Một vị danh thần nổi tiếng thời xưa đã nói rằng, muốn phán đoán con trẻ sau khi trưởng thành có tương lai hay không, có tiền đồ hay không, chỉ cần nhìn vào 3 điểm: xem trẻ mấy giờ dậy, xem trẻ có chủ động làm việc nhà không, và xem trẻ có thích đọc sách hay không.
Xem trẻ mấy giờ dậy
Dậy lúc mấy giờ đại diện cho năng lực tự quản lý bản thân của mỗi người. Tục ngữ có câu: Kế hoạch của một ngày nằm trong buổi sáng sớm. Nếu sáng sớm tinh lực tràn trề thì cả ngày hôm đó sẽ thành công tốt đẹp.
Ngày nay còn có cách nói rằng: Kế hoạch cả một ngày nằm trong buổi tối hôm trước. Tối hôm trước đã lên một vài kế hoạch, chuẩn bị một vài việc, thì ngày hôm sau chỉ cần làm theo hoạch định, sẽ không hành sự một cách mù quáng.
Buổi sáng có thể thức giấc đúng giờ thể hiện rằng tối hôm trước đã quản lý bản thân rất tốt. Có thể dậy đúng giờ, chứng minh rằng lịch làm việc và nghỉ ngơi của người ấy phù hợp với quy luật của trời đất. Người mà tối hôm trước nghỉ ngơi tốt, thể lực được khôi phục tốt, hôm sau sẽ tràn đầy sinh khí, khi bắt tay vào công việc cũng có trật tự không rối loạn, và hiệu quả cao. Người có thể kiểm soát buổi sáng sớm sẽ có thể quản lý cả cuộc đời.
Ngủ sớm dậy sớm thuận theo quy luật làm việc, nghỉ ngơi bình thường của con người, như vậy không chỉ giúp bạn có được thân tâm khoẻ mạnh, mà còn mang đến một tiền đồ tốt đẹp hơn.
Chủ động làm việc nhà
Có những cậu ấm cô chiêu xưa nay không hề động chân động tay tới việc nhà: Ngủ dậy chăn màn không gấp; quần áo, tất vứt lung tung trên giường không giặt; rác ngập nhà không đi đổ, ăn cơm xong thì bát liệng một bên nằm kểnh xem ti vi. Nói là việc nhà kỳ thực đều là việc của bản thân mình.
Hầu như cha mẹ của những cậu ấm cô chiêu đều bận rộn với công danh sự nghiệp của bản thân, có điều kiện kinh tế nên mời người giúp việc, để trẻ không phải động chân động tay tới việc nhà, cha mẹ chỉ quản lý việc tiêu tiền của chúng.
Gia đình họ có thể giàu có, nhưng tiền là do cha mẹ họ kiếm ra, không có chút quan hệ gì với con cái. Sau này khi thành gia thất, chẳng may gặp phải những cậu ấm cô chiêu như vậy, người bạn đời sẽ phải hầu hạ họ cả một đời. Không làm việc nhà sẽ không khiến con người trở thành giới quý tộc, mà chỉ trở thành một kẻ lôi thôi, phóng túng, lười nhác.
Có thể thấy, tiền tài, danh vọng cha mẹ có được chỉ khiến con cái kiêu ngạo, nhưng không khiến chúng trở nên cao quý.
Con gái ở nhà lười biếng cha mẹ có thể bao dung. Nhưng nếu đã lập gia đình mà vẫn thích gì làm nấy, thì cuộc sống chắc chắn sẽ gặp rắc rối. Bởi lẽ không ai có thể đối xử tốt với bạn như cha mẹ ruột.
Cha mẹ giỏi giang không đồng nghĩa với việc con cái cũng giỏi giang. Khi nhỏ không làm việc nhà sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự trưởng thành của một con người. Gia đình riêng sau khi trưởng thành là của mình, phải trông cậy vào bản thân mình. Dẫu người bạn đời yêu bạn nồng nàn, thì tình yêu ấy cũng không thể gánh vác hết thảy việc nhà vụn vặt thay cho bạn. Thậm chí sự lười nhác và cẩu thả ấy còn là nguyên nhân khiến hôn nhân rạn nứt.
Làm việc nhà cũng là thói quen lao động, tự chủ. Điều này không chỉ có thể đề cao năng lực sống của bản thân, mà còn có thể tăng thêm sự hài hoà trong gia đình, giúp bạn biết cách trân trọng cuộc sống hơn. Lo liệu tốt việc nhà cũng là một môn học vấn, là năng lực sinh tồn tất yếu, ảnh hưởng tới tiền đồ một đời của trẻ.
Xem trẻ có thích đọc sách hay không
Trong “Lễ Ký” có câu danh ngôn rằng: “Nhân bất học, bất tri Nghĩa, bất tri Đạo”, ý rằng “Người không học, không hiểu Nghĩa, không biết Đạo”. “Không ai giàu ba họ” là quy luật mà rất nhiều gia đình không thể vượt qua. Bởi lẽ muốn một gia tộc hưng vượng và phát đạt, gia tộc đó ắt phải có những bậc anh tài liên tục xuất hiện. Điều này lại liên quan chặt chẽ tới nền giáo dục trong gia đình.
Đọc sách không phải để hùng biện hay phản bác, cũng không phải dễ tin và mù quáng theo đuổi, mà là để suy ngẫm và cân nhắc nặng nhẹ, thiệt hơn.
Đọc sách sẽ thay đổi cách nhìn của bạn về bản thân, sau đó thay đổi quan niệm của bạn về người khác, cuối cùng sẽ thay đổi cách nhìn của bạn về thế giới. Hơn nữa mọi sự thay đổi đều nhào nặn bản thân trở nên độc đáo hơn.
Cổ nhân có câu: “Ba ngày không đọc sách, mặt mày nhìn đáng ghét, nói chuyện thấy vô vị.” Học lịch sử khiến con người trở nên sáng suốt, học triết lý khiến con người trở nên sâu sắc, học luân lý khiến con người trở nên trang nghiêm, học cách biểu đạt lô-gic giúp con người tư duy và giao tiếp tốt hơn. Tất cả những điều này đều nhờ đọc sách mà tích luỹ được.
Bất kỳ một sự nghiệp thành công nào của cha mẹ cũng không thể bù đắp cho sự thất bại trong việc giáo dục con cái. Những đứa trẻ ưu tú, có tiền đồ, thường được rèn luyện từ nhỏ.
Dậy sớm bồi dưỡng năng lực quản lý bản thân của trẻ, làm việc nhà tăng cường năng lực sống cho trẻ, đọc sách bồi dưỡng khả năng phán đoán của trẻ, và nâng cao khí chất cao quý của con người.
Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch