Tắm là một hoạt động rất bình thường, diễn ra hàng ngày để giúp chúng ta làm sạch và thư giãn cơ thể. Nhưng phòng tắm đôi khi cũng có thể trở thành một cái bẫy mà bạn chủ quan hoặc không hề hay biết. Thống kê cho thấy chỉ tính riêng ở Nhật Bản, mỗi năm đã có 19.000 ca tử vong xảy ra trong phòng tắm.
Các ca tử vong xảy ra vì nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi tắm. Nhiệt độ thay đổi mạnh dẫn đến đột tử vì tăng hoặc hạ huyết áp, nhồi máu cơ tim, suy tim cấp, nhồi máu não…
Các ca tử vong xảy ra trong nhà tắm thường tập trung vào các khung giờ tối, từ 19 giờ trở ra cho đến 1 giờ sáng. Vì vậy, tắm đêm thực sự có thể làm tăng nguy cơ xảy ra đột tử. Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn không vô tình biến phòng tắm thành một cái bẫy chết người:
1. Không tắm khi cơ thể còn đang nóng
Đây là một sai lầm phổ biến thường xảy ra trong mùa hè. Khi mới đi làm hoặc đi tập thể dục về, chúng ta thường có tâm lý muốn lao ngay vào nhà tắm để hạ nhiệt cơ thể bằng một vòi sen lạnh xả thẳng vào đầu và vào người.
Thật nguy hiểm, đó lại là một trong những hành động có thể tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ mạnh. Nhẹ thì bạn có thể bị cảm lạnh sau khi tắm, nặng thì nó có thể gây tăng huyết áp do mạch máu bị co lại, và thậm chí có thể gây đột tử.
2. Đừng tắm quá lâu
Tắm mang lại nhiều lợi ích và khiến cơ thể bạn thư giãn. Tuy nhiên tắm quá lâu có thể gây tác dụng ngược. Việc ngâm mình trong nước quá lâu có thể khiến nhiệt độ cơ thể hạ thấp quá mức, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, nội tạng. Bạn sẽ dễ đặt mình vào nguy cơ cảm lạnh khi tắm lâu. Tương tự, tắm lâu cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các mạch máu, huyết áp, dẫn đến ngất xỉu và thậm chí có thể gây tử vong.
3. Đừng tắm khi cơ thể đang đói hoặc mệt mỏi
Thông thường, chúng ta nghĩ tắm sẽ giúp xua tan mệt mỏi và khiến bạn thấy sảng khoái hơn. Nhưng đây là một sai lầm. Bởi khi đói hoặc mệt, khả năng lưu thông máu của bạn đang giảm. Tắm lúc này có thể đặt bạn vào nguy cơ ngất, bất tỉnh hoặc tử vong nếu huyết áp hạ quá thấp.
4. Hạn chế tắm đêm
Các nghiên cứu của Nhật Bản chỉ ra từ 19 giờ đến 1 giờ sáng là thời điểm các ca đột tử khi tắm hay xảy ra nhất. Nguyên nhân có thể đến từ sự chênh lệch nhiệt độ lớn hơn vào ban đêm
Sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước tắm (dù là tắm nước lạnh trong mùa hè hay nước nóng trong mùa đông) với nhiệt độ môi trường là một yếu tố ảnh hưởng lớn tới huyết áp của bạn. Nó có thể gây ra hiện tượng thiếu máu cục bộ hoặc nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, dẫn đến bất tỉnh, hôn mê hoặc thậm chí tử vong khi bạn tắm đêm.
5. Đừng nằm điều hòa sau khi tắm
Nhiệt độ giảm đột ngột ngay sau khi tắm sẽ ảnh hưởng xấu đến lưu lượng máu đến hoạt động trong cơ thể. Nó có thể khiến máu lên não bị chậm, không những thế còn ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp trên toàn cơ thể. Đặc biệt, những người có sức khỏe và suy yếu miễn dịch không nên nằm điều hòa ngay sau khi tắm. Nó có thể gây co giật và đột quỵ.
6. Đừng tắm ngay sau khi thức dậy
Một đêm hè nóng nực có thể khiến bạn đổ mồ hôi nhễ nhại và thấy khó chịu khi thức dậy. Điều đầu tiên bạn nghĩ đến là phải đi tắm. Nhưng hãy đợi một chút. Tắm ngay khi thức dậy với cái bụng trống rỗng có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt, đau đầu thậm chí gây ra hiện tượng hạ huyết áp, đột quỵ giống với tắm đêm.
Do đó, lời khuyên là hãy ăn một bữa điểm tâm trước khi vào phòng tắm.
7. Đừng để sàn phòng tắm quá trơn
Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết mỗi năm ở Mỹ có hơn 230.000 tai nạn và thương tích xảy ra trong phòng tắm. Gần 20% các trường hợp này là do trượt ngã. Vì vậy, có lẽ bạn nên đặt những tấm thảm chống trượt trong nhà tắm, hoặc sử dụng ván gỗ dành riêng cho nhà tắm để hạn chế sự đọng nước trên sàn, gây ra những tai nạn đáng tiếc.
8. Đừng tắm khi có sấm sét
Sấm sét có thể đánh vào đường dây điện hoặc đường ống nước khiến nhà tắm của bạn bị nhiễm điện. Do đó, đừng tắm khi trời đang mưa và có sấm sét.
9. Giặt và vệ sinh khăn mặt, khăn tắm thường xuyên
Khăn mặt và khăn tắm có thể là một địa điểm tuyệt vời cho các vi khuẩn và mầm bệnh cư trú. Tốt nhất, bạn nên giặt khăn của mình từ 1 đến 1 lần mỗi tuần và phơi dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt mầm bệnh.
10. Đừng tắm quá sát giờ đi ngủ
Nhiều người nghĩ rằng tắm nước lạnh trong mùa hè hoặc nước ấm trong mùa đông có thể khiến họ dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, đôi khi kết quả sẽ ngược lại. Tắm nước lạnh có thể kích hoạt các hooc-môn tỉnh táo trong cơ thể bạn. Còn tắm nước nóng có thể làm đảo ngược quá trình hạ nhiệt của cơ thể vào ban đêm khiến bạn khó ngủ hơn.
Tốt hơn, bạn vẫn nên tắm trước khi ngủ khoảng 1-2 tiếng đồng hồ. Và như đã nói, bạn nên hạn chế tắm đêm, bởi điều đó có thể làm tăng khả năng đột tử của bạn.