Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Nhận diện chân tướng các vị Tổ của người Việt cổ

NHẬN DIỆN CHÂN TƯỚNG ÔNG BÀN CỔ

Trong bài Nhận Diện Danh Tính Vua Hùng Vương và Nhận Diện Chân Tướng Vua Thần Nông chúng tôi đã nói tới ông tổ đầu tiên của trần gian và con người là Bàn Cổ. Cho đến bây giờ Ðông cũng như Tây đều cho Bàn Cổ của người Trung Hoa.

Bây giờ xin nhận diện chân tướng ông Bàn Cổ xem cho rõ thật hư ra sao.

Theo cổ thư Trung Hoa viết vào thế kỷ thứ ba sau Tây Lịch (nghĩa là đã rất muộn, đã liên hệ nhiều với Nam Man), thời kỳ Hỗn Mang hay Hỗn Ðộn (Chaos) vũ trụ giống như một cái trứng gà. Lúc đó đất trời chưa có. Từ trái trứng này đẻ ra ông Bàn Cổ (Bangu), thường được vẽ bằng hình một người lùn hai tay cầm cái trứng hỗn mang Âm Dương. Phần nặng của trứng lắng xuống thành đất, phần nhẹ bay lên thành bầu trời. Trong suốt thời kỳ 18 ngàn năm khoảng cách giữa trời và đất tăng dần, cứ tăng 3 mét mỗi ngày và ông Bàn Cổ cũng trưởng thành theo cái đà đó nên thân thể ông luôn luôn chống giữ được trời đất không bị xẹp lép trở lại. Khi Bàn Cổ chết những phần thân thể của ông trở thành những yếu tố thiên nhiên. Tùy theo thời kỳ, tùy theo sách vở, chi tiết về sự cấu tạo vũ trụ viết thay đổi. Về đời Hán hay trước đó ít lâu thì đầu Bàn Cổ thành Ðông Sơn (Núi phía Ðông), bao tử thành Trung sơn, tay trái Nam sơn, tay phải Bắc sơn và chân Tây sơn. Sách vở khác lại cho rằng đầu cho ra núi bốn phương, mắt cho ra trời, trăng, thịt cho ra sông biển, tóc đẻ ra cây cỏ… sách vở viết vào thời khác lại cho rằng nước mắt của Bàn Cổ tạo ra sông biển, hơi thở là gió, mắt là chớp và tiếng nói là sấm… sách khác lại nói thân Bàn Cổ cho ra bốn phương chính và năm ngọn núi chính (có liên hệ gì với Ngũ Lĩnh chăng ?), máu thành sông biển, thịt là đất đai… và bọ chét trên người ông biến thành loài người…

Với truyền thuyết về trái trứng và Bàn Cổ thấy xuất hiện rất muộn trong cổ thư Trung Hoa và viết không thống nhất rất hỗn độn vá víu… như thế rõ ràng là Bàn Cổ không phải của người Trung Hoa. Quan niệm vũ trụ là một cái trứng là của Nam Man chúng ta (ăn khớp với việc bà Âu Cơ đẻ ra trứng). Chúng tôi đã chứng minh trái trứng vũ trụ này là vị tổ tối cao tối thượng của chúng ta. Ðó chính là Mẹ Trứng Vũ Trụ Thần Nông hay Thần Nang (nang là từ nôm không phải là Hán Việt, nang ruột thịt với nàng). Trung Hoa đã lấy ông tổ thần Nang này của Hừng Việt.

Ông Bàn Cổ do trứng vũ trụ đẻ ra, tức là do Mẹ Thần Trứng Vũ Trụ Thần Nông hay Thần Nang đẻ ra. Vậy Bàn Cổ cũng phải là của chúng ta. Bắt buộc.

Thật vậy Bàn Cổ của Nam Man, của Hừng Việt.

Ta có thể tìm thấy dấu tích Bàn cổ nơi Hừng Việt Nam qua nhiều địa hạt:

1. Ngữ học

Không biết người Trung Hoa cắt nghĩa từ Bangu, Bàn Cổ như thế nào nhưng chúng tôi sẽ cắt nghĩa theo Việt ngữ. Việt ngữ Bàn Cổ có Bàn cùng âm với ban là đỏ ví dụ lên ban sởi (ban đỏ), nổi ban (nổi vẩn đỏ). Trung Nam gọi chứng bệnh sốt, nổi mần đỏ ở da là ban, trong khi người Bắc gọi là lên sởi. Ban sởi là từ ghép điệp nghĩa. Sởi = ban. Sởi là sưởi (o=uo, hồng = hường), ngày nay hiểu sưởi là hơ lửa cho ấm như sưởi ấm, lò sưởi. Vậy sưởi cũng như ban, bàn liên hệ tới đỏ, tới nóng, lửa, đỏ, tới mặt trời. Bệnh sởi là bệnh nóng sốt nổi đỏ ở da.

Từ Cổ cùng Âm với Cố. Cố là tổ như ta thường nói ông cố tổ. Vậy Bàn Cổ là ông Tổ Ðỏ, ông Tổ Mặt Trời.

Chúng ta thường gọi ông Bàn Cổ là ông Bành Tổ. Chúng ta đã nói trại đi, thật ra phải gọi là ông Bàng Tổ. Bàng là bàn, là ban, là đỏ như cây bàng là cây có lá trở thành đỏ thắm về mùa thu. Trịnh Công Sơn trong bài “Mùa Thu Hà Nội” có câu “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”. Bàng tổ là ông tổ đỏ. Hiểu như thế ta thấy ngay Bàn Cổ và Bàng Tổ đều là ông Tổ Ðỏ. Người Trung Hoa gọi chúng ta là Xích Quỉ, quỉ đỏ. Vậy ông Bàn Cổ, ông Bành Tổ, ông Bàng Tổ phải là của dân Ðỏ.

Bàn Cổ, Bàng Tổ là ông tổ của họ Hồng Bàng.

2. Truyền Thuyết Nam Man Hừng Việt

Việt Nam

Ở trên ta thấy ông Bàng Tổ là một người khổng lồ, lớn dần với thời gian, mỗi ngày cao thêm ba mét để chống trời. Lúc vũ trụ mới tạo lập từ cái trứng hãy còn mềm ông Bàng Tổ đã dùng thân mình làm cây cột chống trời để nóc trời không xụp xuống, xẹp lép lại. Nói một cách khác ông Bàng Tổ là một ông thần trụ trời. Bàng Tổ chính là Ông Trụ Trời trong truyện thần thoại Việt Nam:

“Thuở trời đất còn mịt mù hỗn độn, tự nhiên hiện lên một vị thần to lớn khác thường, đầu đội trời, chân đạp đất, đào đất vác đá đắp thành một cái cột to cao để chống trời lên mà phân chia ra trời đất. Trời như một cái vung úp, đất bằng như một cái mâm vuông…

Dấu vết cột chống trời ngày nay người ta cho là ở núi Thạch Môn, thuộc về tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt cũng gọi là núi Không Lộ (Ðường Lên Trời) hay Khổng Lồ hoặc là Kình Thiên Trụ (Cột Chống Trời). Dân chúng còn câu hát lưu hành nhắc nhở đến công việc của ông trụ trời vào thuở khai thiên lập địa:

Nhất ông đếm cát,
Nhì ông tát bể,
Ba ông kể sao,
Bốn ông đào sông,
Năm ông trồng cây,
Sáu ông xây rú,
Bẩy ông trụ trời”.

Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn Hóa Toàn Thư tr.66)

Bài hát này kể các vị thần làm việc lúc khai thiên lập địa không theo thứ tự sinh đẻ.

3. Thần Thoại Mán

Thần thoại Mán nói về vũ trụ tạo sinh có kể rằng khi trời đất còn mù mờ đầu tiên có hai người xuất hiện là Nhiêu vương và Bàn Cổ. Hai con mắt của Nhiêu vương sinh ra mặt trời, mặt trăng. Còn loài người do tâm của Bàn Cổ sinh ra trong đó có Bàn Vũ. Bàn Vũ sau là tổ người Mán (Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn Hóa Toàn Thư tr.131).

Ở đây ta thấy người Mán, một tộc Nam Man nhận đích danh Bàn Cổ là ông tổ của mình. Người Trung Hoa gọi chúng ta là Nam Man đã bóp méo nghĩa từ man đi gắn thêm nghĩa thóa mạ là mọi rợ vào. Man của Hừng Việt có nghĩa rất cao đẹp (có bài viết riêng về Man Di). Ở đây chỉ xin nói qua loa một chút thôi. Về ngữ học Mán, Mường, Mọi… đều là man cả. Thời thái cổ chúng ta là Man, là Mán, là Mường… Theo b=m ta có bàn = màn = man. Vậy Bàn cổ = man cổ = Man tổ. Ta đã biết bàn, ban, bang là đỏ vậy man cũng hàm nghĩa là đỏ. Man là Xích quỉ! Nam man là Xích quỉ phương Nam. Bàng Cổ là tổ của (Nam) Man, Xích quỉ thì đúng đứt đuôi con nòng nọc rồi.

Với đầy đủ chứng tích vừa kể, rõ như ban ngày Bàn Cổ là do Mẹ Trứng Vũ Trụ Thần Nông hay Thần Nang đẻ ra và là tổ của Hừng Việt Xích quỉ. Anthony Christie trong Chinese Mythology, Library of The World’s Myths and Legends, đã hai lần xác quyết trứng vũ trụ và ông Bàn Cổ là của Nam Man: “These stories are late in the versions… and it is likely that the tradition of their southern origin is basically correct…” (p.55) (“Những truyện này muộn trong những tường thuật… và giống như là gốc gác từ miền nam của truyền thuyết có cơ bản là đúng…”) và “The most extensive account of the creation, involving a giant called Pangu has survived only in texts from the third to sixth centuries A.D. and there is a good reason to think that this story was not incorporated into Chinese Tradition until after the assimilation of the southern region” (p.51) (“Cái đáng kể về tạo sinh sâu rộng nhất liên can tới một ông khổng lồ gọi là Bàn Cổ chỉ còn thấy trong các bài viết từ thế kỷ thứ 3 tới thứ 6 sau Tây Lịch và có lý do chính đáng để nghĩ rằng truyện này không được đưa vào truyền thuyết Trung Hoa cho tới sau khi đã đồng hóa miền nam.”) (tr. 51).

BÀN CỔ VÀ TRIẾT THUYẾT ÂM DƯƠNG

Trong nghệ thuật tạo hình cổ Trung Hoa, Bàn Cổ thường được mô tả là một người lùn, hình thù cổ quái, cầm trong tay cái trứng hỗn mang Âm Dương.

Hình: Bàn Cổ cầm trong tay trứng Hỗn Mang (Chaos) Âm Dương, sống 18.000 năm. Thạch bản, thế kỷ 19, Bảo tàng Viện British, London.

Ðây cũng là một cái “dấu đầu lòi đuôi” của những kể nhận vơ của người khác làm của mình. Theo truyền thuyết Trung Hoa thì Bàn Cổ là một ông khổng lồ, mỗi ngày cao ba mét làm trụ chống trời. Hãy làm một con tính nhỏ, ta thấy trong 18.000 năm, Bàn Cổ cao 19.440 km (tính theo tháng âm lịch có ba mươi ngày). Trong khi đó trong các tranh vẽ, tượng, đồ gốm… Bàn Cổ là một lão lùn tịt dị dạng. Truyền thuyết và hình tượng không ăn khớp với nhau, lệch lạc, rõ ràng trống đánh xuôi kèn thổi ngược, ăn vụng không biết chùi mép.

Vì là con Mẹ trứng Không gian Thần Nông nên Bàng Tổ cầm trong tay trứng vũ trụ. Ðây là cái trứng hỗn mang (Chaos) có hai phần Aâm Dương tạo sinh ra trời đất. Ðây là nền móng của triết thuyết Aâm Dương mà từ xưa tới nay Ðông Tây vẫn cho là của Trung Hoa. Không. Trăm phần trăm là không phải người Trung Hoa sáng tạo ra thuyết Yin Yang. Người Trung Hoa đã lấy Thần Nông, đã lấy Bàn Cổ tất nhiên họ lấy luôn triết thuyết Âm Dương của Hừng Việt Nam Man thờ mặt trời.

Thật vậy chúng tôi đã khám phá ra những chứng tích nguồn cội, căn bản của thuyết âm dương còn rành rành ở các địa danh nơi đất tổ Lạc Việt cũng như như thấy ở truyền thuyết của các tộc khác thờ mặt trời họ Hồng Bàng.

Việt Nam

Mẹ trứng vũ trụ Thần Nông, Thần Nang là Âm. Trứng là tiêu biểu cho phần sinh dục nữ. Cái trứng hay noãn nang, dạ con, lỗ sinh đẻ phái nữ đều có hình hay được biểu thị bằng hình tròn hoặc chữ o tròn như quả trứng gà (với nghĩa thuôn tròn) hay chữ “o lớn” “omega” của Hy Lạp ví dụ trứng là tròng gần cận với tròn ; dạ con tương đương với lòng (lòng dạ là từ ghép điệp nghĩa) mà lòng = tròng như thế lòng, tròng gần cận với tròn; bộ phận sinh dục nữ l… có từ lỗ và cũng gần cận với lòng (dạ); Latin ovum , trứng, Anh ngữ oology , trứng học…; Pháp ngữ oeuf , trứng… đều khởi đầu bằng chữ o; Anh ngữ womb , dạ con có wom(b)= wom = vòm (khum tròn); dạ con của người trông giống và được diễn tả bằng chữ omega (sẽ có bài viết riêng)… Không gian và mặt trời khi biểu thị bằng hình tròn đều mang tính âm và đều là mẹ trứng vũ trụ và mẹ mặt trời, mẹ tròn (đi đôi với con vuông) và về toán học mẹ trứng không gian, mẹ trời hình đĩa tròn được biểu thị bằng con số không zéro.

Tóm lại chữ o, omega, vòng tròn, hình trứng (hình trái soan), hình vòm, cái lỗ biểu hiệu cho Âm.

Ông Bàng Tổ Trụ Trời với hình ảnh cái trụ chống mang hình ảnh và ý nghĩa đực hay Dương. Theo cách đọc Cổ Việt ch=tr mà một vài vùng ở Bắc Việt ngày nay còn nói, ta thấy chống (trụ) là trống (đực) như gà trống. Chống liên hệ chông (que nhọn) với chồng (ngược với vợ). Cái trụ, cái chống, cái nọc, cái nõ, cái cọc, cái que, cái cây là biểu hiệu cho bộ phận sinh dục nam, cho đực cho Dương. Ông Bàng Tổ Trụ Trời là yếu tố Dương. Về toán học ông trụ trời mang hình ảnh cái que được biểu thị bằng một cái gạch đứng như cái que, cái trụ tức là số 1. Khi nói trời là số một là ta đã nói tới trời với yếu tố Dương, phụ quyền đã lấn áp mẫu quyền.

