Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Sài Gòn ngày mưa cứ ngỡ thu đang về

Không vồn vã vội đến nhanh đi như cái cách mà người ta vẫn thường nhớ về những cơn mưa bóng mây ở Sài Gòn. Thành phố phương Nam sắp bước vào tháng 6 nhiều lắm những cơn mưa rả rích từ chiều này đến sáng nọ, từ lúc trưa cho đến chập tối. Cả thành phố thoảng một mùi hương, của mưa, của những thứ nhỏ nhặt đang chìm vào trong mưa, toát lên nét đặc trưng vốn có.

Chỉ cần đưa tay ra bên ngoài, chỉ cần ngước lên bầu trời xám xịt kia, là có thể cảm nhận được, giọt tí tách đang rơi rớt xuống mắt mi, xuống vai, xuống làn tóc mềm, xuống đất khô, hòa lẫn bao nỗi niềm khó tả, tan cả vào không khí. Ừ, mưa Sài Gòn đó. Sài Gòn mát rượi còn hơn cả mùa thu, cả người Sài Gòn lẫn khách du lịch vui mừng khôn xiết. Yêu lắm cơn mưa của Sài Gòn.

Mưa Sài Gòn
Sài Gòn không còn vừa mưa vừa nắng – Ảnh: Lê Phan Trung Hiêu

Cũng có những ngày, Sài Gòn làm người ta ghét, bởi trời đang nắng nóng chang chang, đang chạy xe ngoài đường, bỗng dưng chẳng lời báo trước, đổ ào xuống cơn mưa, ướt nhẹp, dù trời vẫn đang quét từng tia sáng vàng ươm xuống lòng đất. Một mùi ẩm ương hôi nồng bắt đầu thức dậy, thấy khó chịu làm sao.

Mưa Sài Gòn
Ngắm một Sài Gòn lạ trong mưa – Ảnh: Sean Lam

Còn Sài Gòn những ngày này, người ta quen với mưa hơn, và mưa cũng nhẹ nhàng ‘nháy mắt’ trước để người Sài Gòn bắt được tín hiệu. Làn mây xám nhỏ sẽ kéo vào thinh không một màn xám xịt, những tiếng sấm bắt đầu dạo chơi cùng ánh chớp, như đưa trẻ vừa ngái ngủ, giật mình khóc thét khi không thấy mẹ đâu.

Cứ thế, nắng bị mây giấu nhẹm đi phương nào, tí tách, tí tách, mưa rơi rơi nhảy nhót khắp nơi trong thành phố, đứng ở đâu cũng nhìn thấy mưa. Sài Gòn giờ đã chung một bầu trời, người ta không còn tị nạnh nhau bởi “Chỗ em mưa sao chỗ anh lại nắng – Sài Gòn tánh kỳ người ghét người thương.”

Sài Gòn mưa, những chiếc lá vàng rơi rụng xuống mặt đường, cánh hoa li ti không chịu được sức nặng của giọt long lanh kia và gió cũng an phận dưới đất, bầu không khí như được ‘vệ sinh’ kỹ, trong lành, man mát, nhìn những thứ an yên và tĩnh lặng. Tưởng chừng như Sài Gòn có thu. Mà kỳ thực, Sài Gòn mưa thế này, thì thu cũng về nhanh thôi.

Mưa cứ tí tách tí tách rơi mãi – Ảnh: Hoang Viet Nguyen

Người ta thường bảo nắng sẽ làm cho tâm hồn tràn trề sức sống, còn mưa sẽ khiến tim mình như lỗi nhịp, cảm giác như dòng thời gian đang chuyển động chậm dần, chỉ thèm được bình yên, không còn vội vã. Có lẽ như thế thật.

Sài Gòn mưa, một màn mưa khiến lòng mới hả hê vì cái mát lạnh mà nó mang đến, thì bỗng chốc đã vội trầm tư.

Sài Gòn mưa, người Sài Gòn cũng lười biếng gồng mình theo vòng quay quen thuộc, chỉ muốn lặng thầm một góc, ngắm mưa, suy nghĩ về cuộc đời, về bản thân, về những thứ xưa cũ. Lắm lúc, đơn thuần chỉ là nhìn vu vơ thế thôi, chẳng cần suy nghĩ gì.

Có những khoảng không tên khiến lòng bình lặng – Ảnh: Duy Trịnh

Người Sài Gòn là thế, với khách du lịch lần đầu đến mảnh đất bon chen này cũng vậy. Dường như Hòn ngọc viễn đông không còn đông đúc bốn phương khiến người ta tưởng chừng như nghẹt thở. Đâu đó một chốn giữa lòng Sài thành, người lữ hành phương xa cũng buông thả lòng mình, an nhiên nhâm nhi tách trà nóng, nhìn mưa Sài Gòn mà trầm tư ngẫm nghĩ. Có một Sài Gòn bình dịu như thế trong mưa.

An yên ở một góc nhỏ trầm tư theo dòng suy nghĩ – Ảnh: Tuan Nguyen

Sài Gòn nắng mưa, hết mưa rồi nắng, Sài Gòn đỏng đảnh là thế, nhưng người ta lại chẳng bao giờ ghét bỏ, bởi những thứ bình thường ấy đã trở thành một phần cuộc sống thuộc về Sài Gòn. Để khi Sài Gòn nhẹ nhàng bước vào mùa mưa, lòng người lại nhóm nhen lên không ít chuyện, chỉ hẹn đến ngày này lại đem ra để vui cùng.

