Những tài liệu của FBI miêu tả “tên đồ tể bệnh hoạn xứ Kingsbury Run” có một cách thức giết người vô cùng khủng khiếp và man rợ.
Những cái xác luôn bị hắn băm vằm, xé nát thành nhiều mảnh và được bọc kín trong các thùng, túi. Hắn sẽ đem những thùng chứa đầy mảnh xác ấy đặt tại các đại lộ lớn với một bức thư trêu ngươi.
Bí ẩn chưa lời giải về “tên đồ tể bệnh hoạn”
Từ năm 1934 – 1938, “Torso Killer” hay còn được biết đến với biệt danh “tên đồ tể bệnh hoạn xứ Kingsbury Run” đã biến Kingsbury Run thuộc tiểu bang Ohio (Mỹ) thành sân chơi cho những trò giết chóc ghê rợn. Hắn cũng biến giới hình sự Mỹ thành những “anh cảnh sát bù nhìn”.
Cho tới giờ phút này, ngoài những nạn nhân bị hắn băm vằm, chưa một ai được trông thấy mặt tên sát nhân bí ẩn.
Giới hình sự nước này cũng chưa một lần chạm trán “tên đồ tể”, thế nên cũng có nhiều quan niệm khác nhau về thân phận của hắn.
Một trong những tấm thiệp châm biếm tên giết người gửi cho Eliot Ness
Nhiều ý kiến cho rằng, “Torso Killer” là một tập đoàn, một băng nhóm lấy việc giết chóc làm niềm vui. Chúng đi lang thang trong tiểu bang và tìm kiếm những nạn nhân không tên tuổi để giết làm thú vui.
Tuy nhiên, quan niệm trên không được đồng tình. Những người tẩy chay quan điểm trên cho rằng: “Torso Killer” chỉ có một tên duy nhất và hắn là tay sai của quỷ.
Nếu “Torso Killer” là một nhóm người, một băng đảng hẳn các nhà chức năng đã có thể lần theo và phát hiện ra chúng.
Ở trong một đội, anh luôn dễ bị phát hiện hơn nếu chỉ có một mình”, một nhân viên điều tra đã về hưu cho biết.
Giả thiết “Torso Killer” chỉ là một tên sát nhân bệnh hoạn nhưng vô cùng hiểm ác được nhiều người chấp nhận.
Theo CNN, người ta tin rằng hắn buộc phải chịu trách nhiệm cho hơn 30 vụ giết người tại Kingsbury Run và cả những tiểu bang khác. Hầu hết các nạn nhân của “Torso Killer” không bao giờ có thể xác định được danh tính, những vụ án có những cái chết thảm khốc đó cũng không bao giờ có một lời giải đáp thỏa đáng.
Với hy vọng kìm hãm trò giết chóc kinh hoàng của “Tên đồ tể bệnh hoạn”. Năm 1934, chính quyền nơi đây quyết định điều vị thanh tra nổi tiếng Eliot Ness giữ chức giám đốc An ninh thành phố Cleveland, đối đầu với “Torso Killer”.
Những “thành tích” kinh hoàng của tên đồ tể
Kingsbury Run từng là một thành phố ổ chuột, được biết đến như nơi chuyên “cung cấp” gái mại dâm, những kẻ vô gia cư và hầu hết những nạn nhân cho tên sát nhân lang bạt nổi tiếng máu lạnh này.
Theo những kết quả điều tra của Eliot Ness, ít nhất cũng có tới hơn 13 tài liệu về những vụ giết người rùng rợn, man rợ và bệnh hoạn vào loại bậc nhất lịch sử có liên quan đến “Torso Killer”.
“Tên đồ tể” có một cách thức giết chóc vô cùng khủng khiếp và man rợ. Những nạn nhân của hắn đều bị chặt mất đầu, lột hết các dấu vân tay.
Những cái xác bị hắn băm nát thành nhiều mảnh và được bọc kín trong các thùng, túi. Hắn đem những thùng chứa đầy mảnh xác ấy đặt tại các đại lộ lớn với một bức thư trêu ngươi.
Giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử Cleveland, Ohio bắt đầu vào tháng 9/1934, khi nửa thân trên của xác một người phụ nữ được bảo quản kỹ lưỡng bị phát hiện khi nó đang dạt vào bờ hồ Erie gần Bratenahl.
Khám nghiệm cái xác bọc kỹ trong lớp vải đen đã ố vàng, các nhân viên điều tra ghi nhận: nạn nhân bị chặt làm đôi từ thắt lưng bằng hung khí rất bén.
Vết cắt rất ngọt, phần ngực và hai tay vẫn còn nguyên, tuy nhiên, cái xác không còn đầu. Những đầu ngón tay của nạn nhân cũng bị lột sạch da.
Tháng 9/1935, tại Jackass Hill, một khu vực thuộc Kingsbury Run, người ta lại phát hiện hai thi thể của hai nạn nhân khác. Cả hai đều là nam giới.
Cả hai cái xác đều bị chặt đầu, tùng xẻo cùng một cách thức. Một trong những nạn nhân về sau được xác định là Edward Andrassy 28 tuổi, nạn nhân thứ 2 khoảng 40 tuổi cho đến nay vẫn chưa được nhận dạng một cách chính xác.
Thanh tra Eliot Ness nhận định: “Với những nạn nhân mới, tên giết người ra tay càng tàn bạo hơn, dã man hơn, thú tính hơn.
