Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Bà mẹ Việt Nam trong âm nhạc Phạm Duy

Khởi đầu sự nghiệp âm nhạc trong gánh hát với vai trò phó quản lý và ca sĩ hát lưu động, tham gia chiến tranh rồi vào miền Nam để tiếp tục tự do hoạt động âm nhạc, Phạm Duy là tên tuổi lớn và đầy ảnh hưởng tại miền Nam Việt Nam với những hoạt động tích cực dành cho cả âm nhạc và chính trị, và những hoạt động này còn tiếp diễn sau giai đoạn 1975, khi ông di tản sang Hoa Kỳ.

Nhạc của Phạm Duy bị cấm hoàn toàn tại miền Bắc Việt Nam sau 1954, và toàn Việt Nam sau 1975. Chỉ sau năm 2005, một số ca khúc của ông mới bắt đầu được phép phổ biến lại. Nhạc sĩ Nguyễn Phú Yên muốn gửi tới bạn đọc những suy nghĩ về một hình ảnh thật đặc biệt – hình ảnh bà mẹ Việt Nam trong âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy.

********

Thế giới âm nhạc của Phạm Duy hết sức rộng lớn, từ chủ đề âm nhạc cho đến ngôn ngữ âm nhạc nên có thể nhìn ông dưới nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau. Trước khi bước vào con đường sáng tác, ông đã trải qua thời kỳ làm ca sĩ, theo chân gánh hát của Charlie Miều, đi hát trong những năm 1943-1945. Chính những ngày tháng này đã cho ông đi hết con đường xuyên Việt, đi đến những vùng đất khác nhau của quê hương Việt Nam.

Chính trên bước đường đó ông đã nghe được nhiều câu ca, điệu hò và tâm hồn âm nhạc ông đầy đặn lên bằng những giai điệu dân gian ở mọi miền; tất cả đã ăn sâu vào tâm tưởng để rồi ông cất lên bài hát riêng của mình với cá tính sáng tạo đặc thù. Ông đã gắn bó với ngôn ngữ âm nhạc dân tộc trong suốt cuộc đời mình. Ngay từ rất sớm, khi còn tuổi thanh xuân bước vào những nẻo đường kháng chiến, ông một lòng trung trinh với ngôn ngữ này để nói lên cuộc sống của người dân quê trong không gian quê nhà luôn gần gũi, thân quen mà ông đã gắn bó và đắm chìm trong đó. Hình ảnh đầu tiên luôn khắc ghi đậm nét trong âm nhạc của ông chính là hình ảnh quê hương, đất nước và hình ảnh người mẹ Việt Nam được tìm thấy trong hầu hết sáng tác của ông. Ông ôm đàn ca hát trên mọi bước đường lãng du cũng chỉ để hát về quê hương và mẹ.

Hình ảnh của mẹ gắn liền với lời ru được nghe từ lúc bé thơ:

Ðêm khuya trăng tà
Mẹ ru con ngủ
À à ơi! À à ơi!
Ngoan ngoan con nhoẻn miệng cười
Trông con mẹ tưởng như đời nở hoa…
Ngoan ngoan con nhoẻn miệng cười
Thương con, mẹ những tơi bời ruột gan…

(Ru con, Thái Nguyên, 1947)

Suốt một đời mẹ vui buồn với con. Và người con lưu giữ hình ảnh mẹ từ đó, để rồi khi lớn lên, trên những nẻo đường chinh chiến, người con bao giờ cũng nghĩ đến mẹ trước tiên:

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già
Chờ con lúc đêm khuya
Người con đã ra đi, vì nước.
Con bước đi khi trống làng dồn xa
Mẹ đưa mắt trông về ngọn cờ
Cầu cho đứa con trai
Ở đâu đó con ơi, được vui!

