Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Về đâu, những bài hát đồng dao?

Tuổi thơ chúng tôi lớn lên cùng những câu hát đồng dao giản dị, mộc mạc, chứa đựng một tâm hồn trong trẻo, một cái nhìn hồn nhiên trước cuộc đời. Nhưng đã lâu rồi không nghe ai hát đồng dao, những câu đồng dao với tôi bây giờ chỉ còn trong kí ức.

Tìm lại tuổi thơ qua câu hát đồng dao

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa – Thả trâu ăn lúa…gọi cha ời ời – Cha còn cắt cỏ trên đồi – Mẹ thì cưỡi ngựa đi mời quan viên.

Bài đồng dao này bọn trẻ chúng tôi hay hát vào những đêm trăng sáng. Cả lũ ngửa cổ nhìn trăng, rồi hát thật to, cố tình để chú Cuội nghe thấy.

Tuổi thơ tôi lớn lên cùng đồng dao. Những câu hát ngô nghê dù có nghĩa hay vô nghĩa cũng chứa đựng một tâm hồn trong trẻo, một cái nhìn hồn nhiên trước cuộc đời. Những chiều mưa dầm ngồi trước hiên nhà nhìn bong bóng mưa lần lượt vỡ tan ra, tôi lại lẩm nhẩm: Lạy trời mưa xuống – Lấy nước tôi uống – Lấy ruộng tôi cày – Lấy đầy bát cơm – Lấy rơm đun bếp. Chiều chiều, chúng tôi thường tập trung trên bờ đê để chơi trò “Rồng rắn lên mây, có cây núc nắc, có nhà điểm danh, hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không…” hay túm tụm lại và thay nhau đọc từng câu: “Chim ri là dì sáo sậu – Sáo sậu là cậu sáo đen – Sáo đen là em tu hú – Tu hú là chú bồ các – Bồ các là bác chim ri…”, cứ thế bài đồng dao dài mãi không thôi và chỉ kết thúc khi nào tất cả bọn trẻ đã mệt nhoài.

Rồi trò “Chi chi chành chành – Cái đanh thổi lửa – Con ngựa chết trương – Ba vương ngũ đế”. Cả những trò chơi đơn giản nhất cũng có câu hát: “Tập tầm vông, tay nào không, tay nào có? Tập tầm vó, tay nào có, tay nào không?”.

Ngày nay, chúng ta hiếm khi bắt gặp hình ảnh các em tụm năm tụm bảy rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê… vào những đêm trăng sáng. Cả những đứa trẻ ở miền quê xa cũng đã bắt nhịp được với cuộc đua của những con số trong sổ điểm. Bây giờ, những đứa trẻ sinh ra đều phải là thiên tài. Khi tôi lớn lên, “trẻ con” xa lạ với “thiên tài”. Những đứa trẻ quanh tôi chỉ quen với những bài đồng dao mỗi sáng và mỗi tối, với đất đai và cỏ cây. Bây giờ, những đứa trẻ ấy đã là những kiến trúc sư, giáo viên, nhà báo, hoạ sĩ…, vẫn sống hạnh phúc với mỗi ngày đang đến và những câu đồng dao trong kí ức.

Đồng dao – phương pháp giáo dục hiệu quả đang bị mai một

Trong thời đại mà thông tin bùng nổ và kỹ thuật điện tử xâm nhập đến từng mái trường, từng gia đình, đến từng trẻ em như bây giờ, chúng ta băn khoăn, loay hoay đi tìm một phương pháp giáo dục trẻ em thật sự có hiệu quả. Làm sao có thể yên tâm với con em mình khi chúng hàng ngày vòi vĩnh tiền bạc của cha mẹ để xúm xít bên những trò chơi điện tử, những karaoke, hay vào những trang web không hợp với lứa tuổi?

Có lẽ hầu như chúng ta đã bỏ qua một phương pháp giáo dục đầy hiệu quả mà chúng ta có sẵn: đó là kho tàng đồng dao.

Đồng dao bao gồm nhiều loại: Các bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em… Trò chơi cũng lắm, như trò chơi vận động (dung dăng dung dẻ, chơi khăng, đánh đáo), trò chơi học tập (đánh chuyền, đánh ô), trò chơi mô phỏng (đi chợ, làm nhà), trò chơi sáng tạo (xếp thuyền, đánh trận, chơi diều). Cả kho tàng phong phú ấy là phương tiện giáo dục trí, đức, thể, mỹ cho các em. Qua đó phát triển tâm lý, thể lực, trí tuệ trước mắt và nhân cách của các em trong tương lai.