Xin giải thích tại sao trời, vũ trụ nhiều khi dùng lẫn lộn, lúc có nghĩa là không, lúc có nghĩa là một. Thoạt đầu con người thờ Mẹ Nang, Mẹ Trời đĩa tròn sau đó với thời gian có sự “cướp quyền” giữa phụ quyền (phụ hệ) và mẫu quyền (mẫu hệ) nên đã có sự hoán đổi nghĩa trời tròn với tính phái âm nghĩa là số không với trời có nghĩa dương tức số một. Ta thấy những tộc khi còn thờ mẹ vũ trụ, mẹ trời thì trời là số không còn khi đã không còn thờ mẹ trời nữa mà chuyển qua thờ cha trời thì gọi trời chuyển sang nghĩa là một. Ví dụ các tộc Ấn Âu như Pháp, Anh, Ðức… không thờ mẹ trời nên gọi vũ trụ không gian là universe, univers, universum có un, uni có nghĩa là một; gọi mặt trời sun (Anh), soleil (Pháp), sonne (Ðức), sol (Tây Ban Nha), sole (Ý), sol (Bồ)… liên hệ với solo, seulement, solamente, sólo (Tây Ban Nha) solo, soltanto (Ý), só, somente (Bồ)… (một mình); Trung Hoa không thờ mẹ trời nên gọi không gian là vũ trụ với trụ là que là một. Trong khi đó chúng ta gọi không gian là nông, nang, tròng, lòng, trứng, không… hàm nghĩa số không. Chúng ta gọi trời là mặt cùng vần với mắt mà mắt là tròng, là tròn biểu thị bằng vòng tròn như con số không. Mặt cũng cùng vần với mất là không còn gì; với mất là chết mà chết là hết, là trở về hư vô (tức là số không).

Cái trứng tròn Âm và cái trụ chống trời Dương hòa hợp lại sinh ra vũ trụ muôn loài. Cái trứng vũ trụ âm không có “chống” (hai nghĩa) không tạo sinh, sinh nở được. Ðây là nguyên lý sâu sa của sự tạo sinh ra nhân vật Bàng Tổ Trụ Trời.

Trở lại truyền thuyết Ông Trụ Trời của Việt Nam. Dấu vết cột chống trời ngày nay người ta cho là ở núi Thạch Môn, thuộc về tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt cũng gọi là núi Không Lộ (Ðường lên trời) hay Khổng Lồ hoặc là Kình Thiên Trụ (Cột chống trời). Núi này thuộc tỉnh Sơn Tây nằm đâu đó gần núi Tản Viên. Chúng ta đã biết theo một nghĩa Tản Viên là núi Trứng (tản, đản là trứng, chúng ta thường ăn phì tản , trứng đen ngâm thuốc Bắc trong món bát bửu đồ lạnh hay ăn với bún thang; đản bạch là lòng trắng trứng). Ðiểm này giải thích tại sao gọi núi Tản là Viên. Hiển nhiên Viên có một nghĩa là tròn. Tản Viên là Trứng Tròn.

Như vậy núi Tản Viên Trứng Tròn biểu tượng của mẹ Trứng Vũ Trụ Thần Nông và núi Kình Thiên Trụ biểu tượng cho ông Bàng Tổ Trụ Trời là hai yếu tố âm dương cốt lõi của vũ trụ quan của chúng ta.

Mặt khác chúng ta thường nghe giải thích Tản Viên là cái núi hình tán vì núi trông như cái lọng. Ðiều này cũng không sai vì tán lọng cũng có nghĩa là trứng vì phần trên tròn hay khum tròn như mặt trời hay vòm trời. Trong các đền thờ của chúng ta ngày nay còn thờ lọng đỏ biểu tượng cho mặt trời, vòm trời. Ta cũng có thể kiểm chứng lại bằng ngữ học. Tán là lọng mà lọng gần cận với lòng, tròng nghĩa là với trứng. Ta cũng có cái ô (dù) ruột thịt với tán, lọng. Trong từ ô có chữ o tròn như quả trứng gà, nghĩa là ô cũng như lọng có hàm nghĩa trứng. Trong bài “Cái Ðầu Lâu Hoa Cái Nhà Mày” khi nói đến từ mắt, chúng tôi có nói ô (lỗ nhỏ để nhìn như cửa ô) liên hệ với mắt. Mà mắt là tròng, trứng do đó ô liên hệ với trứng, với mặt trời tròn.

Như thế Tản Viên dù hiểu theo nghĩa lọng, tán cũng có nghĩa là trứng biểu tượng cho Mẹ Trứng vũ trụ Thần Nông.

Ngoài ra núi Tản Viên còn gọi là núi Nùng. Nùng là chuyển hóa với nòng, lòng, tròng nghĩa là trứng. Nùng còn có một nghĩa nữa là một (Thái ngữ nung là một), sẽ khai triển ở một dịp khác.

Trứng Tản Viên và Kình Thiên Trụ đã kết hợp lại tạo ra vũ trụ, dòng giống Việt.

Nhật Bản

Theo truyền thuyết, sau khi đứng trên cây cầu nổi trên trời dùng cái giáo quậy biển, khi nhấc lên những giọt nước rơi xuống tạo thành những hòn đảo nước Nhật ngày nay, hai anh em Izanagi và Izanami xuống đảo. Họ dựng một cây trụ trời và rồi hai người đi vòng quanh ngược chiều với ý định nếu gặp nhau họ sẽ lấy nhau…

Hai người đã đi giáp một đường hình vòng tròn. Khi gặp nhau người con gái mừng rỡ mở miệng gọi người con trai trước khiến Izanagi tức giận nên kết quả họ sinh ra hai người con tật nguyền và họ từ bỏ. Hai người về trời trở lại. Thần cho biết đó là do lỗi người con gái mở miệng nói trước và khuyên là lần này xuống đất Nhật phải để người con trai nói trước. Hai người làm đúng theo lời thần dặn nên đẻ ra đầy đàn con cháu trong đó có Oh-yashima-guni (Ðất-Tám Ðảo-Vĩ Ðại, tên cổ của nước Nhật).

Ở đây ta cũng thấy cái trứng do hai người đi vòng quanh và cây trụ. Nhưng đã viết theo tính trọng nam khinh nữ của người Nhật. Cái trụ trồng trước đi theo hình vòng tròn sau và con gái mở miệng nói trước, tỏ tình trước với trai là con gái hư.

Ai Cập

Khi viết về Thần Nông trong số trước chúng tôi đã đề Cập đến Âm Dương của Ai Cập, một tộc cũng thờ mặt trời như chúng ta. Ai Cập ngữ Ankh , life, sự sống, đời, thường biểu tượng bằng hình chữ thập trên đầu có lỗ hình quả trứng mà các học giả thường gọi là “cái chìa khóa của sự sống” (“key of life”) (xem hình).

Cho tới bây giờ chưa ai biết rằng đây là biểu tượng Âm Dương của Ai Cập. Theo chúng tôi đây là trái trứng và cái cọc sinh ra đời sống. Ðây chính là biểu tượng âm dương của Ai Cập. Ai Cập ngữ Ankh liên hệ với Phạn ngữ anda (trứng).

Thêm nữa, các tác giả Tây phương ngày nay cũng đã phủ nhận Bàn Cổ và triết thuyết Yin Yang có gốc là của người Trung Hoa. Richard Cavendish trong An Illustrated Encyclopedia of Mythology cũng xác nhận Bàn Cổ, Âm Dương là của Nam Man: “A tradition from the Yangtze delta says that P’an-ku and his wife represent yang and ying, as do the two halves of the egg from which P’an-ku was born” (tr.60) (Một truyền thuyết từ vùng châu thổ sông Dương Tử nói rằng Bàn Cổ và vợ tiêu biểu cho dương và âm giống như hai phần của quả trứng từ đó Bàn Cổ được sinh ra”.)

Chúng tôi cũng đã khám phá ra dấu tích của mẹ Trứng Vũ Trụ Thần Nông và Bàn Cổ trên trống đồng Ðông Sơn (sẽ viết rõ trong Bí Mật Trống Ðồng Ðông Sơn).

Như thế vũ trụ quan của chúng ta nói riêng của Hừng Việt nói chung cho thấy vụ trũ trời đất, con người sinh ra từ yếu tố âm là Mẹ Trứng Thần Nông hay Thần Nang và yếu tố dương là Bàng Tổ Trụ Trời.

Ðể kết thúc chúng tôi xin vén tấm “nhiễu điều phủ lấy giá gương” hé mở cho thấy cái bóng của Âu Cơ và Hừng Vương trong tấm gương Thần Nang Bàng Tổ.

Thần Nang Bàng Tổ tạo sinh ra vũ trụ, đất trời, trần thế, con người, Xích quỉ. Còn Âu Cơ đẻ ra Hùng Vương và các dòng vua cai trị nhân gian con người, Xích quỉ. Thần Nang là hình, Âu Cơ là bóng của Thần Nang. Cả hai đều là trứng tạo sinh. Bàng Tổ là hình, Hừng Vương là bóng của Bàng Tổ. Hãy đối chiếu vài điểm tương đồng giữa Bàng Tổ và Hừng Vương:

Tóm lại Bàn Cổ, Bành Tổ, Bàng Tổ là ông Trụ Trời, sinh ra thế gian và con người là của Nam Man Hừng Việt, là ông tổ Ðỏ của họ Hồng Bàng. Chúng ta còn chứng tích rành rành của Bàng Tổ nơi đất tổ lập quốc là núi Thạch Môn, Không Lộ, Kình Thiên Trụ ở tỉnh Sơn Tây. Ðộc giả theo dõi tới đây đã thấy rằng Thần Nông Trứng Vũ Trụ, Bàng Tổ Trụ Trời không phải của người Trung Hoa thì triết thuyết Âm Dương Kinh dịch nếu ai cho là của người Trung Hoa cần phải suy nghĩ lại.


NHẬN DIỆN CHÂN TƯỚNG VUA THẦN NÔNG

Theo các bộ sử lớn viết bằng chữ Hán như Ðại Việt Sử Ký, Khâm Ðịnh Việt Sử, An Nam Chí Lược, Việt Sử Lược thì nguồn gốc dân tộc Việt Nam như sau “Ðế Minh cháu bốn đời vua Thần Nông nhân đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh, kết hôn với một nàng tiên đẻ ra một người con là Lộc Tục. Vua lập đài tế cáo trời đất, phong cho con trưởng làm vua phương Bắc, tức vua Nghi, phong con thứ là Lộc Tục làm vua phương Nam…” (Trần Ðại Sỹ, Từ Triết Học Ðến Huyền Thoại Nguồn Gốc Tộc Việt, Hai Mươi Năm Văn Học Hải Ngoại tr.1046). Về nguồn gốc dân Việt là con cháu vua Thần Nông bên Tầu này đã có nhiều học giả Việt Nam tranh luận. Người cho Thần Nông là người Tầu, kẻ lại cho Thần Nông là người Việt (Hừng Việt).

Thần Nông là người Việt?

Trong các học giả cho Thần Nông là người Việt, người tiêu biểu là giáo sư Kim Ðịnh. Giáo sư Kim Ðịnh theo Mộng Văn Thông cho là Thần Nông là vua của Viêm tộc tức Việt. Theo Mộng Văn Thông trong Cổ Sử Nhân Vi, Viêm là Việt + Miêu, giáo sư Kim Ðịnh gọi là Viêm. “Theo thuyết trên thì vua Thần Nông hiệu là Viêm đế là Việt chứ không phải Tàu. Vua ấy giỏi nông nghiệp và bị một thủ lãnh của Tàu là Hiên Viên hạ sát để cướp đất và cướp luôn nền văn minh nông nghiệp đó” (Bình Nguyên Lộc, Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam tr.93).

Thần Nông Là người Tầu?

Học giả Bình Nguyên Lộc chống đối kịch liệt lại việc cho rằng Thần Nông là người Việt. Cụ cho rằng Mộng Văn Thông gọi chúng ta là Viêm là có ý đồ chính trị “sách của ông là một mưu đồ chính trị rất là thâm sâu và độc ác… Khi mà họ làm cho 700 triệu người Tàu tin rằng Tàu là Việt thì 700 triệu người ấy hẳn sẽ có khuynh hướng thống nhất ta… và khi 30 triệu người Việt cũng tin in hệt như thế thì ta mất hết cả ý chí chống xâm lăng. Hoa và Việt đã là một thì thống nhứt là đúng, còn chống làm gì nữa” (tr.91). Người Tàu có gọi ta là Viêm bang : “họ có chỉ nước ta là Viêm bang, nhưng đó là sau đời Hán” (tr.86). Cụ kết luận “như thế thì Thần Nông chỉ có thể là Tàu” (tr.103). Theo câu sử trên ta cũng thấy Ðế Minh “đi tuần thú phương nam” chứng tỏ ông là người phương bắc, tức là người Trung Hoa. Ðế Minh lấy một nàng tiên ở Ðộng Ðình Hồ, vùng núi Ngũ Lĩnh đẻ ra Lộc Tục nhưng con cả lại là Ðế Nghi như thế Long Nữ là vợ bé và Kinh Dương Vương là con vợ bé. Vua đầu tiên của Việt Nam là con vợ bé ông vua phương bắc Ðế Minh. Như thế Thần Nông là ông vua Tầu. Nguồn gốc chúng ta là người Tầu.

Thần Nông là ông tổ chung cả Tầu và Việt?

Theo câu sử trên ta cũng thấy Thần Nông là ông tổ chung của Tầu và Việt. Chúng ta là dòng con vợ bé. Bác sĩ Trần Ðại Sỹ cũng chấp nhận điều này: “Xét triều đại Thần Nông, khởi từ năm 3118 trước Tây lịch, đến đây (Ðế Minh) thì chia làm hai:

1. Thần Nông Bắc

Ðến đây triều đại Thần Nông Bắc chấm dứt, đổi sang triều đại Hoàng Ðế từ năm Giáp Tý (2697 TTL). Các nhà chép sử Trung Quốc lấy thời đại Hoàng Ðế làm kỷ nguyên. Trong Sử Ký, Tư Mã Thiên khởi chép quyển một là Ngũ Ðế Bản Kỷ, coi Hoàng Ðế là quốc tổ Trung Quốc.

2. Triều Ðại Thần Nông Nam

Thái tử Lộc Tục lên làm vua năm Nhâm Tuất (2879 TTL) hiệu là Kinh Dương, lúc mười tuổi. Sau này người Việt lấy năm này làm kỷ nguyên lập quốc. Nếu cộng chung cho tới nay là 4872 năm, vì vậy người Việt hằng tự hào là có năm nghìn năm văn hiến” (Tr.1046). Ðó là sử Việt viết về Thần Nông còn sử Trung Hoa họ nói gì về Thần Nông?

Có Hay Không Có Thần Nông?

Vì có nhiều điều không ổn về Thần Nông nên khiến chúng ta khó tin rằng Thần Nông là ông tổ của chúng ta.