(Nhớ người ra đi, Thái Nguyên, 1947)

Mẹ có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng im để nghe
Nghe gió trong tim tràn trề
Nụ cười nhăn nheo bỗng dưng lệ nhòe.
Con thấy me yêu đã già
Hẳn là miền quê những năm vừa qua
Chiếc bóng in trên vách nhà
Một ngày một đêm tóc sương phai mờ…

(Người về, 1954)

Trên đường kháng chiến, lúc nào ông cũng gặp những người mẹ, tuy xa lạ nhưng rất đỗi gần gũi. Vào miền Trung năm 1948, ông đã nghe câu chuyện về một bà mẹ ở Gio Linh khiến ông rất xúc động. Và một khúc recitativo cất lên đã làm lay động nhiều trái tim. Bà mẹ đã là một bi kịch trong câu chuyện kể. Mẹ sống giản dị ở miền quê như bao bà mẹ khác, cũng tảo tần mưa nắng, chăm bón ruộng vườn:

Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy
Hò hò ơi ới hò…

Câu chuyện phát triển đến hồi bi thảm: giặc đến đốt phá xóm làng:

Nhà thì nó đốt còn đây
Khuyên nhau báo thù phen này
Mẹ mừng con đánh giặc hay
Ra công xới vun cày cấy
Hò hò ơi ới hò…

Và rồi hiện thực kinh hoàng đến với mẹ, sự việc không ngờ hết sức thảm thiết khiến mẹ ngây dại không còn biểu đạt nổi cảm xúc của mình:

Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Mang ra giữa chợ cắt đầu
Hò hò ơi ới hò…

Mẹ lẳng lặng nén sự khổ đau và nỗi căm thù tột cùng đến độ tưởng chừng như mẹ dửng dưng, vô cảm đến lạnh lùng:

Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Chiều về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa réo
À à ơi ới hò!

Bi kịch như một nghịch lý: mẹ không kêu gào, la hét trước cái chết của con mà lại bình tĩnh, gan lì đến độ kiêu hãnh, cao ngạo – hình ảnh của người mẹ kháng chiến:

Tay nâng nâng lên rưng rức nước mắt đầy
Mẹ nhìn đầu con tóc trắng phất phơ bay
Ta yêu con ta môi trắng bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên đôi mắt ngó trông ta.

(Bà mẹ Gio Linh, Quảng Trị, 1948)

Hình ảnh người mẹ lẳng lặng trong hoàn cảnh đau thương cực độ đó đã gây xúc động lòng người qua giai điệu áo não của bài ca.

Ở một tầm khái quát cao hơn, hình ảnh mẹ quê được ông mô tả và khắc họa khá rõ nét về lòng thương con, sự tần tảo, tính chất phác:

Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu.
Bà bà mẹ quê, gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê, chợ sớm đi chưa thấy về…
Bà bà mẹ quê, đêm sớm không nề hà chi
Bà bà mẹ quê, ngày tháng không ao ước gì
Nhỏ giọt mồ hôi vì đời trẻ vui.
Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy
Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy
Mùa đông, mùa đông manh chiếu thân gầy
Cháu bà, cháu bà ngủ ngon giấc say…

(Bà mẹ quê, 1953)

Khi vào đến miền Nam, Phạm Duy lại có thêm một khúc recitativo nữa kể câu chuyện về một bà má ở đây:

Mẹ già mẹ già ở túp lều tranh
Đói no ai biết rách lành ai có hay
Một ngày một ngày tháng tám năm sáu mươi hai
Có anh là anh Ba cán bộ về đây về đây tuyên truyền
Hò là hò ơ ơ hò ơ.
Anh thưa anh học xong chiến lược giữ xóm làng
Mẹ gật gù nghe anh và xin rất cám ơn.
Đang khi anh cười vang, ai nổ súng dưới vườn
Mẹ vội lùa anh Ba vào trốn dưới gầm giường!

Mẹ đưa anh Ba quốc gia ẩn núp, rồi lại giúp anh Tư giải phóng khi có đoàn quân đi ngang ngoài ngõ. Thế là hai người con ở hai chiến tuyến đều được mẹ đưa xuống gầm giường! Ôi lòng mẹ thật bao la, mẹ ở bên trên mọi thứ chủ nghĩa, mẹ chỉ có lòng bao dung ôm ấp đàn con vì đó là mẹ Việt Nam:

Năm mươi năm làm dân chưa được mấy lúc mừng
Vậy mà mẹ không than, chỉ sống với lòng thương!

