Ngưu Ma Vương là một nhân vật phản diện trong bộ truyện kinh điển Tây Du Ký có bản thể là ngưu. Trong chữ Hán, ngưu chỉ chung cả trâu và bò, nhưng bản thể của Ngưu Ma Vương thường được mô tả giống trâu trong các tác phẩm văn hóa đại chúng. Ngưu Ma Vương là đại ca trong Thất Đại Thánh.
Ngưu Ma Vương có vợ là Thiết Phiến công chúa (còn gọi là Bà La Sát); con là Hồng Hài Nhi. Khi thấy Tôn Ngộ Không biểu diễn 72 phép thần thông cùng Như Ý Kim Cô Bổng liền kết bái huynh đệ. Là một trong số ít yêu ma có thể dùng sức mạnh thuần túy, không nhờ pháp bảo hay thần thông cũng có thể gây khó dễ cho đối phương. Được miêu tả với tính cách phóng khoáng, mặt lớn, thích kết giao rộng rãi, có không ít mối quan hệ, danh khí khá lớn nên được đánh giá là một vị tuyệt thế kiêu hùng.
Truyện Tây Du hồi thứ 59 kể rằng: Trên đường thỉnh kinh, thầy trò Đường Tăng bị Hỏa Diệm Sơn chắn lối, núi lửa dài năm trăm dặm, “lửa bốc ngùn ngụt tám trăm dặm, xung quanh một tấc cỏ cũng không mọc được. Đi qua ngọn núi ấy, dù có mình đồng da sắt cũng chảy ra nước hết“. Thật oái ăm, lửa đó do chính Tề Thiên Đại Thánh gây ra. Khi đại náo thiên cung, bị bắt nhốt trong lò luyện đan của Lão Quân, Tề Thiên đạp đổ lò trốn ra, mấy cục gạch nóng rớt tràn xuống trần gây ra cả núi lửa. Muốn giải quyết chuyện này, chỉ có cách mượn quạt Ba Tiêu của Thiết Phiến công chúa. Thế nhưng điều đó là không dễ vì trước đó, Ngộ Không đã bị Hồng Hài Nhi ; con trai của Thiết Phiến lừa bắt sư phụ. Không những thế, Hồng Hài Nhi còn dùng Tam Muội Chân Hỏa thiêu Ngộ Không suýt mất mạng, phải nhờ tới sự cứu giúp của Quan Âm Bồ Tát mới hàng phục được. Sự việc này gieo mầm ân oán giữa Ngộ Không và vợ chồng Ngưu Ma Vương. Và cũng vì mối thù mất con chưa trả, vì thế đâu dễ gì vợ chồng Ngưu Ma Vương cho Ngộ Không mượn quạt.
Khi Ngộ Không đến mượn quạt lần thứ nhất, chẳng những bị Thiết Phiến công chúa từ chối mà còn quạt cho một cái quỷ khốc thần sầu bay tới tận thiền viện của Linh Cái Bồ Tát: “Hành Giả lênh đênh phiêu dạt, như là bị gió cuốn, như hoa tàn trôi theo nước, quằn quại không giữ được thân mình”. Đến nơi, Linh Cái Bồ Tát bảo Ngộ Không:
– Quạt ấy vô cùng lợi hại, giả sử quạt vào người, phải bay đi tám vạn bốn nghìn dặm, gió âm mới tắt. Đại Thánh có tài níu mây nên mới bay có năm trăm dặm, gặp người thường ắt không sao dừng được !
Nói rồi Bồ Tát vui vẻ lấy ra Định Phong Đan mà Như Lai đã sớm chuẩn bị trước, giao cho Tôn Ngộ Không. Ngộ Không dùng Định Phong Đan nên đã ngăn cản được gió lạnh của quạt Ba Tiêu, lại đến gặp Thiết Phiến, âm mưu biến thành con sâu nhỏ chui vào bụng của Thiết Phiến Công chúa,, không chịu được sự đau đớn, Thiết Phiến mới hứa cho mượn quạt. Được quạt Ba Tiêu, Ngộ Không vội vàng đến trước núi lửa, ra sức quạt vào một cái, lửa bốc lên cao, quạt hai cái lửa cao trăm trượng…suýt cháy cả người. Thì ra đây là cây quạt giả…!
