Bài Chuyện Cây Cỏ và Địa Danh tiếp nối những loạt bài về địa danh mang tên thảo mộc – cây giá và Rạch Giá (Giá Khê), Lavang (tiếng Hindi) là cây đinh hương hay Champa (Chiêm Thành) là hoa sứ (tiếng Hindi) – vì ở Việt Nam có rất nhiều địa danh mang tên cây cỏ, nhất là ở miền Nam. Trong bài nầy chúng tôi ghi lại một số địa danh ít được biết đến mang tên các loại thảo mộc cũng ít được biết đến hay trên đà tuyệt chủng.
Cái Nhum và cây nhum
Cái Nhum là tên của một quận trong tỉnh Vĩnh Long dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Hiện nay đó là thị xã huyện lỵ của huyện Mang Thít trong tỉnh Vĩnh Long. Cái Nhum nằm trên bắc vĩ tuyến 10 độ 10′ và dòng kinh tuyến 106 độ 30′. Huyện Mang Thít chỉ rộng 158 km2 với trên 100.000 dân nên Cái Nhum là một thành phố trù phú nhưng nhỏ hẹp và không đông dân theo cái nhìn của người sống ở các thành phố rộng lớn và đông dân ở Hoa Kỳ và các nước kỹ nghệ có tỷ lệ thị dân cao trên thế giới. Cái Nhum nằm cách tỉnh lỵ Vĩnh Long 17 km về phía đông nam. Kinh tế Cái Nhum dựa vào nông nghiệp và trái cây nhiệt đới tương tự như Cái Mơn, Bình Nhâm, Nhị Bình là những vùng có tỷ lệ tín đồ Thiên Chúa Giáo cao và là vùng có nhiều vườn cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm mà các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo mang giống từ Penang về. Từ năm 1800 Dòng Mến Thánh Giá được thành lập tại Cái Nhum.
Địa danh Cái Nhum được đặt từ tên của cây nhum (Cái: rạch <arroyo>; Cái Nhum: cây nhum mọc dọc theo rạch).
Cây nhum mang tên khoa học Areca tigillaria hay Oncosperma tigillaria thuộc gia đình Arecaceae của cây cau, cây dừa. Cây cao nhất có thể đo được 25m. Cây phủ đầy tàu lá dài từ 2m đến 3m. Tàu lá giống như tàu cau, tàu dừa nhưng dầy đặc. Cây mọc theo các dòng nước, hà khẩu các sông. Hoa cái màu đỏ, hoa đực màu vàng. Trái tròn. Người Mã Lai gọi là Nipung. Dân hải đảo Thái Bình Dương gọi là Gendiwung. Cây nhum có nhiều liên hệ với dừa nước Nypa fruticans. Cây có gỗ cứng dùng làm nhà. Lá dùng để lợp nhà hay phơi khô để nhúm lửa, gỗ tạp làm củi đốt hay làm dụng cụ săn và bắt cá. Cổ hủ cây nhum được ăn như cổ hủ cây dừa. Cây nhum còn được tìm thấy nhiều ở Mã Lai, Indonesia, Phi Luật Tân và các hải đảo Thái Bình Dương. Nhưng nó tương đối xa lạ với người Việt Nam mặc dù ở Nam Bộ có thành phố Cái Nhum.
Xuyên Mộc và cây xoan mộc
Trước năm 1975 Xuyên Mộc nằm trong tỉnh Bình Tuy. Ngày nay Xuyên Mộc là một huyện của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đó là một huyện miền duyên hải nối liền với duyên hải tỉnh Bình Thuận. Năm 1954 là một trong ba vùng tập trung quân Việt Minh ở Nam Bộ (Xuyên Mộc, Cao Lãnh, Cà Mau) tập kết ra miền Bắc theo hiệp ước đình chiến ký ở Genève ngày 20-07-1954 giữa Đại Tá Delteil và Tạ Quang Bửu, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng của chánh phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong chiến khu. Huyện Xuyên Mộc rộng 642km2 với 12 xã. Huyện lỵ là Phước Bửu nằm gần Bình Châu, nơi có suối nước nóng. Xuyên Mộc có 132.000 dân. Kinh tế địa phương trước kia dựa vào ngư nghiệp. Ngày nay Xuyên Mộc trở thành khu du lịch quan trọng nhờ có bãi biển đẹp, suối nước nóng. Trong những năm gần đây Xuyên Mộc có đổ trường và nhiều khách sạn được xây lên để tiếp đón khách du lịch.
