Những người sống ở Saigon trong những năm xưa ở thập niên 1960 đều có biết đến dầu cù la màu xanh hiệu “Mac Phsu”. Dầu bạc hà “Mac Phsu”, cũng như dầu khuynh diệp của bác sĩ Tín, rất phổ thông đuợc nhiều tầng lớp dân chúng dùng ở khắp miền Nam.
Dầu “cù là” là dầu từ Miến Điện. Người Nam bộ xưa kia gọi nước Miến Điện là Cù Là. Vào cuối thế kỷ 19 người Cù Là (Miến Điện) đã đến miền Tây buôn bán. Ở gần Rạch Giá, có xóm gọi là xóm Cù Là, thuộc làng Vĩnh Hòa Hiệp, cách chợ Rạch Giá khoảng 13 cây số, nơi họ đến dịnh cư và buôn bán (5) (6).. Xóm Cù Là ở Rạch Giá ngày nay hãy còn tên.
Tổng đại lý của dầu cù là Mac Phsu tại Sài Gòn trước đây nằm trên đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi, quận nhất), gần nhà thờ Huyện Sĩ, cách cổng xe lửa (nay đã bỏ) chỉ có mấy căn phố. Phía sau lưng nó nay là đường Phạm Ngũ Lão, ngó qua chợ Thái Bình. Dầu cù là Mac Phsu được quảng cáo khắp nơi ở miền Nam Việt Nam như trên báo chí, biển quảng cáo ở các chợ (như chợ An Đông, chợ Thái Bình,..), ở các hiệu buôn, hiệu thuốc. Dầu của bà Daw Pyu được quảng cáo là dầu cù là, dầu gió hay dầu bạc hà chửa trị “tứ thời cảm mạo”.Bà Daw Pyu mỗi lần đi quảng cáo dầu cù là, có lúc lại dẫn theo một con voi, con voi này sau được giao cho thảo cầm viên sở thú Saigon. Tên con voi là Xà Kum.
Như đã đề cập ở trên, bà Daw Phyu là một người con hiếu thảo và mộ đạo Phật như nhiều người Miến Điện khác. Khi nghe tin thượng tọa Sayadaw từ Miến Điện sẽ đến Cam Bốt, bà Daw Phyu đã thân hành đi đến Phnom Penh để gặp ngài và mời ngài đến Saigon, đài thọ tất cả chi phí để làm lễ theo tục lệ Phật giáo tại mộ của cha bà là hoàng tử Myingun. Từ Cam Bốt, thượng tọa Sayadaw và các thân tín tháp tùng đến Saigon để hoàn thành như yêu cầu của một người đồng hương mộ đạo. Sau năm 1975, công ty sản xuất dầu Mac-Phsu không còn hoạt động, bà Daw Phyu và đa số con cháu đã đi định cư ở nước ngoài. Dầu cù là Mac-Phsu nay chỉ còn trong ký ức của những người Saigon xưa