Site icon Tạp chí Đáng Nhớ

Về trang phục của phụ nữ Việt Nam thời hiện đại

Trang phục được hiểu là đồ che phủ hoặc quần áo, các đồ phụ trang cho thân thể con người. Ngoài những chức năng cơ bản như giữ ấm, bảo vệ cơ thể thì trang phục hiện đại còn giúp nhận biết người mặc ở một số yếu tố như giới tính, tuổi, nghề nghiệp, tính cách và góp phần giúp người mặc được hấp dẫn hơn.

Trong xã hội hiện đại, trang phục không chỉ thể hiện quan niệm thẩm mỹ, lối sống, trình độ của một nhóm người, một cá nhân mà còn thể hiện đặc trưng văn hóa của một cộng đồng. Đặc trưng văn hóa ở đây chính là tính truyền thống được bảo lưu kết hợp với sự tiếp thu các yếu tố của thời trang hiện đại và thuật ngữ “trang phục hiện đại” dùng để phân biệt với “trang phục truyền thống”. Có thể nói, trang phục hiện đại là một trong những sản phẩm hiện hữu mang tính đại diện cho nhận thức, thị hiếu thẩm mỹ của một cộng đồng và được hình thành từ nhiều yếu tố như điều kiện tự nhiên và môi trường xã hội nhân văn. Trang phục cũng được hình thành từ đặc điểm của công việc, giới tính và ngày nay, trang phục còn thể hiện nhu cầu được thể hiện cá tính của con người.

Sự xuất hiện của nữ phục hiện đại trên thế giới

Nữ phục hiện đại xuất hiện cùng với sự tham gia sâu rộng hơn của người phụ nữ vào lực lượng lao động trong giai đoạn cách mạng công nghiệp bùng nổ vào cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19. Các doanh nghiệp bắt đầu thu nhận ngày càng nhiều lao động nữ vào lĩnh vực hoạt động sản xuất, công việc của người phụ nữ đã có nhiều thay đổi phù hợp với xã hội mới. Sự thay đổi của phụ nữ về một cuộc sống năng động hơn được thể hiện rất rõ trong cách ăn mặc. Trang phục hiện đại được đánh dấu bằng những bộ quần áo đơn giản, gọn nhẹ như váy trở nên ngắn hơn xưa và áo cánh, áo sơ mi thắt eo mặc cùng váy rời được chấp nhận rộng rãi. Những bộ trang phục hiện đại tiếp theo tiến dần đến xu thế mềm mại, uyển chuyển, đặc biệt do sự ảnh hưởng của Thế chiến thứ nhất (1914), quần áo của phụ nữ cũng bớt cầu kỳ hơn. Chúng có màu đơn sắc, đường cắt đơn giản và độ ngắn vừa phải để tiện di chuyển và làm việc.

Những thập niên sau đó, thiết kế trang phục nữ hướng dần đến việc giải phóng cơ thể khỏi những bộ đồ rộng thùng thình và xuất hiện ngày càng nhiều váy hạ eo với phần dưới hơi xòe hoặc dáng suông, điểm xuyết bởi tua rua hoặc ren ngang đầu gối; quần dài hay những bộ trang phục được thiết kế chiết eo, vai tròn, dài tầm trung.

Thập niên 60, 70 của thế kỷ 20, phong trào bình quyền của phụ nữ lan rộng nhiều nơi ở phương Tây đã phá vỡ những rào cản trong quan niệm từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, mở rộng hơn các lĩnh vực việc làm, có nhiều cơ hội để lựa chọn công việc mình mong đợi (1) . Hình ảnh phái đẹp được biết đến với người phụ nữ tự do, tự tin về giới tính cũng như năng lực bản thân. Đi cùng với đó là sự xuất hiện nhiều bộ trang phục có khuynh hướng phá vỡ những tư duy lối mòn trong thiết kế trước đây với nhiều phong cách mới như váy ngang đùi, bộ trang phục gồm áo tay lửng, quần âu đi kèm với chân váy dáng suông. Lúc này, phụ nữ thoải mái hơn khi thể hiện cái tôi cá nhân qua trang phục theo hướng ôm gọn cơ thể hơn, thậm chí quần ống vẩy, quần jeans, áo phông, giày Sneaker (2) và áo nỉ được phổ biến trong lựa chọn trang phục nữ vào đầu những năm 1970. Cho đến ngày nay, trang phục của người phụ nữ với nhiều phong cách, thay đổi theo mùa và mỗi năm có một xu thế biểu hiện mới.

