Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Chuyện uống rượu ở Huế xưa

Từ bao đời nay, rượu luôn là thứ thức uống hấp dẫn bậc nhất đối với đàn ông, từ bậc đế vương cho đến hạng thứ dân. Rượu với vua quan triều Nguyễn ở Huế xưa cũng vậy. Theo ghi chép trong các sử liệu thời Nguyễn thì rượu là thứ không thể thiếu trong các cuộc tế lễ, yến tiệc, khoản đãi, chúc mừng…

Tùy theo tính chất cuộc lễ, tùy theo đẳng cấp của vị thần thụ lễ, tùy theo địa vị và thân phận của người uống rượu hay tùy theo thời điểm và mục đích uống rượu… mà triều đình Huế có những quy định khác nhau về các loại rượu, lượng rượu và đồ dùng để đựng rượu và uống rượu.

Ấm đựng rượu sâm bằng ngọc. Thời Nguyễn.

Bộ tước uống rượu bằng ngọc, bịt vàng. Thời Nguyễn.

Bộ tước uống rượu và đĩa bằng ngọc, bịt vàng. Thời Nguyễn.

Bộ chén uống rượu và đĩa bằng ngọc. Thời Nguyễn.

Theo sách Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ, rượu dùng để cúng Trời, Đất, thần linh trong lễ tế Nam Giao được nấu bằng gạo nếp, do phủ Nội vụ tuyển chọn. Trước ngày chánh tế, rượu được đựng trong 14 chiếc nậm, niêm phong cẩn mật, để vào long đình đặt ở gian chính giữa Thần khố và được canh gác cẩn mật. Ðến giờ Tí ngày tế, thị vệ bộ Lễ đưa long đình đến giao cho các vị quan dòng Tôn thất dâng tế ở đàn Nam Giao. Còn rượu dùng trong các dịp tế hưởng ở các miếu và ở đàn Tiên Nông, trong các dịp lễ Vạn Thọ (mừng sinh nhật vua), Thánh Thọ (mừng sinh nhật hoàng thái hậu) là rượu nếp do dân các làng nghề nấu rượu ở phủ Thừa Thiên dâng lên. Rượu dùng trong các cuộc ban yến cho đình thần, cho các tân khoa trạng nguyên hay trong những dịp khoản đãi sứ thần nước ngoài, là loại rượu nấu bằng gạo tám do dân ở các làng nghề nấu rượu ở Thừa Thiên dâng nộp cho triều đình. Ngoài ra, mỗi khi hoàng tử lấy vợ hay công chúa lấy chồng, nhà vua đều ban cho 2 hũ rượu nấu bằng gạo tám cùng nhiều đồ sính lễ khác. Sau lễ cưới tân lang và tân nương sẽ cùng uống rượu này trước giờ hợp cẩn.

Bộ khay, nậm rượu và chén uống rượu bằng bạc dùng để dâng rượu ở các miếu thờ tiên đế trong các dịp tế hưởng thời Nguyễn.

Ðể có được những loại rượu ngon dùng vào các dịp tế lễ, triều đình cấp tiền cho quan binh các tỉnh tìm mua nhiều loại gạo nếp và gạo tám tốt từ các địa phương, nhập về tạm trữ ở kho của phủ Nội vụ. Sau đó, phủ Nội vụ chuyển giao số gạo này cho Quang Lộc tự để cấp phát cho các hộ nấu rượu chuyên nghiệp ở phủ Thừa Thiên, theo những định mức riêng tùy chất lượng và số lượng của từng hạng rượu thành phẩm mà triều đình cần trưng dụng để phục vụ cho các dịp tế lễ.

