Giữa biển người mênh mang, ngàn vạn người lướt qua nhau, có được mấy người có thể quen biết, có được mấy người có thể hứa hẹn, có được mấy người có thể yêu thương mà kết duyên vợ chồng? “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”, có sự hòa hợp của nhân duyên, mới có biết bao câu chuyện kiếp người. Hai chữ nhân duyên này cũng bao hàm lý niệm của người xưa về hôn nhân.
Chữ “Nhân” (姻) trong nhân duyên, được hợp thành bởi chữ “Nhân” (因) trong nhân quả và bộ “Nữ” (女). Chữ “Nhân” (因) gồm bộ “Vi” (口) chỉ phạm vi và chữ “Đại” (大) hình ảnh một người giang rộng hai tay. Nghĩa gốc của chữ “Nhân” (因) là chỉ phạm vi hoạt động của một người, phạm vi này lại do tâm của mỗi người quyết định, tâm rộng bao nhiêu thì thế giới lớn bấy nhiêu, nó có quan hệ mật thiết với từng ý niệm của con người.
Chữ “Duyên” (缘) gồm bộ “Mịch” (糸) chỉ sợi tơ và chữ “Thoán” (彖) là con tằm. Con tằm nhả tơ, tự cuộn mình vào trong.
Vậy nên nhân duyên bắt đầu từ chính bản thân mỗi người, “nhân” từ những đời trước tạo thành “quả” của hiện tại. Chữ “Thoán” là một quẻ trong Chu Dịch, tự nó đã có liên quan mật thiết với Thiên ý và vận mệnh. Điềm báo của nhân duyên, như trong dịch số nói rằng: “Gặp vật tròn, việc dễ thành; gặp vật khuyết, sự sẽ hủy, đâu phải nói xằng, đều là định số.” Nên trong lý niệm của người xưa, nhân duyên là do Thiên thượng an bài theo phúc phận của mỗi người.
Hôn nhân không chỉ là sự chứng giám của Trời đất, mà còn là sự thề hẹn của lứa đôi. Người xưa tin rằng lời thề một khi đã thành lập thì tất phải thực hiện, nếu như làm trái với điều thề ước thì thiên báo rất rõ ràng. Trong “Thi Kinh” có bài thơ “Kích Cổ” (Đánh trống) đã nói rõ ý nghĩa của việc hôn phối:
Tử sinh khiết thoát,
Dữ tử thành thuyết.
Chấp tử chi thủ,
Dữ tử giai lão.
Nghĩa là:
Lúc tử sinh hay khi cách biệt,
Chẳng bỏ nhau lời quyết thệ rồi.
Cầm tay nàng hẹn mấy lời:
“Sống bên nhau mãi đến hồi già nua”.
(Bản dịch của Tạ Quang Phát)
Bởi thế người phản bội lại hôn nhân thì chính là phản bội thiên mệnh, phá vỡ chữ Tín, và làm trái lương tâm (xây dựng trên cơ sở đạo đức) của bản thân.
Trong “Tăng quảng hiền văn” có câu: “Một ngày phu thê, trăm đời nhân duyên. Tu trăm năm mới được chung thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng.” Cổ nhân cho rằng vợ chồng là duyên nợ, có thiện duyên, cũng có ác duyên, vô duyên thì chẳng gặp. Ác duyên cũng vậy, thiện duyên cũng vậy, đạo vợ chồng là phải “tương kính như tân, ân ái thân tình”, vợ chồng kính trọng lẫn nhau, đối với nhau như chủ đối với khách, ân có trước, ái có sau.
Kỳ thực giữa vợ chồng thì “ân” là đứng đầu. “Ân” là do chữ “Nhân” (因) trong nhân quả, đặt trên chữ “tâm” (心) trái tim mà ra. Hai người nâng đỡ lẫn nhau, không xa rời, không bỏ quên, cứu giúp nhau lúc hoạn nạn là có ân.
Người ngày nay không biết nhân quả nên thường đàm luận nhiều đến chữ “ái”, rất nhiều người cho rằng chỉ cần tình cảm đôi bên tốt đẹp là có thể kết hôn, thậm chí không kết hôn mà đã “sống thử”, chỉ cần không hợp là chia tay. Kỳ thực trong hôn nhân, tình cảm là nhân tố bất ổn nhất, hôm nay hai người có thể như hình với bóng, nhưng ngày mai lại thầm thương trộm nhớ người khác. Nếu hôn nhân được ví như một cái cây, thì tình cảm như làn gió, khi thì âu yếm vuốt ve, khi thì giông tố thét gào. Nếu tình cảm xung đột thì sẽ giống như cơn lốc xoáy, khiến cây hôn nhân bật rễ. Chỉ có lấy trách nhiệm và đức hạnh làm gốc thì người ta mới có thể chống lại cám dỗ bên ngoài, cũng có thể duy trì sự hòa thuận trong hôn nhân.
Hôn nhân thời xưa phải dựa vào việc tu dưỡng phẩm hạnh bản thân và thuận theo quy luật tương sinh tương khắc trong tự nhiên mà kết thiện duyên, hóa giải ác duyên, cùng nhau chung sống tới khi đầu bạc răng long. Vì thế nền tảng của hôn nhân trong lý niệm của người xưa là trách nhiệm và đạo đức, không phải là tình cảm.
Chữ “ân” này là từ hai phía mà thành:
“Nam cảm nữ ân” có nghĩa là người chồng phải biết ơn vợ mình. Cổ ngữ nói: “Con trai lớn mà không có vợ thì của cải không có chủ”. Cho nên, khi đã là vợ chồng rồi thì người vợ trở thành người quản gia, chủ nội, tức là nội tướng. Một điều thú vị là thời xưa, khi người chồng làm quan thì người vợ cất giữ con dấu, bởi vì làm quan mà đánh mất con dấu thì phạm tội chém đầu. Vì thế, người vợ là vô cùng quan trọng trong gia đình. Theo lẽ này, người chồng dám mang tính mạng của cả nhà giao cho người vợ. Đây cũng là cái ân rất lớn mà người vợ đã làm cho người chồng.
“Nữ cảm nam ân” có nghĩa là người vợ phải biết ơn chồng mình. Người phụ nữ xưa khi được gả đến nhà chồng là giống như đã hoàn toàn giao phó cuộc đời cho người chồng, tin tưởng vào người chồng. Không chỉ các cô gái mà cả cha mẹ và gia đình cô gái cũng tin tưởng vào người chồng mà cô được gả làm vợ. Cho nên, người chồng phải có trách nhiệm với cuộc đời người vợ, phải thực sự yêu thương, quan tâm và bảo vệ người vợ. Đây chính là cái ân của chồng đối với vợ.
Trách nhiệm của một người vợ là chủ nội, giúp chồng chăm con, ứng xử với mọi người trong gia đình, dùng đức hạnh hiền thục, lương thiện của mình duy trì sự hài hòa của mọi việc. Người chồng là chủ ngoại, cần dùng đức hạnh cương trực, kiên cường của mình gánh vác việc lớn, đồng thời thay mặt gia đình mà bảo vệ già trẻ lớn bé trong nhà.
Bởi vì lý niệm như vậy cho nên hôn nhân thời cổ đại đa phần đều nhờ mai mối, ước hẹn gia đình, hai người trước khi kết hôn đều không biết mặt nhau, nhưng sau khi kết hôn lại vẫn có thể tương thân tương tái, chung sống hòa thuận suốt một đời. Điều này tư duy hiện đại hoàn toàn không thể lý giải.
Thiên Cầm