Địa danh Xuyên Mộc là tiếng âm trại của cây xoan mộc hay xương mộc. Tên khoa học của cây xoan mộc là Toon sureni, Toona febrifuga, Cadrela sureni thuộc gia đình Meliaceae. Người Anh gọi cây xoan mộc hay xương mộc là Red Cedar (cây bá hương đỏ), Pháp gọi là Cèdre de Cochinchine (cây bá hương Nam Kỳ), Indonesia: suren, Thái Lan: surian, Mã Lai: surian wangi, Trung Hoa: Zi Chun (Tứ Xuân Mộc) v.v.
Cây xoan mộc là một loại cây cao từ 15 đến 40m. Đây là một loại thảo mộc vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Nó được tìm thấy nhiều ở Nam Á, Đông Nam Á, hải đảo Thái Bình Dương và bắc Úc Đại Lợi. Hoa nhỏ li ti mọc thành chùm. Trái có nắp. Hột có hai cánh. Vỏ cây có mùi thơm. Vỏ có nhiều tannins. Gỗ mềm dễ cưa và bào. Người ta dùng gỗ cây xoan mộc để đóng thuyền, bàn ghế, tủ hay làm sàn nhà.
Vỏ và rễ cây xoan mộc dùng sắc nước uống trị kiết lỵ, tiêu chảy. Hoạt chất lấy từ lá cây xoan mộc có tính sát trùng Staphylococcus. Ở Việt Nam trong dân gian người ta dùng lá cây xoan mộc để trị tê thấp (đắp), điều kinh, cầm máu, trị tiêu chảy, kiết lỵ.
Ở Ấn Độ hoa cây xoan mộc dùng để làm thuốc nhuộm màu đỏ và màu vàng.
Ở miền ôn đới và bán nhiệt đới như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Âu Châu, Taiwan (Đài Loan),… có cây xuân mộc Ailanthus glandulosa thuộc gia đình Simaroubaceae. Cây nầy toát mùi dầu phọng lên men nên người Anh gọi là Stink tree và người Trung Hoa gọi là Chouchun (xú xuân mộc). Những âm xuân, xoan, xương, xuyên đều giống nhau trên 60%. Theo tiếng Trung Hoa cây xoan mộc được gọi là Zi Chun (tử xuân mộc) và cây xuân mộc được gọi là Chou Chun (xú xuân mộc). Nhưng chúng tôi không dám quả quyết địa danh Xuyên Mộc do cây xuân mộc mà ra vì cây xuân mộc Ailanthus glandulosa là thảo mộc miền ôn đới. Trái lại cây xoan mộc hay xương mộc được tìm thấy nhiều ở Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á quần đảo. Chữ Sureni trong tên khoa học của cây xoan mộc hay xương mộc xuất phát từ tên gọi Suren của người Indonesia và Mã Lai dành cho loại thảo mộc nầy. Xưa kia vùng Xuyên Mộc ngày nay là vùng kiểm xoát của người Khmer và Chàm. Người Chàm có quan hệ chủng tộc với người Mã Lai và Indonesia và tất cả cùng chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ trước khi theo Hồi Giáo. Người Khmer cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Ấn Độ và có quan hệ lịch sử với Indonesia.
Gò Quao và cây quao
Gò Quao là một huyện của tỉnh Kiên Giang. Huyện nằm trên bắc vĩ tuyến 9 độ 45′ và đông kinh tuyến 105 độ 59′. Huyện Gò Quao rộng 425 km2 (20,6 km x 20,6 km) với 145.000 dân vào năm 2003. Gò Quao nằm trong nội địa chớ không nằm trên Vịnh Thái Lan. Huyện nầy có 11 xã: Thị trấn Gò Quao, Thủy Liễu, Vĩnh Hòa Hưng Bắc, Vĩnh Hòa Hưng Nam, Vĩnh Phước A, Vĩnh Phước B, Định An, Định Hòa, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thắng, Thới Quản. Gò Quao có sông Cái Lớn chảy ngang qua.
Trong tỉnh Bến Tre có Chợ Cái Quao nằm trên bắc vĩ tuyến 10 độ 05′ và đông kinh tuyến 106 độ 22′.
Địa danh Gò Quao và Chợ Cái Quao xuất phát từ tên của cây quao, một loại thảo mộc khá xa lạ với người Việt Nam.