  1. Thần Nông là vị vương thứ nhì của Trung Hoa. Ông tổ của chúng ta là một người Tàu. Dĩ nhiên không thể chấp nhận được. Các học giả Việt Nam cũng biết vậy nên tìm một giải pháp dung hòa cho Thần Nông là ông vua của cả Tàu và Việt.
  2. Thần Nông chỉ có làm vua tám đời và cách đây chừng 5.000 năm. Tổ của chúng ta quá trẻ. Như thế tổ của Thần Nông là ai? Như thế Thần Nông không phải là ông tổ tối cao thật sự theo đúng nghĩa của nó. Nhưng tại sao các nhà viết sử hay dã sử lại dừng lại tại thời điểm Thần Nông? Có một sự gì sai lạc ở đây.
  3. Thần Nông là ông vua giỏi về canh tác làm ruộng thì là ông tổ của Hừng Việt chuyên sống về nông nghiệp sông nước là hữu lý rồi. Nhưng những khai quật khảo cổ học cho thấy việc trồng trọt cây cỏ sinh sống đã có từ lâu rồi chứ không phải chỉ mới có 5.000 năm gần đây thôi. Giáo sư về nhân chủng học Wilhelm G. Solheim II, Ðại học Hawaii trong bài New Light On a Forgotten Past (Ánh sáng mới rọi vào Quá Khứ Lãng Quên) đã tuyên bố “Tôi đồng ý với Sauer rằng những thảo mộc đã được trồng cấy thuần canh đầu tiên (first domestication of plants) trên thế giới đã được thực hiện bởi những người có nền văn hóa Hòa Bình, ở một chỗ nào đó tại Ðông Nam Á. Tôi không lấy gì làm ngạc nhiên là sự thuần canh này đã bắt đầu sớm tới 15.000 trước Tây lịch” (National Geographic, March 1971 tr.339). Như thế Thần Nông ông tổ nông nghiệp chỉ có 5.000 tuổi sai thấy rõ.
  4. Người Trung Hoa gốc dân du mục săn bắn mà có ông tổ nông nghiệp chung với chúng ta thật là phi lý.
  5. Vua Thần Nông chuyên nông nghiệp có hiệu là Viêm đế tức vua lửa thật là tréo cẳng ngỗng. Cái niên hiệu Viêm đế trái ngược với tên Thần Nông hiểu theo nghĩa nông nghiệp. Trồng trọt canh tác cần nước nhất. Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Một ông vua Nông nghiệp mà lấy hiệu là vua “nóng” vua “lửa” thì cây cỏ bị hạn hán chết hết. Viêm đế không thể nào đi với Thần Nông có nghĩa là nông nghiệp. Không ổn. Nên nhớ Thần Nông theo sử chỉ cách đây có 5.000 năm thôi mà sự phát kiến ra lửa phải là lâu đời lắm. Như thế nếu Viêm đế đúng là thần lửa thì cái tên Thần Nông hiểu theo nông nghiệp là sai và ngược lại. Chính sự không ăn khớp, trống đánh xuôi kèn thổi ngược này giúp ta tìm ra chân tướng Thần Nông là ai. Có người lại cho rằng ông vua này đem lửa vào Trung Hoa. Dĩ nhiên quá ấu trĩ. Lửa đã có từ thuở khai thiên lập địa. Con người biết tới lửa rất lâu chứ không phải mãi tới đời vua Thần Nông chỉ cách đây có 5.000 năm thôi. Lửa thiên nhiên như núi lửa, cháy rừng, cháy núi, cháy các đồng cỏ (savanna) con người khi còn là đười đã biết tới và có kinh nghiệm với lửa. Sự cháy hoang dã (wild fire) này làm côn trùng và thú nhỏ bị chết cháy rất nhiều và thú lớn chạy tản mát đi nơi khác. Muông thú đã phải đi theo sau các đám cháy này tìm mót thực phẩm. Loài đười ươi cũng phải kiếm sống bằng cách này. Và người thái cổ đã khám phá ra thịt thú vật bị chết cháy ăn thơm ngon hơn ăn sống. Món ăn chín đầu tiên mà loài thú, loài đười và người homo sapiens nếm là món thịt nướng do những đám cháy thiên nhiên. Biết lửa từ lâu và khám phá ra món thịt nướng cháy thiên nhiên ăn ngon hơn thịt sống tanh tưởi đã khiến con người nghĩ đến cách nướng thức ăn. Do đó con người nghĩ đến việc tìm cách giữ lửa và gầy lửa. Dĩ nhiên phải mất một thời gian dài. Gần vùng hồ ngầm dưới đất Escale ở Pháp các nhà khảo cổ học tìm thấy dấu tích của lửa và của con người cư ngụ lâu đời tới 700.000 năm, tuy nhiên chứng tích rõ ràng nhất là các hố lò lửa khám phá thấy cách đây 300.000 năm. Như thế vua Thần Nông chuyên về trồng trọt lại kiêm là vua biết gầy ra lửa hay giữ lửa chỉ cách đây có 5.000 thì quá gần, không thể nào chấp nhận được để giải thích sự vô lý giữa cái tên Thần Nông trồng trọt và tên hiệu Viêm đế, các học giả Trung Hoa ngày xưa đã cố thêu dệt cho ông cũng là thần “gió nóng” (“burning wind”) có khả năng làm hết được hạn hán.
  6. Thần Nông theo sử Tàu làm vua được tám đời nhưng chẳng thấy dấu tích đâu cả. Tại sao lại tám đời ?
  7. “Cứ theo các cổ thư Trung Hoa thì vua Thần Nông đánh diệt Bổ Toại”. (BNL tr.93). Nhưng Bổ Toại là ai? Nước nào? Sử không nói rõ. Vậy đây chỉ là hoang thoại? Người Trung Hoa đã cóp nhặt Thần Nông từ các chủng tộc khác? Cũng giống như đã nói trong bài Nhận Diện Danh Tính Vua Tổ Hùng Vương ở số trước vì những điểm vá víu, vô nghĩa nên Thần Nông cũng như Bàn cổ có lẽ Trung Hoa đã lấy của chúng ta rồi sửa đổi và cải danh đi.

Hình 2: Bàn Cổ cầm trong tay trứng Hỗn Mang (Chaos) Âm Dương, sống 18.000 năm. Thạch bản, thế kỷ 19, Bảo tàng Viện British, London. Học giả Bình Nguyên Lộc cho đây chỉ là hoang thoại: “Nhưng thật ra thì vua Thần Nông không bao giờ có, thế thì Viêm đế cũng không bao giờ có. Giáo sư Kim Ðịnh cũng đồng ý với các nhà bác học Tây phương (mà ngày nay các nhà bác học Trung Hoa cũng đồng ý như vậy) là họ chỉ là một nhóm người Tàu văn minh trước các nhóm người Tàu khác mà các Chu Nho ngây thơ theo tinh thần Evhémère đã biến thành một nhân vật” (tr.105).

Thần Nông Người Là Ai?

Dù gì thì cổ sử cũng vẫn chép rằng ông tổ tối cao của chúng ta là Thần Nông. Chúng ta nhận là con cháu Thần Nông. Thần Nông có hiệu là Viêm đế rất ăn khớp với chúng ta Xích quỉ Hừng Việt thờ Mặt Trời. Viêm là nóng là lửa là mặt trời… Vậy Thần Nông người là ai? Chúng ta phải quật “mồ” người lên để nhận diện chân tướng người. Chúng tôi lại dựa vào phương pháp truy tìm tầm nguyên ngữ học của chúng tôi. Nếu chúng ta nhận Thần Nông là người Việt thì từ Nông phải là Việt ngữ. Chúng ta ai cũng biết Hán ngữ nông là làm ruộng như nông nghiệp. Vì là Hán ngữ chúng ta gạt nghĩa nông nghiệp này ra ngoài. Tổ tiên ta không thể có tên bằng Hán ngữ. Tổ tối cao tối thượng của chúng ta chưa biết làm ruộng.

Việt ngữ Nông:

Việt ngữ nông có những nghĩa sau:

Hình 3: Chim bồ nông mỏ túi dùng để xúc cá

Nông cũng liên hệ với nọng. Trong bài “Cái Ðầu Lâu Hoa Cái Nhà Mày” khi nói về từ cổ, chúng tôi đã nói về từ nọng này. Nọng là phần thịt xệ xuống ở dưới cổ như cái nọng heo. “Ðầu trọng nọng khinh” là thịt đầu thì trọng, thịt nọng cổ thì khinh. Ở người mập thịt dưới cằm xệ xuống gọi là nọng cằm. Chim bồ nông là loài chim có cái túi, cái bao, cái nọng dưới mỏ. Tóm lại Nông với ý nghĩa liên hệ với nước và là cái bao cái túi. Nói gộp lại hai nghĩa, nông hàm chứa ý nghĩa cái bọc nước. Vậy Thần Nông là thần Bọc Nước (sẽ giải thích ở dưới). Bây giờ chúng ta mò tìm những từ gần cận với nông. Sau đây là những chữ gần cận với nông:

Nang

Theo chuyển hóa o=a (hột = hạt) ta có nông = nang.

Nang là cái bao, cái bọc, quả cau, cái trứng.

“Còn thểu thứ ăn khang oỏng cloọng”
Binh Mường lể phất phất lả clù màng
Kịt kịt buồng nang clởng
Cla bao đệp, xếp bao đọi

Rằng:

“Tâu mơi ôông, hỡi ôông hà
Cảy nì là chù man nang
Choo ôông ăn khang oỏng cloọng”

(Trương Sỹ Hùng Bùi Thiện, Vốn Cổ Văn Hóa Việt Nam, nxb Văn Hóa Thông Tin Hà Nội 1995, tập II, tr.694).

Dịch ra Việt ngữ:

Ðá Cần lại rằng:

“Còn thiếu thứ ăn sang uống trọng”
Binh Mường lấy phất phất lá trầu màng,
Trĩu trĩu bẹ nang trứng,
Tra vào đệp, xếp vào đọi,

Ðưa lại rằng:

“Tâu ông ơi, hỡi ông à!
Ðây là trầu, nang,
Cho ông ăn sang, uống trọng”.

(tập I tr. 810)

Ðoạn trên đây trích trong bài hát tế “Ðẻ Ðất, Ðẻ Nước” của thầy mo Mường. Ðá Cần cũng gọi là Tá Cần, con trai trưởng trong số năm mươi người ở lại trên núi với mẹ Ngu Cơ. Bẹ nang trứng là buồng cau trứng, hai tác giả dẫn trên giải thích là quả cau to tròn như quả trứng. Thật ra nang là trứng. Cau là trứng. “Nang cloọng” là từ ghép điệp nghĩa. Ta thấy rõ quả cau là quả nang, quả trứng. Mo nang là mo cau. Mã Lai ngữ pinang là cau. Nang là từ nôm. Người Trung Hoa gọi cau là binh lang, họ không thờ trầu cau và không ăn trầu cau nên nang là Việt ngữ, Mường ngữ, Mã ngữ không phải là Hán Việt. Hán Việt binh lang chắc chắn chỉ có thể là từ phiên âm của chúng ta.

— Ta cũng có từ ghép trứng nước ví dụ phải dập tắt âm mưu từ trong trứng nước. Chúng ta nói trứng nước vì trứng là một cái bọc nước và trứng khởi đầu là một tế bào mầm có nước bên trong. Do đó nông nghĩa là bọc nước ta đã thấy ở trên cũng có nghĩa là trứng. Thần Nông là thần Bọc Nước, Thần Trứng.  Như thế nang là cái bọc nước, cái trứng. Ðến đây với nghĩa của Nông và nang vừa giải thích ta thấy rõ Thần Nông là Thần Bọc Nước, Thần Trứng.

Ngoài ra cau còn có nghĩa là không qua chứng tích từ ghép trầu không.

ăn trầu không = ăn trầu cau
lá trầu không = lá trầu cau

ước lược những chữ giống nhau ở mỗi vế, ta còn lại:

không = cau

Không có một nghĩa là khoảng không, không gian, vũ trụ. Vậy cau = nang = nông = không với không có hàm nghĩa là không gian vũ trụ. Ta có thể kiểm chứng lại cho chắc ăn. Trong toán học số không (zero) biểu tượng bằng vòng tròn như chữ o. Ta ví o tròn như quả trứng gà. Như thế không = o (zero) = trứng = cau. Trái cau là trái trứng, trái không (gian). Ta cũng đã biết Pháp ngữ non (đọc là nông) có nghĩa là không là chuyển hóa của Việt ngữ không. Trong bài viết “Mỡ Ểu Áo Vàng Chẳng Có Việc” chúng tôi đã chứng minh Pháp ngữ non = không (Việt ngữ) theo qui luật chuyển hóa kh=n như khỏ (khô, trái bưởi khỏ là trái bưởi múi bị khô) = nỏ, khện = nện. Như thế nông (túi, cau, Pháp ngữ non) dù cùng nghĩa hay khác nghĩa về thanh âm cũng vẫn là chuyển hóa của không (gian, zero, chẳng) được. Vậy trái không là trái nông, trái nang, trái cau. Trầu không là trầu cau. Quả cau, quả không là hình ảnh không gian, vũ trụ. Gộp lại các nghĩa vừa có ta thấy thần nông, thần nang là thần trứng không gian, trứng vũ trụ. Tiến sâu hơn nữa, đọc thêm hơi vào cau ta có cau = chau, châu. Châu là đỏ, trời. Trái cau ăn với trầu cho ra chất nước màu đỏ. Trầu là châu cũng có nghĩa là đỏ. Phạn ngữ pan hay pahn, trầu cau. Theo p=b, pan = ban, Việt ngữ ban là đỏ như ban sởi (Nhận Diện Danh Tính Vua Tổ Hùng Vương, số trước). Trầu cau đều là đỏ nên dùng để thờ cúng Tổ Ðỏ và đây là lý do sự tích trầu cau có từ thời vua Ðỏ Mặt Trời Mọc Hừng vương. Vậy nông, nang là trứng không gian vũ trụ. Thần Nông, thần Nang là thần Trứng vũ trụ (cosmic egg).

Nung

Theo chuyển hóa o=u (tôi = tui), nông = nung. Nung là nóng, đốt, hầm lửa như nung nấu, nung gạch. Thần nông, thần nung là thần nóng, thần lửa. Thần Nông với nghĩa là Thần Nung có hiệu là Viêm đế thì đúng đứt đuôi con nòng nọc rồi.

Nong

Nong là vật đan bằng tre tròn, lớn để phơi đồ. Cái nong mang hình ảnh của mặt trời. Thần Nong là thần mặt trời, thần vòm trời.

Nồng

Nồng là nóng như nồng nực, oi nồng… Ðiều này cũng thích ứng với thần Nông, thần Nồng có tên hiệu là Viêm đế.

Nọng

Nông liên hệ với nọng như đã thấy ở trên. Ở đây xin nói tới nọng với nghĩa là lọng (n=l). Lọng là cái tán che. Lọng tròn đỏ ngày nay còn thấy thờ trong đền chùa và dùng cho vua. Chúng ta thờ lọng đỏ tiêu biểu cho mặt trời tròn đỏ, cho vòm trời. Nọng, lọng cho ra nón. Chiếc nón thúng của người Bắc tiêu biểu cho mặt trời. Người Ao (Âu) Naga ở Assam, phần cực tây của địa khối Vân Nam cũng thờ mặt trời (In a way, there is a sun worship…) (William Carlson Smith, The Ao Naga Tribe of Assam, 1925, tr.87) cũng có nón thúng hình tròn như người Bắc: “They have a large cicular hat, about three feet in diameter, made of palm leaves and bamboo strips” (William Carlson Smith, tr.19) (Họ có cái nón hình tròn đường kính khoảng ba bộ làm bằng lá gồi và nan tre). Ðường kính ba bộ dài gần một mét giống hệt nón thúng quai thao của phụ nữ miền Bắc ngày nay còn dùng. Trong các đền miếu còn thờ các loại nón thúng mặt trời này nhất là đền của các bà đồng thờ Mẹ trời.

Hình 4: Phụ nữ miền Bắc đội nón thúng quai thao. (hình sưu tập của Poujade de Ladevèze, Femme coiffée du grand chapeau, in lại trong Những Hình Ảnh Xưa, Nguyễn Khắc Ngữ). Nơi đất tổ lập quốc của Lạc Việt ở Bắc tổ tiên chúng ta đã đặt tên cho ngọn núi cao nhất là núi Tản:

Nhất cao là núi Tản Viên

Núi Tản Viên vừa có nghĩa là núi hình “tán tròn”, núi hình lọng tròn tiêu biểu cho vũ trụ, vòm trời, mặt trời vừa có nghĩa là núi Tản, núi Ðản nghĩa là núi Trứng, núi Ðẻ. Vậy thần Nông là thần Lọng, Thần Vòm Trời, Thần Mặt Trời.