Sự xuất hiện trang phục hiện đại ở Việt Nam

Khái niệm trang phục hiện đại ở Việt Nam chỉ được đặt ra khoảng những năm đầu của thế kỷ 20. Khi đó, xã hội Việt Nam đang ở trong giai đoạn nửa thuộc địa, nửa phong kiến với nhiều biến chuyển sâu sắc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong giai đoạn này, nhiều bộ âu phục được du nhập cho phù hợp với lối sống ở đô thị, cùng với đó là một số bộ trang phục truyền thống cũng được cách tân. Tiêu biểu nhất cho xu hướng này là bộ quần áo dài tân thời trong những giai đoạn thập niên 30, 40 của thế kỷ 20. Đó là hình thức trang phục nữ được cải tiến từ áo truyền thống như áo tứ thân, ngũ thân (3) với sự thay đổi hai vạt trước, sau (4) mặc với quần sa tanh và đi giày cao gót. Cùng với đó là áo cổ tròn, quần âu cũng đã bắt đầu xuất hiện.

Ngày 20 tháng 3 – 1947, trong tác phẩm Đời sống mới, Hồ Chí Minh, với bút hiệu Tân Sinh, đã viết bài vận động người dân bỏ thói quen mặc áo dài để thay bằng áo vắn vì mặc áo dài đi đứng, làm việc bất tiện, lượt thượt, luộm thuộm. Áo dài tốn vải, khoảng hai cái áo dài may được ba cái áo vắn, nếu chỉ mặc áo vắn có thể sẻn được 200 triệu đồng/năm. Áo dài không hợp với phụ nữ Việt Nam đời sống mới (5). Lúc này, trang phục trong lao động của người phụ nữ dần thay bằng áo cánh nâu, theo hướng thân áo may sát eo hơn, vạt áo lượn vòng, cổ tròn, trong mặc áo lót không tay, quần phin đen nhưng vẫn vấn, chít khăn vuông mỏ quạ. Kiểu trang phục này gọn gàng, khỏe khoắn, thuận tiện trong lao động sản xuất theo phương thức mới và phù hợp với bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.

Cùng với sự vận động chung của xã hội qua từng giai đoạn, trang phục người phụ nữ cũng có nhiều biến đổi cho phù hợp với hoàn cảnh và công việc khác nhau nhưng vẫn giữ được yếu tố truyền thống và gắn liền với đặc điểm vùng miền. Trang phục của người phụ nữ làm việc trong các cơ quan Nhà nước thường mặc những áo sơ mi đại cán, tay thẳng, cổ hình cánh nhạn với chất liệu kaki màu xanh, xám hoặc be hồng. Những chiếc nón quai thao, guốc hay vấn tóc được thay bằng cặp tóc, buộc khăn trên đầu, đi giày vải hay dép cao su đen… Thường phục trong sinh hoạt của người phụ nữ thời kỳ này còn có váy, áo dài cách tân (6) cùng với áo cánh nâu, áo bà ba, áo sơ mi chiết li với nhiều kiểu cổ như hình quả tim, cổ thìa, cổ vuông; vai áo cũng có nhiều kiểu dáng như vai bồng, vai liền, vai tra, vai chéo… Ngoài ra còn có kiểu áo mở tà hay áo cánh bướm, cánh dơi.

Hai thế giới. Tranh của Đào Quốc Huy

Phải đến những năm cuối thế kỷ 20, trang phục của người phụ nữ chú ý đến vóc dáng của mỗi cá nhân theo hướng tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Điều này cũng phù hợp với bối cảnh xã hội đã và đang mở cửa trên nhiều phương diện, cả về kinh tế lẫn văn hóa nghệ thuật. Những chiếc váy hiện đại đã bắt đầu xuất hiện nhiều trên đường phố và người phụ nữ lựa chọn trang phục theo quan điểm của cá nhân. Quá trình hội nhập sau này cũng tạo nên những xu hướng thời trang theo những phong cách khác nhau trên thế giới, dẫn đến sự xung đột trong nhận thức về vẻ đẹp giữa truyền thống và hiện đại.