Thật vậy, ông bà ta nhận thức rằng để giáo dục trẻ em phải thông qua con đường tình cảm là hiệu quả nhất. Đầu tiên là tình mẹ con tràn trề thấm thía qua những bài hát ru “cục ta cục tác, con diều hâu hung ác, gà con ở đâu, về mau mẹ ủ, mẹ con đông đủ, chẳng sợ diều hâu”. Rồi đến tình cảm với những vật gần gũi: con gà, con chó, cái chổi, con dao… Trong lời hát, truyền cho các em sự cảm thông nồng ấm. Dần dần, rộng ra một chút, cho các em tiếp xúc với thiên nhiên rộng lớn bên ngoài. Từ tình yêu với con sâu, cái kiến, khi các em lớn lên vài tuổi, tiếp xúc, tham gia công việc đồng áng với người lớn, các em yêu cả những con chim, con cò, con trâu, con nghé… quanh mình. Các bài đồng dao Gọi mẹ, Gọi nghé của trẻ mục đồng; đồng dao về chim, về lá, về hoa quả… đều toát lên một tình cảm yêu thiên nhiên, yêu lao động đậm đà bát ngát.

Đồng dao cung cấp cho các em kiến thức, không là kiến thức hệ thống như tư duy người lớn mà là trình bày liệt kê, dừng lại ở những nét bề ngoài dễ nhớ, dễ phân biệt, kích động trí tò mò ở trẻ em. Đó là công dụng đồ vật: “Con trâu cày xiên, cái liềm gặt lúa”, phân biệt giống vật “Chàng chàng lót ổ bụi tre, chèo bẻo lót ổ mái đình”. Hay dạy cho các em chơi chữ, tập quan sát: “No lòng phỉ dạ là con cá cơm, không ướp mà thơm là con cá ngát, liệng bay thấm thoát là con cá chim”. Phải chăng đây là cách dạy từ ngữ vui nhộn phù hợp với các em, làm các em nhớ đến tên loài vật xung quanh mình?

Bên cạnh đó, đồng dao còn là một kho kiến thức xã hội, về hội hè, đình đám, trong họ ngoài làng, về đồ ăn, thức uống: “Những nồi cơm nếp, những tệp bánh chưng, mứt bí, mứt gừng, mứt chanh, mứt khế”. Các em được chuẩn bị từ tuổi hoa niên những kiến thức về nghề nghiệp trong xã hội sau này: “Ông thầy có sách, thợ ngạnh có dao, thợ rèn có búa” hay: “Ai cày ruộng nuôi trâu, ai trồng dâu nuôi tằm, ai hay nằm nhịn đói”. Đồng dao cũng dạy các em phê phán thói hư tật xấu, sự lười nhác: “Cho đi học chữ – nhiều chữ ai vay, cho đi học thày – rằng nghề ấy khó, cho đi làm thợ – nói: nghề ấy buồn, cho đi học buôn – nói: nghề ngồi chợ”… Thậm chí, các em bé gái được đồng dao trang bị cho kiến thức nữ công gia chánh đặc biệt: “Bắt được cua bấy đem về nấu canh, băm tỏi băm hành, xương sông lá lốt”, hay “canh ốc thì ngọt, canh bứa thì chua”.

Đồng dao được các em hát trong lúc tổ chức trò chơi. Nhiều khi lời đồng dao được hát, tổ chức trò chơi dường như không có đề tài nào tập trung, gặp đâu nói đó, chỉ cốt cho vần vè, còn ý nghĩ chung thì rời rạc, câu nọ xọ câu kia, chuyện này sang chuyện khác. Trẻ em vẫn thích thú vì nó phù hợp với trí lực của các em, không thể đòi hỏi các em tư duy như người lớn được. Đồng dao và trò chơi trẻ em được tiếp thu bằng ấn tượng về ngoại vật chứ không phải bằng lý luận.

Có thể thấy việc học văn hóa cơ bản qua đồng dao và trò chơi không dạy chữ, thế mà các em vẫn đếm, vẫn tính nhẩm, cộng trừ từ “chuyền một” đến “chuyền mười”, từ “năm lên sáu” hay “bốn lên bảy” trong trò chơi chuyền chuyền… Trò chơi “đánh ô ăn quan” dạy trẻ em tính nhẩm về chia, trừ, quan sát chiều ngược, chiều xuôi để động não một cách tự lực chỉ có bạn mà không có thầy. Thật là một cách giáo dục có ý nghĩa.