Ngoài các loại rượu nấu bằng gạo để phục vụ cho nhu cầu tế lễ thường niên, triều đình còn trưng nạp nhiều loại rượu khác để đáp ứng sở thích và bồi bổ sức khỏe cho các vị vua quan triều Nguyễn. Một trong những loại rượu được các vua nhà Nguyễn ưa thích là rượu dâu từ tỉnh Quảng Bình. Theo sách Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ, từ năm 1812, vua Gia Long (1802 – 1820) đã ra chỉ dụ yêu cầu tỉnh Quảng Bình, vào tháng 3 âm lịch hàng năm, phải xuất công quỹ mua sẵn 50 bát quan đầy rượu làm từ quả dâu rừng, đựng vào 20 cái chum, rồi sai lính trạm chở vào kinh đô nộp cho bộ Lễ vào trước ngày 29 tháng 3 để dâng cúng trong lễ tế hưởng mùa hạ. Sau lễ tế hưởng, số rượu dâu còn lại được nhập vào kho trong hoàng cung để vua dùng quanh năm.

Bình đựng rượu bằng pháp lam. Thời Nguyễn.

Đặc biệt, có một loại rượu xuất phát từ hoàng cung Huế và nổi tiếng khắp cõi trời Nam. Đây là loại rượu thuốc bổ dưỡng vẫn được biết đến với danh xưng Minh Mạng đế tửu. Rượu này là rượu ngâm thuốc bắc, theo toa thuốc Minh Mạng thang. Theo kết quả khảo cứu của nhiều danh y xứ Huế, có đến 19 toa thuốc Minh Mạng thang dùng để ngâm rượu. Thực ra, các toa thuốc này đều nhằm vào mục đích bồi bổ nguyên khí của toàn cơ thể, nhưng do tên của toa thuốc gắn với niên hiệu của một vị hoàng đế có tới 142 người con (78 hoàng tử, 64 công chúa), là người đã làm nên giai thoại “Nhất dạ ngũ giao tam hữu thụ”, nên người đời tin rằng Minh Mạng thang là bài thuốc tăng cường dương lực. Vì thế mà các bậc “tu mi nam tử” từ đời Minh Mạng (1820 – 1841) trở về sau ai ai cũng mong được thưởng thức Minh Mạng đế tửu.

Bình đựng rượu bằng pháp lam. Thời Nguyễn.

Trong các loại dược tửu của triều Nguyễn còn có loại rượu sâm đặc chế để vua và các quan lại cao cấp sử dụng. Sách Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ cho hay: sâm dùng trong hoàng cung triều Nguyễn đến từ hai nguồn: sâm nội địa và sâm nhập khẩu. Sâm nội địa do các hộ dân chuyên nghề lấy sâm ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Quảng Bình khai thác, dâng nộp (mỗi người nộp 3 cân sâm/năm). Sâm nhập khẩu, chủ yếu là sâm Cao Ly (của Triều Tiên), sâm Quảng Ðông và sâm Phúc Kiến (của Trung Hoa) do triều đình sai quan binh Bắc Thành mua ở các tiệm thuốc bắc của người Hoa trên phố Hàng Buồm dâng về kinh; hoặc nhập khẩu trực tiếp từ các tàu buôn Trung Hoa hay đặt mua thông qua các sứ đoàn đi sứ sang Thanh. Theo một nghiên cứu của GS. Choi Byung-wook (Đại học Inha, Hàn Quốc) công bố tại Hội thảo sử học quốc tế về triều Nguyễn (tổ chức ở Đại học Trung văn Hong Kong, vào tháng 5/2012), vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị (1841 – 1847) đã cho người tìm mua hồng sâm Cao Ly ở Trung Hoa để đưa về ngâm rượu. Rượu ngâm nhân sâm này không chỉ dành riêng cho vua dùng mà còn được gửi ra chiến trường để ban thưởng cho những quan lại, tướng lĩnh có công trạng trong các cuộc chinh phạt của triều đình.

Bộ đồ uống rượu bằng ngà voi đặt trong chiếc hộp hình lồng đèn sơn son thếp vàng. Kỷ vật của vua Đồng Khánh.