Nùng

Theo o=u ta có nồng = nùng. Chúng ta có câu nói “núi Nùng sông Nhị”. Núi Nùng cũng là tên gọi núi Tản. Tại sao gọi là núi Nùng? Xin thưa nùng là số một (number one). Núi Nùng sông Nhị là núi Một sông Hai. Thật vậy chứng tích còn thấy là trong Thái ngữ nung là một. Ðiều này cho thấy núi Nùng là núi Nguyên Thể (primeval mountain) tạo ra trái đất. Tại thượng du Bắc Việt có một sắc tộc nổi tiếng gan dạ là người Nùng. Sắc tộc này đã gọi mình theo thần Nông. Vậy thần Nông thần Nùng là thần số Một, thần Vũ Trụ.

Nòng

Theo n=l=tr, nòng = lòng = tròng. Ta nói lòng trứng, tròng trứng, lòng đỏ, tròng đỏ… Con mắt có tròng nâu tròn và phần trắng bao quanh trông giống cái trứng có tròng đỏ và tròng trắng nên ta cũng nói tròng, lòng mắt. Mắt là tiêu biểu cho trời. Mắt và mặt cùng một vần. Lòng còn có nghĩa là bụng, là dạ. Ta có từ ghép lòng dạ. Dạ đây không hẳn là dạ dầy mà là dạ con. Lòng-dạ-con mang nghĩa sinh đẻ tương đương với trứng. Vậy Thần Nông là thần Nòng, Lòng, thần Ðẻ, thần Mắt, thần Trứng.

Nàng, Nường

Nàng chuyển hóa với nồng. Nàng chỉ người có nang, có trứng, có “nường” (với nghĩa tục) nghĩa là phái nữ. Nàng là mẹ, là đẻ. Như thế Thần Nông là thần Nàng, là bà Thần Nông chứ không phải ông Thần Nông. Trứng tiêu biểu cho tạo sinh, sinh đẻ, giống cái. Mẹ Nông, Mẹ Nàng, Mẹ Tạo hóa, mẹ khai sinh ra vũ trụ, thế giới, con người. Chuyển hóa với nàng là nường cũng hàm nghĩa là phái nữ, mẹ, con gái ngoài ra còn chỉ bộ phận sinh dục nữ như Nõ Nường. Thần Nông là thần Nàng, thần Nường, là Mẹ tối cao tối thượng. Tóm lại Thần Nông của chúng ta là thần Nang, thần Nung, thần Nồng, thần Nùng, thần Nòng, thần Nong, thần Nàng, thần Nường, thần Lọng… thần tạo ra, đẻ ra vũ trụ, trời đất, vạn vật, là mẹ vũ trụ, mẹ trời. Với ý nghĩa là vị thần tối cao tối thượng thì thần Nông là Thần Nang là Thần Mẹ Trứng Vũ Trụ. Trứng vũ trụ (cosmic egg) bao hàm ý nghĩa vũ trụ tạo sinh, tạo ra vạn vật nhưng trong thực tế vũ trụ cũng giống hình quả trứng. Hãy ngửa mặt nhìn lên trời, chúng ta thấy vòm trời khum khum như hình vỏ trứng. Không gian trong suốt giống lòng trắng trứng. Mặt trời đỏ giống tròng đỏ trứng. Vũ trụ quả là một trái trứng. Ðể kiểm chứng lại cho đúng và để đánh tan những nghi ngờ nếu còn sót lại trong đầu những người đa nghi trong số một tỉ người Tầu và bẩy mươi lăm triệu người Việt đã bị điều kiện hóa tin Thần Nông là nông thần, y thần, chúng tôi xin đối chiếu Mẹ Trứng vũ trụ, bầu trời của chúng ta với một vị thần bầu trời của một tộc Nam Man ngày nay sống ở miền cực tây địa khối Vân Nam. Ðó là người Ao Naga. Người Ao Naga là một tộc Nam Man “săn đầu người” (head hunters) có lẽ là một tộc Âu Việt. Họ có rất nhiều điểm giống Lạc Việt chúng ta như thờ con dao (vừa là vũ khí) giống cái rào của ta (thấy trên trống đồng) họ cũng gọi y chang như chúng ta là “dao”, họ cũng xâm mình, ăn trầu, có nón thúng tròn hình mặt trời như phụ nữ miền Bắc, có nhà rong (nhà rồng), nhà làng gọi là morong. Họ cũng kiêng không ăn thịt quạ và phụ nữ miền Bắc ngày nay còn chít khăn mỏ quạ. Cả hai đều tôn thờ quạ. Các người con gái Aor khi đi lấy chồng ngoài tộc vẫn giữ những biểu hiệu cũ của thị tộc của mình trên quần áo mặc hay đồ trang sức. Phụ nữ miền Bắc chít khăn mỏ quạ cũng là một truyền thống cổ giữ lại biểu hiệu cũ của thị tộc có từ ngàn xưa. Chẳng lẽ phụ nữ miền Bắc tôn thờ đội trên đầu mỏ quạ đen ăn thịt người? Dĩ nhiên là không. Quạ đây là con quạ vàng kim ô tiêu biểu cho mặt trời. Các bà đồng chít khăn đỏ, khăn điều mỏ quạ. Ngày nay phụ nữ bình dân miền Bắc đội khăn đà, khăn nâu, khăn đen cho sạch. Phụ nữ miền Bắc chít khăn mỏ quạ mà vẫn thấy đây là một tập quán đẹp không có chút gì xấu hổ và các mhà đạo đức, trí thức Việt không hề bài xích việc đội trên đầu loài chim quạ ăn thịt người, loài chim quạ biểu tượng cho chết chóc. Ðiều này chứng tỏ đây là một thứ sùng bái, một thứ tín ngưỡng, thờ phượng chim trời của chúng ta. Và còn nhiều thứ nữa chúng tôi sẽ khai triển thêm khi có dịp.

Hình 5: Người Ao, Nagaland ở Assam

Có nhiều học giả đã giải thích từ Naga. Có hai nghĩa ăn khớp với chúng ta. Naga là rắn ăn khớp với thuồng luồng, sấu dao (dao long), rồng của chúng ta. Naga có thể là dao đã Ấn hóa (Nhận Diện Chân Tướng Vật Tổ Giao Long của Hừng Việt, YHTT xuân Bính Tý). Nghĩa thứ hai Naga là noga do gốc nog, nok, Ao ngữ nok hay noka là “people”, người, liên hệ với Phạn ngữ loka, people, ăn khớp với chúng ta Mường, Mán, Mọi đều có nghĩa là Người, people. Từ Ao có lẽ là Âu. Họ gọi họ là Aor. Các nhà nhân chủng học trước đây giải thích Aor là “the going ones” (William Carlson Smith, The Ao Naga Tribe of Assam, 1925, tr.171) chỉ những người vượt qua con sông lớn Dikku ở Assam. Ta thấy Aor có nghĩa là “vượt” (sông), “bỏ đi” chính là nghĩa của Việt. Có người đã giải thích từ Việt là do người Trung Hoa gọi nhóm Xích quỉ Vượt sông Dương Tử xuôi nam. Aor và Việt đều chỉ “vượt” (sông) bỏ đi. Aor Việt mang âm Âu Việt đều là Hừng Việt. Họ cũng thờ mặt trời. Họ cũng có taboo (cấm kỵ) gọi là genna hay kenna (liên hệ với Việt ngữ kiêng, khem) là không ăn trứng chỉ những pháp sư lúc làm lễ mới ăn trứng sống (Pháp sư là những kẻ môi giới với thần linh nên ăn trứng để biến mình thành ruột thịt với thần trứng mới có thể liên lạc được với thần Trứng được). Họ treo vỏ trứng thờ thần. “When the weather is inclement for several days, the priests collect a number of eggs and going to a particular spot, break them and eat them raw, hanging up the shells for the deity. Then they implore the sun deity to grant favorable weather…” (William Carlson Smith, 1925, tr.87) [“Khi thời tiết độc địa (kéo dài) nhiều ngày, các pháp sư, thầy tế tìm nhặt trứng và tới một địa điểm đặc biệt, đập trứng ăn sống, treo vỏ lên cho thần linh. Rồi họ cầu xin thần mặt trời ban cho họ thời tiết thuận hòa…”]. Chúng ta biết con người có taboo không ăn thịt vật tổ hay vật thờ ví dụ người Ấn Ðộ thờ bò không ăn thịt bò, thờ heo không ăn thịt heo. Từ đó ta có thể suy ra người Ao Naga cũng thờ trứng nên có taboo không ăn trứng. Ông Tổ tối cao của người Aor ngày nay có một tên là Anung tsungrem (“god of the aerial expanse”, thần bầu trời) (tr.78). Tsungrem là thần. Rõ ràng (A)Nung, bầu trời giống hệt mặt chữ Nung, Nông, thần trứng vũ trụ, bầu trời của chúng ta. Nếu giải thích theo Việt ngữ thì Anung có thể là Ả Nung với ả chỉ phái nữ thì Ả Nung là bà hay mẹ Nung. Thần Nông của chúng ta cũng là Mẹ Nung, Mẹ Nông, Mẹ Bầu trời, Mẹ Vũ trụ. Rõ như ban ngày là chúng ta và người Ao ở Nagaland đều thờ thần Bầu Trời Nung (Nông)/ Anung và chúng tôi đã giải thích Nung, Nông là Trứng Vũ Trụ. Nếu còn ai khó tính vẫn chưa tin, chúng tôi kiểm chứng thêm một lần nữa qua ngôn ngữ học. Ở trên ta đã biết Nung là bầu trời, không gian, trời và Nung cũng có nghĩa là một như núi Nùng là núi Một và Thái ngữ nung (one) là một. Vũ trụ giống trái trứng có nghĩa là không gian, số không (zero), hư vô nhưng trong một vài ngôn ngữ, vũ trụ lại có nghĩa hoán đổi với trời có nghĩa là một. Ví dụ Anh Pháp ngữ vũ trụ gọi là Universe. Giải tự Universe có Un, Uni (verse) là Pháp ngữ Un (một), unique (độc nhất). Trong Pháp, Anh… rõ ràng vũ trụ là số một, là đầu tiên, là trời là Nung (One). …

Những Chứng Tích Việt Nam Thờ Thần Trứng

Chúng ta có thờ trứng vũ trụ không? Dĩ nhiên là có.

A. Họ Hồng Bàng Thờ Mặt Trời

Truyền thuyết về tạo sinh vũ trụ của nhiều tộc thờ mặt trời như Nhật, Ðại Hàn, Ai cập, Thổ dân châu Mỹ… cũng chia xẻ quan niệm Mẹ Trứng Vũ Trụ Thần Nông của chúng ta.

Ai Cập

Thuyết vũ trụ tạo sinh của Ai cập cũng rất phức tạp và thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, theo từng vùng. Ðiều này cho thấy sự thờ bái mặt trời và trứng vũ trụ có gốc gác không phải phát xuất ra từ Ai Cập mà du nhập từ ngoài vào. Bằng chứng hùng hồn nhất là chỉ vua chúa thờ bái mặt trời xây kim tự tháp còn dân dã không thờ mặt trời. Nếu sự thờ bái gốc gác ở Ai Cập thì phải được dân dã Ai Cập sùng bái.

Hình 6: Thần Mặt trời ngồi trên đò trời tay cầm chữ thập ankh, đời sống, thường được gọi là “chìa khóa của sự sống”

Nhật Bản

Cũng như Việt Nam các vua chúa đều được đẻ ra từ một quả trứng. Theo Cổ Thư thoạt khởi thủy thế giới là một khối hỗn mang trời đất chưa tách biệt, hình dạng giống như một quả trứng nhưng không có giới hạn. Sau đó, phần tinh khiết hơn, trong sáng hơn biến thành trời (heaven). Phần nặng hơn, thô kệch hơn lắng xuống biến thành đất. Lúc này đất như cá trôi nổi trên mặt đại dương nguyên thủy (primeval ocean)… Thái Dương Thần nữ là đời thứ sáu giống hệt bà Âu Cơ cũng là con cháu dòng thứ sáu của Mẹ Trứng Vũ Trụ Thần Nông (Thần Nông, tam vương là bốn, Ðế Lai là năm, Âu Cơ là sáu).

B. Những Chủng Tộc Khác

Các chủng khác ngày nay không còn thấy rõ thờ mẹ Trời nữa như Ấn Ðộ, Trung Hoa… cũng có thuyết trứng vũ trụ.

Ấn Ðộ

Ấn Ðộ có nhiều thuyết vũ trụ tạo hình. Cổ nhất thấy trong kinh Rig Veda sáng tác bằng Phạn ngữ ở vùng Tây bắc Ấn Ðộ vào khoảng năm 1.500 trước Tây lịch. Truyền thuyết chính yếu của Rig Veda là truyền thuyết tạo sinh vũ trụ. Thêm vào đó có nhiều truyền thuyết khác viết trong Brahmanas vài thế kỷ sau. Trong kinh Rig Veda truyền thuyết cũng được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau.  . Vũ trụ thoạt đầu là một khối hỗn mang. Sau đó thần tổ Indra, vua của tất cả các thần linh và là thần mưa cùng thần mặt trời Vishnu tách ra thành trời và đất. Rồi mặt trời mọc từ rốn trái đất, tại đó dựng lên một cái trụ trời giữ trời đất tách biệt ra.

Trong kinh Rig Veda về sau lại nói tới một truyền thuyết khác về tạo sinh vũ trụ. Ðó là ông tổ vũ trụ Purusha, người tự hy sinh chặt thân thể mình tạo ra vũ trụ và bốn giai cấp xã hội (giáo sĩ, chiến sĩ, thường dân và nô lệ). Purusha tương đương với Bàn Cổ.

Dần dần dẫn đến một vị thần duy nhất được coi như là tác giả tạo ra vũ trụ. Ðó là Prajapati ‘Ðấng Tạo Hóa’, về sau gọi là đấng Brahma. Trong Rig Veda, thần trời loạn luân với con gái là thần rạng đông gieo hạt giống mầm sống xuống đất. Trong Brahmanas thì cho là Prajapati làm công việc này. “Hạt giống vàng” cho vào nước vũ trụ nở ra trái trứng vàng vũ trụ sau đó tách ra làm hai trời và đất. Mặt trời là lòng đỏ của trứng vũ trụ. Về sau nữa vũ trụ được gọi là trái Trứng Brahma. Phạn ngữ Brahmânda chỉ thế giới, vũ trụ; Brahmânda do Brahma-anda với anda là trứng. Ðấng tạo hóa Brahma chui ra từ cái trứng này và hóa phép cho các phần quả trứng biến thành tám con voi đứng bốn góc và bốn điểm giữa để giữ trời đất tách biệt ra.

Trung Hoa

Chúng tôi đã nói trong bài Nhận Diện Danh Tính Vua Tổ Hùng Vương số trước là thuyết tạo sinh vũ trụ của người Trung Hoa có một thuyết cho là lúc Hỗn Mang hay Hỗn Ðộn (Chaos) vũ trụ giống như một cái trứng gà. Lúc đó đất trời chưa có. Từ trái trứng này đẻ ra ông Bàn Cổ. Thuyết này xuất hiện rất muộn, không thống nhất, rất hỗn độn vá víu… rõ ràng là Bàn Cổ không phải của người Trung Hoa. Quan niệm vũ trụ là một cái trứng là của Nam Man chúng ta.