Cây quao mang nhiều tên khoa học khác nhau như: Dolichandrone spathacea, Dolichandrone longissima, Bignonia javanica, Bignonia longiflora, Spathodea longiflora thuộc gia đình Bignoniaceae. Cây quao là một cây mọc dọc theo các dòng nước, vùng ẩm ướt hay hà khẩu các sông. Cây quao cao đến 20 m. Hoa trổ trên một cuống dài thẳng đứng. Hoa màu trắng, nở và tàn trong một ngày mà thôi. Trái quao dài từ 50 – 60 cm tựa như trái ô môi. Cây quao được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka, các nước Đông Nam Á lục địa và quần đảo và ở các hải đảo Thái Bình Dương.
Người Anh gọi cây quao là Mangrove trumpet tree (cây kèn rừng sát), người Tamil (Nam Ấn Độ) gọi là Pannir, Sri Lanka: Dyia danga.
Gỗ cây quao nhẹ được dùng làm guốc (Phi Luật Tân), phao lưới cá, mặt nạ (Indonesia), đóng thùng, bàn, ghế, tủ.
Lá dùng làm nước súc miệng khi bị nhiễm trùng vùng miệng, đắp trên bụng trị chứng sình bụng của phụ nữ mới sinh con. Vỏ dùng để thuốc cá.
Một trong 12 xã của huyện Gò Quao có xã Thủy Liễu là tên gọi Hán-Việt của cây bần Sonneratia alba, một loại cây miền rừng sát, trái có đầu nhọn, khi rớt xuống nước đầu nhọn ghim dưới sình và mọc lên cây bần con. Trái bần ăn được. Gỗ dùng hầm than rất tốt (than bần, than đước).
Làng Cây Gáo và cây gáo
Làng Cây Gáo nằm trong huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa), là một trong những thí điểm trồng cao su của người Pháp vào cuối thế kỷ XIX. Huyện Trảng Bom rộng lối 326 km2 (18 x 18 km). Đó là nơi đường hỏa xa Xuyên Việt chạy ngang qua trước khi vào Biên Hòa.
Cây gáo là một cây to có gỗ vàng. Nó còn được gọi là huỳnh bá. Tên khoa học của cây gáo là Nauclea officinalis hay Sarcocephalus officinalis thuộc gia đình Rubiaceae. Người Mã Lai và Indonesia gọi là Batang, Borneo: Katung, Kambala.
Cây gáo được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka, các quốc gia Đông Nam Á lục địa và quần đảo, các hải đảo Thái Bình Dương. Cây cao từ 15 đến 20 m, lá hình bầu dục. Trái tròn màu hung đỏ nhạt. Gỗ vàng dùng để đóng bàn ghế, làm nhà, đóng thuyền. Cây gáo có alkaloids naucleatonins A & B kháng trùng và kháng viêm dùng để trị sốt rét nhưng không mạnh lắm.
Có một loại cây gáo vàng mang tên khoa học Nauclea cordifolia hay Adina cordifolia thuộc gia đình Rubiaceae như cây huỳnh bá (cây gáo).Người Anh gọi cây gáo vàng là Yellow teak (gỗ teak vàng), Ấn Độ: Karam.
Cây gáo vàng nầy có umbelliferone, skimmin. Vỏ cây gáo vàng được dùng để trị tiêu chảy, kiết lỵ, thuốc bổ, kích dục, trục lãi. Vỏ cây gáo vàng kết hợp với vỏ cây núc nắc tức sò đo thuyền Oroxylum indicum và đường sắc với nước uống trị chứng tiểu gắt, tiểu xón. Cây gáo vàng nầy có thể cao từ 30 đến 40 m.
Giồng Riềng và củ riềng
Giồng Riềng là một huyện rộng lớn và đông dân cư trong tỉnh Kiên Giang, diện tích rộng lớn 634 km2 (25,17 km x 25,17 km) với gần 200.000 dân. Huyện nằm trên bắc vĩ tuyến 9 độ 54′ và đông kinh tuyến 105 độ 19′. Huyện có đến 17 xã. Kinh tế dựa vào nông, ngư nghiệp và kỹ nghệ du lịch.
Giồng là vùng đất cao ít nước nên việc trồng trọt tương đối khó khăn hơn những vùng đất màu mở và có đầy đủ nước. Trong ca dao miền Nam có câu:
Mẹ mong gả thiếp về giồng,
Thiếp than phận thiếp gánh gồng chẳng kham.