Qua tìm hiểu, chúng ta dễ nhận thấy rằng trang phục hiện đại của người phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn đầu thường có xu hướng đơn giản, thiên về những màu trầm, màu dịu tạo cảm giác nhẹ nhàng, hòa điệu với cảnh quan xung quanh. Trong nữ phục cũng không biểu hiện sự phân biệt giai cấp hay mang quá nhiều chức năng xã hội, trên mỗi bộ nữ phục thể hiện rõ chức năng sử dụng và thẩm mỹ. Yếu tố xã hội xuất hiện trên trang phục chỉ xuất hiện trong một giai đoạn nhất định nhưng không để lại nhiều dấu ấn quá rõ rệt trong diễn trình phát triển của nữ phục. Sự phát triển nữ phục hiện đại ở Việt Nam cũng phần nào theo xu thế chung của thế giới, khi mà những bộ trang phục truyền thồng dần được thay thế bằng những trang phục hiện đại phù hợp với sự phát triển chung của xã hội cũng như điều kiện làm việc, lao động theo phương thức mới. Tuy nhiên, cũng do điều kiện đặc thù riêng của Việt Nam nên sự phát triển của nữ phục cũng có những đặc điểm riêng, đó là sự tương đồng, thống nhất của việc lựa chọn trang phục trong một thời gian dài và điều này phù hợp trong bối cảnh xã hội những thập niên 50 đến 70 của thế kỷ trước, khi cả nước đang trong công cuộc thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sau giai đoạn này, đất nước bị cô lập, cấm vận về nhiều mặt nên trang phục của người dân nói chung cũng không có nhiều biến chuyển. Chỉ đến khi đất nước đổi mới (1986) sự thay đổi trên nhiều phương diện như việc xuất khẩu lao động, giao thương rộng rãi hơn với các nước đã đem đến làn sóng giao lưu văn hóa rộng mở và nhiều kiểu trang phục, lối ăn mặc được nhanh chóng du nhập vào nước ta, tiêu biểu nhất có thể kể đến là sự thay đổi của váy cưới, hay nhiều bộ đồ dạ tiệc theo xu hướng châu Âu. Cùng với đó là nhiều thế hệ nhà thiết kế thời trang (7) được đào tạo bài bản đã mang lại những sắc thái mới khi kết hợp được những yếu tố hiện đại và dân tộc trong những bộ trang phục của mình.

Như vậy, sự phát triển của trang phục hiện đại người phụ nữ có nhiều biến đổi qua những thời kỳ khác nhau với những đặc trưng riêng. Cùng với sự tiếp biến của làn sóng thời trang du nhập từ ngoài vào, nữ phục hiện đại của người Việt đã có bước chuyển hóa khi phù hợp với thực tiễn của lối sống mới, cũng như đa dạng, phong phú mà không đánh mất những giá trị riêng. Đó là con đường phát triển hợp logic của trang phục Việt từ truyền thống đến hiện đại trong quá trình hội nhập.

———————————

Chú thích:

1. Betty Friedan (1962), The Feminine Mystique, W.W. Norton and Co., United States, ISBN0-393-32257-2.
2. Là loại giày có đế mềm làm bằng cao su hoặc vật liệu tổng hợp ít tạo ra tiếng động, có phần trên được làm bằng da hoặc vải bạt. Trước được sử dụng trong thể thao nhưng nay đã phổ biến trong giới trẻ…
3. Áo tứ thân thích hợp cho người phụ nữ miền quê quanh năm cần cù bươn chải, gánh gồng tháo vát. Áo ngũ thân là kiểu áo tứ thân được cách tân để giảm chế nét dân dã lao động và gia tăng dáng dấp trang trọng khuê các, trong đó cải biến ở chỗ vạt nửa trước được thu bé lại trở thành vạt con; thêm một vạt thứ năm nằm ở dưới vạt trước. Áo ngũ thân che kín thân hình không để hở áo lót.
4. Tiêu biểu như áo dài Le Mur (1930), áo dài Lê Phổ (1934).
5. Hồ Chí Minh, Về đạo đức cách mạng, Nxb Chính trị quốc gia, 2007, tr.14.
6. Tà và eo rộng, chiều dài ngang đầu gối, cổ cao có lót cứng, ống tay hẹp.
7. Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Trương Thanh Hải, Hoàng Hải…