Tháng Giêng năm 1936, vài bọc trong đó có chứa những mảnh xác của Florence Polillo, được bày bừa bãi ngay trước cao ốc Hart Manufacturing cũ, sát đường E20.
Nạn nhân cũng bị chặt mất đầu và người ta cũng không bao giờ tìm thấy nó, phần duy nhất còn thiếu trong những cái bọc ấy.
Nếu như người qua đường không tò mò vì thấy dòng máu tươi rỉ ra từ cái bọc đen loang ra đường, hẳn người ta sẽ chỉ nghĩ đó là một bao rác bình thường.
Một vài tháng sau, tháng 6/1936, đầu của một thanh niên trẻ lại được tìm thấy gần cây cầu trên đường E.55.
Tên sát nhân rải các mảnh xác của nạn nhân trước sở cảnh sát gần đấy và kèm theo một thư với lời đe dọa: “ Rất có thể ngày mai sẽ đến lượt bạn”.
Thất vọng về việc bất lực trong xác định các nạn nhân, cảnh sát đã cho nặn mặt nạ của nạn nhân thứ 5 bằng thạch cao và đem trưng bày tại triển lãm Great Lakes với hy vọng sẽ tìm ra một vài manh mối từ đông đảo công chúng đến xem. Tuy nhiên những nỗ lực ấy đều đi vào ngõ cụt.
Từ tháng 7/1936 đến hết năm 1938, thêm 7 người nữa trở thành nạn nhân của tên sát nhân Torso.
Hầu hết các nạn nhân đều bị giết hại cùng một cách: bị chặt đầu, thân thể bị băm vằm, những mảnh vụn của thi thể được vứt vương vãi ở những nơi đông người như các khu tập thể thao gần đường số E.37 của Kingsbury Run, trước các tòa cao ốc, văn phòng cảnh sát, các đại lộ, bên dưới cầu Lorain-Carnegie…
Trong những trường hợp ấy, duy chỉ có nạn nhân Rose Wallace là được xác định một cách đầy đủ, rõ ràng.
Nỗ lực vô vọng của vị thanh tra có tiếng
Tên sát nhân thực sự đã đẩy sức chịu đựng của Eliot Ness đến giới hạn cuối cùng, buộc ông phải tung ra những tuyệt kỹ.
Theo những thông tin rò rỉ mà CNN ghi nhận, Eliot Ness đã triển khai hơn 500 trinh sát lẻn lỏi, thâm nhập vào các tụ điểm được ông khoanh vùng từ trước.
Vào thời gian đó, người xứ này tin rằng: hầu hết các tay ăn xin, các anh tài xế lái xe, các cô lao công làm việc tại đây đều là cảnh sát chìm.
Tuy nhiên, những ngón đòn của Eliot Ness tung ra đều không một lần chạm được vào người tên đồ tể bí ẩn.
Để đáp lại những đòn hiểm của vị thanh tra nổi tiếng, tên đồ tể sau khi ém mình ít tháng. Ngày 16/7/1937, người ta lại phát hiện một nam nạn nhân bị băm nát và vứt vương vãi những mảnh xác xung quanh bờ sông Cuyahoga.
Không để Eliot Ness nhọc công tìm, tên hung thủ viết hẳn một lá thư châm chọc đầy sỉ nhục cho ông.
Thư có đoạn: “Tôi vẫn ngay đây, bên cạnh ông và chơi trò giết mổ”.
Tiếp đó, không để ông có thời gian điều tra cái xác không đầu, ngày 16/ 8/1938 hắn lại ra tay.
Lần này, tên giết người trắng trợn đem những bộ phận thi thể của một nữ nạn nhân vừa bị tùng xẻo treo trên cột điện trên đường số E.9 và Lakeside, nơi ông có thể mục kích một cách rõ ràng qua cửa sổ từ phòng làm việc của mình.
Sau hôm ấy, người ta không thấy Eliot Ness làm việc trong phòng của mình khiến ông giận đến tái mặt.
Hai ngày sau vụ ấy, ngày 18/8, Eliot Ness công bố cuộc truy quét tên đồ tể trên toàn bộ khu vực Kingsbury Run.
Trong cuộc truy quét này, Eliot Ness và đồng đội đã phá tan, đốt trụi các khu ổ chuột của Kingsbury Run được cho là nơi chứa chấp, lẩn trốn của tên giết người bí ẩn.
Tuy nhiên, vị thanh tra nổi tiếng từng là khắc tinh của bọn tội phạm đặc biệt nguy hiểm vẫn không thu được gì ngoài sự cáo buộc là đã tàn phá Kingsbury Run.
Chính quyền tiểu bang không thấy ông công bố bất cứ một cái tên chính xác nào về tên sát nhân khét tiếng.
Ông mất uy tín với chính quyền và niềm tin của dân chúng. Sau vụ đấy, tên sát nhân lại gửi cho ông những tấm bưu thiếp với chủ ý châm chọc và sỉ nhục.
Tuy nhiên, một ngày nọ, bỗng dưng chính quyền không còn nhận được bất kỳ một thông báo nào về những vụ giết người man rợ như trên.
Tên đồ tể đã dừng lại? Có thể hắn đã chết trong những nhà thương điên, hoặc đã rời bỏ Ohio, nơi hắn đã lập nên kỳ tích về giết chóc để lên đường tìm kiếm những vùng đất khác cùng những nạn nhân khác? Cho tới nay, đó vẫn là những điều bí ẩn không có lời giải.