Lần thứ ba, Ngộ Không quyết phải đi tìm Ngưu Ma Vương để lấy cho được quạt thật. Ngưu Ma Vương là con trâu mà trước đây, khi còn ở trong động Hoa Quả Sơn, Ngộ Không đang là cốt khỉ đã kết giao với lão Ngưu. Lúc đó, Ngộ Không đã cùng sáu yêu quái khác cộng thêm Ngưu Ma Vương kết bái huynh đệ. Vì bản thể là khuê ngưu nên Ngưu Ma Vương rất to lớn, với khuôn mặt hình trâu, tay chân to lớn, vạm vỡ hơn Ngộ Không nhiều nên làm đại ca.
Cũng cần nhắc lại, Ngưu Ma Vương là người trong Tiệt Giáo, đệ tử ký danh của Thượng Thanh Thánh Nhân – Thông Thiên Giáo Chủ. Vì Tiệt Giáo hữu giáo vô loại chiêu thu nhiều đệ tử nên đệ tử ký danh của Thông Thiên lên tới cả chục vạn người. Ngưu Ma Vương xuất hiện sau Long Hán lượng kiếp (Long Phượng Lân đại kiếp), sau đó có cơ duyên gia nhập Tiệt Giáo, khổ tu ngàn vạn năm..
Thiết Phiến công chúa; vợ Ngưu Ma Vương là con gái của Minh Hà Lão Tổ. Hai người kết duyên trước khi Tây Du lượng kiếp bắt đầu và sinh ra Hồng Hài Nhi. Vốn là một tiên nữ, bà ngụ tại núi Thúy Vân. Tính tình hiền lành, nhưng về sau bà cũng rất tức giận khi Ngưu Ma Vương bỏ bà đi theo Ngọc Viện công chúa. Tuy thế, bà vẫn hết lòng yêu thương Ngưu Ma Vương một lòng một dạ. Bà có một bảo bối là quạt Ba Tiêu khiến đối thủ nào cũng phải kiêng dè.
Vợ hai của Ngưu Ma Vương là Ngọc Diện công chúa; bản thể là một con hồ ly tinh. Bà ngụ ở núi Tích Lôi, vô cùng giàu có, mỗi năm đưa lễ vật đến chỗ Thiết Phiến coi như tiền mua Ngưu Ma Vương về làm chồng. Sau này bà bị Sa Tăng đánh chết.
Con trai Hồng Hài Nhi (Thánh Anh Đại Vương) có tuyệt kỹ Tam Muội Chân Hoả, chiêu mộ lính là trẻ em. Hồng Hài Nhi tuy nhỏ bé nhưng đã 300 tuổi, là một trong những địch thủ của Tôn Ngộ Không, như đã nói ở trên, Hồng Hài Nhi từng thiêu Tôn Ngộ Không và làm y trôi lềnh bềnh giữa sông.
Truyện kể tiếp: Ngộ Không phải vào tận núi sâu mới tìm được hang ổ của Ngưu Ma Vương với mục đích mượn cho được quạt Ba Tiêu. Gặp người anh kết nghĩa năm xưa, Ngộ Không hết lời năn nỉ mượn quạt nhưng Ngưu Ma Vương nhất định không đồng ý, thế là xảy ra chiến trận.
Ngộ Không ra chiêu đầu, Ngưu Ma Vương cự lại hung hãn, và cứ thế hai bên tung ra hàng chục phép thần thông biến hóa, nhưng vẫn không có hồi kết. Trận chiến giữa hai bên bất phân thắng bại. Đang đánh nửa chừng, bỗng Ngưu Ma Vương bay lên mây mù bay mất.
