Quần chằm khiếu, áo lang thang
Trên đầu đội cái nón rách
Đi khắp ngả quanh đường tách
Làng trên xóm dưới rao vang:
Tàu phọng rang!
Thùng thiếc treo lên vai mang
Như bầu hồ lô mầu nhiệm
Chứa đầy Nhẫn nại, Cần kiệm
Bền chí, hy vọng giàu sang;
Tàu phộng rang.
Nhà đóng cửa, canh hầu tàn
Ở thôn quê, trong khoảng vắng
Xa xa còn nghe văng vẳng
Tiếng ngọng lịu ở đầu làng
Tàu phọng rang!
Côn đồ quen thói nghênh ngang,
Chửi mắng, lật thùng, đấm đá
Buồn phá chơi, cho hả dạ
Không cự lại, cũng không than
Tàu phọng rang!
Được đồng xu không dễ dàng
Có khi bán đắt, khi ế
Nỗi lo cơm, phần chạy thuế
Xu thành bạc, bạc thành vàng
Tàu phộng rang
Ít năm có vốn lập tiệm
Bây giờ được tự chủ đa.
Được nở mặt với người ta
Anh em rồi cũng hiếm hiệm:
Xì thầu a!
Thong thả mới lo cưới vợ
Đầu năm mới sanh con ra
Hưởng chung sung sướng một nhà,
Được thêm tiền mà hé nợ:
Xì thẩu a!
Cái giàu lôi kéo cái sang
Đồng bào của mình kiêng nể
Xúm nhau bỏ thăm rất dễ
Từ đây tên tuổi vinh quang:
Hà ông Bang!
Danh có, lạ gì cửa quan
Mình vẫn vô ra làm việc
Trong tỉnh thường mời đãi tiệc
Cầm tay quan lớn hỏi han:
Hà ông Bang!
Đây là một bài thơ rất xưa, trích trong tập thơ Hoa trái mùa của Trần Văn Tân, Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn xuất bản năm 1943. Một bài thơ dung dị, kể về hành trình kiếm sống gian khổ, nhẫn nại và phát triển đi lên của một người Hoa (trước đây dân gian gọi là Chệc hay Chệt) di cư đến sống và kiếm ăn trên đường phố Sài Gòn xưa, với vốn liếng ban đầu là một thùng đậu phộng rang. Dẫn theo ông Vương Hồng Sển trong bài Người Trung Hoa ở miền Nam, tập san Chọn Lọc Chủ Nhật ra ngày 2 tháng 1 năm 1966. Ông cho rằng bài thơ điệu mới này đã có người đem hát lên sân khấu cải cách tức cải lương rồi.