Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Hồ Biểu Chánh và chút tình Nam Kỳ Lục Tỉnh

Đất Lục Tỉnh ta là cái nôi xuất hiện đầu tiên của chữ Quốc Ngữ, của các thể loại thơ, tiểu thuyết, văn chương và báo chí Quốc Ngữ đầu tiên ở Việt Nam.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh

Chúng ta tự hào có Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trần Chánh Chiếu…

“Miền Nam vốn có một một địa vị về văn nghệ và có ảnh hưởng sâu rộng trong quảng đại quần chúng lan tràn đến cả miền Trung lẫn miền Bắc.

Miền Nam đã gây phong trào tiền phong về mọi phương diện văn nghệ: báo, tạp chí, truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch, đặc biệt là tiểu thuyết Trung Hoa, truyện phóng tác tiểu thuyết Tây, phong trào xuất bản rộng lớn các loại thơ bình dân và rất phồn thịnh…” (Khi lưu dân trở lại, tác giả Nguyễn Văn Xuân).

Dần dà trong lịch sử văn chương Việt Nam có sự “ăn hỗn” khi sau này người ta lấy văn chương kiểu Bắc của Nam Phong tạp chí làm chuẩn để nói văn chương Bắc là số 1.

Học giả Nguyễn Văn Xuân viết vầy:

“. . .không gì mỉa mai hơn là học Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Trọng Thuật, cả Hoàng Ngọc Phách nữa, những nhà văn mà chính phê bình gia có tiếng là Vũ Ngọc Phan nhìn nhận là kém hơn Hồ Biểu Chánh”.

Hồ Biểu Chánh -Hồ Văn Trung (1/10/1885-4/9/1958) người làng Bình Thành, tỉnh Gò Công.

Còn nhỏ ở Gò Công học chữ Nho, sau học Quốc Ngữ tiểu học ở tổng Vĩnh Lợi, trường tỉnh Gò Công, sau về Mỹ Tho học Collège de Mỹ Tho, rồi lên Sài Gòn học trường Pháp Chasseloup-Laubat.

Hồ Biểu Chánh con nhà nghèo nên lấy sức học và sự kiên trì mà đi lên.

Sau khi thi đậu Thành Chung, xin làm giáo làng nhưng rồi đi thi ký lục.

Năm 1906, ông đậu ký lục và được bổ nhiệm ở dinh Thượng Thơ Sài Gòn.

Năm 1911, Thống đốc Nam Kỳ nghi ông có liên lạc với nhóm Gilbert Trần Chánh Chiếu trong phong trào Minh Tân chống Pháp nên đổi ông xuống Bạc Liêu. Được 9 tháng, ông tình nguyện đi Cà Mau thay cho một đồng liêu có con còn nhỏ.

Năm sau 1913 ông đổi đi Long Xuyên và lập hội Khuyến Học, lập tờ Đại Việt Tạp Chí (tờ báo chỉ phát hành được 13 số thì đình bản) ở đây.

Năm 1918, ông được đổi về Sài Gòn.

Năm 1921 ông thi đậu Tri huyện và năm 1927 được thăng tri phủ.

Hồ Biểu Chánh làm chủ quận Càng Long (1927), Ô Môn (1932).

Năm 1934, vì bất chủ tỉnh ông bị đổi đi Phụng Hiệp.

Năm 1936 lúc 51 tuổi, ông được thăng Đốc Phủ Sứ.

Tháng 6/1936, ông xin hồi hưu, nhưng chánh phủ Pháp ép ông làm tới tháng 6/1941.

Rồi ngày 4/8/1941, ông được cử làm nghị viên Hội Đồng Liên Bang Đông Dương, rồi nghị viên Hội đồng Sài Gòn kiêm Phó Đốc Lý.

Tức là làm ông hội đồng kiêm phó thị trưởng Sài Gòn.

Trong thời gian nầy, ông còn làm giám đốc cho hai tờ báo là Nam Kỳ Tuần Báo và Đại Việt Tạp Chí (bộ mới).

Năm 1946, khi bác sĩ Nguyễn Văn Thinh lập chánh phủ Nam Kỳ tự trị ông có làm đổng lý văn phòng, nhưng đến cuối năm, khi Nguyễn Văn Thinh tự tử, ông từ giả chính trường.