Riềng là một loại củ giống như củ gừng. Đó là một loại hương liệu quan trọng như gừng, hành, tỏi trong nhà bếp Việt Nam và các nước Á Châu khác. Riềng có vị nồng và có mùi long não và dầu tràm. Người Việt Nam thường bỏ riềng vào mắm để khử bớt mùi mắm. Người ta cho riềng giã nhuyễn vào tré làm từ da và thịt heo trộn chung với thính. Những người nhậu rượu ăn cẩu nhục với riềng, lá mơ lông và rau om.
Ở Ấn Độ người ta dùng riềng để cất nước hoa. Dân du mục ở miền nam nước Nga uống nước trà riềng. Người Nga ngâm riềng trong giấm và rượu mạnh.
Riềng được trồng bằng củ. Bụi riềng cao từ 60 – 80 cm, lá dài, láng, màu xanh mướt. Hoa riềng và hoa nghệ được xem là hoa đẹp.
Tên khoa học của riềng là Alpinia officinarum, Alpinia sinensis, Alpinia galanga thuộc gia đình Zingiberaceae. Người Trung Hoa gọi riềng là Kao leang k’ang (thảo lương khương), Á Rập: Khanlanjan, Anh: Galangal. Những tên gọi có âm hao hao như nhau. Chữ galangal có thể nhạy từ tiếng Á Rập Khalanjan vì người Anh tiếp xúc với người Ấn Độ và Á Rập trước khi tiếp xúc với Trung Hoa. Nhưng giữa thảo lương khương (Kao leang k’ang) và Khalanjan tên gọi nào xuất hiện trước? Người Âu Châu biết đến riềng vào thế kỷ XVII qua trung gian người Á Rập. Mãi đến hậu bán thế kỷ XIX người ta mới thấy các sách y dược của Á Rập đề cập đến riềng gọi theo người Trung Hoa là Lương Khương (leang k’ang: gừng ngọt). Chữ Khalanjan âm từ Kao leang k’ang (thảo lương khương) và được người Anh âm thành galangal. Người Anh còn gọi riềng là colic root vì tác dụng trị đau bụng của riềng.
Riềng có cineol, eugenol, cadinene, methylcinnamate. củ riềng dùng để trị đau bụng, chướng hơi, nôn mửa, đau ruột, tiêu chảy, kiết lỵ, kinh phong. Dùng nhiều bị ảo giác. Flavonol galangin của riềng làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư vú.
Riềng được ca dao Việt Nam nhắc đến trong câu:
Bến Lức và cỏ lức
Trong tỉnh Long An có hai địa danh Bến Lức:
1- Cầu Bến Lức.
2- Huyện Bến Lức.
Trước năm 1975 chỉ có cầu Bến Lức. Dưới thời CHXHCNVN mới có huyện Bến Lức trong tỉnh Long An. Cầu Bến Lức bắt ngang qua sông Vàm Cỏ Đông. Huyện Bến Lức là một trong 13 huyện thuộc tỉnh Long An, tỉnh bao quanh bởi hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Huyện Bến Lức nằm trên bắc vĩ tuyến 10 độ 39′ và đông kinh tuyến 106 độ 29′. Diện tích lối 290 km2 (17 km x 17 km) với lối 130.000 dân (2003) sống trên 14 xã: Mỹ Yên, Phước Lộc, Long Hiệp, Nhựt Chánh, Thanh Đức, Bình Đức, An Thạnh, Thạnh Phú, Tân Bửu, Tân Hòa, Lương Hoa, Thạnh Hòa, Lương Bình, Thạnh Lợi. Huyện Bến Lức giáp ranh với huyện Đức Hòa, Đức Huệ ở phía Bắc; Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh) ở phía đông; Cần Giờ, Cần Giuộc, Tân Trụ ở phía nam và Thủ Thừa ở phía tây. Kinh tế dựa vào việc canh tác lúa, thơm và ngư nghiệp lục địa. Vị trí địa lý của Bến Lức rất quan trọng vì nằm giữa đoạn đường nối liền Sài Gòn-Mỹ Tho và nằm trong vùng Đồng Tháp Mười gần biên giới Cambodia. Hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đều bắt nguồn từ Cambodia.
Tên gọi Bến Lức do tên của một loại cỏ có hoa và là một loại cây thuốc: cỏ lức. có hai loại cỏ lức khác chính tả: Đó là Cỏ Lức Pluchea indica và Cỏ Lứt Bupleurum chinense. Cả hai đều không cùng một gia đình thảo mộc. Chúng tôi lần lượt trình bày cả hai loại thảo mộc để xem loại thảo mộc nào thích hợp với tên Bến Lức quen thuộc với phần lớn những người miền Nam sống trên châu thổ sông Đồng Nai và sông Cửu Long.
