Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Nỗi buồn trong nhạc của Ngô Thuỵ Miên

Nhạc Việt, để chỉ giới hạn trong nhạc chúng ta – nhạc Vàng như phe thắng cuộc thường gán ghép – là một chuỗi sầu mang mang vô tận.

Hầu như tất cả các nhạc sĩ của chúng ta đều đắm mình trong mối sầu muôn thuở vang vọng từ vạn kiếp xa xưa nào đó. Cung điệu sao buồn lê thê, dai dẳng và ấm ức khôn nguôi. Phải chăng đó là những tiếng thở dài trong canh vắng, những kể lể than van trong tịch mịch cô đơn, những oán trách tức tưởi vì oan trái chua cay hay là những tiếc nuối xót xa vì chinh chiến chia lìa?

Và đúng như lời của Nguyễn Du “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, cảnh vật thể hiện qua lời nhạc như bị vùi dập trong gió trong mưa. Cứ thế và cứ thế nỗi buồn dằng dặc được bày tỏ từ thế hệ nầy qua thế hệ khác.

Trong cái bối cảnh u uất đó, nổi bật lên ba dòng nhạc được mến chuộng nhất vì sắc thái riêng của chúng. Đó là dòng nhạc Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn và Phạm Duy.

Trong phạm vi bài nầy, người viết muốn nhấn mạnh đến tính chủ quan về cảm nhận của mình, bởi lẽ nó phát xuất từ một hoàn cảnh thưởng ngoạn cá biệt trong một không gian và thời gian nào đó. Cảm nhận nầy hiển nhiên là cạm bẫy của sai lầm, định kiến và cường điệu. Nhưng biết làm sao khi người viết đã sống với nó. Nên xin được bày tỏ.

Nhạc Ngô Thụy Miên đến với tôi thật bất ngờ. Vào những năm giữa thập niên 80, khi mới bỡ ngỡ đặt chân lên đất tạm dung, tôi sống dật dờ những nhớ cùng thương. Quê hương bỏ lại sau lưng xa vời vợi. Bơ vơ và cô đơn da diết. Hình ảnh người vợ yêu quý cùng đàn con dại nơi quê nhà chập chờn trong ký ức triền miên.

Trong trạng huống buồn phiền cay đắng ấy, tôi thường lang thang đây đó. Để rồi “Một tối bỗng dưng vào quán rượu. Thở dài trong đáy cốc, em ơi.” (Hà Thượng Nhân). Thở dài vì nước mất nhà tan. Thở dài vì bất mãn với chính mình, với cuộc đời, với người đời và cũng vì “Lòng rất bao la – Đời chật hẹp – Chí cả – còn đâu ! Ngoài cơm áo” (Du Tử Lê).

Quán vắng thưa người. Tôi ngồi trầm ngâm, co rúm hình hài. Bèn yêu cầu một bản nhạc. Chủ quán nhấn nút. Một ca khúc phát ra từ những loa gần đâu đó trên trần nhà, toả xuống gây bồi hồi xao xuyến trong tôi. Giai điệu đã thu hút tôi, tạo cảm xúc bàng hoàng nơi tôi. Như một tảng đá lớn chợt ném xuống mặt hồ phẳng lặng của hồn tôi. Tiếng động làm chất ngất choáng váng và làn sóng cảm xúc mỗi lúc một lan rộng. Tôi lắng nghe những lời ca ngọt ngào như mặt keo óng ánh, như hơi thở xuân thì. Tâm thần tôi chấn động trong ngất ngây.

“Rồi từ giọng hát em chợt vút cao/ vút cao/ một trời/ một trời. Bài ca thánh đêm vang lên trong ngày dài mệt nhoài một phần đời.”

Tiếng ca khởi đi từ một điểm trầm đọng để chợt vút cao lên, cao lên. Từng vùng, từng vùng kỷ niệm chợt bay về. Bài thánh ca đêm nơi giáo đường lung linh ngày nào! Lớp lớp, hình ảnh năm xưa hiện về. Câu thơ của Đinh Hùng vụt đến với tôi:

“Ta trông thấy cả một trời ta mơ ước – Cả con đường sao mọc lúc ta đi – Cả chiều sương mây phủ lúc ta về.”