Ngoài việc làm quan chức, thú vui của Hồ Biểu Chánh là viết lách, ông viết rất hăng.

Và ông soạn tuồng hát bội nữa, Thanh Lệ kỳ duyên năm 1927.

Nhưng vui vầy nè, bản thân Hồ Biểu Chánh cũng đã khẳng định ông không làm nghề văn chương.

Tức ông không nhận danh hiệu “nhà văn”, “nhà nghiên cứu” gì cả.

Ông là người Nam Kỳ dẫn đường, làm lá lót đường truyền bá tư tưởng đạo lý, giữ tinh thần dân tộc, tả lại cuộc sống xã hội đời thường Nam Kỳ thời của ông mà thôi.

(Trích) “Đi thi thông ngôn, ký lục phải ăn mặc cho đàng hoàng. Cháu đã hết cái lớp học trò rồi, còn mặc sắc phục nhà trường nữa sao được. Cháu có sắm áo dài hay không? Phải bận áo dài, chớ không lẽ đi thi làm thầy mà bận áo vắn” (Tơ hồng vương vấn).

Nên nhớ giọng văn của Hồ Biểu Chánh là giọng văn Nam Kỳ hịch hạp, nguyên xi, y chang đời thường Nam Kỳ.

Đọc sách ông sẽ gặp hầu hết xã hội Nam Kỳ xưa, từ cai tổng, tri phủ, tri huyện, chủ quận, hội đồng, thông ngôn, ký lục, lục sự, thầy bang biện, thầy xã, hương cả, hương thân, hương giáo, hương quản, cử nhơn, tấn sĩ, tú tài, bác vật… tới tá điền, tá thổ, con ở, con làm thuê làm mướn.

Đọc sách ông ta sẽ đi lòng vòng Nam Kỳ Lục Tỉnh từ Gò Công tới Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Cần Đước, Đất Hộ, Phú Nhuận, Rạch Kiến, Cà Mau, Chợ Lớn, Chí Hòa, Xã Tài…

Đọc Hồ Biểu Chánh ta sẽ biết cách cất nhà, cái nhà Nam Kỳ xưa ra sao, có mấy gian, làm bằng gì, cách bày trí, bộ ngựa đặt chổ nào, làm bằng danh mộc gì, bàn thờ ông bà mấy cái.

Đọc Hồ Biểu Chánh sẽ biết Nam Kỳ xưa ăn mặc ra làm sao, quần áo, khăn xếp, khăn đóng màu gì.

Thí dụ coi hương quản mặc đồ nè: “Chánh Hương quản Sum bận quần lãnh đen, áo bành tô trắng, chơn mang giày hàm ếch, đầu đội kết có rằn, tay cầm ba ton, miệng ngậm điếu thuốc” (Cha con nghĩa nặng).

Đọc Hồ Biểu Chánh như đi xuyên không, một chuyến du lịch về Nam Kỳ thời ông cố, ông nội, ông ngoại mình. Nghe đặng tiếng chèo đò, tiếng heo kêu ụt ịt đòi ăn, tiếng hò dân nghèo cấy lúa, giọng the thé chửi tá điền của bà cai, bà hội đồng.

Cái cảm giác kỳ lạ lắm, rất gần, rất máu thịt, rất Nam Kỳ, đọc xong còn rần rần trong lòng vì theo chưn con Tí, thằng Tèo, cậu cử, ông chệt chưa có đã.

Nhưng nhìn ra là Hồ Biểu Chánh không giỏi về ẩm thực, món ăn, thành ra rất ít khi tả sâu vô đồ ăn.

Những năm 1930 trước sự “xâm lăng” của kiểu văn chương hoa hòe hoa sói, đầu môi chót lưỡi từ Miền Bắc, khi các nhà văn hóa Nam Kỳ bị lai tạp ít nhiều thì Hồ Biểu Chánh (Cùng Sơn Nam, Vương Hồng Sển. . .) vẫn cố thủ giữ rịt, kiên quyết giữ nguyên cách viết đậm đà hơi hám Nam Kỳ của mình.

Hồ Biểu Chánh cùng với Sơn Nam và Vương Hồng Sển có thể nói là chuẩn mực văn chương Nam Kỳ.