Trò chơi còn giáo dục thể lực ở trẻ. “Đánh chuyền” với động tác “nâng lấy một, chộp lấy đôi, sang tay qua, ra tay chống” chẳng phải có tác dụng luyện gân, các cơ ở cổ tay, cánh tay, khuỷu tay cho bé gái sao? Trò “đánh khăng” ít nhiều là môn thể thao là sự vận động toàn diện kết thúc với chạy, nhảy, đuổi bắt, cõng nhau. Còn bao trò chơi khác với cách thức luyện tập khác nữa. Quan sát kỹ ta thường thấy các trò chơi thường lặp đi lặp lại. Người lớn xem hay chơi có thể chán, nhưng với trẻ em đó là một việc thú vị. Cùng cách chơi “Đuổi bắt” nhưng được các em biến hóa xê dịch trong nhiều trò chơi… Qua trò chơi, các em được dịp rèn luyện mắt, chân tay, luyện thính giác, khướu giác…

Và sau cùng đồng dao và trò chơi như những chất keo nối kết những tình bạn trong sáng, ngây thơ giữa lũ trẻ với nhau mà ta khó tìm thấy trong những trò chơi hiện đại ngày nay.

Kho tàng đồng dao Việt Nam quả thật là những hình thức giáo dục thiếu nhi, nhi đồng có hiệu quả. Tiếc rằng, với cuộc sống hiện tại, nó dần mai một đi trong thực tế.

Tôi thấy buồn vì người ta đã bỏ quên những khúc đồng dao đâu mất, loại chúng khỏi cuộc sống của trẻ con, xoá chúng khỏi kí ức của người lớn. Khi người ta còn nhớ về tuổi thơ, là người ta còn có thể sống tốt đẹp. Trở về với đồng dao, là trái tim ta trở về với niềm hứng khởi nguyên sơ và ngời sáng. Tình yêu cuộc sống bỗng trỗi dậy và được thanh lọc khỏi những bộn bề rác rưởi của bao nhiêu năm tháng bon chen.

Cuộc đời bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Và nhân loại, chẳng phải bắt đầu từ trẻ con đó sao?

Thắc mắc tên gọi một số địa danh Sài Gòn

Bài viết này được hình thành theo các tài liệu từ một số sách cũ của các học giả miền Nam: Vương Hồng Sển, Sơn Nam và cuốn Nguồn Gốc...

Chuyện cảm động về vua Lê Hiến Tông và bát canh của thầy

Chuyện vua Lê Hiến Tông thăm thầy cũ, dù lên ngai vàng vẫn giữ đạo nghĩa, cùng thầy ăn bữa cơm quê giản dị trở thành bài học về phép...

Khuôn mặt chính là phong thuỷ của bạn – Chuyện thú vị

“Tướng do tâm sinh” là câu nói xuất hiện cả trong Phật gia và Đạo gia. Thông thường chữ tướng ở đây là để chỉ hình thức biểu hiện của...

Gian lận thi cử trong lịch sử phong kiến Việt Nam

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, gian lận trong thi cử bị xử tội rất nặng, người vi phạm có thể bị bắt làm nô lệ,...

Những hình ảnh về cuộc di dân từ lục địa Trung Hoa sang Việt Nam

Tại miền Bắc, không có tài liệu nào ghi nhận sự di cư của người Hoa bằng đường bộ qua các ngõ biên giới, chỉ một số di dân các...

Những hình ảnh thân thương về Sài Gòn năm 1991 – Phần 1

Cùng ngắm những hình ảnh thân thương về Sài Gòn năm 1991 được ghi lại qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Đức Hans-Peter Grumpe. Chợ Bình Tây Chợ...

Chuyện chưa biết về Nam Phương Hoàng Hậu

Câu chuyện một con tem Cách đây hơn nửa thế kỷ, đúng ra là vào khoảng những năm 1943-1946 gì đó, tôi đang chỉ là một chú bé nhà quê....

Nữ minh tinh Jane Fonda ở Hà Nội năm 1972

Tháng 7/1972, khi không quân Mỹ mở chiến dịch ném bom dữ dội vào Hà Nội bằng máy bay B-52, ngôi sao điện ảnh Mỹ Jane Fonda đã ghé thăm...

Người phương Tây thán phục vua Gia Long – “Con người phi thường”

Về những kiến thức mà vua Gia Long Nguyễn Ánh học được từ phương Tây, chính sử trong nước không nhắc đến. Thế nhưng những ghi chép của người phương...

Trường học của thầy tôi trong xóm nhỏ

Ở trong một xóm cuối làng, dân cư lơ thơ, nhà ở xen với những đám ruộng thổ, một nếp nhà tranh đôi khi ở trong rừng mía rậm, ấy...

Chi tiết bên trong một tờ báo kinh tế đầu tiên ở Việt Nam

Nông Cổ Mín Đàm là tờ báo tiếng Việt thứ tư ra đời tại Sài Gòn (sau Gia Định Báo 1865; Thông Loại Khóa Trinh 1888; Phan Yên Báo 1898)....

Nghịch lý giáo dục Việt Nam – Điểm thi là mục đích

Nếu lợi tức của giáo dục vẫn tập trung vào các kỳ thi, vào tấm bằng, thì người ta sẽ còn xoay xở ra trăm phương ngàn kế để “đầu...

Exit mobile version