Và Em ơi “biết bao giờ ta đốt hết từng lời ca êm mặn nồng trong tim buồn phiền” vì Anh biết “lòng Anh yêu rồi” (Phạm Duy), kể từ lúc em cất tiếng hát. Từ nay, xin Em “định hộ kiếp sau nầy” (Đinh Hùng). Chỉ xin Em một lời tạ từ cho “mưa bay ngút ngàn phương trời”.

Tiếng ca đó, Anh sẽ chờ, dù phải chờ vạn kiếp sau. Bài ca chấm dứt để lại trong tôi một bầu trời xao xuyến, một nỗi buồn bâng khuâng. Tôi hỏi người chủ quán về tên ca khúc và ca sĩ trình bày. Được biết đó là bài Từ Giọng Hát Em của Ngô Thụy Miên và ca sĩ Khánh Hà trình bày.

Đây quả là một ca khúc tuyệt vời vì nó đạt được những tiêu chuẩn cao.

Trước hết, nó tạo xúc động mạnh, gây xao xuyến bồi hồi nơi người nghe. Nó có khả năng gợi nhớ, có khả năng ném ta trở về những vùng trời kỷ niệm xa xưa. Ý nhạc đẹp, bố cục chặt chẽ. Rất lãng mạn. Lời ca chau chuốt, nhiệm mầu của thơ. Lãng mạn vì từ giọng hát đó, cánh cửa huyền hoặc si mê của tình yêu đã vụt mở. Một tình yêu sấm sét chói lòa cả một đời người. Nhưng có sao đâu! Ngô Thụy Miên chỉ xin một lời tạ từ, một lời tạ từ cho mưa bay ngút ngàn phương trời. Xin được yêu, được chờ đợi, chờ đợi dù muôn ngàn kiếp. Ngôn từ sử dụng ở đây đầy phù phép: Những từ hay cụm từ – chết, buông xuôi, chới với tim – trong câu nhạc “Ta chết theo ngày Em cất tiếng/ nhạc còn buông xuôi/ người còn chới với tim người”, có một ma lực gây chấn động trong tâm tưởng người nghe. Chúng phù hợp với tiết điệu dồn dập trong 2 trường canh diễn tả tình yêu mù loà cuồn cuộn dâng như một con lốc xoáy tít lên cao, (trường canh đầu tới 9 nốt nhạc, trường canh sau 7 nốt) rồi sau đó nhè nhẹ giảm dần tốc độ để chấm dứt đoạn đầu của ca khúc. Với đoạn 2, tiết điệu còn dồn dập hơn nữa – có trường canh đã chứa đựng cả 10 nốt nhạc – khiến cho người nghe gần như ngộp thở khi bị dòng nhạc thu hút.

Tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần trong vòng một thập niên ca khúc nầy như một trắc nghiệm với chính cảm nhận mình. Có thể nói, nếu cảm xúc không toàn vẹn y nguyên như thuở ban đầu (có bao giờ ta tắm lại cùng một dòng nước trong một con sông đâu!) thì nó cũng chẳng thay đổi bao nhiêu. Ca khúc Từ Giọng Hát Em đã chấp nhận được sự nghe lại, một sự nghe lại không mỏi mệt, chán ngán ở nơi tôi.

Giai điệu quả có buồn nhưng nhè nhẹ như vạt nắng chiều lây lất trong cơn gió heo may, một nỗi buồn lâng lâng như màu rượu hổ phách khi đầu ta đã chuếnh choáng, như dư vị còn đọng lại nơi cuống họng khi rít tàn hơi cuối cùng của điếu thuốc. Cần nêu lên đây một yếu tố rất quan trọng trong việc cảm nhận một ca khúc. Đó là giọng ca trình bày. Khánh Hà đã không những hát rất tới, rất đạt. Phải nói: Trong ca khúc nầy, cô đã vượt, đã thăng khi trình bày nó. Giọng ca khoẻ, trường, có khả năng xuống và lên những nốt có khoảng cách rất xa nhau.