Nhưng Sơn Nam có đôi khi không đi sâu phong tục phương diện tả thực hơn Hồ Biểu Chánh, văn Vương Hồng Sển thì đôi lúc tỉ mỉ tẳn mẳn kiểu léo téo, thành ra Hồ Biểu Chánh là dễ hiểu nhứt.

(Trích) “Mình đừng thèm giận thói đời, đừng thèm kể hủ tục, cứ che mặt bít tai mà tu tâm khai trí, cứ lo học cho thành công đặng người bạn yêu dưới suối vàng khỏi thất vọng, đặng bà mẹ già trên dương trần hết lao khổ, đặng thân danh mình vượt lên cao, khỏi vướng sình lầy, khỏi bị khinh rẻ, vậy thì xong, chẳng cần nghĩ tới việc giận hờn, thù oán làm chi nữa.” (Tơ hồng vương vấn).

Nhiều người Nam Kỳ theo cách viết Bắc Kỳ xưa không ưa Hồ Biểu Chánh, họ nói văn ông ko là văn viết, viết như nói và rất hời hợt.

Đông Hồ viết: “Đọc thì cũng đọc, thích thì cũng thích, duy chúng tôi cứ không chịu được lời văn viết trơn tru thẳng tuột hời hợt của ông”.

Ông Bình-nguyên Lộc thì công tâm hơn khi nhận xét kiểu văn Bắc:

“Ở đất Bắc, tiểu thuyết chẳng hay hơn gì ở đây, nếu có hơn ở văn vẻ, kiểu cách…

… càng văn vẻ, kiểu cách thì càng rỗng, càng sáo”.

Bình-nguyên Lộc nói về Hồ Biểu Chánh: “Lần đầu tiên độc giả Việt Nam được thấy hình ảnh con chó phèn nằm thè lưỡi nơi hàng hiên của nếp nhà tranh, được nghe nhạc nhái dưới các ruộng sâu vào buổi chiều, toàn là những cảnh quen thuộc mà sao như mới lạ, hấp dẫn hơn liễu rũ bên hồ sen mới tàn bông, cúc vừa trổ nhuỵ”.

Chê Hồ Biểu Chánh nhưng nói tới Đông Hồ thì chẳng ai biết, còn Hồ Biểu Chánh thì dân đọc rần rần, in sách ào ào.

Trời ạ! Hành văn như nói, trơn tuột đó là kiểu Nam Kỳ, đặc trưng Nam Kỳ đó nha chưa.

Thử hỏi cái nồi canh chua bông điên điển, bông sua đủa Nam Kỳ mà bỏ mắm tôm vô thì ai dám ăn?

Bạn đọc Hồ Biểu Chánh bạn nhận ra con người Nam Kỳ mình trong đó, tiểu thuyết hiện thực mà.

Thí dụ như nghèo nhưng từ ban đầu là không làm ẩu, làm bậy, nghèo có danh dự.

Trong “Ngọn cỏ gió đùa” nhà Lê Văn Đó đói tới mức không còn cháo mà húp, trước nguy cơ mẹ già và bầy cháu chết đói anh Đó đàng hoàng đi kiếm việc làm, nhưng không ai mướn, túng quá anh đi vô nhà bá hộ Cao hỏi thẳng:

(Trích) “Nhà tôi nghèo quá, tôi đi làm mướn mà không ai chịu mướn tôi làm. Bây giờ nào là mẹ, nào là chị, nào là sắp cháu nhỏ của tôi chết đói hết thảy, tôi đi đến đây, thấy nhà nầy giàu có nên tôi ghé lại mượn một ít giạ lúa về ăn đỡ”.

Cái tánh “danh giá” Nam Kỳ ở chổ đó, nghèo nhưng không trộm cướp, giựt dọc, phải tận sức bình sanh trước, đi làm mướn trước đã.

Đói quá, bần cùng quá thì “mượn”, nhưng cũng công khai đàng hoàng ở cổng chánh.

Lê Văn Đó sau đó bị chủ nhà xịt 6 con chó cắn máu me tùm lum, anh chàng lê lết tấm thân tàn ra ngoài bụi tre ngồi gục mặt xuống, trăng rằm sáng treo trên trời rừng rực mà đời anh tối thui “Cuộc đời đắng cay dường ấy, cảnh trời thanh lịch dường ấy, mà Lê-văn-Ðó ngồi trơ trơ như một cục đá hay là một khúc cây, không buồn, không vui, không lo, không cảm chi hết”.