(Bà mẹ phù sa, mùa xuân 1967)

Sau những tháng ngày ngược xuôi trên những nẻo đường đất nước, Phạm Duy về thành để rồi không nguôi nghĩ đến lời ru của mẹ, tiếng nói của mẹ đã cho ông một đời gắn bó với nước non:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời
Mẹ hiền ru những câu xa vời
Ạ à ơi tiếng ru muôn đời.
Tiếng nước tôi bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi, tiếng mẹ ru từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!

(Tình ca, 1952)

Ông đã gói ghém tâm tình của mình chỉ trong một ca khúc ngắn nhưng đủ dung lượng chứa đựng tình yêu đối với tiếng nói Việt Nam, đối với quê hương đất nước Việt Nam và đối với con người Việt Nam.

Sau khi ngợi ca những người mẹ cụ thể trên nhiều miền đất nước, Phạm Duy đã khái quát hóa hình ảnh người mẹ bằng một trường ca mang tên Mẹ Việt Nam viết năm 1963-1964. Tác giả đã thổ lộ trong lời nói đầu tập trường ca này: “Mẹ Việt Nam là một âu ca, ca tụng mẹ Tổ quốc và những mẹ điển hình trong truyền kỳ lịch sử nước nhà, đề tài và cảm hứng nhắm dựa vào tình thương yêu và tính hiếu hòa, tính tình này đã sinh tồn mạnh mẽ trên đất ta và phải được truyền đi trong thế giới tàn nhẫn hiện tại”.

Trường ca gồm bốn phần: Đất mẹ, Núi mẹ, Sông mẹ, Biển mẹ. Phần Đất mẹ gồm 5 bài: Mẹ ta, Mẹ xinh đẹp, Mẹ chờ mong, Lúa mẹ, Mẹ đón cha về, ngợi ca người mẹ xinh đẹp, phục sức giản dị, mộc mạc:

Mẹ Việt Nam, không son không phấn
Mẹ Việt Nam, chân lấm tay bùn
Mẹ Việt Nam, không mang nhung gấm
Mẹ Việt Nam, mang tấm nâu sồng.

Mẹ tiêu biểu cho những đức tính tốt đẹp như sự tảo tần, chịu thương chịu khó, lòng bao dung, nhân ái nhưng cũng rất anh hùng:

Việt Nam có anh hùng, mắt nhung và môi son
Giữa mùa xuân giết giặc
Yêu nước non, hé môi cười
Nụ cười thanh bình
Mẹ Việt Nam.

Phần Núi mẹ cũng có 5 bài (Mẹ hỏi, Mẹ bỏ cuộc chơi, Mẹ trong lòng người đi, Mẹ trả lời, Mẹ hóa đá). Phần này mô tả mẹ qua hình tượng núi vọng phu để nói về sự chờ đợi người chồng sẽ trở về sau cơn binh lửa:

Ra đi còn nhớ ngày nào
Nuôi con mẹ vẫn nguyện cầu
Biết mấy nỗi thương vay
Thấy trẻ nhỏ giơ tay
Con ngựa người vất vả
Xe nặng nề qua ngõ
Thương thi sĩ hay buồn
Cho nên mẹ hóa ra hòn núi cao.

Phần Sông mẹ gồm 5 bài (Muốn về quê mẹ, Sông còn mải mê, Sông vùi chôn mẹ, Sông không đường về, Những dòng sông chia rẽ) nói đến những dòng sông chia cắt như hình ảnh những đứa con còn trăm mối ngổn ngang, chia lìa nhau trong cuộc tử sinh nên không về với mẹ:

Nước đi là nước không về
Chia đôi dòng nước chia lìa dòng sông
Chia anh em vì quên tiếng gia đình
Chia tay chân và cắt đứt thân mình…
Lũ con lạc lối đường xa
Có con nào nhớ mẹ ta thì về.