Là lúc Sài Gòn mưa, người ta thích thú đến độ chạy ào ra ngoài, không dù không ô, cứ thế trầm mình tắm mát, ‘xõa’ đi hết cái nóng bức phải chịu. Là bàn tay ai nắm bàn tay ai, lướt nhanh trên phố, hơi ấm trao nhau dưới tán ô chung ngại ngùng mà trìu mến. Là đôi vai ai dựa thật sát vào nhau, núp dưới tán hiên nhà người lạ, dù xung quanh đông người cùng chen chúc, vẫn cảm thấy chỉ đặc biệt với một người. Ngộ thiệt.

Là lúc những hình ảnh đẹp của tuổi thơ chợt ùa về – Ảnh: Sưu tầm

Là lúc Sài Gòn mưa, người cô đơn lại càng thích một mình, tìm một góc khuất trong quán cà phê quen thuộc, vừa đủ tầm nhìn ra ngoài mưa, tay ôm trọn cuốn sách còn đọc dở hay mắt nhắm nghiền, vừa để nghe tiếng mưa rơi vừa chìm trong thanh âm của bản nhạc balad êm đềm.

Là hội ban thân lâu ngày mới gặp, vì Sài Gòn mưa mà không thể bỏ qua, cứ thế cả lũ hò nhau vào quán nướng, quán lẫu, quán ốc, rôm rả chuyện trò, hít hà hương khói nóng, vừa ăn vừa cười khanh khách, ấm làm sao những ngày mưa Sài Gòn như thế.

Chiều mưa về trên phố – Ảnh: Hà Kim Bằng

Sài Gòn mưa, Sài Gòn dành tặng cho người Sài Gòn và cả khách du lịch hương vị của bình lặng để lòng được an yên giữa chốn xô bồ. Sài Gòn mưa, dù một chút thôi cũng đủ để người ta lâng lâng nhiều xúc cảm trộn lẫn, có cả niềm vui và những nốt trầm. Để người ta vừa yêu Sài Gòn mưa thanh mát như thu, vừa trầm tư nhìn giọt nhỏ tí tách rơi rớt. Nhiều lắm những ký ức khó phai.

Phản ứng của cơ thể khi mất nước

Chuyện gì xảy ra nếu chúng ta ngừng uống nước? Chúng ta sẽ phải bán cái máy lọc nước này cho cửa hàng phế liệu. Thật không thể tin được!...

Khám phá hình ảnh xưa nhất về Sài Gòn

Xem kỹ bộ ảnh, có thể thấy Sài Gòn của những năm 1865 đây là những bức ảnh cổ nhất về Sài Gòn mà chúng ta được biết đến. Đây...

Thành Cổ Loa – Công trình quân sự quy mô của người Việt cổ

Với nguồn tư liệu khảo cổ học và cổ sử, có thể khẳng định, thành Cổ Loa được đắp vào thế kỷ III – II TCN dưới thời An Dương...

Sài Gòn Tạp Pín Lù – Cháo cá Chợ Cũ

Người nào, năm nay 1985, khi đi đường Võ Di Nguy, trước khỉ quẹo qua đường ở bên hông Nha Ngân khố ngày xưa, chưa tới bốn năm căn gì...

Những câu châm ngôn giúp bạn tỉnh ngộ

Lâm Tắc Từ có đúc kết “10 vô ích” được người đời coi là những câu châm ngôn kinh điển nhất của ông. Không chỉ người Trung Quốc mà người...

Sài Gòn và những công trình đầu tiên

Sài Gòn – thành phố không bao giờ ngủ, hòn ngọc của Viễn Đông – với lịch sử 300 năm, những công cuộc di dân, khai hoang mở đất, phát triển...

Nguồn gốc của địa danh Cochinchine

Chuyện Đông chuyện Tây trên một kỳ Kiến thức ngày nay có giải thích về nguồn gốc của địa danh “Cochinchine” nhưng không thấy ông An Chi đề cập gì...

Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào?

Ông Nguyễn Văn Hảo, một thương gia, tỷ phú ô tô của Sài Gòn xưa vì quá yêu cải lương đã mở nguyên một rạp hát lớn nhất, 1200 chỗ...

Tây Nguyên qua khám phá của các học giả người Pháp

Cùng với những thương nhân, thừa sai, nho sĩ người Ý, Anh, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, các giáo sĩ người Pháp đã để lại nhiều ghi chép quan...

Bà Triệu – Nữ tướng cưỡi voi dẹp giặc

Ngày nay, ở Thanh Hóa vẫn còn lăng Bà Triệu với hội thờ vào ngày 21-2, tương truyền là ngày mất của người nữ anh hùng. Bà Triệu, hay nàng...

Nghĩa của từ “phố” trong câu “Gác mái ngư ông về viễn phố”

Trên Kiến thức ngày nay, số 214, ông có trả lời câu hỏi “gác mái lúc nào?” và khẳng định rằng trong thực tế chẳng làm gì có chuyện “gác...

Việc dạy trung học ở Việt Nam trước 75 và Canada trước 79

Trừ 7 năm làm ngoại giao, cả đời hoạt động tôi làm giáo sư trung học, 14 năm ở Việt Nam và 20 năm sau tại Montréal, một thành phố...

Exit mobile version