Cùng đường anh Đó làm bậy, nhưng cũng “sĩ” lắm, chỉ lấy cái trã cháo heo của nhà giàu về cứu đói cho mẹ già và các cháu thôi.

Rốt cuộc anh Đó bị người làm bá hộ Cao lấy cây tre nhắm vô đầu mà đánh, nó đánh vô tay anh làm trã cháo heo rớt xuống bể nát, cháo đổ hết xuống đất.

Bị đánh đau, bị hàng chục người thoi, đạp mà Đó không đau, cứ tiếc nồi cháo heo “Làm giống gì dữ vậy? Ðổ cháo hết uổng hôn!”.

Rốt cuộc Đó bị đánh đòn đủ 100 roi, nát thịt văng máu; chừng mở trói ra thì bò mà đi chớ đứng không nổi, án tù khổ sai 10 năm.

Ai nói Hồ Biểu Chánh binh nhà giàu Nam Kỳ, quá xá ác.

Thương người Nam Kỳ mình.

Nhà giàu Nam Kỳ ác có nhiều trong Hồ Biểu Chánh.

Bà Cai Hiếu (Con nhà nghèo) không nói lý lẽ dù con trai mình hiếp dâm giá tá điền có chửa, biết chuyện bà đuổi thẳng cả nhà cai tuần Bưởi tá điền lâu năm trong đất của bà “Mày phải liệu lấy, nếu mày dễ ngươi, tao niểu nó lấy ruộng lại mà cho người khác mướn, rồi không có cơm mà ăn thì chịu đa”.

Ba Cam chém cho hai Nghĩa một dao, với lý luận thế này: “Không phải liều mạng. Quân giàu có mà ăn ở mọi rợ quá, làm hiền với nó sao được kia”.

Tức là Hồ Biểu Chánh đâu có nương tay với nhà giàu ác, ông kêu chém nó cho biết mùi.

Diễn biến tâm lý của bà Cai Hiếu rất đúng logic nhà giàu Nam Kỳ xưa.

(Trích)

“Bà Cai hỏi rằng:
– Thằng nào cả gan dám chém con tao đây! Vậy chớ làng xã ở đâu, có bắt nó chưa, hử?

Hương quản đứng dậy đáp:
– Thưa bà, làng người ta đã bắt nó rồi đây. Xin bà đừng rầy rà để cho tôi tra hỏi nó.

Bà Cai ngó Ba Cam và hỏi rằng:
– Thằng đó phải không?
– Thưa phải.
– Chú làm chức gì?
– Tôi làm Hương quản.
– Sao chú bắt phạm nhơn chú không đóng gông nó lại, chú để nó đứng thong thả đó vậy hử?
– Làng tôi có gông đâu mà đóng. Thuở nay tội gì cũng đóng trăng, chớ đâu có tới đóng gông. Mà tôi đương tra hỏi, đóng trăng sao được.

Bà Cai xốc xốc đi lại rồi xỉa vào mặt Ba Cam mà hỏi:
– Mầy là quân ở đâu mà mầy dám chém con tao hả?
– Bà không được phép xỉ tôi.
– Tao xỉ rồi mầy làm sao? Tao đánh dù trên đầu mầy bây giờ.
– Bà đánh thử coi. Có chứng ông Hương quản đa nghe. Bà muốn sanh sự, chớ không phải tôi đa. Tôi có tội thì quan phạt tôi, chớ hễ bà Cai động đến tôi thì tôi không nhịn.
Hương quản sợ sanh chuyện thêm nữa, nên đứng trước mặt bà Cai và mời bà ngồi.

Ba Cam nói:
– Bà đừng quen thói ăn hiếp tá điền, rồi bà tưởng ai cũng sợ bà hết. Tôi có mướn ruộng đất vay lúa vay tiền gì của bà đâu mà tôi sợ bà, nên bà ăn hiếp tôi. ” (Hết trích).

Logic là, rất Nam Kỳ, có mướn đất chủ điền thì tá điền mới sợ chủ điền, không dính quyền lợi thì không sợ.