Các Dân Tộc Khác

Trong các cổ mộ thời sơ khai tiền sử người ta tìm thấy nhiều trứng bằng đất sét biểu tượng cho bất tử, tái sinh. Người La Mã chôn trứng với người chết. Người Maori ở New Zealand, trước khi giống chim Moa tuyệt chủng, có tục là để trứng của loài chim lớn này vào tay người chết. Thiên Chúa giáo cũng coi trứng là biểu tượng cho tái sinh, Phục Sinh. Biểu tượng của tái sinh nhân dịp đầu mùa xuân của lễ Phục Sinh Easter của chúa Christ với tục lệ là nhuộm hay sơn trứng đủ màu và trẻ em đi săn trứng ngày nay còn thấy ở Hoa Kỳ.

Kết Luận

Mẹ Trứng vũ trụ Thần Nông là của Hừng Việt, là một nữ thần tạo sinh ra vũ trụ là Mẹ, là Nàng. Trung Hoa đã “hấp thụ” của rợ Nam Man rồi đổi qua thành thần Nông nông thần lơ lửng trong sử Trung Hoa chẳng ăn nhập đâu vào đâu cả. Thần Nông lại vá víu với nông thần và y học và chỉ có khoảng 5.000 tuổi. Những cái gì chép nhặt bao giờ cũng đầu Ngô mình Sở (đúng là lấy đầu của Ngô Việt ghép vào đuôi Sở Việt làm thành Trung Hoa), chép nhặt bao giờ cũng dấu đầu lòi đuôi. Các nhà nho ta đã Hoa hóa Mẹ Thần Nông Trứng vũ trụ của chúng ta thành ông Thần Nông nông thần của Trung Hoa. Mẹ Trứng vũ trụ Thần Nông của chúng ta có từ khai thiên lập địa già 4.6 tỉ tuổi từ lúc thái dương hệ ra đời và trái đất thành hình.

Tóm lại Thần Nông tuyệt nhiên không phải là Nông thần “đầu bò, đầu bướu”, chuyên về canh nông và y học. Thần Nông của chúng ta là Mẹ Trứng Vũ trụ Thần Nông có hiệu là Viêm Ðế ăn khớp với với Hừng Việt, với Mặt Trời. Viêm đế phải hiểu là thần Nóng, thần Lửa có từ lúc hồng hoang “big bang”. Chứng tích còn thấy là các vua Hùng cũng thờ Thần Lửa, ngày nay còn di tích ở đền Hùng: “Trên đền Trung là đền Thượng, tức Kính Thiên tĩnh điện (nơi các vua Hùng thờ Trời, Ðất và Thần Lửa)” (Bảo Vân, Trẩy Hội Ðền Hùng, YHTT, số 13, tháng 4, 1996 tr.9) Tất cả các thuyết của Trung Hoa và của ta từ trước tới nay về vua Thần Nông đều cần phải xét lại nếu không muốn nói trắng ra là sai hết cả. Xin đề nghị kể từ nay để tránh lầm lẫn nên gọi là Mẹ Trứng Vũ Trụ Thần Nông thay vì ông Thần Nông.


NHẬN DIỆN CHÂN TƯỚNG BÀ NỮ OA

Qua hai bài viết về Thần Nông và Bàn Cổ chúng tôi đã nhận diện rõ được Trứng Nước Thần Nông là Mẹ Tổ tối thượng tối cao (Supreme Being) (cổ sử Việt Nam cũng dừng lại ở đây khi viết Ðế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông) sinh ra vũ trụ và Bàn cổ, Bàng Tổ là ông Trụ Trời. Mẹ Trứng Nước Thần Nông và Bàng Tổ chắc chắn không phải gốc gác là người Trung Hoa. Trước khi truy tìm chân tướng Nữ Oa chúng tôi xin nói rộng ra khuôn khổ bài viết một chút để độc giả nắm được trọn vấn đề.

Chúng ta đã biết Mẹ Trứng Nước Vũ Trụ Thần Nông là yếu tố Âm, với phần trên nhẹ hơn, tinh khiết hơn, trong sáng hơn tạo ra vòm trời, không gian (kể cả mặt trời) và phần nặng lắng xuống thành nước nguyên thể (Primeval Water), trên nước chất rắn sơ tạo trôi lềnh bềnh như cá. Chất rắn sơ tạo này sẽ tạo ra đá đất. Ta thấy rõ Nước là chính và Ðất là phụ. Việt ngữ TRỨNG NƯỚC xác quyết điều này. Nước tạo ra đất. Phần nước ở dưới khi trứng tách ra làm hai, một phần đặc lại thành chất rắn, cứng lại thành đá đất. Ngôn ngữ Việt tuyệt vời cũng cho ta thấy rõ điều này. Chúng ta gọi nước đông cứng lại là đá (ice). Theo địa chất học đá băng dần dần biến thành đất. Việt ngữ đá (nước đông cứng lại) đồng âm với đá (đất) nói rõ cho thấy đá đất là do nước đông cứng đá băng tạo thành. Ðây là lý do giải thích tại sao từ đá liên hệ với đác là nước, đầm (ao), đẫm (ướt), dầm (ngâm nước), Thượng ngữ Dakto là Nước Vú (sữa)… với Anh ngữ dam, đập nước, Ba Tư ngữ darya, biển… Thoạt khởi thủy, lúc big bang xẩy ra, trái đất cũng là một “giọt” chất lỏng khổng lồ cháy đỏ nguội dần, ngày nay ruột vẫn còn là chất lỏng cháy đỏ và trên mặt đất vẫn còn nước là biển sông hồ. Tóm lại nước đẻ ra đá đất.

Nước là yếu tố chính. Xin ghi vào tâm khảm điểm Nước là yếu tố chính của Hừng Việt còn đất là yếu tố phụ này. Nước là một phần chính yếu trong trứng vì thế trong Trứng Nước Vũ Trụ Thần Nông phần nước cũng là phần chính yếu. Chính nước là yếu tố Mẹ, yếu tố Âm. Nước đã tạo sinh ra muôn loài. Khởi đầu từ những dạng hơi trong nước, sinh vật được tạo hình đi từ loài nguyên sinh bào, đơn bào, đa bào, thủy sinh vật, ốc sò, ếch nhái, bò sát, chim, thú, người… Chúng tôi rút tỉa ra qui luật Nguyễn Xuân Quang về Nước như sau “Tất cả các dân tộc nào thờ Nước, coi Nước trọng hơn Ðất đều liên hệ với Hừng Việt có tổ tối cao tối thượng là Mẹ Trứng Nước Thần Nông”. Những tộc coi đất là trọng không liên hệ với Mẹ Trứng Nước Thần Nông. Nếu họ có truyền thuyết như vậy thì chẳng qua chỉ là họ bị ảnh hưởng, cóp nhặt của Hừng Việt hay là họ đã từ bỏ gốc tổ mẹ Trứng Nước đó. Ví dụ Trung Hoa với Lưỡng Nghi Trời Ðất, Tam Tài Thiên Ðịa Nhân (Trời Ðất Người) là những tộc không thể nào có mẹ tổ tối cao tối thượng là Trứng Nước. Trung Hoa và Việt hoàn toàn khác nhau. Chúng ta Hừng Việt có hai nguyên thể (primeval elements) là Nước và Vòm Trời (kể cả mặt trời) do Trứng Nước Thần Nông tách ra lúc vũ trụ tạo hình. Chúng ta coi cõi âm (Underworld) là thủy phủ, cõi ở dưới nước như thủy cung của Lạc Long Quân. Hồn người chết hay bóng của bà đồng, thầy mo… xuống âm thế bao giờ cũng phải đi qua một cái cầu… Ðịa ngục nằm dưới đất (rõ ràng với chữ địa) và âm thế khác nhau (chúng tôi sẽ khai triển khi có dịp). Xin tóm lược là Nước (Trứng Nước) là nguồn cội, là phần chính yếu của vũ trụ quan, là cốt lõi của văn minh, đời sống của Hừng Việt. Ðối với chúng ta cõi Ðất cõi Người chỉ là cõi ở giữa cõi Nước và cõi Trời.

Do đó người được coi sinh ra muôn loài nói chung hay loài người nói riêng vẫn là một người phái nữ (không phải Bàn Cổ). Người nữ này chính là bà Nữ Oa.

NỮ OA BÀ LÀ AI ?

1. Nữ Oa là người Hừng Việt

Vấn đề Nữ Oa là người Hừng Việt hay Trung Hoa không còn là vấn đề khúc mắc nữa. Chúng tôi đã nhận diện ra Thần Nông và Bàn Cổ không phải là người Trung Hoa. Hiển nhiên Nữ Oa cũng không phải là người Tầu. Không cần phải viết nhiều tốn thời giờ chỉ xin đưa ra một bằng chứng không chối cãi sau đây. Nữ Oa khi chết biến thành chim Tinh Vệ đội đá vá trời, tha đá lấp biển đông. Theo từ điển Ðào Duy Anh “Tinh Vệ là con chim nhỏ ở bờ biển. Tương truyền rằng con gái vua Viêm Ðế ngày xưa vượt biển chết chìm, hóa ra chim Tinh Vệ, nay cứ ngậm đá ở núi Tây về lấp biển Ðông cho hả giận…” Tinh Vệ là con gái vua Viêm Ðế mà Viêm Ðế là tên hiệu của Thần Nông. Nữ Oa Tinh Vệ là con của Mẹ Trứng Nước Thần Nông Viêm Ðế. Như thế rõ như hai năm là mười Nữ Oa không phải là người Trung Hoa.

Về ngữ học ta cũng thấy từ Nữ Oa là từ dịch ý từ ngôn ngữ Hừng Việt. Hán ngữ phải viết là Oa nữ giống như Long nữ mới có nghĩa là “Bà Oa, Mụ Oa, Cái Oa…” Trường hợp này giống hệt từ Thần Nông. Hán ngữ phải viết là Nông Thần mới có nghĩa là vị thần trồng trọt. Từ Thần trong Thần Nông các các sử gia Trung Hoa và Việt cho tới khi chúng tôi khám phá ra nghĩa nguyên thủy, đều đã hiểu sai. Thần ở đây không có nghĩa là thần thánh. Mẹ Trứng Nước của chúng ta là vị tổ tối cao tối thượng (Supreme Being), là Mẹ Vũ Trụ, là Thiên Mẫu chứ không thể là thần là thánh loại cắc ké được. Thần ở đây cùng nghĩa với Thận, Thân, Hán ngữ là Shen. Thần, Thận, Thân là Nước, con trăn nước. Quả thận (kidney) là cơ quan có chức vụ lọc máu liên hệ tới chất nước và chất điện giải trong cơ thể loài vật. Thần Nông nghĩa là Trứng Nước rồi theo tiến hóa thành là Trứng Thuồng Luồng, Trăn Nước, Trứng Rồng. Ðiểm này cho thấy người Trung Hoa phiên âm hay vay mượn từ Hừng Việt vì họ không có Mẹ Trứng Nước, Trứng Rồng Thần Nông và Nữ Oa.

Nữ Oa là người Hừng Việt trăm phần trăm.

2. Nữ Oa theo truyền thuyết Trung Hoa

Có rất nhiều truyền thuyết về Nữ Oa. Ðể dễ hiểu xin kể theo thứ tự con số nhưng không nhất thiết là có trước sau theo con số:

3. Truyền thuyết Việt Nam

a. Thần thoại Việt Nam 

Có truyện Thần Nam Thần Nữ là hai vị thần đầu tiên sinh ra con người. Thần Nam tên là ông khổng lồ Tứ Tượng và Thần Nữ là bà Nữ Oa.

Theo truyện này thì bà Nữ Oa có chồng là ông Tứ Tượng. Ông này ngỏ ý muốn lấy Nữ Oa. Bà Nữ Oa thách ông Tứ Tượng đắp núi thi, nếu ông đắp cao hơn bà sẽ lấy làm chồng. Kết quả ông Tứ Tượng đắp núi thua bà. Nữ Oa đắp một ngọn núi cao ngất trời, đứng trên đó có thể thấy khắp cõi trời đất. Dấu tích còn lại của ngọn núi cao của bà Nữ Oa đắp, dân gian cho là núi Nam giới ở Hà Tĩnh ngày nay. Ông Tứ Tượng đắp núi thua nhưng kiên gan trì chí đeo đuổi mãi, cuối cùng bà Nữ Oa cũng xiêu lòng lấy ông làm chồng. Trong dân gian ngày nay còn có câu ví:

… bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng,
… ông Tứ Tượng mười bốn con sào.

Với bộ phận sinh dục khổng lồ như vậy nên Thần Nữ Nữ Oa và Thần Nam Tứ Tượng đã đẻ ra loài người.

Như thế rõ ràng theo thần thoại Việt Nam thì Nữ Oa là vị Thần Nữ đầu tiên. Và ta cũng thấy thần Nam thua tài thua sức Thần Nữ Nữ Oa. Ở đây cần nhấn mạnh ở điểm bà Nữ Oa đắp ngọn núi cao vời vợi đụng tới trời là núi Nam giới. Các nhà nho ta trọng lễ nghĩa nên dịch là núi Nam giới cho nho nhã, thật ra núi Nam giới nôm na là núi hình cái giống của nam giới. Núi Nam giới mang hình ảnh cái Trụ Chống trời Bàn Cổ. Núi Nam giới nói theo Ấn giáo là núi Linga. Ðiểm này cho thấy Nữ Oa cũng có liên hệ tình dục mật thiết với Bàn Cổ và Tứ Tượng có mang khuôn mặt của Bàn Cổ (sẽ khai triển khi có dịp nói tới).

Tóm lại Nữ Oa chính vị Thần Nữ đầu tiên sinh ra loài người, trong đó chính yếu là Hừng Việt đúng như truyền thuyết Việt Nam.

b. Theo cổ thư

“Nữ Oa sinh ở Ðồ Sơn cũng có tên là Vũ Sơn trong châu Phượng Tường. Nhiều sách nói rằng Ðồ Sơn chính là Cối Kê kinh đô Việt Chiết Giang” (Kim Ðịnh, Hùng Việt Sử Ca tr.94).

c. Qua Ngôn Ngữ Học

Nữ Oa nghĩa là gì ?

Chúng tôi lại xử dụng phương pháp truy lùng nguyên ngữ của chúng tôi. Trước hết hãy xem Oa nghĩa là gì? Hãy lật Hán Việt từ điển của Ðào Duy Anh ta thấy: Oa là nước chảy cuộn, con ốc, con ếch con nhái, cái hang, cái lỗ, con gái đẹp… Ta thấy Oa liên hệ với nước, ốc nhái cho nên Oa không thể nào bắt gốc bắt nguồn từ Hán ngữ được. Oa liên hệ với nước là một từ mà chúng tôi gọi là tiền cổ — Homo sapiens (proto-homo sapiens language). Oa là nước, ốc vì vậy cũng là từ thuộc ngôn ngữ Tiền cổ — homo sapiens. Nói một cách dễ hiểu ngôn ngữ này là ngôn ngữ của con người khi vừa mới thoát lốt đười thành người có tiếng nói thật sự, chưa phân tán đi khắp nơi thành những dòng tộc khác nhau với ngôn ngữ biến đổi đi. Oa cũng như nước thuộc ngôn ngữ Tiền cổ — homo sapiens nên có trong tất cả các dòng ngôn ngữ loài người (sẽ có bài viết riêng). Chúng tôi đang thiết lập thứ ngôn ngữ Tiền cổ — homo sapiens này. Khi hoàn thành xong thì chỉ còn một bước nhỏ nữa là tới nguồn gốc ngôn ngữ loài người. Việt ngữ đóng một vài trò chủ chốt trong việc truy tìm nguồn gốc ngôn ngữ loài người.