Ca khúc Từ Giọng Hát Em khởi đi từ một nốt thật sâu để rồi kết thúc ở một nốt sâu hơn nữa. Cô đã uyển chuyển trình bày ca khúc với tất cả sự thoải mái, dễ dàng. Nhưng điểm trọng yếu khiến cô thành công trong ca khúc nầy, theo tôi, đó là cô đã trình bày nó với một giọng ca truyền cảm với độ ngân rung rất điêu luyện khiến lời ca như quấn quít lấy nhau trong nhịp độ biến đổi không ngừng. Có một giọng nam trầm ấm mà tôi hằng quí mến. Khi nghe anh trình bày ca khúc nầy, tôi không tìm được sự mãn nguyện vì anh hát nó một cách rời rạc, thiếu một hấp lực, một lôi cuốn cần thiết. Với Khánh Hà, ngược lại, tôi đã nhiều lần chết lặng, thần trí như bị thu hút vì tiếng hát của cô. Sự khác biệt đó là vì ca khúc nầy, như đã trình bày ở trên có tính cách gợi nhớ. Nó cuốn ta về một ký ức xa mờ mà ở đó kỷ niệm vùng dậy với những đường nét đậm đà. Người nghe như chới với, mải mê đeo đuổi về chân trời cũ. Khánh Hà đã đưa ta về lối cũ nẽo xưa, chuyền cho ta cái lực cần thiết để lướt về quá khứ. Trình bày qua âm thanh đã siêu thoát tới độ thăng, đến khi trình diễn trong video Paris by night, cô không hề gây một mảy may thất vọng nào trong tôi. Cô trình diễn đầy tự tin, thoải mái khiến tôi hài lòng về sự trùng hợp khít khao giữa trí tưởng và thực tế.

Nhạc Ngô Thụy Miên chủ yếu nhằm bày tỏ Tình Yêu, một Tình Yêu đã mất sâu trong trí tưởng, một Tình Yêu khi được khơi dậy với những diễm ảo, mê hoặc một thời sẽ tạo nên tiếc nuối. Tuyệt phẩm Mắt Biếc là một điển hình cho Tình Yêu Ngô Thụy Miên.

“Nhớ tới năm xưa bên nhau, bước trong chiều mưa…Mắt Biếc năm xưa nay đâu… Dĩ vãng như bao cung tơ… Nuối tiếc yêu đương xa xưa tháng năm nào trôi…”

Nhớ về dĩ vãng để buồn và tiếc nuối đó là nét nhạc chính yếu trong nhạc Ngô Thụy Miên. Theo Nguyễn Ngọc Ngạn, có nét trong sáng trong nhạc Ngô Thụy Miên vì nó mở ra một chân trời, một hy vọng nào đó. Theo tôi, nó trong sáng vì nó phản ảnh một tâm hồn đẹp, trầm lặng mà sôi động, chấp nhận trong thiết tha, ý thức nhưng chẳng đòi hỏi. Vì “Dù có ước, có ước ngàn lời, có trách một đời, cũng đã muộn rồi…” Yêu là hy sinh, chấp nhận sự thiệt thòi, tất cả cho người mình yêu. “Tình ơi, dù sao đi nữa xin vẫn yêu em” (Niệm Khúc Cuối).

Chúng ta yêu mến những ca khúc Ngô Thụy Miên, nhưng chúng ta còn quý trọng con người Ngô Thụy Miên hơn nữa vì lý do đơn giản Anh là nhạc sĩ của chúng ta, những người Việt yêu chuộng tự do. Anh chỉ muốn sống để viết Nhạc Tình, nhưng biến cố 1975 đã, như lời anh thố lộ, làm đảo lộn cuộc sống của Anh, khiến Anh phải đi đến một chọn lựa: Ra đi. Ôi! Chọn lựa nào mà chẳng đắng cay! Có ai muốn rời bỏ quê hương mình đâu!