Rượu ngon thì đồ uống rượu phải cầu kỳ, sang trọng mới tương xứng. Vì thế, những bình, nậm, tước… uống rượu của vua quan triều Nguyễn rất phong phú về loại hình, dáng kiểu và chất liệu: rượu dùng trong các dịp tế lễ thì đựng trong những chiếc bình cổ cao làm bằng đồng, bằng pháp lam hay trong những chiếc nậm bát giác làm bằng bạc; ngự tửu vua dùng đựng trong những chiếc ấm làm bằng ngọc quý và những chiếc tước chân cao bịt vàng; rượu thưởng cho các quan và khoản đãi sứ thần được đựng trong những chiếc nậm làm bằng sứ do triều đình ký kiểu ở Trung Hoa… Đặc biệt, vua Đồng Khánh (1885 – 1889) còn có bộ đồ uống rượu làm bằng ngà voi, đặt trong một chiếc hộp sơn son thếp vàng, tạo dáng như một chiếc đèn lồng, rất tiện lợi cho những chuyến du xuân, thưởng tửu bên ngoài Kinh Thành.

Những bảo vật ấy nay vẫn còn lưu dấu nơi các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở Huế đô và ở trong và ngoài nước, mà nếu có dịp, các “đệ tử của Lưu Linh” cũng nên ghé thăm, thưởng lãm và để biết vua quan triều Nguyễn ngày trước đã “ẩm tửu” như thế nào?

Củ nén – Gia vị trứ danh trong món ăn xứ Quảng

Mỗi vùng miền đều có những đặc trưng gia vị rất riêng làm nên hồn cốt của tinh túy ẩm thực của địa danh ấy. Về với mảnh đất Thu...

Thế nào là Chân, thế nào là Chính, Chân Chính rốt cuộc là gì?

"Chân chính" là tiêu chuẩn phẩm đức và nhân cách làm người. ‘Làm người chân chính', 'hành xử chân chính', 'kinh doanh chân chính',v.v... Vậy "chân chính" rốt cuộc là...

Ảnh màu tuyệt đẹp của Đà Lạt xưa

Đà Lạt xưa nay được mệnh danh là thành phố của tình yêu, của ngàn hoa và những đồi thông chập chùng mờ khuất trong sương bay, là nơi có...

Những kiến thức sai trong sách giáo khoa phổ thông

Số giác quan thực sự, từ tính của cà chua và những màu cơ bản là những kiến thức khoa học mà chúng ta thường hiểu nhầm hoặc chưa được...

Bao giờ Trung Quốc đuổi kịp Mỹ?

Trung Quốc có những khó khăn nào khi đuổi và vượt Mỹ? Nhà quan sát kinh tế tài chính Trung Quốc Vương Doanh Doanh cho rằng khoảng cách lớn Trung...

Từ Hi Thái hậu làm gì khiến cỏ không thể mọc trên lăng mộ ?

Từ Hi Thái Hậu là mẹ đẻ của Thanh Mục Tông Đồng Trị Hoàng đế. Nhiều nhà sử học hiện đại ở Trung Quốc và hải ngoại miêu tả Từ...

Gửi Thạch Lam

Dù biết rõ rằng, lúc tôi ngồi đây vẩn vơ kể ông nghe tâm tình của tôi - kẻ đang lang thang trong mớ hỗn tạp, xô bồ của thực...

Quốc Học 100 năm

Tại cố đô Huế, 10-2016, trường THPT chuyên Quốc Học hân hoan kỷ niệm 120 năm thành lập. Trân trọng mời quý độc giả gần xa đọc lại Quốc Học...

Một vài tiếng gọi trẻ con

Bài "Bình Ngô đại cáo" có câu: "Đến nỗi đứa trẻ ranh như Tuyên Đức, nhàm võ không thôi; lại sai đồ nhút nhát như Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy" (1). Trong...

Vì sao lại nói ” Có mà đến mùa quýt “

Dân gian thường truyền nhau câu “có mà đến mùa quýt” để chỉ sự việc còn lâu lắm mới xảy ra, thậm chí có thể không bao giờ xảy ra....

Chuẩn mực làm đẹp của phụ nữ Việt Nam thời xưa

Nhuộm răng đen, gội đầu bằng bồ kết, dùng phấn nụ… là các chuẩn mực làm đẹp thời xưa của phụ nữ Việt Nam. Từ xưa tới nay, chuẩn mực...

Những điều cần biết về học thuyết âm dương ngũ hành

Học thuyết âm dương ngũ hành không những được nhiều trường phái triết học tìm hiểu lý giải, khai thác mà còn được nhiều ngành khoa học khác quan tầm...

Exit mobile version