Ở đây để chứng minh oa không phải phát gốc ở Hán ngữ mà có trong nhiều dòng tộc ngôn ngữ khác xin hãy lấy một vài ví dụ về Oa. Anh ngữ oasis, ốc đảo (đảo nước trong sa mạc). Oasis có oa(sis) = oa = ốc. Nền văn hóa của vương quốc Phù Nam ở châu thổ sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam tập trung ở một hải cảng mang tên là Óc Eo. Hiển nhiên ta thấy Óc là Ốc là Nước. Thành phố hải cảng Óc Eo nên mang tên Óc là Nước. Từ Eo gần gận với Ea tên vị Thần Nước của Lưỡng Hà, gần cận với Việt ngữ ao (vũng nước). Theo Bình Nguyên Lộc “mãi cho đến trào Minh Mạng mà dân ta còn gọi cửa Thuận An là Cửa Eo, tức gọi theo Chàm” (Lột Trần Việt Ngữ Tr.191). Như thế Óc Eo là một từ ghép điệp nghĩa có nghĩa là nước. Ta thấy rõ nguồn gốc Óc Eo của Phù Nam liên hệ với Việt, Chàm, Phạn, Lưỡng Hà… do đó Oa không phải phát gốc tại Hán ngữ. Rõ hơn Việt ngữ va là nước, và là ốc ví dụ cái vá là cái môi múc canh; mắm và rau là mắm nước (canh) rau, cái vại là vật đựng nước; tù và là tiếng ốc hụ (thổi vào con ốc) với và là oa, ốc (đảo Java người Trung Hoa gọi là xứ Qua Oa, va=oa).

Bây giờ ta hãy đi theo từng nghĩa một của Oa trong từ điển Ðào Duy Anh:

— Oa là con ốc.

Con ốc sống dưới nước. Con ốc cũng mang hình ảnh cái bao cái túi, cái trứng tròn. Thấy rõ ở tên Hán Việt của một loài ốc là bào ngư, “cá bao”. Cá là nước, cá liên hệ với Phạn ngữ ka, nước. Bào ngư như thế có thể hiểu là một thứ “bọc nước”. Vỏ bào ngư lóng lánh ngũ sắc dùng để khảm xà cừ, Anh ngữ gọi là mother-pearl inlaid. Ðiểm này cho thấy Nữ Oa liên hệ mật thiết với bào ngư, đúng như truyền thuyết viết bà đã nấu đá ngũ sắc (chính là vỏ bào ngư) thành một hỗn hợp chất ngũ sắc để vá trời. Con ốc mang di truyền tính cái bọc nước của Mẹ Trứng Nước Thần Nông. Nữ Oa mang hình ảnh con “bọc nước”, bào ngư, hình ảnh này di truyền từ phần Trứng “Nồng” của Mẹ Trứng Nước Thần Nông.

Ta có thể kiểm chứng lại một lần nữa qua từ Hán Việt (?) bạng là con trai: “bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi tiếu hi hi” [con trai con cò níu nhau, ông câu cá (bắt được) thủ lợi cười khì khì]. Bạng gần cận với bàng là cái bọng, cái bóng nước như bàng quang là bọng tiểu. Bạng liên hệ với Anh ngữ barnacle (loài sò bám vào đá gỗ chìm dưới nước). Vậy con trai con bạng là con bọc (nước, ở dưới nước). Cũng cần nói thêm tại sao chúng ta gọi con bạng là con trai. Con trai con sò tiêu biểu cho phái nữ, chỉ bộ phận sinh dục nữ nhưng con trai cũng có nghĩa là “boy” (Anh ngữ). Như thế trai có hai giống cái và đực. Ðây là một từ chúng tôi gọi là “bán nam bán nữ” (androgynous). Tại sao gọi con “đực” là con trai? Xin thưa chữ trai cùng với chữ trái một vần. Con trai là con có trái. Trái gì?. Con trai có hai trái trứng! Chúng ta còn gọi trái trứng của phái nam là hòn, hột tương ứng với Ấn Âu ngữ gọi testicles là ‘balls, stones, nuts, eggs’. Hòn gì? hột gì? Hòn, hột dái. Tại sao lại gọi là dái? Chúng tôi lại dùng tới cây gậy thần qui luật chuyển hóa. Úm ba la ! Cất cái tay! Chúng tôi xin mở bát! Một. Hai. Ba. Trời đất ơi! Trái là dái! Theo chuyển hóa tr=d (trải = dải, chiếu) ta có trái = dái. Con trai có trái có dái! Dái là trái, là trứng, là hòn, là hột (Nut). Trứng dái, hòn dái, hột dái. Trong thực tế con trai là loài sò ốc có hột, có hạt gọi là ngọc trai (pearl). Chúng ta không gọi là ngọc sò, ngọc hến mà chỉ gọi là ngọc trai. Con trai (sò ngao) có hột, có hạt trai, có ngọc trai và con trai (boy) cũng có hai hột dái cũng gọi là hai hòn ngọc. Như thế rõ ràng trai và trái (hột, hạt, quả, trứng, ngọc) ruột thịt với nhau. Nếu hết bàng hoàng rồi, có người lại trở về với tính cố hữu nghi ngờ chưa chịu tin, thì chúng tôi xin kiểm chứng lại cho vững tin. Trong ngôn ngữ Ấn Âu các từ chỉ bộ phận sinh dục nam đều liên hệ với quả, trái, hột, hạt. Ngoài testicles đã thấy ở trên, ta cũng thấy ‘phallus’, dương vật, liên hệ với Phạn ngữ phala-, ‘fruit, kernel, testicle’ (quả, trái, hột, hạt, dái). Qui đầu ‘glans’ là trái cây dẻ rừng (sẽ khai triển thêm ở chỗ khác, rõ ràng có sự liên hệ giữa Việt ngữ và Ấn Âu ngữ nhé!).

Tại sao bộ phận sinh dục nam lại có nguồn gốc cùng tận là từ hột, hạt, trái, quả, trứng? Bởi vì tổ tiên ta đã coi vũ trụ sinh ra từ một cái trứng. Cái hột, cái quả tròng-đỏ-mặt-trời coi như là nguồn gốc nguyên khởi của dương tính của đực. Mặt trời vì thế còn được gọi là hột, quả mặt trời như chúng tôi đã viết trong một truyện ngắn không tên về Ðại Vực Grand Canyon (in trong tuyển tập Văn và Nghiệp, TSYS Canada, số 112, tháng 7, 1991 tr. 100). Nguyễn Hoodoo và người con gái da đỏ Quất Hồng Bì xuống thăm một làng da đỏ ở dưới đáy Ðại Vực. Một đêm trăng hai người tắm ở thác Mother of Waters. “Hột trăng, Quất Hồng Bì thường gọi trăng là hột trăng, vằng vặc trên mép Ðại Vực”. Hoodoo đã làm bài thơ có những câu:

Trên vách vực,
Triệu tỉ cái tuyết mùa đông,
Ngủ,
Cái cầu vồng.
Cái hột trăng,
Giá băng,
Ðơn lạnh,
Trên bờ Ðại Vực. Lăn. …..

(cái tuyết: người da đỏ gọi một tuyết là một năm).

Người da đỏ ngày nay còn gọi trăng, trời là “cái hột”. Ðây là địa khai ngôn ngữ của họ Hồng Bàng thờ Mặt trời.

Ta cũng thấy rõ “cái hột mặt trời ” này qua từ Viêm Ðế. Tại sao Trứng Nước Thần Nông lại lấy hiệu là Viêm Ðế. Ngày nay dĩ nhiên ta hiểu Viêm là nóng là lửa nhưng nguồn cội hiệu Viêm đế chỉ hột mặt trời. Thật vậy Viêm cùng vần và chuyển hóa với Viên (tròn, hòn, hột…). Viêm đế là Viên Ðế, Ðế hòn, Ðế hột. Như thế Viêm đế là từ Hán Việt các Hán Nho đã dịch nghĩa từ chữ hòn, hột và đánh bóng đi cái mộc mạc, chất phác của Man Di thấy sao nói vậy (nhưng không có nghĩa là không sâu sắc, thâm thúy). Thấy mặt trời tròn như cái hột thì gọi là hột trời và hột còn có nghĩa thật tuyệt vời trong vũ trụ tạo sinh. Tóm lại nguyên thủy mặt trời coi như là cái hột tròng đỏ của trứng vũ trụ. Viêm đế khi nam hóa có viên, có hột, có quả, có dái.

Tổ tiên ta liên tưởng cái hột đâm chồi, nẩy mộng mọc ra cái cây, cái cọc, cái cột nên từ hột, quả, trái, trứng (nghĩa là dái) cũng mọc ra cái cột, cái cọc, cái bổ, cái mỏ (tức dương vật). Từ hột dái mọc ra dương vật cọc, cột. Ta có thể thấy chứng tích “mọc” này qua qui luật chuyển hóa h=c (cùi = hủi, heart = cart, cardio): hột > cột, cọc.

Từ trứng dái tuyệt diệu vô cùng vì cho biết Viêm đế gốc trứng rồi nam hoá biến tròng đỏ thành hột dái. Trứng cũng là một từ bán nam bán nữ. Trứng nguyên thủy là giống cái (tế bào mầm cái) như Trứng Nước thần Nông và rồi tiến hóa thành giống đực như trứng dái (trứng này tương đương với hòn, hột). Nguyên khởi trứng giống Cái chúng ta gọi Cái trứng. Ngày nay chúng ta gọi quả trứng, Trung Nam còn gọi là hột như hột gà, hột vịt, hột vịt lộn. Gọi quả, hột là đã gọi theo dương tính, đã gọi theo phụ hệ, đã trọng nam khinh nữ. Gọi quả, hột là gọi theo cái tròng đỏ Viêm đế đã nam hóa. Ðây là chứng tích của sự nam hóa của tròng-đỏ-trứng-mặt-trời-Viêm-đế.

Từ đây chúng tôi rút ra qui luật Nguyễn Xuân Quang về từ bán nam bán nữ trong Việt ngữ: “Trong Việt ngữ có những từ bán nam bán nữ vừa có nghĩa cái vừa có nghĩa đực là chứng tích của tạo sinh vũ trụ và tiến hóa của con người từ mẫu hệ sang phụ hệ. Từ mang nghĩa giống cái cổ hơn từ mang nghĩa giống đực. Ví dụ trai, trứng, cái (vừa có nghĩa là mẹ, vừa có nghĩa là “cha”, chính, số một, vua).

Nói cho cùng âm dương đều do Trứng mà ra cả. Ðó là cái trứng Âm Dương Hỗn Mang của Trứng Nước Thần Nông.

Ôi ! Việt ngữ sao mà huyền diệu !

Như thế con trai (ngao, gái) Việt ngữ mang hình ảnh cái bọc nước, cái trứng di truyền từ nhiễm sắc thể X ‘Nông’ của Mẹ Trứng Nước Thần Nông và con trai (ngược với gái,’boy’) là trái quả, hột hạt (nuts) di truyền từ nhiễm sắc thể Y quả, hột, tròng đỏ Viêm Ðế.

— Oa là nước.

Ðã nói ở trên. Ở đây ta cũng thấy oa có nghĩa là nước chảy cuộn nghĩa là có hàm nghĩa nước. Vậy Nữ Oa mang dòng máu Nước của Mẹ Trứng Nước thần Nông. Nữ Oa sinh ra từ nửa phần trứng phía dưới.

— Oa là hang, là lỗ.

Con ốc sống dưới nước đã dùng các “chất rắn sơ tạo” làm cái vỏ cứng như sành như đá. Nói một cách khác là từ chất rắn tan trong nước (phần lớn là chất vôi) làm thành vỏ sành vỏ đá. Ðiều này củng cố thêm và ăn khớp với điều chúng tôi nói ở trên là vũ trụ quan của chúng ta là nước có trước. Nước tạo ra đất. Ðất giữ vai trò thứ yếu so với nước. Và vì có cái vỏ sành vỏ đá bà Nữ Oa đã liên hệ mật thiết với đá, núi. Ðiều này giải thích tại sao bà đội đá vá trời, tha đá lấp biển Ðông; nấu đá ngũ sắc vá trời; giải thích tại sao bà thách đố ông Tứ Tượng đắp núi thi, nếu ông ta đắp cao hơn bà sẽ nhận cưới làm chồng; tại sao bà đắp núi Nam giới; giải thích tại sao bà sửa chữa được trụ trời Bàn Cổ bị Cung Công làm xô lệch hư hại; giải thích tại sao bà xây lâu đài mà các thần núi đã giúp bà một tay làm xong trong một đêm…

Oa có nghĩa là cái lỗ cái hang đá vì ốc sống trong cái vỏ sành vỏ đá giống như sống trong hang đá; có loài ốc gọi là ốc đá.

— Oa là cái nồi.

Con ốc tròn, như cái bao. Có những loại ốc tròn bầu trông giống cái nồi. Ta có loại ốc bưu gọi là ốc nhồi. Với h câm nhồi >> nồi.

— Oa là con ếch con nhái.

Tại sao ếch nhái lại liên hệ tới ốc oa.

Ta biết ốc có nghĩa là nước (đã viết trong bài “Con… Ếch Là Cậu Ông Trời”). Ta có từ ghép óc ách chỉ tiếng nước kêu: óc = ách, nước. Óc ách gần cận với ốc ếch nghĩa là ốc và ếch đều cùng nghĩa nước đều cùng nghĩa oa của Hán Tự.

Qua ngôn ngữ huyền diệu của Việt Nam ta thấy rõ được sự tiến hóa loài của loài vật. Con ốc sống dưới nước rồi lên cạn thành con sên tiến hóa thành loài lưỡng thê ếch nhái sống dưới nước và nhảy lên bờ sống trên cạn.

— Oa là con gái đẹp.

Sẽ giải thích ở dưới.

Tất cả những ý nghĩa của Oa vừa kể đều mang ý nghĩa liên hệ tới phái nữ. Ðây là yếu tố Âm. Oa là con ốc. Con ốc liên hệ với bộ phận sinh dục nữ. Chứng tích còn lại cho thấy có sự liên hệ giữa ốc và bộ phận sinh dục nữ qua câu ca dao:

Cô lô cô lốc,
Một nghìn ghính ốc đổ l… cô.