“Tôi có tội thì quan phạt tôi, chớ hễ bà Cai động đến tôi thì tôi không nhịn” là câu nói khẳng định Nam Kỳ còn có luật pháp.

Và bà Cai giải quyết cách nhà giàu cũng rất Nam Kỳ là “Thây kệ nó. Để tao thí ít ngàn bạc, rồi coi nó có sợ tao hay không mà”.

Hồ Biểu Chánh vạch trần bản chất xấu xa, tham lam đến độc ác, không chừa thủ đoạn nào để bóc lột tá điền của một vài điền chủ Nam Kỳ.

Thí dụ ông rể Vĩnh Thái ( Khóc thầm ) nạo xương róc tủy tá điền, đặt ra quy đinh mướn đất một trăm công ruộng thì phải vay năm chục giạ lúa, hoặc năm chục đồng bạc để cuối mùa được cả ba nguồn lợi, ông này đánh thuế lên nhà cửa, mồ mả tá điền luôn.

Bạc vay 100 thì Vĩnh Thái ăn lời có… 60.

Nhưng cô vợ Thu Hà và cha vợ là ông hội đồng Chánh không đồng tình, ông hội đồng nói:

“Theo lời người ta nói thì con cải lương cách cho muớn ruộng đất thiệt.

Ngặt có một điều này: chớ chi con cải lương cho tá điền tá thổ người ta nhờ thì ba cũng cầu, cái nầy con cải lương đặng lột da người nghèo thì tội nghiệp cho người ta quá, sao con nỡ làm như vậy?

Theo lẽ tự nhiên, kẻ khôn thì phải thương kẻ dại, kẻ giàu phải giúp người nghèo chớ. Nếu không thương, không giúp nhau thì sao gọi là nghĩa đồng bào đồng loại cho được.

Mà con buộc vay và con thâu thổ cư cũng chưa ác cho lắm. Con bày đào mồ cuốc mả đem chôn chỗ khác, bằng không thì phải đóng cho con mỗi cái mả mỗi năm một đồng bạc, cái đó bậy quá, người ta hờn con là tại cái đó đa.

Thà là ruộng của ba mất giá, chớ ba không nỡ đào mồ cuốc mả ông bà người ta đâu con”.

Xuất thân Ký Lục, Hồ Biểu Chánh thấy rõ một số “thầy” rất gian manh, trong “Con nhà giàu” có thầy Thông Hàng ở tòa bố Mỹ Tho rất gian xảo, ăn của người này thọt người kia, bày đủ trò lừa gạt bạn bè.

Xuất thân con nhà nghèo, Hồ Biểu Chánh luôn thương dân nghèo.

(Trích) “Tuy Thượng Tứ sanh trưởng nơi chốn nầy, nhưng mà hồi nào bị mẹ cưng không cho ra khỏi nhà, chừng khôn lớn thì mắc đi học, lúc bãi trường về nhà mẹ cũng không cho tới nhà tá điền tá thổ mà chơi, bởi vậy cậu không biết nhà ai, không quen với ai, cậu chỉ thấy nhà cậu cao lớn sung sướng, chớ cậu không dè nhà người ta lúm túm nghèo khổ.

Hôm nay cậu đi vòng trong xóm, cậu thấy quang cảnh khó khăn của con nhà nghèo, già cả mà còn lụm cụm đi làm, con nít mà phải trần truồng không quần áo, người trải nắng dầm mưa mà không đủ cơm nuôi vợ con, kẻ chai tay nám mặt mà không dám than phiền mệt nhọc.

Cậu thấy như vậy cậu lấy làm đau lòng, nên chừng ngồi ăn cơm với Hương hộ, cậu thở ra mà nói rằng: “Tôi nghĩ lại thiệt tôi dại quá. Tôi đi chơi bậy bạ mấy tháng tốn bốn năm ngàn đồng bạc. Chớ chi tôi để số tiền ấy tôi phát cho mỗi người nghèo trong xóm, mỗi người năm bảy chục hoặc một trăm, thì họ mừng biết là chừng nào”.

Đừng bắt Hồi Biểu Chánh phải “đấu tranh” lật đổ giai cấp điền chủ, mổ bụng nhồi trấu thả trôi sông, đó là Việt Minh-CS rồi.