1- Cỏ Lức – Cúc Tần – Sài Hồ Nam Pluchea indica
Tên khoa học của loại cỏ lức nầy là Pluchea indica (chỉ gốc ở Ấn Độ). Pluchea foliosa thuộc gia đình Astraceae của hoa cúc. Nó cũng được gọi là Sài Hồ Nam dưới tên khoa học Pluchea pteropoda, Pluchea leptophylla. Loại thảo mộc nầy được tìm thấy ở Ấn Độ, các nước Đông Nam Á. Cây cao từ 60 cm đến 1 m. Lá bầu, rìa lá có răng cưa. Hoa chùm màu trắng-hồng nhạt hay màu hồng. Trái nhỏ. Loại thảo mộc nầy thường mọc ở vùng ẩm ướt, đầm lầy, cửa sông v.v. Lá vò có mùi thơm long não. Vì vậy người Anh gọi là Indian camphorweed (cỏ long não Ấn Độ), Thái Lan: Nuat ngua, Lào: Nuat luat, Mã Lai và Indonesia: Beluntas, Trung Hoa: Guang geng kuo bao ju (Quảng canh quốc bảo cúc). Người Trung Hoa không gọi cỏ lức nầy là Chai Hu (sài hồ) như họ gọi cỏ lứt Bupleurum chinense mà chúng tôi sẽ đề cập sau.
Cỏ lức có ác xít quinic, ê-te, quercetin. Người ta hái lá và cọng để xông khi bị sốt. Người Khmer giã lá cỏ lức hòa với rượu đắp vào cột xương sống khi bị đau thắt lưng và xương cụt. Cỏ lức kháng viêm và kháng trùng được dùng để trị đường tiểu bị nhiễm trùng. Ca dao miền Nam nói về cỏ lức như sau:
Ngó vô đám lức ngũ sắc còn có con ong vàng,
Anh coi đi coi lại duyên nàng còn không.
2- Cỏ Lứt – Bắc Sài Hồ Bupleurum chinense
Tên khoa học của cỏ lứt hay bắc sài hồ là Bupleurum chinense (gốc ở Trung Hoa), Bupleurum faleatum, Bupleurum scorzoneraefolium thuộc gia đình Umbelliferae có hoa như tàng dù. Cây cao từ 80 cm đến 1m. Lá giẹp và dài. Hoa nhỏ và tụ thành chùm như tàng dù màu vàng. Loại thảo mộc nầy có nhiều ở Trung Hoa, Triều Tiên, Taiwan (Đài Loan), Nhật Bản.
Người Anh gọi cỏ lứt bắc sài hồ nầy là Hare’s ear root (thố nhĩ căn), red thorowax root; Trung Hoa: chai hu hay bei chai hu (bắc sài hồ); Nhật: Saiko; Triều Tiên: Siho.
Bắc sài hồ kháng viêm, kháng ung thư. Củ có saikosaponins, các ác xít béo, oleic, palmitic, quercetin, nacissin. Nó được dùng để trị viêm gan, cổ trướng (cirrhosis), bất lực sinh lý, tiểu đường, viêm lá lách, viêm thận, sạn thận, viêm phế quản, ho gà, suyễn, béo phì, tiểu đường v.v… Dược tính trị liệu của cỏ lứt Bupleurum chinense kiến hiệu và đa dạng hơn cỏ lức Pluchea indica rất nhiều.
Chúng ta có hai loại dược thảo: cỏ lức và cỏ lứt. Loại nào thích hợp cho địa danh Bến Lức?
Cỏ lức 1 tức Pluchea indica có vẻ thích hợp hơn vì các lý do sau đây:
a- Xuất xứ Ấn Độ (Nam Á) của loại thảo mộc Pluchea indica tức cỏ lức. Bến Lức nằm ở Nam Á và trong vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Cỏ lứt 2 Bupleurum chinense hay bắc sài hồ là thảo mộc vùng khí hậu ôn đới và bán nhiệt đới. Sài hồ có nghĩa là củi nhúm lửa của rợ Hồ, tức người ở phương Bắc nước Trung Hoa. Sài hồ được nhập cảng dưới tên thương mãi thảo dược Radix Bupleuri.
b- Chúng ta gọi Pluchea indica là nam sài hồ để đối lại với bắc sài hồ (Bei Chai Ho) tức cỏ lứt 2 Bupleurum chinense. Trung Hoa gọi cỏ lức 1 Pluchea indica là Guang Geng Kuo Bao Ju (Quảng Canh Quốc Bảo Cúc) chớ không gọi là Nan Chai Ho (nam sài hồ). Nan Chai Ho (nam sài hồ) của người Trung Hoa chỉ cỏ lứt 2 Bupleurum scorzoneraefolium cùng dược tính trị liệu của Bupleurum chinense chớ không phải cỏ lức 1 Pluchea indica hay Pluchea leptophylla.
c- Về chánh tả chữ Lức trong cỏ lức 1 Pluchea indica giống chữ Lức trong địa danh Bến Lức.