Phần Biển mẹ gồm 7 bài: Mẹ trùng dương, Biển đông sóng gợn, Thênh thang thuyền về, Chớp bể mưa nguồn, Phù sa lớp lớp mây trời cuộn bay, Mẹ Việt Nam ơi, Việt Nam – Việt Nam. Hình ảnh mẹ là hình ảnh của biển, ôm ấp vỗ về trong nỗi thương nhớ những đứa con xa và mong ước chúng trở về bên mẹ… Âm điệu ngân nga tha thiết và lời ru đằm thắm, dịu dàng:

Sóng vỗ miên man như câu ru êm của mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của mẹ trùng dương…
Sóng vỗ êm êm như khuyên con nên trở lại mẹ hiền
Gió rít thông reo như kêu con mau trở về mẹ yêu.
Rồi những đứa con đã kêu tên mẹ trong nỗi thương yêu miên viễn:
Chúng con đã về khát khao hơi mẹ
Chúng con xin thề giữ thơm quê mẹ
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của mẹ mà thôi.

Bài chung khúc ca ngợi hình ảnh đất nước với ước mơ vươn tới tương lai yên vui để xây tình người:

Việt Nam Việt Nam
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam Việt Nam Việt Nam muôn đời.

Ông đã thể hiện được lòng mơ ước của dân Việt. Nhiều năm sau đó, khi ở ngoài đất nước, ông vẫn không nguôi ngoai nhớ về và dõi theo hình ảnh bà mẹ Việt Nam để cho ông hồi tưởng và ước mơ. Hồi tưởng về mẹ đau thương trong chiến tranh, ông không khỏi nóng lòng với niềm băn khoăn tìm cách đưa mẹ ra khỏi thảm cảnh bi đát đó:

Nào ai đang nhìn Mẹ ta hấp hối
Mẹ đau, Mẹ nghèo, Mẹ yếu, không vui
Nhìn nhau bối rối, ta cùng hối lỗi
Xúm xít lại rồi, giải cứu cho Người.

Dù mẹ bây giờ dung nhan đã đổi thay và còn bơ vơ trong hiện tại nhưng lòng ông vẫn mang niềm tin sắt son và ước mơ rằng mẹ sẽ vĩnh hằng trong tươi trẻ:

Mẹ bây giờ lạc loài trên thế giới
Việt Nam là gì, giảng nghĩa cho coi
Mẹ quên tiếng nói, tên họ đổi thay
Cuối thế kỷ này, Mẹ sẽ hai mươi.

(Mẹ năm 2000, 1988)

Thế là một điều rõ ràng không ai phủ nhận được là người nhạc sĩ lớn của chúng ta suốt đời gắn bó với quê hương, cùng khổ đau và cùng reo vui theo vận nước, mà dù ở tâm trạng nào ông cũng một đời ngợi ca đất nước, mà biểu tượng đậm nét chính là hình ảnh Mẹ Việt Nam.

Điều đáng nói về ngôn ngữ âm nhạc là khác với nhiều nhạc sĩ cùng thời, ông thường dùng nhạc ngữ phương Tây và vận dụng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhạc ngữ phương Tây với nhạc ngữ dân tộc. Nét nhạc ngũ cung Việt Nam được ông khai thác trong hầu hết sáng tác của mình. Viết về mẹ như trên, ông thường dùng thang âm ngũ cung miền Bắc trong lời ru con, chạy trên năm âm do re fa sol la hoặc trong lối ngâm thơ chạy trên năm âm re fa sol la do, đôi khi chuyển hệ (métabole) sang năm âm re mi sol la si. Trong bài “Bà mẹ Gio Linh”, ông vẫn còn dùng ngũ cung Bắc có chuyển điệu nhưng vẫn là nhạc thuật Tây phương: đoạn đầu cung re thứ, đoạn sau cung fa trưởng; khác hẳn cách dùng điệu Nam ngũ cung Huế như trong bài “Nước non ngàn dặm ra đi”, với thang âm do re (non) fa (già) sol la (non). Khi nói đến bà mẹ miền Nam trong bài “Bà mẹ phù sa”, ông sử dụng thang âm ngũ cung hơi Nam giọng oán do mi fa sol la.