Giải mã hình vẽ trống Đồng Ngọc Lũ: bộ lịch của người Việt cổ

Lời nói đầu:Theo sự phân loại của Hê-gơ, và bản tổng kê của các nhà khảo cổ tại miền Bắc, trong sách Thời Đại Đồng Thau, những trống đồng loại 1...

Bi kịch một thời của vua lốp Nguyễn Văn Chẩn

“Chẳng hiểu sao gã tá điền suốt ngày quần quật bóc lốp, ăn không dám ăn no, mặc chỉ dám dùng loại rẻ tiền nhất mà lại bị liệt vào...

Gò Thành – Chứng tích nghìn tuổi của vương quốc Phù Nam

Di chỉ khảo cổ học Gò Thành ở Tiền Giang là chứng tích quý giá về nền văn hoá Óc Eo của vương quốc Phù Nam, có niên đại từ...

Ảnh tư liệu về Hà Nội năm 1885

Sở chỉ huy Pháo binh Pháp trong thành Hà Nội, toàn cảnh chùa Báo Ân, khu nhượng địa bên bờ sông Hồng… là những hình ảnh tư liệu hiếm có...

Nguồn gốc lịch sử tên gọi Phù Tang của đất nước Nhật Bản

Không hiểu từ đâu và bao giờ, “Phù Tang” đã mặc nhiên trở thành một mỹ từ để chỉ nước Nhật trong tiếng Việt. Từ này thường được người ta...

Xứ Đàng Trong thế kỷ 17 – Phần 1 – Quốc hiệu và diện tích của xứ nầy

Vào đầu thế kỷ 17, nghĩa là trước đây gần 400 năm, đã có một người Ý tới Đàng Trong. Trong gần năm năm trời, ông đã xem xét và...

Cái nhìn đối chiếu giữa hai chữ viết tiếng Việt

Như chúng ta đã biết, để ghi tiếng Việt chúng ta có hai thứ chữ viết, chữ nôm và chữ quốc ngữ : - chữ nôm là chữ viết được hình thành dựa theo chữ...

Phạm Trọng – Nhạc sĩ “Trường Làng Tôi” và “Mùa Thu không trở lại”

Phạm Trọng sáng tác khá nhiều. Nhưng thính giả vẫn nhớ đến ông nhiều nhất qua hai ca khúc Mùa Thu Không Trở Lại và Trường Làng Tôi. Những người...

Chuyện Thúng, Mủng, Rổ, Rá

Lúa đã cấy xong, nước nôi ngoài ruộng cũng đã ổn, được hôm rảnh việc, anh Tuy đem rựa ra ngồi dựa gốc mít vót nan để đan thêm mấy...

Thuở ban đầu nhạc Việt, chỉ nhẹ nhàng thế thôi!

Cái thuở ban đầu sơ khai của lời ca, tình yêu vẫn phải dùng từ Hán Việt là “ái tình” và “cái sự yêu đương nhau” còn được gọi là...

Saint Paul Tu Viện Đầu Tiên Ở Sài Gòn

Cách nay gần 160 năm (1862) trên đất Sài Gòn xuất hiện một tu viện dòng Saint Paul de Chartres (Thánh Paul thành Chartres) do Mẹ bề trên Révérend Benjamin...

Vẻ đẹp “ngỡ ngàng” của những công trình kiến trúc Pháp cổ tại Hà Nội

Thủ đô Hà Nội, bên cạnh những tòa nhà cao tầng, hiện đại, đan xen với nó là những vẻ đẹp của kiến trúc Pháp cổ. Nhà hát lớn, Nhà...

Exit mobile version