Ở đây, bây giờ, phần lớn các nhạc sĩ của chúng ta đang đi vào quên lãng vì thiếu cảm hứng nên nghèo nàn sáng tác. Ngô Thụy Miên trái lại, không ồn ào, vẫn sáng tác đều đặn và liên tục cống hiến cho chúng ta những tuyệt phẩm. Điển hình là: Tình Cuối Chân Mây, Bản Tình Ca Cho Em

Ảnh hưởng nhạc Ngô Thụy Miên ngày một lan rộng, và vững mạnh hơn bao giờ hết. Từ hải ngoại muôn trùng, nhạc Anh đang lên đường về quê hương để an ủi những tâm hồn đang yêu, muốn yêu và sống chết cho Tình Yêu.

Chắc chắn ở mai hậu, khi mà những tranh chấp nơi lòng người sẽ chìm sâu vào quên lãng, Anh sẽ được luôn luôn ghi nhớ như Người-Viết-Nhạc-Tình-Cho-Những-Kẻ-Yêu Nhau.

Bên trong nhà tù trăm tuổi khét tiếng Hà Tiên

Nhà tù này trước đây được gọi là khám Hà Tiên, do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1897 với chi phí 1.800 đồng Đông Dương. Nằm ở phía...

Khám phá chiếc đồng hồ cổ nhất ở nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Nhà thờ Đức Bà là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Thành phố Sài Gòn, một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn, điểm...

Vài tập tục thú vị tại Nhật Bản

Nhật Bản nổi tiếng là một đất nước giàu truyền thống văn hóa và có những phong tục tập quán độc đáo. Bởi vậy trước khi đi Nhật du lịch,...

Vì sao người ta chửi là “đồ quỷ Sa Tăng”?

Sa Tăng có công bảo vệ Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh, cuối cùng đắc đạo và trở thành Kim thân La Hán. Vì cớ gì mà thỉnh thoảng vẫn...

Chợ Bến Thành mở đường nối Sài Gòn – Chợ Lớn làm một

Ngay khi chợ Bến Thành khai trương năm 1914, một đại lộ đã được khởi công nối Sài Gòn – Chợ Lớn đến nay vẫn thênh thang: Galliéni, hiện nay...

“Nông cổ mín đàm” tờ báo về kinh tế đầu tiên ở Việt Nam

Nông Cổ Mín Đàm là tờ báo tiếng Việt thứ tư ra đời tại Sài Gòn (sau Gia Định Báo 1865; Thông Loại Khóa Trinh 1888; Phan Yên Báo 1898)....

Sự thật về “ông Kẹ” trong truyền thuyết

Sự thật về “ông Kẹ” trong truyền thuyết: Tên sát nhân bị biến thành xác ướp trưng bày và những hoài nghi về tội ác hơn 60 năm trước Ngày...

Pleiku trước 1975 qua ống kính lính Mỹ

Tiệm ảnh trên đường Phan Đình Phùng, sắc phượng hồng rực rỡ đường phố, khung cảnh Biển Hồ thơ mộng… là loạt ảnh sống động về thị xã Pleikutrước 1975...

Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh – Hoàng đế dẹp loạn 12 sứ quân

Đinh Bộ Lĩnh sinh năm 924, nguyên quán động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Cha là Đinh Công Trứ làm nha tướng...

Biên chung, biên khánh – hai nhạc cụ độc đáo của cung đình nhà Nguyễn

Sau thành công bước đầu của việc phục chế, biên chung và biên khánh tiếp tục được hoàn thiện và biểu diễn trong dàn nhạc ở các dịp lễ hội...

Lịch sử ra đời của World Cup

Giải vô địch bóng đá thế giới (tiếng Anh: FIFA World Cup) là giải đấu bóng đá quốc tế do Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) tổ chức 4...

Cháo cá bóng kèo

Những năm đầu thập kỷ 70 (thế kỷ 20), chúng tôi đang theo học bậc phổ thông trung học. Khi liu riu mùa gió chướng về, cũng là dịp chúng...

Exit mobile version