Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Đêm, nhớ về Sài Gòn…

Đêm nhớ về Sài Gòn.
Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi

Phải. Có đêm nào mà ta thôi không nhớ Saigon chứ. Người Hà nội nhớ về phố Cổ Ngư thì người Saigon cũng nhớ về con đường thênh thang đại lộ Thống Nhứt, hoặc đường Duy Tân ồn ào nhưng lại không kém phần lãng mạn. Con đường Phùng Khắc Khoan với lá bay bay trong chiều tan học. Những con đường đó chờ đợi ta hay chính ta chờ đợi ngày về để tung tăng trên phố?

Những con đường lớn lên cùng ta theo ngày tháng. Những con đường mà chàng trai mười bảy ngày nào đạp xe như mây như gió cùng lũ bạn. Những con đường mà nỗi buồn thi cử hay vì nhung nhớ một tà áo dài vẫn còn đâu đây.

Đường im nghe quá khứ trong sâu
Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau
Tình lẻ loi canh thâu

Ta đi. Ta để lại những vui buồn. Ta cất kĩ nỗi nhớ. Ta đi mà chẳng có một người để ngóng tin và ta đi để nghe trong đêm một chút lẻ loi từ quá khứ. Saigon trông xô bồ và ồn ào thế nhưng vẫn có những kỷ niệm rất người trong ta. Còn nhớ ngày xưa lời tỏ tình trên phố đông quanh Hồ Con Rùa, chẳng kịp nói xong đã vội vàng bỏ đi chẳng kịp nhìn khuôn mặt ai đó. Để ngày nối ngày tự hỏi mình chuyện ngu ngốc gì đã xảy ra. Nghe Tuấn Ngọc hát mà cứ ngỡ là chính mình vẫn còn đó trên chiếc xe đạp 107 ngày nào qua phố.

Đêm nhớ về Sài Gòn
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa

Người Saigon lớn lên cùng nhạc vàng. Dù sau này nhạc vàng không còn thịnh như trước nhưng đâu đó trong ngõ ngách của Saigon ta vẫn còn nghe được những khúc ca không những mang đậm tính lịch sử mà còn là một nét rất Sài thành. Đêm Saigon là đêm của những ngọn đèn đường, có lần từ trên máy bay nhìn xuống khi sắp hạ cánh, ta thấy những con đường chạy dài với những ngọn đèn vàng. Cảm giác lúc ấy thật lạ lùng, chỉ muốn xuống thật mau để chạy dưới ánh đèn vàng. Vì thế những lần về thăm nhà có mấy khi ở nhà ban đêm. Chạy hoài không chán, cũng chỉ là những con đường đã quá quen thuộc.

Mưa đêm Saigon là một trong những điều khó quên trong cuộc đời. Ngày đó căn phòng không bị che chắn bởi những tòa nhà cao tầng kế bên. Cửa sổ hướng ra khu vườn sau của nhà hàng xóm, mưa cứ thế mà tuôn như thác, tiếng mưa rơi vào những miếng lá thép cửa sổ rào rào, ta thì cuộn mình trong chăn bên cạnh là một bình trà đá. Đó là cảm giác an bình mà không thể tìm lại được sau này. Ta có già không khi bắt đầu nghĩ về những ngày cũ?

Ai sầu trong quán úa
Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song
Mắt người tình một trời mênh mông.

Người Saigon có thói quen cafe. Sáng cafe, trưa cafe, tối cafe. Sang trọng có, bình dân có. Dạo sau này ta đi nhiều quán cafe máy lạnh sân vườn nhưng hình như lại thiếu một chút gì đó của Saigon. Những lần đi cafe đầu tiên là năm mười lăm tuổi, chỉ là những quán cóc. Nói thế nào nhỉ? Đó là mùa hè và ta có dịp đi làm thợ phụ hồ. Sáng sớm thì người anh họ đã đánh thức và cả hai chạy đến một quán cafe cóc mà dân lao động hay ghé vào. Cả hai xì xụp tô mì mặn chát mùi nước mắm và lỏng chỏng vài cọng giá sống. Đâu vào đó cái bụng thì bắt đầu ngồi nhâm nhi li cafe sáng chờ giờ làm việc. Sương sớm và cafe là hai thứ đi cùng nhau một cách tuyệt hảo. Thằng nhóc mười lăm tuổi thấy mình lớn.

Gợi bao nhiêu cho cùng…

Thật là đúng. Cho dù nhớ cách mấy, hình dung ra cách mấy thì cái cảm giác gợi nhớ đó cũng chẳng bù đắp nổi sự thiếu vắng. Đi là chấp nhận thử thách, đi là chấp nhận rủi ro và bỏ lại sau lưng những vui vẻ thơ ấu. Không phải đi là cực hình hay là đày đọa mà là đi để cuộc sống tốt hơn.

