài và trở thành trùm phát xít tàn bạo nhất lịch sử nhân loại.
Thống chế Walther von Brauchitsch, tư lệnh lục quân Đức, từng viết trong hồi ký: “Hitler là định mệnh của nước Đức và định mệnh đó là không thể cưỡng lại”.
Hồi sinh vị thế nước Đức
Sau khi loại bỏ các đối thủ trong nước, Hitler nhanh chóng chuyển sang các nước bên ngoài. Ở thời điểm Hitler lên nắm quyền, vị thế nước Đức chưa bao giờ tệ đến thế. Đế chế thứ Ba gần như không có quốc gia nào là bạn. Trong bối cảnh bị cô lập, ông ta tiến hành chương trình ngoại giao ranh ma bằng cách gây rối các đối thủ ở châu Âu.
Bằng cách mồi chài các nước khác giải trừ quân bị, Hitler đã khôn khéo đưa nước Đức thoát khỏi cái bóng của Hòa ước Versailles và tiến hành chương trình tái vũ trang quân đội quy mô lớn.
Trong quãng thời gian Hitler tiến hành tái vũ trang quân đội, phe Đồng minh đáng lẽ đã có thể trừng phạt Đức và tiêu diệt Đế chế thứ Ba ngay từ đầu nhưng trùm phát xít đã quá tinh ranh trong việc lựa chọn thời điểm.
Nội bộ phe Đồng minh đang lâm vào tình cảnh chia rẽ bởi những vấn đề trong nước. Do đó, họ để mặc Hitler mà không có hành động cụ thể nào. Sự im lặng của phe Đồng minh đã tạo cơ hội cho Đế chế thứ Ba bứt phá.
Tranh thủ khi phe Đồng minh còn lưỡng lự, Hitler gia tăng quy mô tái vũ trang quân đội với tốc độ chóng mặt. Đến tháng 1/1934, quân số tăng từ 100.000 lên 300.000. Hải quân, Không quân Đức nhận lệnh bí mật tăng cường lực lượng.
Hitler cùng hội đồng lãnh đạo cấp cao triệu tập giới khoa học, các nhà sản xuất công nghiệp phát triển ra những vũ khí hiện đại nhất vào thời đó. Trong vòng vài năm, nền công nghiệp quốc phòng Đức bứt phá chưa từng có, qua đó giúp xây dựng quân đội Đế chế thứ Ba hùng mạnh.
Thiết lập chế độ Quốc xã tàn bạo
Trong cuốn sách Cuộc tranh đấu của tôi, trùm phát xít từng viết: “Người Do Thái là mầm mống của tệ mại dâm và mua bán nô lệ da trắng. Họ chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại của nước Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất”. Khi nắm quyền lực trong tay, kẻ độc tài bắt đầu tiến hành chương trình thanh trừng sắc tộc.
Hitler cho rằng, người Do Thái là “tầng lớp hạ đẳng”, không xứng đáng có địa vị trong xã hội nước Đức. Hitler lùa người Do Thái vào những trại tập trung và đối xữ với họ như nô lệ. Không chỉ thế, dân tộc Slav cùng một số dân tộc thiểu số khác phải chịu chung số phận như người Do Thái.
Tư tưởng bài Do Thái điên cuồng của Hitler được lan truyền qua nhiều người Đức, cuối cùng dẫn đến cuộc tàn sát khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại.
Trong di chúc mà ông ta viết ra vài giờ trước khi tự sát chứa đựng những lời công kích cuối cùng đối với người Do Thái. Trùm phát xít một lần nữa đổ lỗi cho họ là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến chiến tranh đẫm máu mà gã phát động.