Tại sao lại gánh ốc đổ vào “lốc”, “nốc”, vào đồ của cô? Ai mà chơi oái oăm vậy? Ðáng lẽ phải đổ một nghìn gánh “lăng quăng” mới hợp lý chứ. Không. Các cụ ta chí lý lắm. Ðổ ốc vào đồ cô là “châu về hợp phố”. Nói tới “lốc”, “nốc”, tới l… là các cụ ta nghĩ ngay đến “mò ốc” nên mới hạ bút viết như vậy. Gánh ốc đổ vào ốc là đúng hết chỗ nói. Chúng tôi không nói ngoa đâu. Ốc là bộ phận sinh dục nữ. Theo qui luật chuyển hóa o=d=đ như ẩy = dẩy = đẩy ta có ốc = dốc = đốc. Theo Từ Ðiển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes “Dốc: Cơ quan sinh dục đàn bà. Lồn, dòi, bẹn, ke. Cùng một nghĩa; phải tránh những tiếng này”. Cha Ðắc Lộ khuyên “phải tránh những tiếng này” là Cha khuyên các vị cha Âu châu học tiếng Việt khi nói tiếng Việt nhất là trong lúc giảng lễ phải tránh những từ đó. Ke là cổ ngữ chính là kẽ đọc thêm hơi vào ke là khe. Bộ phận sinh dục nữ cổ nhân gọi giản dị là cái kẽ cái khe vì thấy sao gọi vậy không có cái chuyện đạo đức giả gọi là ngọc môn. Ngày nay chúng ta còn gọi hạt tình (hột le, clitoris) là mồng đốc, mòng đóc nghĩa là cái mồng thịt, cái mào thịt của dốc của đốc. Tại sao dốc có nghĩa là cơ quan sinh dục nữ? Xin thưa ngày nay dốc có nghĩa là chỗ thoai thoải xuống, nguyên thủy dốc là chỗ trũng, cái khe. Thật vậy theo d=r ta có dốc = rốc = rộc. Chứng tích còn thấy trong Mường ngữ rộc là cái khe, cái rãnh:

Kéo xuống rộc bắt cua

(Trương Sỹ Hùng Bùi Thiện, Vốn Cổ Văn Hóa Việt Nam, nxb VHTT Hà Nội 1995, tập II tr.51).

Cái dốc là cái ke, cái khe, cái kẽ cái l…

đúng như trong từ điển của Cha Ðắc Lộ.

Theo d=n, dốc = nốc, cái dốc chính là cái nốc. Nốc ngày này vùng Thanh Nghệ Tĩnh vẫn còn dùng với nghĩa là ghe thuyền:

Ăn thì cúi chốc,
Kéo nốc thì than

Nguyên thủy nốc là thuyền độc mộc. Lấy một thân cây đem khoét một cái khe, cái lỗ là làm được một cái thuyền độc mộc. Theo chuyển hóa d=đ=r ta có dốc = rốc. Mường ngữ rốc là thuyền độc mộc:

Anh mo để tiếng ấy vào tâm,
Ngẫm tiếng ấy vào lòng,
Dậy đi chặt rốc dài dài
Ðẽo rốc cong cong,
Cây bơi cây chèo bằng lim bằng sến

(Trương Sỹ Hùng Bùi Thiện, Vốn Cổ Văn Hóa Việt Nam, nxb VHTT Hà Nội 1995, tập II tr.239)

Thuyền độc mộc, nốc, rốc làm từ một khúc cây lộc, nog, log (Anh ngữ).

Như thế nốc, dốc là cái rộc, cái khe. Ðiều này giải thích tại sao nốc, ghe chỉ cơ quan sinh dục phái nữ. Chúng tôi đã có dịp nói đến một cách chửi bằng cách biếu xén quà cáp. Xin vắn tắt nhắc lại. Nếu chúng ta muốn chửi ai thì giỗ tết đem biếu người đó một lá trầu, hai quả cau và ba chén chè. Lá trầu là lá đỏ (trầu là trâu là châu là chu là đỏ) cùng nghĩa với lá đa (xem Nguyễn Xuân Quang, Sự Ðời Như Cái Lá Ða). Hai quả cau là hai cái trứng (rõ ràng cau là trứng nhé) của phái nam và ba chè nói lái lại là “ghe bà”. Ghe là nốc, rốc là khe. Ta có thể kiểm chứng thêm một lần nữa ghe là khe theo chuyển hóa g=c=k như gà = cà (Mường ngữ cà là gà) ta có ghe = khe, cái “khe… sanh”! Tóm lại ốc liên hệ tới dốc, nốc, rốc… tới bộ phận sinh dục nữ. Trong thiên nhiên cũng có con ốc l… porcelena.

Tiện đây cũng xin nói tới từ độc. Cổ ngữ Việt, Mường, các sắc tộc cao nguyên gọi con khỉ là con độc, dok, vọc. Ðộc liên hệ với dốc bộ phận sinh dục nữ. Tại sao khỉ độc lại liên hệ với dốc? Ta thấy ngay khỉ gần cận với khẻ, khe. Mà khe là dốc nên dốc gần cận với độc (khỉ). Chúng ta gọi khỉ là đốc vì đốc là dốc, cái lỗ đẻ, có nghĩa là đẻ là mẹ. Loài khỉ được coi là mẹ đẻ ra con người.

Cũng xin giải thích thêm về cái thắc mắc là … của cô nào, bà nào mà chứa đủ “một nghìn ghính ốc”? Ối giời đất ơi! Sao mà đáo để thế, sao mà chua ngoa thế! Làm gì có ai mà to đến thế? Xin thưa là không, các cụ ta không chua ngoa tí nào cả. Ðó là “ba mẫu ruộng” của bà Nữ Oa. Dân Việt Nam nhất là bọn con nhà mất dậy, có học mà không có hạnh thường đem tiên tổ ngọn nguồn cha mẹ người ta ra mà bới móc. Câu ca dao này cũng vậy bới móc đến tận “ba mẫu ruộng” của “nguyên lý Mẹ Nữ Oa” (danh từ của giáo sư Kim Ðịnh).

Ðây cũng là bằng chứng “bia miệng” vững chắc cho thấy Nữ Oa là mẹ dân tộc Việt vì còn để lại hình bóng “ba mẫu ruộng” nơi người “cô lô cô lốc, một nghìn ghính ốc” này ở các bà cô chồng đáo để Việt Nam.

Ốc cùng loài với sò. Chúng ta ai cũng biết sò chỉ bộ phận sinh dục nữ. Vậy Nữ Oa chính là Con Sò. Mẹ Nữ Oa chính là Mẹ Trai Sò.

— Oa với nghĩa cái hang đá, cái lỗ.

Ðây cũng là hình ảnh bộ phận sinh dục nữ. Sò liên hệ với sành với đá, Ainu ngữ sei là con sò và cũng là đồ sành. Ta còn thấy dấu tích của sò bộ phận sinh dục nữ liên hệ với sành, đá qua câu ví của giới dân dã Việt Nam ngày nay:

L… sành da đá, đít mảnh cong.

Mẹ Sò Nữ Oa cũng còn mang hình ảnh o tròn của cái lỗ, cái hình vòm của cái hang. Con ốc con sò sống ở trong một cái vỏ sành vỏ đá cứng dưới nước như ở trong một cái động một cái hang đá dưới nước. Vì thế mẹ Sò Nữ Oa đã xây một cung điện lộng lẫy trong một cái hang động dưới nước. Cái cung điện hang động này liên hệ với Ðộng Ðình Hồ và cũng dính dáng đến Thần thoại Mường nói tới chim Ây Cái Ứa xây tổ trong hang Hào đẻ ra trăm cái trứng… Hang Hào chính là Hang Sò. Hào, hàu là nghêu sò. Hang Hào nghĩa là cái hang của Mẹ Sò Nữ Oa. Người Ao (Âu) Naga ở Assam đã từng kết hợp với Lạc Việt thành nước Âu Việt, cho là tổ tối cao của họ là Tổ “Nhà Ðá” Lungkijangba: “Lungkijangba (stone house deity) is the great god, highest of all the gods” (William Carlson Smith, The Ao Naga Tribe of Assam tr.78) (Thần Nhà Ðá Lungkijangba là vị thần cả, cao nhất trên hết các vị thần). Không rõ “Lung” trong Naga ngữ nghĩa là gì nhưng vì Âu và Lạc là anh em đã từng kết hợp với nhau nên có thể hiểu nhau chúng tôi cắt nghĩa Lung là Ðống hay Ðộng. Lungkijangba là Thần Núi (gò đống) hay thần Ðộng Ðá, hang đá. Tác giả Smith viết theo lời thông dịch viên với tiếng Anh ăn đong dịch Lung là nhà đá. Nếu lấy theo nghĩa “nhà đá” thì Lung là động, là hang. Như thế tổ của người Âu (Việt) là Thần Hang Ðá. Hang đá là hang sò, hang ốc hang Nữ Oa… Âu và Lạc Việt cùng tổ “Hang đá Nữ Oa” thì không sai đến một li.

Oa với nghĩa là hang, động đã đẻ ra sự kiện nói trong truyền thuyết là Nữ Oa xây một cung điện tráng lệ có thành bao quanh (đúng là cái bao, cái bọc) mà vua chúa Trung Hoa về sau theo đó bắt chước theo để xây thành quách cung vua. Thành vua thường có tường bao bọc, chung quanh có hào nước giống như con bào ngư, con ốc ở dưới nước.

— Oa là cái nồi.

Oa có nghĩa và có hình cái nồi giống cái dạ con phái nữ. Dạ con giống hình cái nồi úp ngược hay chữ “o lớn” omega. Từ nồi cùng vần với nôi. Nôi là chỗ sinh đẻ, nguồn cội ví dụ cái nôi văn hóa.

Nồi mang hình ảnh của dạ con, cái nôi của con người khi còn nằm trong bụng mẹ.

— Oa là con ếch nhái.

Hồi nhỏ sống ở Bắc tác giả còn nhớ dân quê cũng ví ếch hay hang ếch gọi là cái mà ếch với bộ phận sinh dục nữ, thường hay dùng chữ ếch bà…

Ðiểm đáng nói thêm nữa về cái đuôi của Mẹ Trai Sò Nữ Oa. Trong truyền thuyết Nữ Oa đầu người mình rắn. Cái đuôi này khởi thủy của cái đuôi rắn, đuôi rồng sau này. Nữ Oa là ốc nên đây cũng là đuôi ốc. Tổ tiên ta cũng cho rằng ốc có đuôi. Dân ca Mường có câu hát:

Rắn đi thấy chốc, ốc đi thấy đuôi,
Ruồi bay qua cũng biết được con trống con mái…

(Vũ Ngọc Phan, Tục Ngữ, Ca Dao, Dân Ca Việt Nam tr.786).

Oa còn là con ếch con nhái. Oa thừa hưởng di truyền tính hình cái trứng của Thần Nông và cái cọc, “cái đanh thổi lửa” của Viêm Ðế. Cái trứng Nông hợp với cái Nọc thành con nông-nọc hay nòng nọc.

Nòng nọc được gọi tên như thế vì trông giống hình cái trứng có đuôi. Nòng nọc đẻ ra ếch nhái ra Nữ Oa.

— Oa là người con gái đẹp.

Tất cả những nghĩa trên đều liên hệ đến phái nữ hiển nhiên oa cũng có nghĩa là người con gái. Nữa Oa con Mẹ Trứng Nước Thần Nông dĩ nhiên da phải trắng nõn nà như trứng gà bóc phải đẹp như tiên không cần phải giải thích gì nhiều nữa. Nữ Oa có đuôi rắn là Xà Nữ, có đuôi cá là Ngư Nữ, đều là những mỹ nhân tuyệt sắc. Nữ Oa là thần Vệ Nữ Venus của Hừng Việt (xem dưới). Nói theo Ðông phương Nữ Oa là một nàng tiên. Ðẹp như tiên. Tiên chỗ nào cũng đẹp cả. Ngay cả con sò của tiên cũng đẹp như tiên, bằng chứng người miền Nam gọi con trai (mussel) là con l… tiên. Nữ Oa là một nàng tiên nên đẻ ra Vụ tiên mẹ của Kinh Dương vương.

Ta đã thấy Oa là con Sò ăn khớp khít khao với cổ sử, truyền thuyết, ngôn ngữ học… bây giờ xem Nữ có nghĩa là gì.

Nữ là gì?

Chúng tôi thấy có hai loài ngao ốc có tên y chang với Ngao Quả Nữ Oa. Ðó là loài Nucula thuộc họ Nuculidea, bộ Nuculacea thường gọi là ngao hạt, ngao quả, nghêu trái (nut shell). Eureka! Eureka! Eureka! Ngao Quả Nữ Oa chính là Nut shell Nucula! Giống thứ hai là Nuculana là loài nhuyễn thể sống rất lâu, thấy xuất hiện từ thời Silurian (bắt đầu khoảng 430 triệu năm trước) và ngày nay vẫn còn thấy rất nhiều ở các bãi bể (xem hình).

Hình: Ðịa khai “Nữ Oa” Nuculana lirata, thời đại Devonian (sưu tập bởi nhóm Hamilton, Marilla, N.Y., in trong Encyclopedia Britanica).

Ngao Quả, Ngao Trái chính là con trai. Con trai vừa có nghĩa là trai (ngao) vừa có nghĩa là trái (quả). Ngao Quả Nữ Oa, Nut shell Nucula chính là con trai (miền Nam gọi là con l… tiên). Ôi! Việt ngữ nhiệm mầu biết bao! Rõ như “con cua tám cẳng hai càng, một mai hai mắt rõ ràng con cua” là Nữ Oa chỉ là từ phiên âm của Ngu Quả, Nghêu Quả, Nucula. Nữ Oa Nu Kua, Nu Qua phải là Nghêu Quả tức Con Trai (Nut shell). Về di truyền học Nghêu Quả, Nghêu Trái, Trai Nữ Oa có Nghêu, Ngao, Ngu Nu là do nhiễm sắc thể X (chromosome X) Nông có nghĩa là nước, túi nước, túi (trứng, dạ con, âm đạo) của của Trứng Nước Thần Nông truyền qua và Quả là do nhiễm sắc thể Y Viêm ( viên, hòn, hột, quả tức dái) của Viêm-đế-quả-mặt-trời truyền qua. Ðúng đứt đuôi con nòng nọc… Nữ Oa!

Con trai Nut shell có Nu khiến ta liên tưởng tới Thần Vòm Trời Anu của Lưỡng Hà và Nut làm ta liên tưởng tới thần Vòm Trời Nut của Ai Cập. Và ta đã biết Thần Vòm Trời Anu và Nut có liên hệ với Mẹ Vòm Trời Trứng Nước Thần Nông.

Ta biết Nữ Oa có mang yếu tố di truyền DNA của Viêm Ðế Mặt trời nên vỏ phải có hình mặt trời giống hình sò viên mai. Nữ Oa là tổ mẫu mối mai chuyên lo chuyện vợ chồng (Patroness of matchmakers) nên là Bà Mai, Sò Mai (pecten) không phải là không hữu lý. Nữ Oa là mẹ đẻ ra loài người nên là bình minh của nhân lọai. Nghê với nghĩa màu hồng gần cận với ngao, ngầu. Ngầu với nghĩa là đỏ (đỏ ngầu) ăn khớp với Viêm là lửa, là đỏ, nên Nữ Oa cũng có thể là sò đỏ, sò huyết. Ðiểm nữa dựa vào yếu tố Nữ Oa gần âm với Nucula, tên một loài nghêu sò, có thể Nữ Oa chỉ là tên chỉ một loài nghêu sò duy nhất là Nghê Oa. Nữ không phải là từ chỉ giống phái, ta thấy rõ vì ngược với cách nói và viết của người Trung Hoa trừ phi là dịch “mot par mot” từ Việt ngữ như đã nói ở trên. Nữ Oa không phải là hai danh từ riêng rẽ, Nữ dùng như tính từ giống hệt từ Thần Nông là Trứng Nước với Thần là Nước không phải là thần thánh. Nữ Oa là Sò Rạng Ðông có những điểm song hành với Thần Vệ Nữ Venus (xem dưới). Vệ Nữ cũng được biểu thị liên hệ với sò rạng đông viên mai (pecten) như thấy Vệ Nữ đứng trên sò rạng động trong hình bìa số này. Các thi gia La Mã cũng đã viết Venus di chuyển với ánh sáng tỏa ngời như bình minh: “she moves in radiant light” (Edith Hamilton, Muthology, tr.33) Như thế Nữ Oa có thể là Ngu Oa, Nghê Oa, con Sò Rạng Ðông. Chính hình ảnh hừng rạng cuội nguồn cùng tận này (vì Nữ Oa là người sinh ra loài người) mà nhiều tộc Hừng Việt đã dựa vào đó đặt tên nước theo như nước Ngu, Ngô (Việt), U Việt (ng = O, ngù ngờ = ù ờ )… cũng như vua tổ của chúng ta đã lấy tên hiệu là Hừng Vương. Trong số trước khi vén tấm nhiễu điều phủ lấy giá gương lên, chúng tôi có nói là Bàn Cổ là ông tổ bình minh của con người đó là nói theo ý nghĩ của truyền thuyết Trung Hoa, một tộc coi cha hơn mẹ. Ðến đây, ta phải nói Nữ Oa là Mẹ Sò Hừng Rạng mới đúng theo quan niệm của tổ tiên ta thời thái cổ.