Ngộ Không theo dấu, thấy Ngưu Ma Vương xuống một cái đầm sâu, bên vách có chữ đề “Loạn Thạch Sơn, Bích Nha Đàm” (Núi đá loạn, đầm sóng biếc). Lão Ngưu thường hay giao du mật thiết chốn này, nên đang dự tiệc rượu. Cơ hội đã đến, Ngộ Không hóa hình thành lão Ngưu, trở về gạt Thiết Phiến lấy được cây quạt, nhưng sau đó lại bị lão Ngưu hóa hình Bát Giới chiếm lại được.
Không còn gì để mất ! Lần cuối, Ngộ Không quyết tử chiến với Ngưu Ma Vương để chiếm cho được quạt Ba Tiêu nhằm dập tắt lửa, mở đường cho sư phụ tiếp tục lên đường. Hai bên lại quyết chiến tung hoành. Lão Ngưu biến hình đến đâu, Ngộ Không đi theo bám sát đến đó. Ngưu Ma Vương có 72 phép thần thông biến hóa, ngang ngửa Tôn Ngộ Không nên cuộc so tài giữa cả hai là ngang tài ngang sức, bất phân thắng bại. Cuối cùng, phải nhờ đến Bát Đại Kim Cương, Ngọc Hoàng cử thiên binh thiên tướng tới giúp sức, và khi Na Tra cùng thiên binh tới trợ chiến thì mới khống chế được vợ chồng Ngưu Ma Vương. Hết đường tháo thân, Ngưu Ma Vương đành phải nói với vợ đưa ra quạt Ba Tiêu cho Ngộ Không: “La Sát nghe kêu, liền cởi đồ sắc phục, thay áo trắng theo cách đạo cô, cầm cây quạt ra trước cửa động, quì xuống thưa rằng: Xin các vị tha chồng tôi khỏi thác, tôi xin cho Tôn thúc thúc mượn cây quạt mà quạt Hỏa Diệm Sơn“.
Trở về, Ngộ Không dùng quạt Ba Tiêu bảy bảy bốn chín lần, khiến Hỏa Diệm Sơn từ ngọn núi cháy quanh năm thành nơi cỏ cây tươi mát, mưa thuận gió hòa. Từ đó, dân chúng quanh vùng cày cấy làm ăn thịnh vượng.
Bốn thầy trò tiếp tục lên đường…
Nhiều nhà nghiên cứu Phật học đã đưa ra nhận định: Do 500 năm trước, Tôn Ngộ Không đã đại náo thiên cung và đập phá lò luyện đan, làm tàn lửa rơi từ trên trời xuống mà thành Hỏa Diệm Sơn lửa cháy rừng rực. Đây chính là trước trồng căn nguyên, sau lãnh hậu quả. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy, gieo một thì gặt mười, làm một điều thiện nhỏ cũng được rất nhiều phúc báo về sau; ngược lại, việc ác dù nhỏ cũng sẽ lãnh những báo ứng không ngờ. Đây là quy luật bất di bất dịch của vũ trụ, mà dù một Tôn Ngộ Không thần thông biến hóa đến mấy cũng không thể nào chạy thoát được…
Mặt khác, vì sao Tôn Ngộ Không thông thiên bản lĩnh như thế mà đánh không lại một Ngưu Ma Vương ở nhân gian? Trong sách có câu thơ: “Ngưu vương bản thị tâm viên biến” (Ngưu Ma Vương vốn là tâm vượn biến), điều đó cho thấy, Ngưu Ma Vương chính là ma tâm của Tôn Ngộ Không diễn hóa mà thành… Qua đó muốn nhắn nhủ rằng, trên con đường tu tâm dưỡng tính, chỉ có đem ma tâm gột rửa, dùng kiên định và tài năng mà vượt Tây Thiên, mới có thể chứng ngộ Phật quả. Trên đường đi Tây Thiên, ắt sẽ gặp nơi có hỏa, không vượt qua hỏa thì không thể kinh qua, vậy nên người tu hành tất phải tâm thành chí kiên. Câu chuyện “Hỏa Diệm Sơn” của tác phẩm Tây Du Ký trong đó có sự xuất hiện của Ngưu Ma Vương là câu chuyện có ngụ ý sâu sắc, dẫn dắt người tu hành giác ngộ đạo lý…