Chợ Lách và cỏ lách
Chợ Lách là một huyện của tỉnh Bến Tre. Huyện rộng 190 km2 (13, 78 km x 13, 78 km) với lối 135.000 dân. Chợ Lách nằm trên Bắc vĩ tuyến 10 độ 16′ và Đông kinh tuyến 106 độ 07′. Làng Cái Mơn nằm trong huyện Chợ Lách. Đó là sinh quán của nhà ngôn ngữ học Trương Vĩnh Ký và là nơi có nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo sùng đạo. Cái Mơn nổi tiếng với những vườn cây ăn trái. Kinh tế huyện chợ Lách dựa vào ruộng lúa, vườn cây ăn trái, ngành trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi gà đá, gà thịt và ấp trứng để sản xuất gà con. Hiện nay Chợ Lách cũng là một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch.
Địa danh Chợ Lách xuất phát từ sự hiện diện của cỏ lách.
Cỏ lách là thân thuộc của cây mía nhưng không có mật, thân cây nhỏ và yếu, cao từ 1 – 3 m, mọc thành bụi. Lá dài và bén như lá mía. Hoa mọc thẳng đứng như cây mía trổ cờ hay bông cây lau nhưng màu hồng nhạt trông đẹp mắt. Cỏ lách thường mọc ở những vùng ẩm thấp, gần các dòng nước. Nó có tác dụng giữ đất chống xâm thực nhưng đó là loại thảo mộc lấn đất.
Tên khoa học của cỏ lách là Saccharum arundinaceae thuộc gia đình Poaceae. Người Anh gọi là reedy sugar cane (mía sậy), hardy sugar cane, devil sugar cane; Trung Hoa: Ban mao; Ấn Độ: Ramsar; Sanskrit (Phạn): Shara.
Các nhà làm vườn trổng cỏ lách làm cảnh trong vườn. Trong trạng thái thiên nhiên người ta chặt cây lách đem về nhà làm chất đốt để nấu nướng. Lá cỏ lách có thể dùng để lợp nhà như tranh, lá mía, lá dừa.
Trong y học cổ truyền Ấn Độ người ta dùng rễ cỏ lách làm thuốc nhuận tiểu, cây dùng để cầm máu, trị bịnh về máu hay bịnh về đường tiểu.
Người Việt Nam dùng hình ảnh lau, lách, sậy để mô tả cảnh hoang dã, hẻo lánh như câu ca dao phổ biến ở miền Nam sau đây:
Đường đi những lách cùng lau,
Cha mẹ tham giàu gả ép duyên con.
Xóm Rạch Cui và cây cui tức cây huỳnh long
Ở miền Nam có rất nhiều địa danh mang tên cui như Cái Cui, Rạch Cui, Xóm Rạch Cui, Giồng Cui, Cầu Cây Cui, v.v.
Xóm Rạch Cui trong tỉnh Sóc Trăng nằm trong xã Long Đức , huyện Long Phú trên bắc vĩ thuyến 9 độ 42′ và đông kinh tuyến 106 độ 04′. Phía tây của xóm là sông San Tard và phía đông là sông Hậu Giang.
Xóm Rạch Cui trong tình Cà Mau (An Xuyên, Minh Hải) nằm trong huyện Trần Văn Thới trên Bắc vĩ tuyến 9 độ 08′ và Đông kinh tuyến 105 độ 02′.
Trong tỉnh Bến Tre (Kiến Hòa) có Ấp Giồng Cui nằm trên Bắc vĩ tuyến 10 độ 05′ và Đông kinh tuyến 106 độ 24′. Ấp nằm trong huyện Mỏ Cày, phía đông của ấp là sông Hàm Luông.
Vậy cây cui là cây gì?