Yêu me một khối tình quê
Yêu em từng bước tình si
Đêm đêm mộng thấy đường đi đường về

Saigon với đèn vàng, với gia đình với cả những bóng hình đã qua. Những cơn mộng đó chợt đến chợt đi và càng ngày càng thưa thớt. Ít mơ đi nhiều, ít trằn trọc nhiều nhưng lại thừa những giây phút trống rỗng lạ kì. Đã nhiều lần dặn lòng không nên nghiêm trọng hóa sự việc mà sao cứ nghĩ mình là Kinh Kha qua sông Dịch. Nực cười cho tuổi trẻ.

Ta như cậu bé mồ côi
Cố vui cuộc sống nhỏ nhoi
Cố quên ngày tháng lẻ loi để lớn

Chính xác. Chỉ là cố vui để lớn. Và rồi cũng lớn. Thấy mình nhỏ bé trước thời gian, nhỏ bé trước thay đổi cuộc sống.

Để đêm đêm nhớ về Sài Gòn
Thấy mình vừa trở lại quê hương
Đã gặp người một trời yêu thương
cho lòng thêm chút ấm

Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau
Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau

Không thể ví mình như Kinh Kha thì cũng tự ví mình như một lãng tử. Cứ đi và cứ nhớ. Thèm một chút ấm như người hát. Thèm một chút thong thả trong cuộc đời. Đôi khi nâng chén rượu sầu càng sầu thêm. Vẫn còn nhiều điều chưa nói hết. Nhớ quá Saigon ơi…

Tình chia trong đêm sầu..

Vì sao anh em nhà Tây Sơn “nồi da xáo thịt”?

Ba anh em nhà Tây Sơn, từ nhỏ đến lớn, đối với nhau trọn niềm thương yêu. Vậy, nguyên nhân nào khiến Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ rạn nứt tình...

Hoplite – Đội quân hùng mạnh nhất lịch sử Hy Lạp

Hoplite là một trong những đội quân huyền thoại trong lịch sử cổ đại với những chiến thắng lẫy lừng. Với đội quân bộ binh Phalanx hùng mạnh, chiến thuật...

Nhạc sỹ thiên tài Beethoven

Beethoven tên đầy đủ là Ludwig van Beethoven (17 tháng 12 năm 1770 – 26 tháng 3 năm 1827) là một nhà soạn nhạc cổ điển người Đức. Phần lớn...

Nghịch lý thay khi xã hội càng phát triển, con người càng cảm thấy cô đơn

Ai cũng vậy, vào lúc này hay lúc khác, sẽ có thời điểm cảm thấy cô đơn đến cùng cực. Nghịch lý ở chỗ xã hội càng phát triển, con...

Lột trần Việt ngữ – Kỳ 7/25 – Trò chơi xí cột của các đại danh từ Mã Lai

Chúng tôi không biết ở Trung và Bắc có trò chơi xí cột hay không nên phải giải thích sơ qua vài dòng. Trò chơi thường xảy ra ở một...

Chợ Cần Thơ – khu chợ cổ nổi tiếng miền Tây Nam Bộ

Được xây dựng khoảng năm 1915, cùng thời với chợ Bến Thành và chợ Bình Tây, chợ Cần Thơ từng là một trung tâm thương mại quan trọng bậc nhất...

Loan-Phụng chứ không phải Long-Phụng?

Tại đám cưới người ta hay trang trí hai con vật Long và Phụng và bảo là tượng trưng cho sự hoà hợp vợ chồng (?). Tại sao thế được,...

6 cây cầu gắn liền với lịch sử Sài Gòn

Hơn 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất Sài Gòn đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử. Trong đó, những cây cầu đã gắn liền với...

Áo dài Việt Nam thay đổi thế nào trong hơn 100 năm qua?

Áo dài tân thời Lemur do họa sĩ Nguyễn Cát Tường (1912-1946) khởi xướng. Thập kỷ 1950-1960, áo nịt ngực ngày càng phổ biến nên áo dài được may chít...

Ngày Tết của người Nha Trang

Từ hồi ký của một người Âu châu đã từng sống ở Nha Trang đầu thế kỷ 20, chúng ta có thể hình dung được không khí vui Tết của...

Vẻ đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt

Tôi không phải là nhà ngôn ngữ học đúng nghĩa, tức không phải chuyên ngành. Nhưng tôi lâu lâu có làm thơ và thỉnh thoảng hay viết lách. Chính cái...

Nguyên Sa – Tôi đi cũng xin đừng ai giữ

Khi loạt bài viết về quê nhà sau 40 năm trở lại, tôi được nhiều người gọi tới thật bất ngờ. Một trong những sự bất ngờ đó là thi...

Exit mobile version