Để khắc họa hình tượng người mẹ trong âm nhạc của mình, ngoài tâm tình tha thiết để ngợi ca, xưng tụng, Phạm Duy còn dùng nhạc ngữ Việt Nam để chuyển tải nội dung sao cho người nghe nhận ra đó chính là hình ảnh người mẹ Việt Nam, tiếng nói Việt Nam, quê hương Việt Nam, nhận ra cảm giác gần gũi, ấm áp với những âm hưởng đã ăn sâu bao đời trong tâm thức người Việt. Cái tài hoa của người nghệ sĩ chính là ở khả năng đó. Vì vậy các bài hát về bà mẹ của Phạm Duy dễ đi vào lòng người và đã để lại dấu ấn khó phai qua bao thế hệ người yêu nhạc Việt Nam.

Nguyễn Phú Yên

Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu và trao đổi có thể liên lạc tác giả qua Facebook: Nguyễn Phú Yên.

Có phải Lê Văn Duyệt phản đối việc vua Minh Mạng lên ngôi ?

Từ trước đến nay, khi nhắc đến mối quan hệ giữa Tổng trấn Lê Văn Duyệt (1764-1832) và vua Minh Mạng (1820-1840), nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: một trong...

Còn nhớ ghẻ ngứa năm nào?

Cơn dịch ghẻ ngứa trở thành một hiện tượng kỳ lạ chưa từng thấy trong lịch sử Sài Gòn. Anh ngứa, em ngứa, bố mẹ cùng ngứa, bạn bè cùng...

Tham tri Phạm Thế Hiển (…1861)

Vào cuối xuân năm Tân Dậu (1861) tức là năm thứ mười bốn triều vua Tự Đức, cách đây chín mươi bảy năm Tham tri Bộ Binh Phạm Thế Hiển...

Gom góp từ ngữ của miền Nam và Saigon xưa

Nhằm để ghi nhớ lại những từ mà ngày xưa người Saigon/Miền Nam hay dùng như: Mèn ơi, Nghen, Hén, Hen, Tà Tà, Thềm ba, Cà rịch cà tang, tàn...

Những cuộc tàn phá và thảm sát của nhà Tây Sơn

Sự thất bại của quân Tây Sơn trước nhà Nguyễn thường được cho là vì cái chết của vua Quang Trung. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, tại sao Nguyễn...

Vì sao người xưa cực sùng bái chim phượng hoàng?

Nhiều giai thoại, truyền thuyết cổ xưa có đề cập đến loài chim phượng hoàng. Loài chim này tượng trưng cho điềm lành và sự cao quý. Theo đó, hình...

Nghĩa Cần Vương (P2)

NĂM 1887 Sang năm Đinh Hợi (1887), nghĩa Cần Vương còn có người hưởng ứng ở nhiều nơi nhưng thế kém trước nhiều lắm. Ở Bắc kỳ “giặc” Bãi Sậy...

Tết xưa của người Việt

Một cái Tết nữa sắp đến. Trẻ con vẫn háo hức vì đứa nào đứa ấy đều chờ đợi để được diện quần áo mới, được lì xì. Còn những...

Thấy lợi quên nghĩa là đặc trưng của kẻ tiểu nhân

Trong lịch sử, rất nhiều nhân nghĩa chi sĩ “trọng nghĩa khinh lợi”, vì muốn thủ vững lương tri và chính nghĩa mà sẵn sàng bỏ qua lợi ích bản thân....

Những bến xe buýt đặc biệt của Liên Xô

Xe bus (buýt) đã có từ xa xưa đặc biệt là các nước Châu Âu. Nhà chờ, trạm chờ mỗi nước lại có những thiết kế đặc trưng cho mỗi vùng. Nhiếp...

A Di Đà Phật nghĩa là gì?

Trong tiếng Việt, A Di Đà Phật có 2 nghĩa: 1. Tên của Phật A Di Đà - vị giáo chủ cõi Tây phương Cực lạc và là vị Phật được tôn...

Ký ức văn nghệ, Sài Gòn một thuở

Bốn mươi năm nhìn lại, ký ức về chuyến đi trình diễn cuối cùng của Đoàn Văn nghệ VNCH tại hải ngoại (Vientiane, tháng 10-1974) vẫn còn mãi sinh động...

Exit mobile version