Cây cui, còn gọi là cây huỳnh long, là một loại cây cao từ 20 – 30 m. Cây cui được tìm thấy nhiều ở các nước Đông Nam Á lục địa và quần đảo. Tên khoa học là Heritiera javanica (gốc ở Java, Indonesia), Tarrietia javanica, Tarrietia cochinchinensis (gốc ở Nam Kỳ) thuộc gia đình Sterculiaceae của cây trôm. Người Indonesia và Mã Lai gọi cây cui hay huỳnh long là mengkulang jari, Khmer: dong chem, Thái Lan: thong suk, Borneo: kayu lisang, Phi Luật Tân: lumbayao. Người Anh gọi cây cui là menkulang dựa theo người Mã Lai. Đó cũng là tên gỗ thương mại ngoài thị trường quốc tế. Họ cũng gọi cây cui là cambodia mahogany (cây dái ngựa Cambodia). Người Pháp gọi là Acajou du Cambodge. Qua cách gọi tên ta thấy cây cui được tìm thấy nhiều ở Mã Lai, Indonesia và Cambodia. Ngày xưa Chân Lạp (Chenia) bao gồm Cambodia bây giờ và Nam Bộ (Thủy Chân Lạp – Water Chenia). Cây cui hay huỳnh long được tìm thấy nhiều ở Nam Bộ, nơi có nhiều địa danh nhỏ mang tên loại thảo mộc nầy như đã thấy ở phần trên.
Gỗ cây cui màu vàng-đỏ nhạt. gỗ nhẹ được dùng để đóng thuyền, làm nhà, đóng bàn ghế, tủ có giá trị trung bình. Cây cui cho bóng mát dọc theo các kinh rạch ở thôn quê miền Nam. Cành cây là một nguồn củi chụm. Cây cui giúp cho bờ kinh rạch chống sạt lở vì bị nước xói mòn.
Xóm Cây Sanh và cây sanh
Trong tỉnh Bình Dương và Đồng Tháp có Xóm Cây Sanh. Khu đất gần trường Mỹ Thuật Gia Định dọc theo đường Chi Lăng cũ được gọi là Xóm Hàng Sanh. Chữ Sanh được viết thành Xanh tức màu xanh chớ không phải cây sanh.
Cây sanh là cây đa Ficus indica thuộc gia đình Moraceae. Chúng tôi đã nói qua về cây đa trong phần nói về Bạc Liêu. Ở Việt Nam người ta nô nức trồng cây sanh bonsai. Nghe đâu có một cây sanh cảnh bonsai ở Bình Định được bán cả tỷ đồng Việt Nam!
Ấp Cây Gừa hay cây gừa
Ấp Cây Gừa là tên của hai ấp trong tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Hai ấp nầy mang tên của một loại cây mọc theo các dòng sông. Cây có nhiều rễ và cùng dòng Ficus như cây đa. Đó là cây gừa.
Cây gừa hay cây si mang tên khoa học Ficus benjamina, Ficus comosa, Ficus nuda, Ficus pendula, Ficus papyrifera, Urostigma nudum, Urostigma benjaminum thuộc gia đình Moraceae. Cây da cũng thuộc dòng Ficus như cây sung, cây si (cây gừa), cây bồ đề và được biết dưới tên khoa học Ficus indica. Cây si hay cây gừa còn được gọi là cây sung tròn vì trái tròn màu đỏ-vàng ăn được.
Người Anh gọi cây si là weeping fig (cây sung rũ), Java fig (sung Java). Ở Borneo cây si hay cây gừa được gọi là Ara hay dunuk. Người Khmer gọi là chrey pren. Cây gừa có thể cao đến 25 m, rễ lia chia. Cây to có hình dáng như cây da vì rễ to trở thành thân cây. Gốc như được cấu tạo bằng nhiều thân nhỏ họp lại. Lá dầy và láng. Trái tròn, nhỏ màu vàng cam khi chín. Cây gừa là một nguồn benzoin.
Ở Việt Nam người ta trồng cây gừa để cho rễ bám chặt vào hòn non bộ. Ngày nay cây gừa được dùng để làm cây cảnh bonsai. ỞẤn Độ người ta giã nát lá gừa hòa với dầu phết vào vết thương. Ở Việt Nam người ta dùng nhựa cây gừa hòa với lá của nó giã nát, hòa với rượu để đắp vào vết thương. Ở Ấn Độ người ta dùng nhựa và nước vắt của lá gừa hòa với sữa mẹ nhỏ mắt trẻ em khi giác mạc bị đục!