Trong di chúc sau cùng ông viết:

“Tuy là tay sai của quan Pháp, song nếu mình cứ lấy lòng siêng năng ngay thẳng mà làm việc, đừng a dua, đừng bợ đỡ, phải thì ở, không phải thì đi, nói oan dám giận, nói bậy dám cãi, thì phận mình khỏi hổ, mà thiên hạ lại được nhờ nữa”.

Phải nhìn nhận một điều người Pháp nói gì thì nói đã góp phần khai hóa Nam Kỳ ta và những trí thức thời Pháp đã để lại một cái nền văn hóa rất lớn cho Nam Kỳ.

Không thủ cựu, không đả cựu, mà là tiến tới thích ứng, hay ta học, tệ ta bỏ, nhưng vẫn giữ bản sắc, nền tảng văn hóa bổn địa xưa rày của ông bà mình.

Hồ Biểu Chánh là như vậy đó.

Kỹ nghệ nước mắm ở Đông Dương (1/7) – Phần mở đầu

Theo yêu cầu của chính quyền sở tại, Viện Pasteur Sài Gòn từ năm 1914 đã tiến hành nghiên cứu sản phẩm này để đưa ra một định nghĩa khoa...

Xe kéo , biểu tượng cho sự giàu có và uy quyền xa xưa

Xe kéo xuất hiện lần đầu ở Nhật Bản vào đầu thời kỳ Cải cách Minh Trị. Chúng nhanh chóng trở thành phương tiện giao thông được hâm mộ, do...

Cuộc sống ở nông thôn miền Bắc năm 1987

Cùng xem loạt ảnh tuyệt vời về vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam năm 1987 được ghi lại qua ống kính của nữ phóng viên ảnh người Pháp Lily...

Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt – Bi Kịch Của Lòng Trung Và Quyền Lực

Nói đến thành Gia Định là nói đến Tả quân Lê Văn Duyệt. Nhiều bạn đọc tỏ ra chưa thỏa mãn, bởi đề cập về Đức Tả quân trong hai...

VÔ CẢM…

Sự vô cảm bầy đàn như mãnh thú Rình rập đời rừng rú xé lương tri Mang trái tim đong đếm riết chai lì Trong sâu thẳm vẫn hoang mang…...

Mùa hạ năm ấy

Mùa hạ ấy, đã xa lắc tự thuở nào, tôi từng thương một chàng trai hiền lắm, cũng chẳng biết căn nhà cậu sống, chỉ loáng thoáng vẽ những nghĩ...

Ký ức về đoàn hát Kim Chung

Trước 1954 đoàn Kim Chung thành lập ở ngoài Bắc, cũng là một đoàn hát có bề thế, nổi tiếng, chủ nhân là ông Trần Viết Long, một công tử...

Sinh hoạt của người miền Nam 100 năm trước qua tranh ký họa của Trường vẽ Gia Định

Đám cưới, đám ma, tảo mộ ngày Tết, trang phục, bữa ăn hàng ngày… của cư dân Sài Gòn xưa được ghi lại trong hàng trăm bức tranh ký họa...

Sơ lược về Nhị thập bát tú trong tài liệu lịch pháp Hán Nôm

Bài viết này xin được giới thiệu sơ lược về Nhị thập bát tú (28 chòm sao) ghi trong niên lịch Việt Nam qua một số tài liệu lịch pháp...

Vài tấm ảnh về học sinh thời trước

Cùng nhìn lại những tấm ảnh kỷ yếu của giái dục miền Nam ngày trước Lớp một 3 niên khóa 1972-1973 Lớp 1/1 trường Lê Quí Đôn niên khóa 1972-1973...

Lột trần Việt ngữ – Kỳ 17/25 – Trời và Ngày

Bạn Nguyễn Mạnh Côn cho biết rằng người Nhựt chỉ Trời bằng danh từ ngoại quốc mà họ đọc là SORA. Đành thế. Nhưng chúng tôi đâu có đối chiếu...

Thời Vua Hùng không có ‘văn hóa đóng khố’

Đã đến lúc cần cấp tốc loại bỏ thứ “văn hóa đóng khố” ra khỏi nhận thức về trang phục thời đại Hùng Vương, vì đó là một sai lầm...

Exit mobile version