Về khảo cổ học người ta đã đào tìm được rất nhiều sò ốc nhất là những loại sò vỏ có tia như ánh sáng hừng đông trong các cổ mộ thời thái cổ. Cho tới ngày nay các học giả tây phương và đông phương thường cho rằng vỏ sò hến chôn theo người chết được dùng như tiền bạc. Sự khám ra chân tướng của Mẹ Sò Hừng Rạng Nghê Oa của chúng tôi cho thấy sò ốc là vật thờ mẹ Sò Hừng Rạng đẻ ra con người của người thái cổ, nhất là những tộc thờ mặt trời Hồng Bàng. Trong trống đồng đào được ở Vân Nam cũng có chứa vỏ sò ốc. Trong ngôi mả khai quật gần đây của vị vua-thầy-tế (priest-king) của người Moche thờ mặt trời họ hàng với người Inca Nam Mỹ châu cũng thấy rất nhiều vỏ sò có tia rạng đông. Người Âu Naga mặc dầu sống xa biển vẫn coi vỏ sò là “bửu bối”, ngày nay còn trang trí vỏ sò trên áo tế và quần áo mặc thường nhật… Những vỏ sò thờ mẹ Sò Hừng Rạng được coi là bửu bối vì là vật tượng trưng cho mắn sinh, sinh lợi (fertility), sản xuất, tài lợi, tái sinh… Hán Việt bối là sò là chuyển hóa của mối, mai (b=m) và mai là buổi sáng, là hừng đông là sò viên mai. Hán Việt bối viết có hai chân tượng hình con sò viên mai hừng rạng có hai chân ở bản lề. Với chừng đó dữ kiện chúng tôi thấy Nữ Oa mang hình ảnh Nghê Oa, Sò Hừng Rạng.

Tóm lại Nữ Oa có thể là Cái Trai, Cái Sò, Bào ngư, Sò Huyết, Sò Hừng Rạng. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng nguồn gốc cùng tận của Nữ Oa chính là Nghêu Quả, Nghêu Trái, con Trai Nuculua (Nut shell). Nữ Oa là Ngao Quả, Ngao Trái, Ngao Trai, chính là con l… tiên của miền Nam. Từ trai của Việt ngữ là một trong những từ huyền diệu nhất của ngôn ngữ loài người. Trai cho biết sự tạo sinh của vũ trụ, muôn loài. Trứng Nước Thần Nông biến hóa một phần chính thành Trai (sò, âm) và biến hóa lòng đỏ Viêm Ðế thành trai với nghĩa trái (dái, đực). Trai cho biết sự tiến hóa của sinh vật từ cái qua trạng thái cái-đực (androgenous) (một vài loài động vật bộ thấp có cả bộ phận đực cái chung, về thực vật như cây cam có cả nhụy đực và nhụy cái chung, “loạn luân” với nhau thành quả) rồi mới tiến hóa thêm tách ra thành cái và đực riêng rẽ…

Nói một cách phổ quát, chúng tôi gọi nôm na như dân dã Việt Nam Nữ Oa là Mẹ Trai hay Mẹ Trai Sò Nữ Oa.

4. Tại Sao Nữ Oa Khi Chết Biến Thành Chim Tinh Vệ?

Như đã nói Nữ Oa còn mang dòng máu Viêm Ðế, một khuôn mặt nam hóa của Thần Nông. Theo đà tiến hóa, vì nhu cầu tạo sinh phải có trống (đực), trứng mới sinh nở được nên tròng-đỏ-trứng-mặt-trời nam hóa thành dương, thành hột, thành trái, thành dái. Tròng biến thành trống (đực). Hột Viêm đế mọc ra cọc, cột, mỏ chim, “con chim”. Yếu tố dương “chim” này truyền xuống cho Toại Nhân, Nữ Oa, Phục Hy và Bàn Cổ. Do đó Nữ Oa khi chết biến thành chim Tinh Vệ là chuyện tự nhiên rất hợp lý, đúng theo di truyền học. Truyền thuyết viết chim Tinh Vệ là con gái Viêm Ðế quả không sai.

Như thế Thần Nông (tên tục) mang dòng máu Nước tức Rồng và mang dòng máu chim Viêm Ðế (tên hiệu). Ðây là mấu chốt để chúng ta hiểu rõ cái mớ bòng bong của cổ sử Việt Nam và Trung Hoa. Sau đây để dễ nhớ dễ hiểu chúng tôi rút ra qui luật Nguyễn Xuân Quang về tên và hiệu của các nhân vật cổ sử Việt Nam như sau: “Khởi thủy tất cả các nhân vật trong cổ sử Việt Nam đều có một tên mẹ đẻ và một tên hiệu. Tên mẹ đẻ biểu thị nguyên tố Âm của mẹ Trứng Nước Thần Nông tức Nước. Tên hiệu là tên đặt sau nên giữ vai trò thứ yếu, biểu thị yếu tố Dương Tròng-đỏ-mặt-trời-Viêm-đế tức Lửa. Tiến hóa với thời gian khi phụ quyền lấn mẫu quyền, yếu tố dương dần dần trở thành chủ yếu”Biểu tượng của Nước của Mẹ là Nông, Nang: trứng, bọc nước, cái bọc (dạ con, âm đạo); Nường (âm hộ, bộ phận sinh dục nữ nói chung) và các loài thủy tộc như ốc, ếch, rắn, trăn nước, sấu dao… rồng. Biểu tượng của Lửa của Cha là trái, quả, hột hạt, trứng (dái) cây, cọc, dùi, mỏ (dương vật) và các loài chim. Ví dụ Nữ Oa mang dòng máu Nước (ốc) có tên thứ nhì là chim Tinh Vệ mang máu chim Viêm Ðế. Lộc Tục có tên hiệu là Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân có tên hiệu là Sùng Lãm tất cả đều mang nhiễm thể X và Y của Nông-rồng và Viêm-chim (sẽ khai triển khi viết về các nhân vật này).

HÌNH BÓNG NỮ OA TRONG TẤM GƯƠNG CỔ SỬ LƯỠNG HÀ VÀ CÁC TỘC LIÊN HỆ.

Trong khi khai quật kho tàng cổ sử Việt Nam chúng tôi đã tìm thấy nhiều điểm gần cận hay đi song song giữa cổ sử Việt Nam với cổ sử Lưỡng Hà và những tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Lưỡng Hà. Chúng tôi đã trình bầy là vị tổ tối cao tối thượng của chúng ta là Mẹ Trứng Nước Vòm Trời Thần Nông liên hệ với Thần Vòm Trời Anung của tộc Ao (Âu) Naga ở Assam, liên hệ với Thần Nữ Vòm trời Ai Cập Nut (theo t=n, Nut = nung) và quên nói rằng Thần Nông liên hệ với vị thần vòm trời tối cao của cả khối Lưỡng Hà là Anu. (A) nu gần cận vớn nung, nông…

Chúng tôi có bài viết riêng so sánh cổ sử Việt Nam và cổ sử Lưỡng Hà, ở đây chỉ xin vắn tắt về những điểm liên hệ tới Nữ Oa với Lưỡng Hà.

Ở trên ta đã thấy Trai Nut shell Nữ Oa có Nut liên hệ với Nữ Thần Vòm Trời Nut của Ai Cập. Chúng tôi cũng đã khám phá ra Nữ Oa liên hệ với vị Thần Nước của Lưỡng Hà. Qua bài viết này chúng ta đã biết Nữ Oa biểu tượng cho nước. Nước là nguyên thể (Primeval Waters) âm chính yếu của chúng ta, đất đứng hàng thứ ba sau Nước. Nữ Oa chính là vị nữ thần Nước của chúng ta. Ta có thể thấy rõ thêm một lần nữa là Nữ Oa viết dính vào nhau thành Nuoa, đọc theo một âm rất gần cận với Nước. Thật vậy nếu thay oa = ốc, ta có Nuoa = Nuoc = Nước! Vị thần Nước của Lưỡng Hà là Ea. Ở trên đã nói Ea liên hệ vớ Oa. Nữ Thần Ea ruột thịt với Nữ Thần Nữ Oa.

Sau đây là hình bóng của Nữ Oa trong tấm gương thần thoại Tây phương.

Nguyễn Du trong Kiều:

Ngọn triều non bạc trùng trùng,
Vời trông còn tưởng bóng hồng lúc gieo,
Tình thương bể thắm lạ điều,
Mà hồn Tinh Vệ biết theo chốn nào.

Giáo sư Kim Ðịnh giải nghĩa Tinh Vệ là chim (bảo) vệ tinh tức là  Thanh Tinh (Rồng xanh) nghĩa là Phục Hy. Chúng tôi đồng ý với  giáo sư Kim Ðịnh là bà Nữ Oa là Ốc là Ếch Nhái thì sức mấy mà bị chết đuối: “Huyền thoại nói chim Tinh Vệ tha đá ‘lấp bể Ðông’ vì  đã chết đuối ở đó. Ðó là nói liều, vì Nữ Oa có nghĩa là loài ở  dưới nước (nhái, ốc, cá) ta gặp hình bà đầu người mình rắn hoặc  cá… làm sao chết đuối được…” (Kim Ðịnh, Hùng Việt Sử Ca,  tr.121) .

“Khi chết bà hóa ra chim Tinh Vệ tha đá lấp bể đông không phải vì tức giận bị chết đuối mà vì tình yêu thương Phục Hy” (KÐ,HVSC tr.95).

Nhưng chúng tôi không tin hoàn toàn như giáo sư là vì Phục Hy mà Nữ Oa tha đá. Nữ Oa, tha đá, nấu đá sửa chữa Trụ Trời Bàn Cổ vì tình yêu với Bàn Cổ. Hán Việt bàn là tảng đá lớn như thạch bàn và theo chúng tôi cổ là cột, trụ. Bàn Cổ là trụ chống trời bằng đá. Nữ Oa tha đá sửa trụ đá chống trời vì yêu thương “cột đá” nhiều hơn yêu Phục Hy. Bàn cổ cũng là chồng của Nữ Oa (sẽ khai triển trong tương lai).

Theo thần thoại Tây phương thì Venus là Nữ Thần Tình Yêu Goddess of Love.

….

Ðể kết thúc bài viết, tóm lại Nữ Oa là Nghêu Quả Con Trai, chính là Nut shell Nucula. Hán Việt Nữ Oa chỉ có thể là từ phiên âm của Việt ngữ Nghêu Quả hay của Nucula. Nữ Oa là Mẹ Trai Sò, Mẹ Sò Hừng Rạng, là một mẹ tiên tuyệt sắc đẻ ra loài người trong đó chính yếu là Xích Quỉ Hừng Việt. Thần Vệ Nữ Venus là hình bóng Tây phương của Mẹ Trai Sò Nữ Oa Hừng Việt. Nữ Oa cũng là Nữ Thần Nước của chúng ta. Di tích của Trai Nữ Oa là núi Nam giới ở Hà Tĩnh.

Mẹ Tiên Trai Nữ Oa trao quyền chăm sóc thế gian cho con là bà Vụ Tiên (Tiên đẻ ra Tiên). Bà này sẽ sinh ra vị vua đầu tiên của Hừng Việt là Kinh Dương Vương.

Giải mã lăng Hùng Vương

Trong bức ảnh đính kèm theo đây là kiến trúc gì, toạ lạc tại đâu và được xây cất vào niên đại nào? Ba chữ Hán ở giữa phần trên...

Tại sao nhiều khách sạn thường không có phòng số 420

Nếu để ý, bạn sẽ thấy nhiều khách sạn trên thế giới bỏ qua số phòng 420, con số yêu thích của những người thích hút cần sa. Mặc dù...

Những trùm tài phiệt “đến từ hư không” làm khuynh đảo nước Nga – Kỳ 2: Bàn tay phù phép giấy lộn thành tiền tỷ

Những chiêu trò trên thị trường tài chính đã giúp các tài phiệt Nga thâu tóm được lượng tài sản với tốc độ nhanh chưa từng có. Cái gọi là...

Chính sách giáo dục ở Pháp và Nam Kỳ trước 1906: Những điểm đứt gãy

Tưởng chừng là giải pháp sáng suốt nhưng việc áp dụng một cách máy móc và cứng nhắc chính sách giáo dục ở chính quốc vào Việt Nam đã dẫn...

Thời bao cấp: ‘Thảm họa’ mang tên nhà vệ sinh

Nói về thời bao cấp, có một thứ ấn tượng và ám ảnh đến nỗi người ta ‘đến kiếp sau cũng không quên’, đó là chuyện nhà vệ sinh. Ảnh...

Giải mã diện mạo thành Bát Quái nổi tiếng Sài Gòn xưa

Mang kiến trúc độc đáo, thành Bát Quái là một công trình phòng thủ quan trọng, giúp các vua Nguyễn giữ vững an ninh vùng Gia Định trong một thời...

Đông Dương 130 năm trước qua góc nhìn của nhà thám hiểm Pháp

Nhiều hình ảnh tư liệu quý giá về Đông Dương đã xuất hiện trên các số tạp chí Vòng quanh thế giới (Le Tour de Monde) xuất bản tại Pháp...

Phản ứng của cơ thể khi mất nước

Chuyện gì xảy ra nếu chúng ta ngừng uống nước? Chúng ta sẽ phải bán cái máy lọc nước này cho cửa hàng phế liệu. Thật không thể tin được!...

Một số dạng công trình kiến trúc phổ biến ở các nước Á Đông

Các loại hình kiến trúc phổ biến ở phương Đông nhìn chung có thể được chia làm hai nhóm dựa trên lịch sử tiến hoá. Nhóm 1 là kiến trúc đặc...

Sài Gòn xưa nay một góc ảnh

Trong bài viết này, xin mời các bạn xem lại những tấm hình thú vị được chụp để so sánh góc ảnh tại cùng 1 vị trí của Sài Gòn...

Ba miền Bắc – Trung – Nam nhìn từ bầu trời

Những ảnh phong cảnh ở các tỉnh, thành từ Lạng Sơn, Hà Nội, Đà Nẵng cho đến miền Tây qua góc máy flycam được tác giả Lê Thế Thắng ghi...

Chùa Dâu – ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam

Không chỉ là ngôi chùa lâu đời nhất Việt Nam với gần 2.000 năm lịch sử, chùa Dâu ở Bắc Ninh còn là ngôi chùa mang những nét kiến trúc...

Exit mobile version