Bến Tranh và cỏ tranh
Địa danh Bến Tranh và có rất nhiều ở Nam Bộ như quận Bến Tranh (trước 1975) trong tỉnh Định Tường (Tiền Giang), xã Bến Tranh trên đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, Xóm Bến Tranh trong tỉnh Bình Dương. Địa danh có chữ Bến cho thấy có sự hiện diện của một dòng nước khá sâu cho ghe thuyền đến chở hàng và bốc dỡ hàng như Bến Cỏ, Bến Củi v.v… Địa danh Bến Tranh có liên hệ đến cỏ tranh.
Cỏ tranh được tìm thấy khắp nơi trên thế giới ở những vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Người Anh gọi cỏ tranh là Japanese blood grass vì có loại cỏ tranh màu đỏ như máu, blady grass vì lá bén. Tiếng Hán Việt của cỏ tranh là bạch mao căn (rễ lông trắng). Cỏ tranh cao từ 1 – 2 m. Lá dài và bén như lá sả. Hoa màu trắng. Đất có cỏ tranh là đất khô cằn, khô hạn và không màu mỡ. Vì rễ cỏ tranh bám sâu dưới đất cả thước nên rất khó diệt. Người ta dùng lửa đốt để diệt cỏ tranh, nhưng rễ của nó bám sâu dưới đất nên chỉ cần trời mưa xuống thì tranh non mọc lên.
Rễ tranh có 18% đường, các loại ác xít citric, malic, tartatric, oxalic, triterpene methylethers, arundoin và cylindrin.
Tranh dùng để lợp nhà. Rễ tranh kết hợp với lá mã đề, mía lau nấu nước uống giải nhiệt. Nước rễ tranh lợi tiểu, hữu ích cho các bịnh về thận, phù thũng, huyết tiện, xuất huyết, thổ huyết, cao huyết áp, trĩ, máu cam, hoàng đản.
Ở Cambodia người ta kết hợp rễ tranh với vài loại thảo mộc khác để trị bịnh trĩ.
Ở Trung Hoa rễ tranh được xem như nhuận tiểu, hạ sốt, trị nôn mửa, phù thũng.
Người Phi Luật Tân dùng rễ tranh và cọng để trị kiết lỵ.
Ở Phi Châu cỏ tranh được dùng để trị lâm lậu, tiểu tiện khó khăn.
Sông Tra và cây tra
Sông Tra và Rạch Tra là hai địa danh mang tên cây tra bồ đề. Sông Tra nằm trong tỉnh Long An. Rạch Tra nằm trong xã Đông Thânh, huyện Hóc Môn. Rạch Tra ăn thông với sông Sài Gòn.
Cây tra bồ đề là một loại thảo mộc vùng khí hậu nhiệt đới và đại dương. Nó được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và các hải đảo Thái Bình Dương. Cây cao từ 10 – 15 m, lá hình trái tim như lá bồ đề. Hoa hình ly, cánh to và mỏng màu vàng nhạt hay màu hồng giống như hoa cây bông vải. Trái nhỏ. Ở Ấn Độ người ta trồng cây tra quanh đền và xem đó là thiêng mộc. Ý niệm nầy cũng được tìm thấy trên các hải đảo Thái Bình Dương
Tên khoa học của cây tra là Thespesia populnea thuộc gia đình Malvaceae như hoa giâm bụt, bông vải. Người Pháp gọi cây tra là motel debout (lữ điếm đứng), Anh: Pacific rosewood, Portia tree, Indian tulip tree. Ở Hawaii người ta gọi là Milo.
Trái, lá non và hoa cây tra ăn được.
Hột là nguồn dầu và gossypol rất độc cho người lẫn thú vật. Gossypol C30H30O8 trong dầu hột bông vải gây chứng vô tự cho nam giới trong tỉnh Jangxi (Giang Tây) vào cuối thập niên 1920. Theo những nghiên cứu hiện hành nó lại có tính năng chống ung thư. Dầu dùng để thấp đèn, thoa bóp tê thấp, trị ghẻ. Hột là chất nhuộm màu vàng-xanh.
Gỗ là màu nhuộm vàng cho len (laine). Gỗ cây tra dùng để đóng thuyền, làm đàn (Ấn Độ), đóng thùng và các vật dụng có giá trị tầm thường.
Sợi lấy từ vỏ cây tra dùng để làm dây. Lá làm màu nhuộm đen.
Trái non có nhiều tannins được vắt nước trị côn trùng cắn, lâm lậu, hắc lào, nhức đầu, ghẻ, vết chai, v.v…